Biểu diễn nghệ thuật là gì? Trường hợp nào phải xin giấy phép biểu diễn nghệ thuật? Tổ chức biểu diễn nghệ thuật không có giấy phép bị xử phạt như thế nào?
Biểu diễn nghệ thuật là gì?
Biểu diễn nghệ thuật là hoạt động trình diễn các tiết mục hoặc chương trình nghệ thuật biểu diễn, chương trình thi người đẹp, người mẫu hoặc kết hợp giữa loại hình nghệ thuật biểu diễn với hoạt động trình diễn thời trang, hoạt động văn hóa, thể thao.
Các loại hình nghệ thuật biểu diễn bao gồm:
- Sân khấu, âm nhạc, múa;
- Các hình thức diễn xướng dân gian như: tuồng, chèo, ca trù, múa rối nước, hát xẩm, cải lương, kịch nói, kịch câm...;
- Hình thức diễn xướng hiện đại như: nhạc kịch, nhạc giao hưởng, tạp kỹ, tấu hài...;
- Các hình thức nghệ thuật biểu diễn khác như: nghệ thuật trình diễn ánh sáng, biểu diễn thực cảnh (ví dụ: Show biểu diễn thực cảnh “Ký ức Hội An”).
Tổ chức biểu diễn nghệ thuật là gì?
Tổ chức biểu diễn nghệ thuật là việc cá nhân, tổ chức thực hiện chương trình, sự kiện để tạo điều kiện cho các nghệ sĩ (gồm diễn viên, danh hài, ca sĩ, nhạc sĩ, diễn viên múa…) được sáng tạo và biểu diễn các tiết mục nghệ thuật trước khán giả.
Các hình thức tổ chức biểu diễn nghệ thuật hiện nay gồm có:
- Tổ chức biểu diễn nghệ thuật phục vụ hoạt động chính trị; biểu diễn nghệ thuật phục vụ trong nội bộ của cơ quan, tổ chức, đoàn thể;
- Tổ chức biểu diễn nghệ thuật phục vụ tại các cơ cơ sở ăn uống, nhà hàng không bán vé xem biểu diễn nghệ thuật, địa điểm kinh doanh dịch vụ du lịch, vui chơi, giải trí;
- Tổ chức biểu diễn nghệ thuật không trực tiếp trước công chúng được đăng tải trên hệ thống phát thanh, truyền hình, đăng tải lên internet;
- Các hình thức tổ chức biểu diễn nghệ thuật khác.
Các trường hợp phải xin giấy phép biểu diễn nghệ thuật
1. Các trường hợp không phải xin giấy phép biểu diễn nghệ thuật
Theo Điều 9 Nghị định 144/2020/NĐ-CP, trước ngày dự kiến tổ chức biểu diễn nghệ thuật ít nhất 5 ngày làm việc, đơn vị tổ chức biểu diễn nghệ thuật thuộc các trường hợp dưới đây phải thông báo với cơ quan có thẩm quyền theo quy định. Cụ thể:
- Trường hợp 1: Các cơ quan, tổ chức trực thuộc các bộ, ban ngành trung ương, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức kinh tế khi tổ chức hoạt động biểu diễn nghệ thuật để phục vụ nhiệm vụ chính trị, tổ chức biểu diễn nghệ thuật phục vụ trong nội bộ cơ quan và tổ chức phải gửi thông báo tới UBND cấp tỉnh - nơi tổ chức biểu diễn;
- Trường hợp 2: Cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, dịch vụ vui chơi, giải trí tổ chức biểu diễn nghệ thuật; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhà hàng tổ chức hoạt động xem biểu diễn nghệ thuật không bán vé phải gửi thông báo tới UBND cấp huyện nơi tổ chức biểu diễn.
➨ Như vậy, hoạt động tổ chức biểu diễn nghệ thuật thuộc 2 trường hợp kể trên không phải xin giấy phép biểu diễn nghệ thuật nhưng phải có thông báo bằng văn bản gửi tới UBND cấp tỉnh hoặc cấp huyện theo quy định.
2. Các trường hợp phải xin giấy phép biểu diễn nghệ thuật
Các chương trình, sự kiện biểu diễn nghệ thuật không thuộc 2 trường hợp kể trên phải xin văn bản chấp thuận (hay còn gọi là giấy phép biểu diễn nghệ thuật) tại 1 trong 2 cơ quan sau, trước ngày dự kiến tổ chức biểu diễn ít nhất 7 ngày làm việc.
Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép biểu diễn nghệ thuật |
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch |
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh |
Trong đó:
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Cấp văn bản chấp thuận (giấy phép biểu diễn nghệ thuật) cho hoạt động biểu diễn nghệ thuật trong khuôn khổ hợp tác quốc tế cho các hội chuyên ngành về nghệ thuật biểu diễn và đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng biểu diễn nghệ thuật thuộc Trung ương;
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh: Cấp văn bản chấp thuận chấp tổ chức biểu diễn nghệ thuật cho các trường hợp còn lại được tổ chức trên địa bàn quản lý.
Để được cấp giấy phép biểu diễn, tổ chức biểu diễn nghệ thuật phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Đơn vị tổ chức hoạt động biểu diễn nghệ thuật phải là:
- Đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng biểu diễn nghệ thuật;
- Hội chuyên ngành về nghệ thuật biểu diễn;
- Cá nhân, tổ chức đăng ký kinh doanh hoạt động biểu diễn nghệ thuật theo quy định của pháp luật.
- Chương trình biểu diễn nghệ thuật phải đáp ứng điều kiện về an ninh trật tự, bảo vệ môi trường, y tế và đáp ứng các điều kiện về phòng cháy chữa cháy theo quy định;
- Có hồ sơ xin cấp giấy phép biểu diễn hợp lệ gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc UBND cấp tỉnh theo quy định.
Lưu ý:
Sau khi đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng biểu diễn nghệ thuật và hội chuyên ngành về nghệ thuật biểu diễn thuộc trung ương sau khi được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp văn bản chấp thuận tổ chức biểu diễn vẫn phải gửi thông báo tới UBND cấp tỉnh trước ngày dự kiến tổ chức biểu diễn tối thiểu 5 ngày làm việc.
>> Xem thêm: Thủ tục cấp giấy phép biểu diễn nghệ thuật.
Mức xử phạt hành vi biểu diễn nghệ thuật không có giấy phép
Căn cứ Nghị định 38/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực văn hóa, trường hợp tổ chức biểu diễn nghệ thuật không được cấp phép theo quy định sẽ bị xử phạt như sau:
1. Phạt từ 10.000.000 đồng - 15.000.000 đồng
Áp dụng mức phạt này khi vi phạm 1 trong các hành vi dưới đây:
- Tổ chức biểu diễn nghệ thuật, cuộc thi, tổ chức liên hoan các loại hình nghệ thuật biểu diễn để phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ nội bộ trong cơ quan, tổ chức nhưng không thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Tổ chức biểu diễn nghệ thuật phục vụ tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ vui chơi giải trí, địa điểm du lịch, nhà hàng không bán vé xem biểu diễn nghệ thuật nhưng không thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu:
- Có nội dung không đúng với nội dung được ghi trong văn bản chấp thuận;
- Trong phạm vi quản lý nội bộ của cơ quan, tổ chức mà không thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định.
2. Phạt từ 35.000.000 đồng - 40.000.000 đồng
Áp dụng khung tiền phạt này đối với hành vi tổ chức biểu diễn nghệ thuật, cuộc thi, tổ chức liên hoan các loại hình nghệ thuật biểu diễn mà không có văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
3. Phạt từ 1.000.000 đồng - 2.000.000 đồng
Ngoài ra, hành vi tổ chức biểu diễn nghệ thuật gây tụ tập nhiều người ở nơi công công cộng, gây mất trật tự công cộng sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng - 2.000.000 đồng.
➨ Như vậy, hoạt động tổ chức biểu diễn nghệ thuật mà không thông báo với cơ quan có thẩm quyền có thể bị phạt từ 10.000.000 đồng - 15.000.000 đồng, không có giấy phép biểu diễn nghệ thuật có thể bị phạt từ 25.000.000 đồng - 40.000.000 đồng.
Lưu ý:
Mức phạt trên áp dụng đối với cá nhân vi phạm quy định về biểu diễn nghệ thuật. Đối với tổ chức vi phạm quy định về biểu nghệ thuật tương tự như trên thì mức xử phạt gấp đôi.
