Đối tượng kiểm toán là gì? Tìm hiểu các đối tượng kiểm toán

Đối tượng của kiểm toán là gì? Các loại đối tượng kiểm toán, phần hành kiểm toán của từng đối tượng: nghiệp vụ vật tư, nghiệp vụ của quá trình kinh doanh…

I. Đối tượng kiểm toán là gì?

Đối tượng kiểm toán là tất cả các vấn đề cần được kiểm toán trước hết và chủ yếu là thực trạng hoạt động tài chính tại các đơn vị. 

Đối tượng kiểm toán trước hết là các tài liệu kế toán vì đây là điều mà các nhà quản lý, nhà đầu tư quan tâm. Các tài liệu kế toán thường bao gồm bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả kinh doanh, các sổ sách, chứng từ kế toán... 

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, các con số và tài liệu kế toán sẽ không còn ý nghĩa nếu như không gắn liền với thực trạng tài chính của đơn vị kiểm toán. Vì tính chất phức tạp của mối quan hệ tài chính và việc giới hạn trình độ, phương tiện xử lý thông tin nên thông thường kế toán không thể thu thập được tất cả các thông tin tài chính.

Chính vì thế, kiểm toán không chỉ giới hạn đối tượng ở tài liệu kế toán mà còn bao gồm cả thực trạng của hoạt động tài chính dù cho đã được phản ánh hay chưa được phản ánh trong tài liệu kế toán. Hơn nữa để phù hợp với sự phát triển của kế toán và nhu cầu trong quản lý, kiểm toán còn quan tâm đến các lĩnh vực khác của quản lý như: hiệu quả sử dụng các nguồn lực, hiệu năng của các chương trình, mục tiêu, dự án cụ thể…

>> Xem thêm: Thủ tục thành lập công ty kiểm toán.

II. Các loại đối tượng kiểm toán

Căn cứ tại Điều 15 Nghị định số 17/2012/NĐ-CP ngày 13/02/2012 và Điều 37 Luật Kiểm toán độc lập ngày 29/03/2011 thì những đối tượng kiểm toán gồm: 

  • Báo cáo tài chính cuối năm của doanh nghiệp (bao gồm cả doanh nghiệp kiểm toán) có vốn nước ngoài;
  • Báo cáo tài chính hàng năm được thành lập và hoạt động theo Luật Các tổ chức tín dụng, bao gồm cả các tổ chức tín dụng nước ngoài có trụ sở tại Việt Nam;
  • Báo cáo tài chính của doanh nghiệp kinh doanh chứng khoán, tổ chức phát hành chứng khoán;
  • Báo cáo tài chính hàng năm của doanh nghiệp nhà nước (trừ doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực bí mật theo quy định của nhà nước);
  • Báo cáo tài chính của doanh nghiệp, tổ chức mà nhà nước sở hữu 20% quyền biểu quyết trở lên tại thời điểm quyết toán;
  • Báo cáo tài chính hàng năm của dự án có nguồn tài trợ ODA.

III. Nhân tố hình thành đối tượng kiểm toán 

1. Thực trạng hoạt động tài chính

Hoạt động tài chính là dùng tiền để giải quyết các mối quan hệ kinh tế trong đầu tư, kinh doanh, phân phối và thanh toán nhằm đạt tới lợi ích kinh tế xác định.

Các mối quan hệ tài chính là nội dung của hoạt động tài chính và tiền chỉ là hình thức thể hiện, phương tiện để giải quyết các mối quan hệ kinh tế đó.

2. Tài liệu kế toán

Tài liệu kế toán là hệ thống các chứng từ, sổ sách, các bảng biểu và báo cáo tài chính kế toán. Theo Luật Kế toán thì tài liệu kế toán là:

  • Chứng từ;
  • Sổ sách kế toán;
  • Báo cáo tài chính;
  • Báo cáo kế toán quản trị;
  • Báo cáo kiểm toán;
  • Báo cáo kiểm tra kế toán;
  • Các tài liệu khác có liên quan đến kế toán… 

3. Thực trạng tài sản và các nghiệp vụ tài chính

Trong một đơn vị kinh doanh hay sự nghiệp, tài sản được biểu hiện dưới nhiều hình thái vật chất khác nhau với yêu cầu về quy cách, phẩm chất, bảo quản, bảo dưỡng... khác nhau, được lưu trữ trên nhiều kho, bãi khác nhau với những người quản lý khác nhau.

Mối liên hệ giữa những người quản lý cũng như giữa người quản lý với người sở hữu tài sản cũng được thực hiện theo những xu hướng và phương thức khác nhau, ngoài ra các xu hướng này ngày càng tăng dần sự cách biệt giữa người sở hữu với người bảo quản và sử dụng tài sản.

