Hợp đồng nhượng quyền thương mại là gì? Quy định, lưu ý cần biết khi soạn thảo hợp đồng nhượng quyền thương mại - Có mẫu hợp đồng cho bạn tham khảo.
Nhượng quyền thương mại là một hình thức kinh doanh phổ biến và hiệu quả tại Việt Nam. Tuy nhiên, việc soạn thảo hợp đồng nhượng quyền thương mại giữa thương nhân nhượng quyền và thương nhân nhận quyền như thế nào cho hợp pháp, chặt chẽ, hạn chế rủi ro thì không phải ai cũng nắm được. Bài viết sau đây của Anpha sẽ chia sẻ cho bạn những quy định và lưu ý quan trọng khi soạn thảo hợp đồng nhượng quyền thương mại.
Hợp đồng nhượng quyền thương mại là gì?
Nhượng quyền thương mại là hoạt động kinh doanh thương mại, trong đó bên nhượng quyền cho phép, yêu cầu bên nhận quyền được tự tiến hành hoạt động kinh doanh hàng hóa, cung cấp dịch vụ theo hệ thống của bên nhượng quyền. Việc nhượng quyền này phải đảm bảo các điều kiện nhất định được 2 bên thỏa thuận thông qua hợp đồng nhượng quyền thương mại đã ký kết.
Hợp đồng nhượng quyền thương mại (tiếng Anh là franchise agreement) là hợp đồng ghi nhận thỏa thuận của các bên về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các bên trong hoạt động nhượng quyền thương mại, đồng thời là căn cứ để bảo vệ quyền lợi cho các bên khi xảy ra tranh chấp hoặc khi có vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng.
Mẫu hợp đồng nhượng quyền thương mại mới nhất
Hiện nay, pháp luật không ban hành mẫu hợp đồng nhượng quyền thương mại cụ thể. Do đó, tùy theo thỏa thuận giữa 2 bên, mà thương nhân có thể tự soạn thảo hợp đồng nhượng quyền thương mại, miễn sao đảm bảo có đầy đủ các nội dung cơ bản như tại mục 2 dưới đây.
>> TẢI MIỄN PHÍ: Mẫu hợp đồng nhượng quyền thương mại.
Quy định pháp luật về hợp đồng nhượng quyền thương mại
1. Hình thức của hợp đồng nhượng quyền thương mại
Theo quy định, hợp đồng nhượng quyền thương mại phải được lập thành văn bản (ví dụ bản giấy, bản điện tử...) hoặc được lập theo các hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương.
2. Nội dung của hợp đồng nhượng quyền thương mại
➧ Theo Nghị định 35/2006/NĐ-CP, trường hợp các thương nhân lựa chọn áp dụng pháp luật Việt Nam để làm căn cứ pháp lý thực hiện hợp đồng nhượng quyền thương mại, thì hợp đồng phải bao gồm các nội dung sau đây:
- Nội dung quyền thương mại;
- Quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng (bên nhận quyền và bên nhượng quyền);
- Giá trị hợp đồng, phí nhượng quyền định kỳ và phương thức thanh toán cụ thể;
- Thời hạn hợp đồng có hiệu lực;
- Gia hạn, chấm dứt hợp đồng nhượng quyền và giải quyết tranh chấp.
Nội dung chi tiết về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của bên nhượng quyền và bên nhận quyền bạn có thể xem chi tiết tại bài viết “Quy định về nhượng quyền thương mại” của Anpha.
➧ Ngoài các thông tin cơ bản ở trên theo quy định, tương tự như các loại hợp đồng kinh doanh khác, hợp đồng nhượng quyền thương mại cũng cần phải có đầy đủ các nội dung sau:
- Căn cứ pháp lý của hợp đồng: Việc soạn thảo và thực hiện hợp đồng nhượng quyền thương mại được dựa trên các văn pháp luật cụ thể như: Luật Thương mại 2005, Nghị định 35/2006/NĐ-CP, Thông tư 04/2016/TT-BCT...;
- Thông tin bên nhượng quyền và bên nhận quyền: Số giấy phép đăng ký kinh doanh (nếu là pháp nhân), nơi cấp, ngày cấp; địa chỉ, số điện thoại liên hệ, email; tên người đại diện pháp luật, chức vụ, mã số CMND/CCCD;
- Thời gian, địa điểm tiến hành ký kết hợp đồng;
- Giải thích thuật ngữ chuyên môn: Các thuật ngữ chuyên môn liên quan đến thương hiệu, nhãn hiệu nhượng quyền phải được giải nghĩa một cách rõ ràng, chi tiết.
