Sổ hồng là gì? Cách phân biệt sổ hồng thật giả tránh lừa đảo

Sổ hồng là gì? Hướng dẫn 6 cách phân biệt sổ hồng thật và giả tránh bị lừa đảo. Các hình thức làm giả sổ hồng (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) hiện nay.

Sổ hồng là gì?

Hiện nay, sổ hồng (hay bìa hồng) là tên gọi của giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Đây là giấy tờ pháp lý để nhà nước xác nhận quyền sở hữu và quyền sử dụng hợp pháp của một người đối với đất, nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất.

Sổ hồng là tên gọi dùng để phân biệt giữa “giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất” với “giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” (còn được gọi là sổ đỏ - mẫu cũ).

Sổ hồng được cấp bởi UBND cấp tỉnh hoặc UBND quận/huyện/thị xã, trong đó có các nội dung gồm:

  • Quyền sử dụng đất ở (số thửa, số tờ bản đồ, diện tích sử dụng, loại đất, thời hạn sử dụng…);
  • Quyền sở hữu nhà ở (diện tích xây dựng, số tầng, kết cấu ngôi nhà, diện tích sử dụng chung, diện tích sử dụng riêng…).

Các hình thức làm giả sổ hồng phổ biến

Việc làm giả giấy tờ nhà đất nói chung hay sổ hồng nói riêng ngày càng tinh vi và khó phát hiện, vậy nên bạn cần cảnh giác khi thực hiện các giao dịch mua bán, sang nhượng nhà đất trên sổ hồng.

Một số cách thức làm giả sổ hồng hiện nay như:

➨ Làm giả sổ hồng từ phôi sổ thật: Hình thức làm giả này tương đối khó phát hiện bằng cách kiểm tra thủ công, nếu không chắc chắn về tính xác thực của sổ, tốt nhất bạn nên mang cơ quan địa chính hoặc phòng công chứng để được hỗ trợ kiểm tra.

➨ Làm giả sổ hồng hoàn toàn: Đây là cách phổ biến nhiều kẻ gian sử dụng để lừa đảo, các thông tin của thửa đất trên sổ hồng trong trường hợp này thường đúng sự thật, lô đất được giao bán với giá thấp để hấp dẫn người mua. Tuy nhiên vì được làm giả hoàn toàn, nên cách thức này dễ bị phát hiện qua các biện pháp kiểm tra thông thường của những người có kinh nghiệm.

➨ Đánh tráo sổ thật: Đây là cách ít gặp, kẻ lừa đảo thường mượn sổ thật của chủ đất rồi đánh tráo, sau đó dùng sổ thật của chủ để đem đi lừa đảo. Vì vậy, chủ đất nên hạn chế đưa sổ hồng bản gốc cho người khác hoặc chỉ nên đưa bản photo để người mua xem.

Hướng dẫn cách phân biệt sổ hồng thật giả - tránh lừa đảo

Sổ hồng hiện nay gồm 1 tờ có 4 trang, được in trên nền hoa văn trống đồng, có màu hồng cánh sen cụ thể như sau:

  • Trang 1 là tên người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;
  • Trang 2 là thông tin về đất, nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất;
  • Trang 3 là sơ đồ thửa đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, những thay đổi của thửa đất sau khi cấp giấy chứng nhận;
  • Trang 4 là những thay đổi sau khi cấp sổ hồng (ví dụ thông tin về việc tặng cho, chuyển nhượng đất và nhà ở được ghi ở trang 3 và trang 4).

Ngoài ra, với các sổ hồng đã được cấp lại do chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho… thì sổ hồng còn có thêm trang bổ sung nền trắng.

Dựa vào đặc điểm của từng trang, sẽ có khá nhiều cách giúp bạn kiểm tra và nhận biết được đây là sổ hồng thật hay sổ hồng giả. Dưới đây là 1 số cách kiểm tra bạn có thể tham khảo.

1. Kiểm tra hoa văn trên sổ hồng bằng kính lúp

Bạn có thể sử dụng kính lúp để kiểm tra các họa tiết trống đồng trên sổ hồng một cách đơn giản:

  • Đối với sổ hồng thật, các họa tiết được in bằng phương pháp in offser nên rất sắc nét, tinh tế, màu mực đồng đều trên cùng 1 chi tiết in;
  • Đối với sổ hồng giả chủ yếu được in màu kỹ thuật số, nên các chi tiết không được sắc nét, nét mực trên 1 chi tiết có chỗ đậm nhạt khác nhau, không đồng đều.

2. Dùng ánh sáng mạnh của đèn pin, đèn điện thoại để kiểm tra

Ở mặt trước (trang1) của sổ hồng, phía dưới cùng bên phải có dấu nổi của quốc huy và mã số hiệu của sổ hồng. Bạn có thể chiếu đèn pin hoặc chiếu sáng từ đèn điện thoại vào vị trí này nghiêng 1 góc từ 10 - 20 độ so với mặt giấy để kiểm tra:

  • Sổ hồng thật thì hình quốc huy và mã số hiệu sẽ trùng nhau, vì được in bằng kỹ thuật Typo;
  • Sổ hồng giả thì hình quốc huy và mã số hiệu sẽ không khớp nhau, số hiệu thường bị lệch ra so với hình quốc huy in nổi.

