Bán rượu trên Shopee, kinh doanh rượu bia online trên sàn thương mại điện tử, website được không? Điều kiện kinh doanh rượu & cách kinh doanh rượu online?
Rượu bia từ lâu đã trở thành một thức uống không thể thiếu trong cuộc sống thường ngày, nhất là các dịp lễ, Tết của nước ta. Bên cạnh các cửa hàng kinh doanh bia rượu truyền thống, chúng ta thường thấy nhiều website, trang thương mại điện tử bán rượu công khai. Vậy hình thức kinh doanh rượu online có hợp pháp không? Làm sao thể được kinh doanh bia rượu trên internet. Cùng Anpha tìm hiểu chi tiết trong bài viết này nhé.
Kinh doanh thương mại điện tử là gì?
Theo Nghị định 52/2013/NĐ-CP, hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) là việc thực hiện một phần hoặc toàn bộ quá trình thương mại bằng phương tiện điện tử có kết nối internet, kết nối mạng di động viễn thông hoặc bất cứ hình thức mạng mở nào khác.
Theo Nghị định 85/2021/NĐ-CP, dịch vụ thương mại điện tử chính là hoạt động thương mại điện tử. Tổ chức, thương nhân khi hoạt động kinh doanh thương mại điện tử sẽ thiết kế, xây dựng website để làm nơi thực hiện việc kinh doanh, mua bán với các tổ chức, thương nhân và cá nhân khác.
Hiểu đơn giản, kinh doanh thương mại chính là hoạt động kinh doanh online, trong đó hoạt động trao đổi mua - bán hàng hóa được thực hiện trực tuyến qua internet.
Hiện nay, hoạt động kinh doanh TMĐT được diễn ra thông qua website thương mại điện tử hoặc sàn giao dịch thương mại điện tử (hay thường gọi là sàn thương mại điện tử). Trong đó:
- Website thương mại điện tử là trang web do tổ chức, cá nhân tự thiết lập để phục vụ mục đích bán hàng của tổ chức, cá nhân đó;
- Sàn thương mại điện tử chính là một website thương mại điện tử của một tổ chức trung gian, được thiết lập với mục đích cung cấp môi trường để cho bên mua và bên bán thực hiện các giao dịch mua bán hàng hóa. Một số sàn thương mại điện tử phổ biến hiện nay tại Việt Nam có thể kể đến như: Shopee, Lazada, Tiki...
Kinh doanh rượu bia online theo hình thức thương mại điện tử có hợp pháp?
Kinh doanh rượu bia theo hình thức thương mại điện tử là việc thương nhân tiến hành mua bán rượu bia trên website do họ tự thiết lập hoặc thực hiện bán rượu bia qua sàn thương mại điện tử (chẳng hạn bán rượu trên shopee).
Vậy mua bán bia rượu online, kinh doanh rượu bia theo hình thức thương mại điện tử có hợp pháp không? Trước ngày 01/01/2020, hoạt động kinh doanh rượu, bán rượu bia trên internet bị cấm theo quy định tại Nghị định 94/2012/NĐ-CP về sản xuất, kinh doanh rượu.
Tuy nhiên, từ ngày 01/01/2020, Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia 2019 có hiệu lực đã cho phép thương nhân, tổ chức được kinh doanh đồ uống có cồn theo hình thức thương mại điện tử.
Ngoài ra, từ ngày 22/03/2020, quy định cấm bán rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên được quy định tại Nghị định 105/2017/NĐ-CP cũng bị bãi bỏ bởi Khoản 2 Điều 17 Nghị định 17/2020/NĐ-CP.
Như vậy, hoạt động mua bán rượu bia theo hình thức thương mại điện tử (hay bán rượu qua internet) hiện nay là hoàn toàn hợp pháp theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên khi thực hiện kinh doanh phải tuân thủ các quy định của pháp luật liên quan (nếu có). |
Để được kinh doanh bia rượu online theo hình thức TMĐT, thương nhân vừa phải đáp ứng các điều kiện về kinh doanh rượu bia theo quy định chung của pháp luật, vừa phải đáp ứng các quy định riêng của của kênh thương mại điện tử.