3. Thời điểm hợp đồng có hiệu lực
Thời điểm hợp đồng nhượng quyền thương mại có hiệu lực được tính từ thời điểm 2 bên hoàn thành việc ký kết, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Nếu trong hợp đồng nhượng quyền có nội dung đề cập đến việc chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ (ví dụ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý...) thì phần nội dung đó có hiệu lực theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.
4. Loại ngôn ngữ sử dụng trong hợp đồng
Theo quy định, thương nhân phải sử dụng tiếng Việt để soạn thảo hợp đồng nhượng quyền thương mại. Trường hợp nhượng quyền thương mại từ Việt Nam ra nước ngoài thì các bên tự thỏa thuận ngôn ngữ của hợp đồng.
Như vậy với các thương vụ nhượng quyền diễn ra giữa thương nhân Việt Nam và thương nhân nước ngoài, hợp đồng nhượng quyền thương mại nên được lập bằng 2 hay nhiều thứ tiếng (ví dụ tiếng Việt và tiếng Anh) nhưng cần quy định rõ sẽ sử dụng bản hợp đồng bằng tiếng Việt hay tiếng nước ngoài để làm căn cứ đối chiếu khi xảy ra sai lệch thông tin.
5. Thời hạn của hợp đồng
Thời hạn của hợp đồng nhượng quyền thương mại được quy định như sau:
- Thời hạn hiệu lực của hợp đồng nhượng quyền do 2 bên thỏa thuận;
- Hợp đồng nhượng quyền thương mại có thể được chấm dứt trước thời hạn thỏa thuận trong các trường hợp quy định tại mục 6 dưới đây.
6. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng
➧ Bên nhận quyền có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng nhượng quyền thương mại trong trường hợp bên nhượng quyền không hoàn thành một trong các nghĩa vụ quy định tại Điều 287 Luật Thương mại, cụ thể:
- Không cung cấp tài liệu hướng dẫn chi tiết về hệ thống kinh doanh nhượng quyền cho bên nhận quyền;
- Không đào tạo ban đầu và không cung cấp các trợ giúp kỹ thuật thường xuyên cho bên nhận quyền trong quá trình kinh doanh để bên nhận quyền điều hành hoạt động kinh doanh theo đúng hệ thống nhượng quyền thương mại;
- Không được bên nhượng quyền thiết kế, sắp xếp địa điểm bán hàng, cung ứng dịch vụ bằng chi phí của bên nhận quyền;
- Không được bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ hợp pháp đối với đối tượng được ghi trong hợp đồng nhượng quyền thương mại đã ký kết giữa 2 bên;
- Không được đối xử bình đẳng, công bằng với các thương nhân nhận quyền khác trong hệ thống nhượng quyền thương mại.
➧ Bên nhượng quyền có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng nhượng quyền khi bên nhận quyền thuộc 1 trong các trường hợp dưới đây:
- Bên nhận quyền không còn giấy phép đăng ký kinh doanh mà theo quy định pháp luật bên nhận quyền phải có để được tiến hành hoạt động kinh doanh theo phương thức nhượng quyền thương mại;
- Bên nhận quyền bị phá sản hoặc giải thể;
- Bên nhận quyền vi phạm pháp luật nghiêm trọng và có khả năng gây thiệt hại lớn và ảnh hưởng xấu tới uy tín của hệ thống nhượng quyền thương mại;
- Bên nhận quyền không khắc phục toàn bộ những vi phạm không cơ bản trong hợp đồng nhượng quyền trong một thời gian hợp lý, dù đã được bên nhượng quyền gửi thông báo bằng văn bản yêu cầu khắc phục vi phạm đó.
