14 điểm mới của Luật Đấu thầu 2023 có hiệu lực từ ngày 01/01/2024 giúp nâng cao quyền tự chủ, hiệu quả kinh tế và tính minh bạch trong hoạt động đấu thầu.
Tại phiên họp của Quốc hội khóa XIV vào ngày 23/06/2023, các đại biểu đã thống nhất ý kiến và quyết định thông qua Luật Đấu thầu (Sửa đổi). Luật Đấu thầu 2023 gồm 10 Chương và 96 Điều, ít hơn so với Luật Đấu thầu 2013 là 3 Chương. Tuy nhiên tổng số điều luật không thay đổi, theo đó Luật Đấu thầu 2023 đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định để phù hợp hơn so với tình hình thực tiễn.
Luật Đấu thầu 2023 có những sự thay đổi tạo nên ảnh hưởng lớn tới quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể có liên quan. Doanh nghiệp có thể tham khảo chi tiết trong bài viết dưới đây.
1. Mở rộng phạm vi đối tượng áp dụng của Luật Đấu thầu
Theo đó, về đối tượng áp dụng, Luật Đấu thầu 2023 đã bổ sung trường hợp: Các gói thầu thuộc dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp và doanh nghiệp do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (tại Điểm a Khoản 2 Điều 2 Luật này).
2. Bổ sung đối tượng tham gia hoạt động đấu thầu, tư cách hợp lệ của nhà thầu, nhà đầu tư
➨ Về đối tượng tham gia hoạt động đấu thầu
Theo Luật Đấu thầu 2013, các đối tượng được tham gia đấu thầu chỉ bao gồm: nhà thầu, nhà đầu tư là tổ chức và nhà thầu, nhà đầu tư là cá nhân.
Luật Đấu thầu 2023 đã bổ sung trường hợp đối tượng tham gia đấu thầu gồm cả nhà thầu là hộ kinh doanh (tại Khoản 2 Điều 5).
➨ Về tư cách hợp lệ của nhà thầu
Các chủ thể có đủ tư cách theo quy định tại Điều 5 Luật Đấu thầu 2023 có thể tham gia dự thầu với tư cách độc lập hoặc liên danh mà không bắt buộc phải có văn bản thỏa thuận.
Trong khi đó theo quy định cũ tại Luật Đấu thầu 2013, các chủ thể nếu liên danh thì phải có văn bản thỏa thuận giữa các thành viên cùng liên danh, trong đó quy định rõ trách nhiệm của thành viên đứng đầu liên danh và trách nhiệm chung, trách nhiệm riêng của từng thành viên trong liên danh đó (Khoản 3 Điều 5 Luật Đấu thầu 2013).
3. Bổ sung một số các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động đấu thầu
Luật Đấu thầu 2023 bổ sung 1 số hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động đấu thầu cụ thể:
- Bổ sung các hành vi do các đối tượng thực hiện trong hoạt động thông thầu gồm cả hành vi dàn xếp, ép buộc hoặc việc những nhà thầu, nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm đã tham gia dự thầu và đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu tuy nhiên lại cố ý không cung cấp tài liệu để chứng minh năng lực, kinh nghiệm khi được bên mời thầu yêu cầu làm rõ hồ sơ dự thầu hoặc khi được yêu cầu đối chiếu tài liệu nhằm mục đích tạo điều kiện để một khác bên trúng thầu (Điểm c Khoản 3 Điều 16 Luật Đấu thầu 2023);
- Bổ sung quy định cấm hành vi vi phạm pháp luật về an toàn, an ninh mạng nhằm mục đích can thiệp, cản trở việc đấu thầu qua mạng tại Điểm đ Khoản 5 Điều 16 Luật Đấu thầu 2023.
4. Thay đổi quy định về các trường hợp hủy thầu
Theo Luật Đấu thầu 2023, các trường hợp hủy thầu được chia thành 2 nhóm đối tượng là: hủy thầu đối với lựa chọn nhà thầu và hủy thầu đối với lựa chọn nhà đầu tư thay vì quy định gộp chung cả 2 nhóm đối tượng này theo như Luật Đấu thầu 2013.
