Hướng dẫn nhanh: Cách kiểm tra sổ đỏ có bị thế chấp không

Thế chấp, giải chấp sổ đỏ là gì? Sổ hồng, sổ đỏ thế chấp ngân hàng có bán được không? Cách kiểm tra sổ hồng, kiểm tra sổ đỏ có thế chấp ngân hàng không?

Trong quá trình mua bán nhà đất, việc đảm bảo rằng mảnh đất hay ngôi nhà bạn định mua không bị tranh chấp hoặc đang bị thế chấp, cầm cố là vô cùng quan trọng. Điều này không chỉ giúp đảm bảo quyền lợi pháp lý của bạn mà còn giúp tránh được những rủi ro không mong muốn trong tương lai.

Vậy làm sao để kiểm tra sổ đỏ có bị thế chấp không? Hoặc làm thế nào để biết sổ hồng hay sổ đỏ đã xóa thế chấp ngân hàng hay chưa? Bài viết này sẽ hướng dẫn bạn chi tiết cách kiểm tra thế chấp ngân hàng đối với sổ hồng, sổ đỏ.

Xóa chấp hay giải chấp sổ đỏ, sổ hồng là gì?

1. Sổ hồng là gì? Sổ đỏ là gì?

Sổ hồng, sổ đỏ là tên gọi quen thuộc mà mọi người thường dựa vào màu sắc bìa để phân biệt 2 loại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất. 

Tên gọi chính xác trên văn bản pháp luật của sổ đỏ và sổ hồng cụ thể: 

  • Sổ đỏ là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, được cấp từ trước ngày 10/12/2009;
  • Sổ hồng là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, được cấp và áp dụng trên toàn quốc từ ngày 10/12/2009.

>> Tham khảo thêm: Cách phân biệt sổ đỏ và sổ hồng.

2. Xóa thế chấp sổ đỏ, sổ hồng là gì?

Xóa thế chấp sổ hồng hay giải chấp sổ đỏ, giải chấp sổ hồng đều là từ dùng để nói về việc hủy bỏ biện pháp đăng ký thế chấp đối với tài sản là quyền sử dụng đất, nhà ở và các tài sản gắn liền với đất được ghi trong sổ đỏ hoặc sổ hồng.

Sổ hồng, sổ đỏ đã xóa thế chấp ngân hàng có nghĩa là quyền sử dụng đất, nhà ở hoặc các tài sản khác gắn liền với đất đã không còn bị cầm cố hoặc thế chấp bởi ngân hàng nữa. Ngân hàng sẽ trả lại sổ hồng, sổ đỏ cho chủ sở hữu để có thể tự do thực hiện các giao dịch chuyển nhượng, mua bán.

Việc xóa thế chấp sổ hồng, sổ đỏ tại ngân hàng thường được thực hiện khi người thế chấp đã thanh toán hoặc giải ngân hết số tiền vay mà khi đó đã sử dụng sổ hồng, sổ đỏ làm tài sản đảm bảo nghĩa vụ thanh toán nợ cho ngân hàng. 

Đồng thời, giải chấp ngân hàng là một trong những thủ tục người thế chấp tài sản tại ngân hàng bắt buộc phải làm khi đến hạn trả nợ gốc.

>> Tham khảo thêm: Hồ sơ, thủ tục xóa thế chấp sổ đỏ tại ngân hàng.

Cách kiểm tra sổ hồng, cách kiểm tra sổ đỏ có bị thế chấp không

Dưới đây là 3 cách kiểm tra tình trạng thế chấp ngân hàng, nghĩa vụ nộp thuế nhà đất đơn giản mà bạn có thể tham khảo.

1. Tìm hiểu thông tin từ cư dân sống lân cận

Trước khi thực hiện các giao dịch mua bán nhà đất, bạn có thể hỏi những cư dân sống xung quanh mảnh đất hay căn nhà mà bạn chuẩn bị mua. Họ có thể sẽ có thông tin về các giao dịch trước đó hoặc các thông tin liên quan đến lịch sử lô đất, căn nhà…

Tuy nhiên, cách này thường không khả quan, bạn chỉ nên tham khảo để có thêm thông tin. Nếu muốn đảm bảo tính chính xác hơn, bạn nên cân nhắc các cách bên dưới.

2. Kiểm tra thông tin sổ đỏ, sổ hồng

➤ Kiểm tra tình trạng thế chấp tại trang 4 của sổ đỏ, sổ hồng

Trang số 4 của sổ đỏ, sổ hồng chứa thông tin về mã vạch, thông tin thay đổi sau khi đã được cấp sổ đỏ, sổ hồng (bao gồm các vấn đề chuyển nhượng, mua bán, thừa kế, thế chấp, giải chấp…) và các nội dung lưu ý khác.