5 lưu ý quan trọng khi lập hợp đồng nhượng quyền thương mại
1. Về nội dung quyền thương mại
Quyền thương mại là một trong những nội dung chủ chốt, thể hiện các quyền và lợi ích của bên nhận quyền cũng như phạm vi trách nhiệm của bên nhượng quyền. Chính vì thế điều khoản về quyền thương mại này phải được ghi nhận một cách chi tiết, đầy đủ và gắn kết chặt chẽ với các điều khoản còn lại của hợp đồng.
Thông thường điều khoản về quyền thương mại sẽ ghi nhận 1 số nội dung chính sau:
- Thỏa thuận của 2 bên về việc bên nhượng quyền đồng ý cho bên nhận quyền được sử dụng, vận hành và kinh doanh theo hệ thống của bên nhượng quyền, thời hạn nhượng quyền là bao lâu, tính từ thời điểm nào, phạm vi áp dụng các quyền đối với bên nhận quyền;
- Nhãn hiệu bên nhận quyền được sử dụng cụ thể: tên nhãn hiệu, số văn bằng bảo hộ nhãn hiệu, nơi cấp, ngày cấp, nhãn hiệu thuộc sở hữu của cá nhân/tổ chức nào (trường hợp bên nhượng quyền không phải là chủ sở hữu nhãn hiệu mà chỉ là bên nhượng quyền thứ cấp);
- Quyền của bên nhận quyền đối với tên thương mại, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, thiết kế, trợ giúp kỹ thuật, nội dung biển hiệu quảng cáo... cũng cần được thỏa thuận rõ ràng.
2. Về nhãn hiệu được nhượng quyền
Với trường hợp bên nhượng quyền là chủ sở hữu hợp pháp của nhãn hiệu và các quyền sở hữu trí tuệ gắn liền với nhãn hiệu thì bên nhượng quyền cần phải quy định rõ ràng bên nhận quyền không được sử dụng bất kỳ nội dung nào của nhãn hiệu, khẩu hiệu kinh doanh, tên thương mại... để hoạt động với một mô hình kinh doanh khác hoặc nhượng quyền lại cho cá nhân, tổ chức khác khi chưa được sự chấp thuận của bên nhượng quyền.
Trường hợp nhãn hiệu của bên nhượng quyền chưa được cấp văn bằng bảo hộ, thì rủi ro với cả 2 bên, đặc biệt bên nhận quyền là rất lớn. Vì vậy bên nhận quyền cần đưa thêm điều khoản cụ thể về trách nhiệm của bên nhượng quyền đối với những thiệt hại của bên nhận quyền khi có vấn đề phát sinh xảy ra đối với nhãn hiệu, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của bên nhận quyền.
3. Về đào tạo nhân sự, chuyển giao công nghệ, phương thức quản lý
Sau khi ký kết hợp đồng, bên nhượng quyền có trách nhiệm chuyển giao công nghệ, kỹ thuật, phương thức quản lý, đào tạo nhân viên... cho bên nhận quyền. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp việc đào tạo hỗ trợ diễn ra trong thời gian quá ngắn, khiến bên nhận quyền chưa thể vận hành hệ thống một cách thuận lợi hoặc phải trả thêm phí để được tăng thêm thời gian đào tạo.
Vì vậy, với nội dung này, các bên cần lưu ý những điều sau:
- Thỏa thuận chi tiết về thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc đào tạo, địa điểm, nội dung, chương trình đào tạo;
- Chi phí đào tạo ban đầu, chi phí đào tạo bổ sung (nếu có), chi phí đào tạo này đã bao gồm các phụ phí khác như di chuyển, ăn ở, in ấn tài liệu chưa, bên nào sẽ phải chịu chi phí đào tạo này;
- Bên nhượng quyền có hay không có hỗ trợ đào tạo về quản lý, marketing, nhân sự, nội dung sản phẩm, dịch vụ... cho bên nhận quyền trong quá trình hoạt động để nâng cao khả năng cạnh tranh của bên nhận quyền.
4. Điều kiện gia hạn hợp đồng nhượng quyền thương mại
Trong nhiều thương vụ nhượng quyền thương mại, điều khoản về gia hạn hợp đồng nhượng quyền thường được ghi chung chung mà không nói rõ về điều kiện tự động gia hạn hợp đồng, chi phí gia hạn hợp đồng nhượng quyền thương mại cho kỳ hợp tác tiếp theo là bao nhiêu. Đây là một những điều khoản mà bên nhận quyền cần lưu tâm để tránh rơi vào thế bị động và bị ép giá khi gia hạn hợp đồng trong lúc công việc kinh doanh đang thuận lợi.