3. Kiểm tra các vị trí trên sổ hồng có thể tẩy xóa cơ học

Việc tẩy xóa cơ học thường xảy ra với trường hợp làm giả sổ hồng trên phôi sổ thật, kẻ lừa đảo có thể dùng các biện pháp tẩy xóa tinh vi để chỉnh sửa, xóa thông tin trên phôi sổ gốc, sau đó chỉnh sửa thành thông tin đất giả mạo.

Bạn có thể dùng kính lúp để soi và kiểm kiểm tra kỹ các chi tiết dưới đây xem có dấu hiệu tẩy xóa hay không, cụ thể như:

  • Mã vạch, số thửa, số tờ của đất;
  • Số quyết định cấp sổ, số vào sổ;
  • Hình thức sử dụng đất;
  • Loại đất và thời hạn sử dụng;
  • Diện tích đất bằng số, bằng chữ.

Ngoài ra, nếu sổ hồng có trang bổ sung, bạn cần kiểm tra các thông tin trên trang này có bị tẩy xóa hay không, nhất là thông tin về chuyển quyền sử dụng đất và diện tích.

4. Kiểm tra mã vạch của sổ hồng

Mã vạch của sổ hồng được in màu đen, nằm phía dưới cùng góc bên phải của trang số 4. Phần mã vạch này được cơ quan nhà nước dùng để quản lý, tra cứu các thông tin về sổ hồng và hồ sơ cấp sổ hồng. 

Mã vạch của sổ hồng thường có tổng 13 số và có cấu trúc dạng: MV = MX.MN.ST. Trong đó:

  • MX là mã đơn vị hành chính cấp xã nơi có khu đất. Để kiểm tra, hãy đối chiếu mã đơn vị hành chính của xã, phường, thị trấn nơi có đất với mã trên sổ đỏ. Khi kiểm tra, đầu tiên, bạn cần đối chiếu mã đơn vị hành chính (MX) của xã, phường, thị trấn nơi có khu đất nằm trong khu vực với số hiệu trên sổ hồng có khớp nhau hay không;
  • MN là mã của năm cấp sổ đỏ, bao gồm 2 chữ số sau cùng của năm ký cấp sổ đỏ. Ví dụ: 23 nghĩa là sổ hồng này được cấp năm 2023;
  • ST là số thứ tự lưu trữ hồ sơ thủ tục đăng ký đất đai tương ứng với sổ hồng được cấp lần đầu tiên theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Trường hợp kiểm tra thấy mã đơn vị hành chính cấp xã, mã năm cấp sổ không đúng thì bạn có thể khẳng định đây là sổ giả mà không cần kiểm tra số thứ tự lưu trữ hồ sơ.

Lưu ý:

1) Trường hợp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ hồng) do UBND cấp tỉnh cấp cho tổ chức thì trước mã số đơn vị hành chính cấp xã sẽ có thêm mã tỉnh. Như vậy, trong trường hợp này thì mã vạch trên sổ hồng sẽ có 15 số, các trường hợp còn lại sẽ có 13 số như trên.

2) Các sổ hồng khác nhau có thể có cùng 1 mã lưu trữ hồ sơ thủ tục đăng ký đất đai. Trường hợp này xảy ra khi 1 hồ sơ đăng ký phải ghi vào nhiều giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do nội dung quá dài (nội dung này được hướng dẫn tại Điểm c, Khoản 9 Điều 6 và Khoản 8 Điều 7 ban hành tại Thông tư 23/2014/NĐ-CP).

5. Tra cứu thông tin sổ hồng, sổ đỏ online

Hiện nay, các tỉnh thành đều có trang tra cứu thông tin quy hoạch online để phục vụ người dân tra cứu thông tin về đất đai. Người dân có thể truy cập và tìm kiếm thông tin về khu đất theo tọa độ, số thửa đất được ghi trên sổ hồng. 

Ví dụ về trang tra cứu thông tin quy hoạch của một số tỉnh thành như sau:

6. Kiểm tra sổ hồng thật - giả tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền

Các cách kiểm tra trên không khó nhưng thường phải cần người có kinh nghiệm, chuyên môn về bất động sản mới có thể phát hiện sổ hồng thật giả. Để chắc chắn, bạn có thể đem sổ tới kiểm tra tại cơ quan nhà nước nơi cấp sổ được ghi trong sổ.

Hiện nay, người mua có thể đến 1 trong các cơ quan nhà nước sau đây để làm thủ tục xin kiểm tra sổ hồng, cụ thể:

  • Văn phòng đăng ký đất đai hoặc chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai: Đây là địa chỉ uy tín nhất để kiểm tra và xác minh các thông tin liên quan đến sổ;
  • Sở Tài nguyên và Môi trường: Đối với các tỉnh hoặc địa phương chưa thành lập văn phòng đăng ký đất đai thì Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện cấp sổ hồng, sổ đỏ cho tổ chức, cơ sở tôn giáo…;
  • UBND cấp huyện/thị xã/thành phố trực thuộc tỉnh: Đây là đơn vị cấp sổ hồng, sổ đỏ cho cá nhân, hộ gia đình.

Gọi cho chúng tôi theo số 0984 477 711 (Miền Bắc) - 0903 003 779 (Miền Trung) -  0908 742 789 (Miền Nam) để được hỗ trợ.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Đánh giá chất lượng bài viết, bạn nhé!

0.0

Chưa có đánh giá nào
Chọn đánh giá

Gửi đánh giá

BÌNH LUẬN - HỎI ĐÁP

Hãy để lại câu hỏi của bạn, chúng tôi sẽ trả lời TRONG 15 PHÚT

SĐT và email sẽ được ẩn để bảo mật thông tin của bạn GỬI NHANH