Quy định cấm trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật
Hoạt động tổ chức biểu diễn nghệ thuật bị cấm khi có nội dung vi phạm 1 trong các quy định dưới đây:
- Có nội dung, mục đích chống lại nhà nước;
- Có nội dung xuyên tạc lịch sử, chủ quyền, độc lập dân tộc; xâm phạm an ninh quốc gia; xúc phạm danh nhân, anh hùng dân tộc, lãnh tụ; phủ nhận thành tựu cách mạng; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc;
- Có nội dung, mục đích xúc phạm tôn giáo, tín ngưỡng, phân biệt chủng tộc, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân tổ chức;
- Kích động bạo lực, tuyên truyền chiến tranh, gây ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao;
- Sử dụng trang phục, âm thanh, hình ảnh, từ ngữ hoặc phương tiện biểu diễn... vi phạm thuần phong mỹ tục, tác động xấu đến đạo đức, tâm lý, sức khỏe cộng đồng.
Buộc dừng hoạt động biểu diễn nghệ thuật khi nào?
Cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu cá nhân, tổ chức dừng hoạt động biểu diễn nghệ thuật trong các trường hợp sau:
- Không thông báo tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc tổ chức biểu diễn nghệ thuật;
- Không có văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc tổ chức biểu diễn nghệ thuật;
- Vi phạm các quy định cấm trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật;
- Dừng biểu diễn vì lý do quốc phòng, an ninh, thiên tai, dịch bệnh.
Khi có văn bản yêu cầu dừng hoạt động biểu diễn nghệ thuật, đơn vị tổ chức hoạt động biểu diễn nghệ thuật phải công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc dừng tổ chức biểu diễn và phải bảo đảm quyền lợi cho các tổ chức, cá nhân liên quan theo quy định của pháp luật.
Một số câu hỏi thường gặp về tổ chức hoạt động biểu diễn nghệ thuật
1. Trường hợp nào không phải xin giấy phép biểu diễn nghệ thuật?
Cá nhân, tổ chức sự kiện, chương trình biểu diễn nghệ thuật không phải xin giấy phép biểu diễn nghệ thuật gồm có:
- Tổ chức biểu diễn nghệ thuật phục vụ hoạt động chính trị; biểu diễn nghệ thuật phục vụ trong nội bộ của cơ quan, tổ chức, đoàn thể;
- Tổ chức biểu diễn nghệ thuật phục vụ tại các cơ cơ sở ăn uống, nhà hàng không bán vé xem biểu diễn nghệ thuật, địa điểm kinh doanh dịch vụ du lịch, vui chơi, giải trí.
Các trường hợp trên không phải xin giấy phép biểu diễn nghệ thuật những phải thông báo bằng văn bản tới UBND cấp tỉnh hoặc cấp huyện theo quy định.
2. Nhà hàng tổ chức biểu diễn nghệ thuật miễn phí có phải xin giấy phép biểu diễn không?
Không. Việc tổ chức sự kiện hoặc chương trình biểu diễn nghệ thuật như ca hát, múa, trình diễn thời trang… miễn phí trong nhà hàng phục vụ thực khách không thuộc trường hợp phải xin giấy phép biểu diễn. Tuy nhiên nhà hàng phải có văn bản thông báo gửi tới UBND quận/huyện trước ngày tổ chức biểu diễn ít nhất 5 ngày làm việc.
3. Tổ chức show ca nhạc bán vé có cần xin giấy phép biểu diễn không?
Có. Công ty, ca sĩ tổ chức show ca nhạc bán vé phải xin giấy phép biểu diễn nghệ thuật gửi tới cơ quan có thẩm quyền trước ngày dự kiến tổ chức ít nhất là 7 ngày làm việc.
4. Tổ chức biểu diễn nghệ thuật không có giấy phép bị phạt bao nhiêu tiền?
Hoạt động tổ chức biểu diễn nghệ thuật nhưng không xin giấy phép biểu diễn có thể bị xử phạt từ 25.000.000 đồng - 40.000.000 đồng. Mức phạt này áp dụng đối với cá nhân, trường hợp tổ chức vi phạm thì mức phạt gấp đôi.
Gọi cho chúng tôi theo số 0984 477 711 (Miền Bắc) - 0903 003 779 (Miền Trung) - 0908 742 789 (Miền Nam) để được hỗ trợ.