Mức phạt đối với mua lý lịch tư pháp - làm lý lịch tư pháp giả

Phiếu lý lịch tư pháp giả là gì? Mức xử phạt đối với việc mua lý lịch tư pháp giả, làm lý lịch tư pháp giả. Các cách xử lý khi phát hiện lý lịch tư pháp bị sai thông tin.

Phiếu lý lịch tư pháp là gì? 

Phiếu lý lịch tư pháp (giấy xác nhận không tiền án tiền sự) là tài liệu chứng minh tình trạng án tích của một cá nhân do cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cấp, bao gồm: phiếu lý lịch tư pháp số 1 và phiếu lý lịch tư pháp số 2.

Đây cũng là cơ sở để xác minh cá nhân đó có bị cấm hay không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã, đặc biệt trong trường hợp doanh nghiệp hoặc hợp tác xã đã bị Tòa án nhân dân tuyên bố phá sản.

Cá nhân, tổ chức làm phiếu lý lịch tư pháp nhằm các mục đích như là:

  1. Chứng minh tính pháp lý của cá nhân theo yêu cầu, giúp xác định xem cá nhân có hay không có án tích, có bị cấm đảm nhiệm chức vụ hay không. Điều này đặc biệt quan trọng khi quyết định chức vụ trong cơ quan, doanh nghiệp hoặc hợp tác xã;
  2. Ghi nhận quá trình hủy bỏ án tích (xóa án tích) nhằm tạo cơ hội cho những người từng có bản án được tái hòa nhập cộng đồng;
  3. Cung cấp thông tin hữu ích phục vụ công tác tố tụng hình sự và thống kê tư pháp hình sự;
  4. Cung cấp thông tin chính xác về lịch sử pháp lý của nhân viên nhằm phục vụ công tác quản lý nhân sự, các hoạt động đăng ký thành lập và quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.

>> Xem chi tiết: Phân biệt phiếu lý lịch tư pháp số 1 và số 2.

Phiếu lý lịch tư pháp giả là gì? 

Từ khái niệm trên có thể định nghĩa được phiếu lý lịch tư pháp giả là một loại giấy tờ cung cấp tình trạng án tích của cá nhân không đúng sự thật và không được cấp bởi cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp.

Lý lịch tư pháp giả làm cản trở việc thực hiện các công việc, giao dịch pháp lý như: tài chính, xin visa, kết hôn, tuyển dụng... Ngoài ra, việc giả mạo lý lịch tư pháp là hành vi vi phạm pháp luật có thể bị xử phạt theo quy định của pháp luật.

Vậy mức xử phạt cho hành vi làm lý lịch tư pháp giả hay mua lý lịch tư pháp giả như thế nào? Xem chi tiết ở mục nội dung ngay dưới đây nhé.

Mua lý lịch tư pháp giả, làm lý lịch tư pháp giả bị phạt như thế nào?

Căn cứ Điều 47 và Điều 81 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP quy định mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định về quản lý, khai thác, yêu cầu cấp phép và sử dụng phiếu lý lịch tư pháp như sau:

➧ Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng: Mức phạt này áp dụng đối với hành vi cung cấp thông tin không đúng sự thật trong tờ khai yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp.

➧ Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng và tịch thu tang vật (giấy tờ, tài liệu bị sửa đổi, tẩy xóa) đối với hành vi hành vi tẩy xóa, chỉnh sửa dẫn đến sai lệch thông tin trên phiếu lý lịch tư pháp.

➧ Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi:

  1. Sử dụng trái phép phiếu lý lịch tư pháp và xâm phạm đời tư của người khác;
  2. Sử dụng trái phép giấy tờ, tài liệu của người khác để làm phiếu lý lịch tư pháp;
  3. Khai thác, sử dụng, phá hoại hồ sơ lý lịch tư pháp hoặc làm sai lệch thông tin trên hồ sơ lý lịch tư pháp bản giấy;
  4. Xâm phạm quyền truy cập, ăn cắp, phá hủy dữ liệu hồ sơ lý lịch tư pháp điện tử;
  5. Phát tán các chương trình, phần mềm độc hại làm ảnh hưởng xấu đến mạng máy tính, hệ thống thông tin dữ liệu lý lịch tư pháp điện tử.