1. Đáp ứng điều kiện kinh doanh rượu của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019
➨ Thương nhân kinh doanh rượu có nồng độ cồn từ 5,5 độ trở lên phải đáp ứng 2 điều kiện sau:
- Phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật;
- Đáp ứng điều kiện của từng loại hình kinh doanh rượu;
➨ Thương nhân kinh doanh rượu có độ cồn dưới 5,5 độ phải đáp ứng 3 điều kiện sau:
- Phải có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc giấy phép kinh doanh của hợp tác xã/liên hiệp hợp tác;
- Đảm bảo các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm đối với rượu, bia;
- Đăng ký với cơ quan chức năng có thẩm quyền trước khi tiến hành hoạt động kinh doanh.
➨ Rượu, bia được kinh doanh và lưu hành tại Việt Nam phải tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng sản phẩm, hàng hóa và an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.
>> Xem chi tiết: Điều kiện xin giấy phép kinh doanh rượu (bán buôn, bán lẻ…)
2. Đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật về thương mại điện tử
Các quy định liên quan đến hoạt động thương mại điện tử đối với doanh nghiệp tự thiết lập website thương mại điện tử và tổ chức cung cấp dịch vụ sàn thương mại điện tử được quy định chi tiết tại Nghị định 52/2013/NĐ-CP.
Theo đó, cá nhân, tổ chức bán rượu bia theo hình thức thương mại điện tử cần đáp ứng các điều kiện dưới đây:
➨ Trường hợp cá nhân, tổ chức bán rượu bia trên website do cá nhân, tổ chức tự thiết lập:
- Thông báo với Bộ Công thương về website bán rượu bia có chức năng đặt hàng trực tuyến;
- Cung cấp đầy đủ thông tin sau đây cho khách hàng về website bao gồm: thông tin chủ sở hữu của website, mặt hàng bia rượu kinh doanh, giá cả, hình thức thanh toán, thông tin về dịch vụ vận chuyển hàng hóa và các điều khoản của hợp đồng mua bán…
➨ Trường hợp bán rượu bia trên sàn thương mại điện tử:
- Cá nhân, tổ chức kinh doanh bia rượu trên sàn thương mại điện tử phải cung cấp chính xác và đầy đủ các thông tin của cá nhân, tổ chức đó, các thông tin về mặt hàng rượu bia kinh doanh cho tổ chức cung cấp dịch vụ sàn thương mại điện tử;
- Cam kết tính trung thực, chính xác của các thông tin về hàng hóa bán trên sàn thương mại điện tử.
Ví dụ:
Doanh nghiệp bán rượu trên Shopee phải cung cấp đủ các thông tin như: tên công ty, mã số thuế, địa chỉ trụ sở, nơi cấp, ngày cấp giấy phép kinh doanh, tên loại bia rượu, thành phần, nguồn gốc, xuất xứ… cho Shopee.
3. Không thực hiện hoạt động bán rượu bia cho người dưới 18 tuổi
Tổ chức cung cấp dịch vụ sàn thương mại điện tử và cá nhân, tổ chức bán rượu bia theo hinh thức thương mại điện tử phải thực hiện các biện pháp ngăn ngừa khách hàng chưa đủ 18 tuổi tiếp cận, truy cập hoặc tìm kiếm thông tin và mua rượu, bia theo hình thức thương mại điện tử. Cụ thể:
- Trước khi người truy cập tiếp cận, tìm kiếm thông tin, người mua phải khai báo tên, địa chỉ cư trú và phương thức thanh toán không dùng tiền mặt (ví dụ như tài khoản ngân hàng hoặc các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt khác);
- Thông tin về sản phẩm rượu, bia trên website thương mại điện tử của tổ chức, cá nhân bán rượu, bia không được quảng cáo hoặc liên kết đến tài khoản người dùng dưới 18 tuổi hoặc các trang, kênh, phương tiện thông tin khác trên mạng không dành riêng cho những người dưới 18 tuổi hoặc có đa số người sử dụng, truy cập dưới 18 tuổi;
- Tổ chức, cá nhân bán rượu, bia có trách nhiệm kiểm tra tuổi của người nhận hàng nếu nghi ngờ về độ tuổi của họ, phải đảm bảo người nhận hàng từ 18 tuổi trở lên khi giao hàng.