Qua đó phân chia rõ ràng việc hủy thầu đối với lựa chọn nhà thầu gồm những trường hợp nào và việc hủy thầu đối với việc lựa chọn nhà đầu tư gồm những trường hợp nào.
Cùng với đó, Luật Đấu thầu 2023 đã quy định rõ thời gian hủy thầu được phép thực hiện trong khoảng thời gian từ khi nào đến khi nào tại khoản 3 Điều 17. Quy định này không xuất hiện trong Luật Đấu thầu 2013, điều này giúp hạn chế ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các bên khi tham gia đấu thầu cũng như giúp quản lý chặt chẽ hoạt động hủy thầu.
5. Bổ sung một số trường hợp chỉ định thầu
Luật Đấu thầu 2023 không phân biệt giữa hình thức chỉ định thầu đối với nhà thầu và chỉ định thầu đối với nhà đầu tư như quy định của Luật Đấu thầu 2013.
Điều 23 Luật Đấu thầu 2023 quy định có tổng 12 trường hợp được phép chỉ định thầu so với 9 trường hợp như quy định cũ.
Mặt khác, Luật Đấu thầu 2023 đã bổ sung một số trường hợp lựa chọn nhà thầu trong những trường hợp đặc biệt đã được ban hành tại Quyết định số 17/2019/ QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được áp dụng hình thức chỉ định thầu. Ví dụ như:
- Trường hợp gói thầu vận chuyển hàng dự trữ quốc gia để cứu trợ, viện trợ trong trường hợp phải giao hàng ngay;
- Gói thầu thuê kho lưu giữ hàng tạm giữ, gói thầu thuê vận chuyển, bốc xếp hàng tạm giữ tại các cảng biển, địa điểm kiểm tra hàng hóa tập trung trong trường hợp chỉ có duy nhất một đơn vị cung cấp dịch vụ trong cảng;
- Gói thầu nhập khẩu vũ khí thể thao phục vụ các câu lạc bộ, trường, trung tâm đào tạo huấn luyện thể thao tập luyện, thi đấu hằng năm.
6. Bổ sung trường hợp gói thầu được áp dụng chào hàng cạnh tranh
Về chào hàng cạnh tranh, tại Điều 24, Luật Đấu thầu 2023 đã quy định rõ về hạn mức giá gói thầu là 5 tỷ đồng. Trong khi đó, theo quy định của Luật Đấu thầu 2013 thì hạn mức này do Chính phủ quy định và không thống nhất áp dụng với các trường hợp gói thầu khác nhau. Cụ thể:
- Đối với chào hàng cạnh tranh theo quy trình thông thường áp dụng cho gói thầu quy định tại Điều 23 Luật Đấu thầu 2013 thì hạn mức là không quá 5 tỷ đồng;
- Đối với chào hàng cạnh tranh theo quy trình rút gọn áp dụng với:
- Gói thầu dịch vụ phi tư vấn thông dụng, đơn giản là không quá 500 triệu đồng;
- Gói thầu mua sắm hàng hóa thông dụng, sẵn có trên thị trường với đặc tính kỹ thuật được tiêu chuẩn hóa và tương đương nhau về chất lượng và gói thầu xây lắp công trình đơn giản đã có thiết kế bản vẽ thi công được phê duyệt thì hạn mức có giá trị không quá 1 tỷ đồng;
- Gói thầu đối với mua sắm thường xuyên là không quá 200 triệu đồng.
Ngoài ra đối với gói thầu hỗn hợp cung cấp hàng hóa và xây lắp đáp ứng điều kiện quy định tại Khoản 3 Điều 24 có giá trị không quá 5 tỷ đồng cũng được áp dụng hình thức chào hàng cạnh tranh. Quy định mới về hình thức chào hàng cạnh tranh đã cho phép áp dụng rộng rãi hơn đối với các gói thầu mua sắm hàng hóa, dịch vụ phi tư vấn, xây lắp và hỗn hợp so với trước kia.
7. Sửa đổi quy định về mức đảm bảo dự thầu đối với việc lựa chọn nhà thầu
Theo Luật Đấu thầu 2013, nhà làm luật chỉ quy định mức bảo đảm dự thầu đối với lựa chọn nhà thầu và nhà đầu tư nói chung. Cụ thể:
- Đối với lựa chọn nhà thầu, mức bảo đảm xác định từ 1% đến 3% giá gói thầu;
- Đối với lựa chọn nhà đầu tư, mức bảo đảm xác định từ 0,5% đến 1,5% tổng mức đầu tư.