Khi vi phạm một trong các hành vi kể trên tại khung phạt này, người vi phạm phải chịu toàn bộ chi phí để khôi phục lại hiện trạng ban đầu.

➧ Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi (*):

  1. Sử dụng giấy tờ, tài liệu giả mạo để yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp;
  2. Sử dụng phiếu lý lịch tư pháp giả.

➧ Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi (*):

  1. Tạo giấy tờ, tài liệu, văn bản giả để yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp; 
  2. Tạo phiếu lý lịch tư pháp giả.

—-

(*) Ngoài bị phạt tiền, cá nhân còn tịch thu tang vật, các phương tiện vi phạm và chịu toàn bộ chi phí để khôi phục lại hiện trạng ban đầu.

Từ những thông tin Anpha chia sẻ trên đây có thể thấy rằng không chỉ việc cố ý làm giả và mua phiếu lý lịch tư pháp giả bị xử phạt hành chính mà ngay cả trường hợp bạn cung cấp thông tin sai lệch trong tờ khai cấp phiếu lý lịch tư pháp hay vô tình sử dụng phiếu lý lịch giả (do không nắm rõ thủ tục hoặc chọn phải dịch vụ làm phiếu lý lịch tư pháp không uy tín) cũng phải đối mặt với mức phạt tiền không nhỏ.

Điều này không chỉ cản trở quá trình xin cấp phiếu lý lịch tư pháp mà còn tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc của bạn. Do đó, Anpha khuyên bạn nên tuân thủ quy định pháp luật về lý lịch tư pháp ngay từ đầu.

Trong thời đại 4.0 hiện nay, để tránh mất thời gian, công sức đến các cơ quan có thẩm quyền đăng ký, bạn có thể tự làm lý lịch tư pháp online ngay tại nhà. Bạn có thể tham khảo hướng dẫn chi tiết cách làm với bài viết sau đây của Anpha:

>> Cách làm lý lịch tư pháp online.

Cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm về lý lịch tư pháp giả

Căn cứ Điều 82 và Điều 88 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP cơ quan có thẩm quyền lập biên bản và xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm lý lịch tư pháp được quy định như sau:

Cơ quan có thẩm quyền Phạm vi xử lý

Công chức, viên chức của 

Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia

Tất cả các hành vi vi phạm về việc quản lý, khai thác, yêu cầu cấp phép, sử dụng phiếu lý lịch tư pháp.

Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành, 

Chánh Thanh tra của Sở Tư pháp

  • Hành vi sử dụng giấy tờ, tài liệu giả mạo để yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp; 
  • Hành vi sử dụng phiếu lý lịch tư pháp giả.

Các trường hợp bị từ chối cấp lý lịch tư pháp

Ngoài các mức xử phạt Anpha đã chia sẻ ở trên, cá nhân có thể bị từ chối cấp phiếu lý lịch tư pháp nếu thuộc trong các trường hợp sau đây:

  • Việc cấp phiếu lý lịch tư pháp không thuộc thẩm quyền của cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp;
  • Người không đủ điều kiện đề nghị cấp phiếu lý lịch tư pháp cho người khác; 
  • Cung cấp thiếu hoặc giả mạo giấy tờ kèm theo tờ khai yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp.