4. Áp dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt
Dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt bao gồm dịch vụ thanh toán qua tài khoản ngân hàng và một số dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng.
5. Đáp ứng các quy định riêng của sàn thương mại điện tử
Khi kinh doanh rượu, bia trực tuyến, ngoài việc tuân thủ các quy định pháp luật kể trên, người bán cần phải tuân thủ các quy định riêng của các kênh, các sàn thương mại điện tử.
Ví dụ:
Sàn thương mại điện tử Shopee đã đưa ra một số quy định về đăng bán đồ uống có cồn đối với người bán như sau:
- Cần tuân thủ pháp luật và không kinh doanh hàng giả, hàng nhái, đặc biệt là đối với sản phẩm rượu;
- Có giấy phép kinh doanh rượu (giấy phép bán buôn rượu, giấy phép bán lẻ rượu… tương ứng với hình thức kinh doanh);
- Có các giấy tờ chứng minh khác như: chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, hợp đồng, hóa đơn mua bán, tờ khai hải quan, giấy xác nhận phù hợp quy định ATTP, giấy phép nhập khẩu rượu, giấy phép bán lẻ rượu của đơn vị kinh doanh rượu;
- Người bán phải đăng bán sản phẩm trong ngành hàng "bách hóa online - đồ uống có cồn" và nêu rõ thông tin về nồng độ cồn và hạn sử dụng trong phần mô tả sản phẩm.
Ngoài ra, Shopee cũng giới hạn đăng bán những loại bia rượu có mức nồng độ cồn vượt quá quy định như:
- Không được đăng bán bia và đồ uống có cồn từ 15 độ trở lên;
- Không được bán các sản phẩm rượu các loại.
Các trường hợp vi phạm có thể bị Shopee xóa sản phẩm, bị tính điểm “sao quả tạ” vì đăng bán sản phẩm vi phạm hoặc nghiêm trọng hơn là khóa tài khoản bán hàng.
4 bước kinh doanh rượu bia online qua kênh thương mại điện tử
Dựa theo những quy định, điều kiện về kinh doanh rượu bia ở trên, Anpha đã giúp bạn tổng hợp 4 bước cơ bản sau đây để kinh doanh bia rượu trên sàn thương mại điện tử. Cụ thể như sau:
➨ Bước 1: Xin giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh
Tại bước này, bạn phải thực hiện thủ tục thành lập công ty hoặc thành lập hộ kinh doanh cá thể và đăng ký ngành nghề kinh doanh bia rượu.
Trường hợp đã có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của công ty hoặc hộ kinh doanh nhưng chưa đăng ký ngành nghề kinh doanh bia rượu thì bạn cần thực hiện thủ tục bổ sung ngành nghề này theo quy định.
Tham khảo bài viết:
>> Dịch vụ thành lập công ty - trọn gói từ 1.000.000 đồng;
>> Dịch vụ đăng ký hộ kinh doanh cá thể - trọn gói 1.500.000 đồng;
>> Dịch vụ bổ sung ngành nghề kinh doanh - trọn gói 1.000.000 đồng.
➨ Bước 2: Xin giấy phép kinh doanh bia rượu (giấy phép con)
Tùy vào mô hình kinh doanh mà bạn cần xin các loại giấy phép sau:
>> Xem chi tiết: Thủ tục xin giấy phép kinh doanh rượu bia.
➨ Bước 3: Thiết lập kênh bán hàng thương mại điện tử
Trường hợp doanh nghiệp, cá nhân muốn thực hiện bán rượu bia trên website mình tự thiết lập thì phải làm thủ tục thông báo website với Bộ Công thương theo quy định.
Trường hợp cá nhân, doanh nghiệp muốn bán rượu bia trên sàn thương mại điện tử (chẳng hạn như bán rượu trên Shopee) thì cần liên hệ với bên sàn thương mại điện tử để thực hiện thủ tục mở tài khoản bán hàng.