Ngoài ra, nếu cuối trang 4 có ghi dòng chữ “Kèm theo giấy chứng nhận này có trang bổ sung: 01” thì có nghĩa là có thêm 1 trang bổ sung kèm theo sổ hồng, sổ đỏ. Trong đó ghi rõ những thay đổi, cập nhật nhà, đất có bị thế chấp hay đã xóa thế chấp ngân hàng trong quá trình cấp sổ.

  • Nếu sổ đỏ, sổ hồng đang bị thế chấp ngân hàng hay đã xóa thế chấp thì sẽ ghi rõ thế chấp/xóa thế chấp tại ngân hàng nào, thời gian thế chấp và các thông tin có liên quan khác;
  • Nếu sổ đỏ, sổ hồng không bị thế chấp thì sẽ để trống hoặc có các thông tin về các giao dịch chuyển nhượng, mua bán khác.

Thông tin về tình trạng thế chấp hay đã xóa thế chấp được đề cập tại trang này. Do đó khi nhận sổ hồng, sổ đỏ bạn nên yêu cầu chủ sở hữu cung cấp thêm trang bổ sung này.

➤ Kiểm tra nghĩa vụ nộp thuế

Trong trường hợp sổ đỏ, sổ hồng bị mang thế chấp ngân hàng hoặc vướng phải các yêu cầu pháp lý (chẳng hạn chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế) thì mình có thể kiểm tra theo từng trường hợp như sau:

  • Trường hợp chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thì nội dung này sẽ được thể hiện tại mục “Những thay đổi sau khi cấp giấy chứng nhận” (thuộc mục IV trên sổ hồng hoặc mục VI trên sổ đỏ);
  • Trường hợp ghi nợ hay được miễn, giảm các nghĩa vụ tài chính thì nội dung này sẽ được thể hiện tại 1 trong 2 nơi:
    • Hoặc tại điểm “Ghi chú” trên trang 2 của sổ hồng, sổ đỏ;
    • Hoặc tại mục “Những thay đổi sau khi cấp giấy chứng nhận” (thuộc mục IV trên sổ hồng hoặc mục VI trên sổ đỏ). 

Thông tin về ghi nợ hoặc xóa nợ nghĩa vụ tài chính được quy định như sau:

  • Trường hợp đã xác định được sổ tiền nợ khi ghi nợ nghĩa vụ tài chính thì ghi “Nợ… (khoản nghĩa vụ tài chính, số tiền nợ bằng số và chữ) theo… (tên, số hiệu, ngày ký và cơ quan ký giấy tờ xác nhận số tiền nợ);
  • Trường hợp chưa xác định được số tiền nợ khi ghi nghĩa vụ tài chính thì ghi “Nợ… (khoản nghĩa vụ tài chính);
  • Trường hợp khoản nợ nghĩa vụ tài chính đã được xóa thì ghi “Đã được xóa nợ… (khoản nghĩa vụ tài chính được xóa nợ) theo… (ghi tên, số hiệu, ngày ký và cơ quan ký văn bản xác nhận xóa nợ)”;
  • Trường hợp người sử dụng đất đã hoàn tất nghĩa vụ tài chính thì ghi “Đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo… (tên, số hiệu, ngày ký, cơ quan ký chứng từ hoàn tất nghĩa vụ tài chính).

Vì vậy, khi chủ sở hữu sổ hồng, sổ đỏ chưa nộp đủ các khoản thuế theo quy định của pháp luật thì trên sổ hồng, sổ đỏ sẽ có dấu đỏ xác nhận của cơ quan có thẩm quyền.

3. Kiểm tra sổ hồng, kiểm tra sổ đỏ tại văn phòng công chứng

Đối với cách làm này, bạn cần yêu cầu chủ sở hữu cung cấp bản sao sổ hồng, sổ đỏ và mang đến văn phòng công chứng để kiểm tra trạng thái thế chấp của sổ hồng, sổ đỏ. Các công chứng viên sẽ giúp bạn kiểm tra thông tin trên sổ xem có đang bị thế chấp ngân hàng không. 

Tuy nhiên, với cách kiểm tra tài sản thế chấp này bạn có thể sẽ nộp phí tùy thuộc vào quy định của mỗi văn phòng công chứng.

Ngoài ra, bạn cũng có thể mang bản sao sổ hồng, sổ đỏ đến cơ quan chức năng dưới đây để kiểm tra tình trạng thế chấp của sổ hồng, sổ đỏ:

  • Văn phòng đăng ký đất đai cấp tỉnh/thành phố;
  • Chi nhánh của văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện/quận. 

>> Tìm hiểu thêm: Địa chỉ văn phòng đăng ký đất đai - TP. HCM, Hà Nội và Đà Nẵng.