Luật Đấu thầu 2023 đã có sự thay đổi về mức bảo đảm dự thầu. Cụ thể tại Khoản 4 Điều 14 Luật Đấu thầu 2023 đã chia trường hợp lựa chọn nhà thầu ra thành 2 loại.
- Đối với lựa chọn nhà thầu trong gói thầu xây lắp, hỗn hợp có giá gói thầu từ 20 tỷ đồng trở xuống, gói thầu mua sắm hàng hóa, dịch vụ phi tư vấn có giá gói thầu không quá 10 tỷ đồng thì mức đảm bảo dự thầu là từ 1% đến 1,5% giá gói thầu;
- Đối với lựa chọn nhà thầu trong các gói thầu khác không thuộc trường hợp trên thì mức bảo đảm dự thầu là từ 1,5% đến 3% giá gói thầu.
8. Rút ngắn thời gian hoàn trả đảm bảo dự thầu
Thời gian hoàn trả đảm bảo dự thầu của Luật Đấu thầu 2023 được rút ngắn hơn so với Luật Đấu thầu 2013. Cụ thể tại khoản 8 Điều 14 Luật Đấu thầu 2023, thời gian hoàn trả đảm bảo dự thầu là không quá 14 ngày kể từ ngày kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư được phê duyệt. Trong khi đó thời gian này đối với Luật Đấu thầu 2013 là 20 ngày.
Ngoài ra, đối với Luật Đấu thầu 2013, nhà thầu, nhà đầu tư được lựa chọn, bảo đảm dự thầu được hoàn trả hoặc giải tỏa khi nhà thầu, nhà đầu tư thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng theo quy định tại Điều 66 và Điều 72 của Luật Đấu thầu 2013.
Còn theo Luật Đấu thầu 2023 thì nhà thầu, nhà đầu tư được lựa chọn thì bảo đảm dự thầu được hoàn trả hoặc giải tỏa khi hợp đồng có hiệu lực. Tức là thời gian hoàn trả đảm bảo dự thầu đối với nhà thầu, nhà đầu tư được lựa chọn sẽ diễn ra sớm hơn so với quy định cũ.
9. Bổ sung trường hợp không được hoàn trả bảo đảm dự thầu
Khoản 9 Điều 14 Luật Đấu thầu 2023 đã bổ sung một số trường hợp không được hoàn trả bảo đảm dự thầu đối với trường hợp: Nhà thầu không tiến hành hoặc từ chối thương thảo hợp đồng (nếu có) trong thời hạn 5 ngày làm việc đối với đấu thầu trong nước và 10 ngày đối với đấu thầu quốc tế kể từ ngày nhận được thông báo mời thương thảo hợp đồng hoặc đã thương thảo hợp đồng nhưng từ chối hoàn thiện, ký kết biên bản thương thảo hợp đồng, trừ trường hợp bất khả kháng (Điểm d Khoản 9 Điều 14 Luật Đấu thầu 2023).
10. Tăng cường đảm bảo tính cạnh tranh trong đấu thầu
Luật Đấu thầu 2023 đã bổ sung một số đối tượng mà nhà thầu nộp hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, nhà thầu tham dự cần phải độc lập. Cụ thể:
- Đối với nhà thầu nộp hồ sơ quan tâm, nhà thầu nộp hồ sơ dự sơ tuyển phải độc lập cả về mặt tài chính và về mặt pháp lý với quản lý dự án, giám sát; nhà thầu tư vấn lập, thẩm định nhiệm vụ khảo sát, thiết kế;
- Đối với nhà thầu tham dự thầu phải độc lập cả về pháp lý và tài chính với các nhà thầu tư vấn quản lý dự án, tư vấn giám sát; nhà thầu tư vấn lập, thẩm định nhiệm vụ khảo sát, thiết kế (Điểm a Khoản 2 Điều 6 Luật Đấu thầu 2023).