Cách xử lý khi phát hiện lý lịch tư pháp bị sai thông tin 

Phiếu lý lịch tư pháp bị sai thông tin có thể do nhiều nguyên nhân như: 

  • Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp nhập thiếu hoặc sai thông tin;
  • Hệ thống thông tin gặp sự cố kỹ thuật, có thể dẫn đến việc xử lý thông tin không chính xác;
  • Hệ thống thông tin gặp vấn đề an ninh mạng và bị tấn công, thông tin lý lịch tư pháp có thể bị thay đổi một cách trái phép;
  • Thay đổi tình trạng án ích sau khi đã cấp lý lịch tư pháp mà không có sự cập nhật kịp thời…

Khi phát hiện phiếu lý lịch tư pháp được cấp có các thông tin không chính xác, điều quan trọng nhất là bạn không được tự ý tẩy xóa hay chỉnh sửa nội dung trên phiếu lý lịch tư pháp để tránh bị xử phạt hành chính.

Trước tiên bạn cần kiểm tra và xác định lại các thông tin bị sai hay thiếu sót trong phiếu lý lịch tư pháp, sau đó liên hệ ngay cho Sở Tư pháp hoặc Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia yêu cầu chỉnh sửa, bổ sung các thông tin cho chính xác để tránh làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của mình.

Việc bổ sung, cập nhật thông tin phiếu lý lịch tư pháp được hướng dẫn chi tiết tại bài viết sau: Làm lại lý lịch tư pháp.

Các câu hỏi thường gặp về mức phạt vi phạm lý lịch tư pháp giả 

1. Phiếu lý lịch tư pháp giả là gì?

Phiếu lý lịch tư pháp giả là một loại giấy tờ chứa các thông tin không đúng sự thật về tình trạng án tích của một cá nhân, được tạo ra không đúng quy định pháp luật và không phải do cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cấp. 

>> Xem chi tiết: Phiếu lý lịch tư pháp giả là gì?

2. Mua lý lịch tư pháp giả, làm giấy lý lịch tư pháp giả bị phạt bao nhiêu?

  • Mua lý lịch tư pháp giả sử dụng có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng;
  • Làm phiếu lý lịch tư pháp giả có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.

>> Xem chi tiết: Mua lý lịch tư pháp giả, làm lý lịch tư pháp giả bị xử phạt như thế nào?

3. Sử dụng phiếu lý lịch tư pháp của người khác được không?

Không. Sử dụng phiếu lý lịch tư pháp của người khác là hành vi vi phạm về quy định sử dụng phiếu lý lịch tư pháp, có thể bị phạt tiền từ 7.000.000 - 10.000.000 đồng.

>> Xem chi tiết: Mức xử phạt vi phạm quy định về lý lịch tư pháp.

4. Cơ quan nào có thẩm quyền xử lý vi phạm về lý lịch tư pháp giả?

2 cơ quan có thẩm quyền xử lý lý lịch tư pháp gồm:

  • Công chức, viên chức của Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia;
  • Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành, Chánh Thanh tra của Sở Tư pháp.

>> Xem chi tiết: Cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm về lý lịch tư pháp giả.

5. Phát hiện lý lịch tư pháp bị sai thông tin thì xử lý như thế nào?

Khi phát hiện phiếu lý lịch tư pháp bị sai thông tin, bạn không được tự ý tẩy xóa hay chỉnh sửa nội dung trên phiếu lý lịch tư pháp. Trước tiên bạn cần xác định lại các thông tin bị sai hay thiếu sót trong phiếu lý lịch tư pháp, sau đó liên hệ ngay cho Sở Tư pháp hoặc Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia yêu cầu chỉnh sửa, bổ sung.

>> Xem chi tiết: Cách xử lý khi phát hiện lý lịch tư pháp bị sai thông tin.

Gọi cho chúng tôi theo số 0984 477 711 (Miền Bắc) - 0903 003 779 (Miền Trung) -  0908 742 789 (Miền Nam) để được hỗ trợ.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Đánh giá chất lượng bài viết, bạn nhé!

0.0

Chưa có đánh giá nào
Chọn đánh giá

Gửi đánh giá

BÌNH LUẬN - HỎI ĐÁP

Hãy để lại câu hỏi của bạn, chúng tôi sẽ trả lời TRONG 15 PHÚT

SĐT và email sẽ được ẩn để bảo mật thông tin của bạn GỬI NHANH