--------

Hiện nay, nhiều đối tượng mua bán nhà đất làm giả sổ hồng, sổ đỏ và che giấu tình trạng quyền sử dụng đất đai, nhà ở rất tinh vi. Do đó, để đề phòng những rắc rối tiềm ẩn gây bất lợi về sau, Anpha khuyên bạn nên mang toàn bộ các loại giấy tờ có liên quan đến việc mua bán nhà đất đến văn phòng công chứng nơi công chứng hợp đồng mua bán. Tại đây, các công chứng viên sẽ kiểm tra và tư vấn chi tiết hơn.

>> Có thể bạn quan tâm: Cách phân biệt sổ hồng thật và giả.

Sổ hồng, sổ đỏ thế chấp ngân hàng có thực hiện mua bán được không?

Căn cứ Khoản 8 Điều 320 Bộ luật Dân sự 2015 quy định không được bán, thay thế, trao đổi hay tặng cho tài sản đang thế chấp, ngoại trừ các trường hợp sau:

  1. Tài sản đang thế chấp là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Khi đó, tài sản thế chấp được tính ở đây là tiền thanh toán, tiền thu được, tài sản hình thành từ số tiền thu được, tài sản được thay thế hoặc trao đổi;
  2. Đối với tài sản thế chấp là kho hàng thì bên thế chấp có thể thay thế hàng hóa trong kho, nhưng giá trị hàng hóa trong kho phải đảm bảo đúng như thỏa thuận;
  3. Tài sản thế chấp không phải là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh, có sự đồng ý của bên thế chấp hoặc theo quy định của pháp luật.

Như vậy, không được phép mua bán đất đai, tài sản đang thế chấp tại ngân hàng. Tuy nhiên, nếu ngân hàng cho phép thực hiện mua bán thì vẫn có thể thực hiện giao dịch này. 

Ngoài ra, theo Khoản 6 Điều 321 Bộ luật này, chủ sở hữu tài sản đang thế chấp được phép cho thuê hoặc cho mượn tài sản này, nhưng phải thông báo cho bên thuê hoặc bên mượn biết tài sản đang thế chấp.

Câu hỏi thường gặp khi kiểm tra sổ hồng, kiểm tra sổ đỏ thế chấp ngân hàng

1. Sổ hồng, sổ đỏ thế chấp ngân hàng có bán được không?

Theo quy định của pháp luật, không được phép mua bán đất đai, tài sản đang thế chấp tại ngân hàng. Tuy nhiên, nếu ngân hàng cho phép thực hiện mua bán thì vẫn có thể thực hiện giao dịch này. 

>> Xem chi tiết: Sổ hồng, sổ đỏ thế chấp ngân hàng có bán được không?

2. Xóa thế chấp sổ đỏ, sổ hồng là gì?

Xóa chấp sổ đỏ, sổ hồng là việc hủy bỏ đăng ký thế chấp đối với tài sản là quyền sử dụng đất, nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất được ghi trong sổ hồng, sổ đỏ. 

>> Xem chi tiết: Giải chấp sổ đỏ, sổ hồng là gì?

3. Sổ hồng, sổ đỏ là gì?

Tuy chưa có quy định cụ thể về khái niệm sổ đỏ, sổ hồng, nhưng có thể hiểu 2 loại sổ này như sau:

  • Sổ đỏ là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, được cấp từ trước ngày 10/12/2009;
  • Sổ hồng là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, được cấp và áp dụng trên toàn quốc từ ngày 10/12/2009.

>> Xem chi tiết: Sổ đỏ là gì, sổ hồng là gì?

4. Có mấy cách kiểm tra sổ đỏ có thế chấp ngân hàng?

Có 3 cách kiểm tra sổ đỏ có đang thế chấp ngân hay không đó là:

  • Tìm hiểu thông tin từ cư dân sống lân cận;
  • Kiểm tra thông tin trên sổ đỏ;
  • Kiểm tra tại cơ quan chức năng.

>> Xem chi tiết: Cách kiểm tra sổ đỏ có bị thế chấp không.

Gọi cho chúng tôi theo số 0984 477 711 (Miền Bắc) - 0903 003 779 (Miền Trung) -  0908 742 789 (Miền Nam) để được hỗ trợ.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Đánh giá chất lượng bài viết, bạn nhé!

0.0

Chưa có đánh giá nào
Chọn đánh giá

Gửi đánh giá

BÌNH LUẬN - HỎI ĐÁP

Hãy để lại câu hỏi của bạn, chúng tôi sẽ trả lời TRONG 15 PHÚT

SĐT và email sẽ được ẩn để bảo mật thông tin của bạn GỬI NHANH