Mặt khác, khi sản xuất phát triển, quy mô tài sản cũng tăng lên, quy mô kinh doanh mở rộng, các mối liên kết kinh tế sẽ ngày càng đa dạng, phức tạp dẫn đến khả năng cách biệt giữa tài sản với sự phản ánh của nó trong thông tin kế toán...

Thực tế đó đã thúc đẩy sự ra đời của kiểm toán cùng tính tất yếu là phải đặt thực trạng của tài sản vào đối tượng kiểm toán.

Tài sản trong kinh doanh có dạng vật chất và nguồn hình thành đa dạng, chúng luôn vận động và được thể hiện bởi các nghiệp vụ cụ thể. Dựa trên quá trình vận động này, đặc tính riêng của từng loại tài sản, mối quan hệ kinh tế của mỗi loại và sự đa dạng của các nghiệp vụ nên kiểm toán được chia thành các phần hành kiểm toán cụ thể phù hợp với đối tượng của mình, gồm: 

  • Kiểm toán các nghiệp vụ vật tư;
  • Kiểm toán các nghiệp vụ về tiền mặt hoặc quỹ;
  • Kiểm toán các nghiệp vụ của quá trình kinh doanh;
  • Kiểm toán các nghiệp vụ tạo vốn và hoàn trả vốn.

4. Hiệu quả và hiệu năng

Xuất phát từ những đòi hỏi thực tế của quản lý trong điều kiện quy mô kinh doanh và hoạt động sự nghiệp ngày càng mở rộng, trong khi nguồn lực ngày càng bị giới hạn. Đặc biệt, trong cạnh tranh ngày càng gay gắt hiện nay, để tiết kiệm và giành lợi thế trong cạnh tranh thì vấn đề hiệu quả, hiệu năng cần được đặt ra cho từng nghiệp vụ cụ thể:

  • Đây là đối tượng mới phát sinh của kiểm toán và nó bắt đầu phát triển mạnh mẽ từ thập kỉ 80 của thế kỉ XX trở lại đây;
  • Hiệu quả và hiệu năng là một bộ phận của kiểm toán nghiệp vụ và gắn liền với một nghiệp vụ hay một dự án, một chương trình cụ thể;
  • Trước khi tiến hành cuộc kiểm toán hiệu năng, hiệu quả thì cần phải đặt ra các chuẩn mực cụ thể và rõ ràng. Các chuẩn mực cụ thể ở đây có thể là mục tiêu, quy trình, nội quy, các thông số kỹ thuật hoặc các chỉ tiêu kinh tế…;
  • Thường thì việc đặt ra các chuẩn mực cho kiểm toán hiệu năng là khó hơn cho các chuẩn mực kiểm toán hiệu quả;
  • Đối với việc đặt ra các chuẩn mực cho tính hiệu năng thì chúng luôn bao gồm các mục tiêu và mục đích cụ thể của tổ chức, còn các chuẩn mực cho tính hiệu quả thì thường được xác định bởi mối quan hệ giữa đầu vào và đầu ra.

IV. Câu hỏi thường gặp về đối tượng kiểm toán

1. Để kiểm tra tài sản và các nghiệp vụ tài chính của đơn vị, cần thực hiện các phần hành kiểm toán nào?

Các phần hành kiểm toán được áp dụng, bao gồm: kiểm toán các nghiệp vụ về tiền mặt hoặc quỹ, kiểm toán các nghiệp vụ vật tư, kiểm toán các nghiệp vụ của quá trình kinh doanh, kiểm toán các nghiệp vụ tạo vốn và hoàn trả vốn.

2. Tại sao đối tượng kiểm toán lại bao gồm cả hiệu quả và hiệu năng của các nghiệp vụ, chương trình, dự án?

Do quy mô kinh doanh và hoạt động sự nghiệp ngày càng mở rộng trong khi các nguồn lực lại ngày càng giới hạn, đặc biệt là việc cạnh tranh trên thị trường lại ngày càng gay gắt nên để tiết kiệm chi phí, nguồn lực, đồng thời giành được lợi thế trong cạnh tranh thì vấn đề hiệu quả và hiệu năng cần được đặt ra cho từng nghiệp vụ cụ thể.

Minh Phượng - Phòng Kế toán Anpha

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Đánh giá chất lượng bài viết, bạn nhé!

0.0

Chưa có đánh giá nào
Chọn đánh giá

Gửi đánh giá

BÌNH LUẬN - HỎI ĐÁP

Hãy để lại câu hỏi của bạn, chúng tôi sẽ trả lời TRONG 15 PHÚT

SĐT và email sẽ được ẩn để bảo mật thông tin của bạn GỬI NHANH