Ngoài ra, một điểm mới quan trọng đó là Luật Đấu thầu 2023 đã quy định tiêu chí để đánh giá độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính của nhà thầu. Cụ thể:
- Để được xem là độc lập thì các nhà thầu phải không cùng một cơ quan hoặc tổ chức trực tiếp quản lý đối với đơn vị sự nghiệp công lập (Điểm a Khoản 4 Điều 6 Luật Đấu thầu 2023). Nhà thầu với chủ đầu tư, bên mời thầu không có cổ phần hoặc phần vốn góp trên 30% của nhau;
- Nhà thầu không có cổ phần hoặc phần vốn góp trên 20% của nhau khi cùng tham dự thầu trong một gói thầu đối với đấu thầu hạn chế;
- Nhà thầu tham dự thầu và nhà thầu tư vấn cho gói thầu đó phải không có cổ phần hoặc phần vốn góp của nhau; không cùng có cổ phần hoặc phần vốn góp trên 20% của một tổ chức, cá nhân khác với từng bên.
11. Bổ sung các thông tin cần cập nhật trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia
Việc đăng tải các thông tin lên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia đảm bảo cho việc đấu thầu được thực hiện công khai minh bạch. Gia tăng công khai các thông tin trong quá trình đấu thầu giúp cho các nhà thầu dễ dàng tiếp cận với gói thầu, hạn chế tiêu cực trong quá trình đấu thầu.
Cụ thể, Điều 7 Luật Đấu thầu 2023 bổ sung các thông tin cần phải đăng tải như: thông tin dự án, hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu...
12. Bổ sung quy định về mức tùy chọn mua thêm của chủ đầu tư
Có thể hiểu, tùy chọn mua thêm là khả năng chủ đầu tư mua bổ sung hàng hóa, dịch vụ tư vấn, dịch vụ phí tư vấn của gói thầu ngoài khối lượng nêu trong hợp đồng. Tại Khoản 8 Điều 39 Luật Đấu thầu 2023 cho phép tùy chọn mua thêm không vượt 30% khối lượng hạng mục tương ứng nêu trong hợp đồng khi xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu.
13. Gia tăng sự ưu đãi đối với nhà thầu, nhà đầu tư Việt Nam trong hoạt động mua thuốc
Tại Điều 56 Luật Đấu thầu 2023 đã đưa ra những nội dung thay đổi mới, cụ thể đối với các loại thuốc có xuất xứ tại Việt Nam thì sẽ ưu tiên nhà thầu Việt Nam trong các gói thầu mua sắm thuốc. Quy định này là sự ưu đãi của nhà nước đối với các doanh nghiệp sản xuất dược, giúp cho các loại thuốc sản xuất trong nước và được Bộ Y tế chứng nhận đáp ứng các tiêu chuẩn, nguyên tắc quốc tế tạo ra sự cạnh tranh so với các loại thuốc nhập khẩu.
Quy định này sẽ góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất thuốc tăng cường đầu tư trang thiết bị, dây chuyền hiện đại để sản xuất thuốc, từ đó nâng cao tính cạnh tranh với những loại thuốc nhập khẩu, đồng thời đáp ứng được các tiêu chuẩn về chất lượng điều trị, thời gian điều trị, góp phần tăng hiệu quả điều trị và tiết kiệm chi phí khám chữa bệnh cho người dân.
14. Quy định mới về công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động đấu thầu
Luật Đấu thầu 2023 đã đảm bảo đồng bộ, thống nhất với Luật Xây dựng 2014 và Bộ luật Dân sự 2015. Luật đã làm rõ hơn trách nhiệm quản lý của nhà nước về hoạt động đấu thầu tại Điều 84 Luật Đấu thầu 2023, qua đó đảm bảo tính thống nhất, tránh chồng chéo.
Việc thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động đấu thầu được quy định chi tiết và chặt chẽ hơn, đồng thời đã bổ sung một số quy định mới về việc kiểm tra hoạt động đấu thầu và giám sát hoạt động đấu thầu, nhằm bảo đảm công tác đấu thầu được minh bạch, công bằng.
>> Xem thêm: Dịch vụ đăng ký tài khoản hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
Nguyễn Mai - Phòng Pháp lý Anpha