5. Xử lý tranh chấp, vi phạm điều khoản hợp đồng
Trong nhiều trường hợp, điều khoản vi phạm hợp đồng thường nhấn mạnh hành vi vi phạm hợp đồng và yêu cầu phải bồi thường thiệt hại đối với bên nhận quyền mà đối với bên nhượng quyền lại chỉ đề cập chung chung. Đây sẽ là bất lợi cho bên nhận quyền nếu bên nhượng quyền vi phạm hợp đồng trước. Vì vậy, nội dung điều khoản vi phạm hợp đồng cần nêu rõ hành vi vi phạm và yêu cầu bồi thường, phương thức và thời hạn bồi thường tổn thất đối với mỗi bên.
Trong trường hợp xảy ra tranh chấp về quyền, lợi ích cần nêu rõ: Nếu hai bên không giải quyết được theo hình thức thương lượng, hòa giải thì sẽ đưa ra Tòa án, Trọng tài thương mại tại nơi nào để giải quyết.
Một số câu hỏi thường gặp về hợp đồng nhượng quyền thương mại
1. Franchise agreement là gì?
Franchise agreement có nghĩa là hợp đồng nhượng quyền thương mại. Đây là hợp đồng ghi nhận thỏa thuận của các bên về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các bên trong hoạt động nhượng quyền thương mại, đồng thời là căn cứ để bảo vệ quyền lợi cho các bên khi xảy ra tranh chấp hoặc khi có vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng.
2. Hợp đồng nhượng quyền thương mại phải có những nội dung gì?
Trường hợp các thương nhân lựa chọn áp dụng pháp luật Việt Nam để làm căn cứ pháp lý thực hiện hợp đồng nhượng quyền thương mại, thì hợp đồng phải bao gồm các nội dung sau đây:
- Nội dung quyền thương mại;
- Quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng (bên nhận quyền và bên nhượng quyền);
- Giá trị hợp đồng, phí nhượng quyền định kỳ và phương thức thanh toán cụ thể;
- Thời hạn hợp đồng có hiệu lực;
- Gia hạn, chấm dứt hợp đồng nhượng quyền và giải quyết tranh chấp.
3. Có bắt buộc phải lập hợp đồng nhượng quyền thương mại thành văn bản không?
Không. Theo quy định, hợp đồng nhượng quyền thương mại phải được lập thành văn bản (ví dụ bản giấy, bản điện tử...) hoặc được lập theo các hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương.
Như vậy, tùy thỏa thuận giữa các thương nhân, hợp đồng nhượng quyền thương mại có thể được lập theo hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương với hợp đồng bản giấy hoặc bản điện tử.
4. Có được đơn phương chấm dứt hợp đồng nhượng quyền thương mại không?
Có. Bên nhận quyền có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng nhượng quyền thương mại trong trường hợp bên nhượng quyền không hoàn thành một trong các nghĩa vụ quy định tại Điều 287 Luật Thương mại.
Bên nhượng quyền có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng khi bên nhận quyền không đủ điều kiện về mặt pháp lý để tiến hành hoạt động kinh doanh hoặc không khắc phục toàn bộ những vi phạm không cơ bản mặc dù đã được bên nhượng quyền gửi thông báo bằng văn bản.
>> Xem chi tiết: Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng nhượng quyền thương mại.
5. Các bên giải quyết tranh chấp hợp đồng nhượng quyền thương mại bằng cách nào?
Trong trường hợp bên nhận quyền và bên nhượng quyền xảy ra tranh chấp về hợp đồng nhượng quyền thương mại thì có thể giải quyết theo hình thức thương lượng, hòa giải hoặc đưa ra Tòa án, Trọng tài thương mại để giải quyết.
Gọi cho chúng tôi theo số 0984 477 711 (Miền Bắc) - 0903 003 779 (Miền Trung) - 0938 268 123 (Miền Nam) để được hỗ trợ.