➨ Bước 4: Thiết lập sản phẩm và hình thức thanh toán, hình thức vận chuyển
Sau khi đã được Bộ Công thương cấp phép hoạt động cho website bán hàng, hoặc sau khi đã đăng ký tài khoản bán hàng thành công trên sàn thương mại điện tử, bạn cần thực hiện các việc sau:
- Thiết lập thông tin chi tiết về sản phẩm rượu bia trên website/gian hàng: hình ảnh, chủng loại hàng, giá bán, nguồn gốc xuất xứ, thời hạn sử dụng, mùi vị, dung tích rượu…;
- Thiết lập hình thức đặt hàng: số lượng đặt hàng tối thiểu/tối đa, thông tin người mua hàng, độ tuổi mua hàng…;
- Thiết lập hình thức thanh toán: thanh toán chuyển khoản qua tài khoản ngân hàng hay hình thức thanh toán không dùng tiền mặt khác…;
- Thiết lập phương thức vận chuyển…
Sau khi hoàn tất đầy đủ các giấy tờ pháp lý và thiết lập các thông tin bán hàng xong, doanh nghiệp có thể thực hiện đăng tải sản phẩm lên website để bắt đầu bán hàng. Đối với các sản phẩm đăng bán trên sàn thương mại điện tử, sau khi bên sàn kiểm tra và phê duyệt thì sản phẩm bia rượu của bạn đã được chính thức bán trên sàn.
Các câu hỏi thường gặp khi bán rượu, bia theo hình thức thương mại điện tử
1. Kinh doanh rượu bia qua theo hình thức thương mại điện tử là gì?
Kinh doanh rượu, bia qua kênh thương mại điện tử là việc trao đổi và buôn bán rượu, bia, sử dụng các trang web thương mại điện tử để kết nối người mua và người bán. Thương nhân thực hiện hoạt động mua bán rượu bia trên website bán hàng do họ thiết lập hoặc thực hiện bán rượu bia qua sàn thương mại điện tử.
2. Bán rượu trên sàn thương mại điện tử có hợp pháp không?
Có. Từ ngày 01/01/2020, Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia 2019 có hiệu lực đã cho phép thương nhân, tổ chức được kinh doanh đồ uống có cồn theo hình thức thương mại điện tử. Do vậy, hoạt động mua bán rượu bia theo hình thức thương mại điện tử hiện nay là hoàn toàn hợp pháp theo quy định của pháp luật.
3. Điều kiện bán rượu online trên website của công ty?
Doanh nghiệp kinh doanh bia rượu muốn thực hiện hoạt động bán rượu bia trên website của công ty thì phải thông báo với Bộ Công thương về website có chức năng bán hàng và chuẩn bị các giấy phép con liên quan đến hoạt động kinh doanh rượu theo quy định như: giấy phép bán buôn/bán lẻ rượu, giấy phép nhập khẩu, giấy phép an toàn thực phẩm…
4. Điều kiện bán rượu bia theo hình thức thương mại điện tử là gì?
Cá nhân, tổ chức bán rượu bia theo hình thức thương mại điện tử cần đáp ứng các điều kiện sau:
- Đáp ứng điều kiện kinh doanh rượu của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019;
- Tuân thủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về thương mại điện tử;
- Không bán rượu bia cho người chưa đủ 18 tuổi và có biện pháp ngăn chặn khách hàng chưa đủ 18 tuổi tiếp cận và mua rượu, bia theo hình thức thương mại điện tử;
- Áp dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.
>> Xem chi tiết: Điều kiện bán rượu bia theo hình thức thương mại điện tử.
5. Khi bán rượu, bia qua kênh TMĐT, làm sao để kiểm soát độ tuổi của người mua?
- Trang web bán hàng yêu cầu người mua xác nhận độ tuổi trước khi tiếp cận thông tin;
- Người mua phải thanh toán dưới hình thức thanh toán không dùng tiền mặt;
- Đảm bảo người nhận hàng từ 18 tuổi trở lên.
Gọi cho chúng tôi theo số 0984 477 711 (Miền Bắc) - 0903 003 779 (Miền Trung) - 0908 742 789 (Miền Nam) để được hỗ trợ.