Xem ngay thủ tục, hồ sơ làm lý lịch tư pháp cho người nước ngoài theo 3 cách: Online, trực tiếp, qua bưu điện VNPost, Viettel Post trong bài viết này của Anpha. Áp dụng cho cả người nước ngoài đã hoặc đang cư trú tại Việt Nam.
Cách làm lý lịch tư pháp cho người nước ngoài
Phiếu lý lịch tư pháp được sử dụng để chứng minh một người có án tích hay không có án tích, nên còn được gọi là giấy xác nhận không có tiền án tiền sự. Vì vậy không chỉ người Việt Nam mà người nước ngoài đã hoặc đang cư trú tại Việt Nam cũng có nhu cầu làm lý lịch tư pháp.
Thông thường, người nước ngoài thường xin lý lịch tư pháp số 1 để bổ sung vào hồ sơ xin giấy phép lao động, kết hôn hay xin nhận con nuôi…
Có 3 cách làm lý lịch tư pháp cho người nước ngoài là:
- Làm lý lịch tư pháp trực tiếp tại Sở tư pháp/Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia;
- Làm lý lịch tư pháp online trên trang Dịch vụ đăng ký lý lịch tư pháp trực tuyến;
- Làm lý lịch tư pháp qua bưu điện VNPost, Viettel Post.
Thủ tục, hồ sơ làm lý lịch tư pháp cho người nước ngoài
1. Làm lý lịch tư pháp trực tiếp tại Sở tư pháp/Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia
Quy trình làm thủ tục xin lý lịch tư pháp theo hình thức trực tiếp được thực hiện theo các bước sau:
➔ Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Hồ sơ xin lý lịch tư pháp cho người nước ngoài được chia theo 2 trường hợp như sau:
TH 1: Người nước ngoài tự làm thủ tục tại cơ quan lý lịch tư pháp, hồ sơ gồm có:
- Tờ khai yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp số 1/số 2(Mẫu số 03/2013/TT-LLTP);
- Bản sao chứng thực hộ chiếu của người nước ngoài.
TH 2: Người nước ngoài ủy quyền cho người thân tại Việt Nam thực hiện thủ tục, hồ sơ gồm có:
- Tờ khai yêu cầu cấp lý lịch tư pháp số 1/số 2 (Mẫu số 04/2013/TT-LLTP);
- Bản sao chứng thực hộ chiếu của người nước ngoài;
- Giấy ủy quyền cho người thân tại Việt Nam thực hiện thủ tục;
- Giấy tờ chứng minh quan hệ nhân thân như: Bản sao giấy chứng nhận đăng ký kết hôn hoặc sổ hộ khẩu hoặc các giấy tờ có giá trị tương đương khác.
TẢI MẪU: Hồ sơ xin cấp lý lịch tư pháp trực tiếp cho người nước ngoài.
➔ Bước 2: Nộp hồ sơ và đóng lệ phí
Đối với người nước ngoài đang ở tại Việt Nam: Nộp hồ sơ trực tiếp tại Sở tư pháp tỉnh - nơi người nước ngoài đang cư trú.
Đối với người nước ngoài đã từng ở Việt Nam, người được ủy quyền nộp hồ sơ tại Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia có địa chỉ tại số 09 Trần Vĩ, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội.
Lệ phí cấp lý lịch tư pháp cho người nước ngoài mỗi lần là: 200.000 đồng/người, được nộp cùng với hồ sơ.
➔ Bước 3: Nhận kết quả
Trong vòng 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, Sở tư pháp/Trung tâm lý lịch tư pháp cấp phiếu lý lịch tư pháp cho người nước ngoài.
Lưu ý: Người nước ngoài chỉ được ủy quyền cho người thân tại Việt Nam làm thủ tục xin cấp phiếu lý lịch tư pháp số 1. Trường hợp xin cấp lý lịch tư pháp số 2, người nước ngoài phải trực tiếp thực hiện thủ tục tại cơ quan cấp lý lịch tư pháp.
2. Làm lý lịch tư pháp trực tuyến/online
Để xin lý lịch tư pháp online, người nước ngoài cần thực hiện theo các bước sau đây:
Bước 1: Truy cập trang web; https://lltptructuyen.moj.gov.vn/home;
Bước 2: Chọn đối tượng nộp hồ sơ, nơi thường trú hoặc tạm trú:
- Đối tượng nộp hồ sơ: Người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam/người nước ngoài đã cư trú tại Việt Nam;
- Nơi thường trú hoặc tạm trú: Chỉ áp dụng đối với người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam.
Bước 3: Chọn “Nhập tờ khai” sau đó điền thông tin vào Tờ khai yêu cầu cấp lý lịch tư pháp;
- Khi khai thông tin cần lưu ý, những trường có dấu * màu đỏ là bắt buộc nhập;
- Tại mục Hồ sơ đính kèm, người làm hồ sơ cần scan/chụp ảnh và đính kèm hộ chiếu của người nước ngoài yêu cầu cấp lý lịch tư pháp để làm căn cứ cho cán bộ lý lịch tư pháp giải quyết hồ sơ.
Bước 5: Thực hiện in tờ khai xuống và ký;
Bước 6: Xác nhận thông tin kê khai với hệ thống, sau đó ghi lại mã số đăng ký trực tuyến trên màn hình, bấm nút Hoàn thành để kết thúc;
Bước 7: Sau khi hoàn thành, người nước ngoài/người được ủy quyền đem hồ sơ nộp tại Sở tư pháp/Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia hoặc nộp qua đường bưu điện trong vòng 5 ngày;
Thành phần hồ sơ gồm có:
- Tờ khai xin cấp lý lịch tư pháp Việt Nam (được in ở bên trên);
- Bản sao công chứng hộ chiếu của người nước ngoài;
- Biên lai nộp lệ phí làm lý lịch tư pháp nếu chuyển phí qua bưu điện;
- Phiếu đăng ký nhận kết quả qua dịch vụ bưu chính (Mẫu số 01/2014/LLTP).
TẢI MẪU: Hồ sơ làm lý lịch tư pháp online cho người nước ngoài.
Bước 8: Nhận kết quả trực tiếp tại cơ quan cấp lý lịch tư pháp/nhận qua bưu điện.
3. Làm lý lịch tư pháp qua bưu điện VNPost, Viettel Post
Hiện nay, người nước ngoài có thể làm lý lịch tư pháp thông qua dịch vụ của bưu điện Vnpost hoặc Viettel post mà không cần có mặt tại cơ quan cấp lý lịch tư pháp.
Để đăng ký nộp hồ sơ và nhận kết quả qua bưu điện, người nước ngoài/người được uỷ quyền liên hệ tổng đài của Viettel Post hoặc VNPost để được hỗ trợ đăng ký sử dụng dịch vụ. Nhân viên bưu điện sẽ đến tận nơi để nhận hồ sơ và thu phí làm lý lịch tư pháp.
Hồ sơ cần chuẩn bị tương tự như cách làm thủ tục trực tiếp mà Anpha đã hướng dẫn ở trên.
Lưu ý:
- Cách thức làm lý lịch tư pháp online hoặc làm qua bưu điện chỉ áp dụng cho người nước ngoài hoặc người được ủy quyền làm lý lịch tư pháp cho người nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam;
- Người nước ngoài có thể phải trả thêm phí cho bên bưu điện nếu sử dụng dịch vụ nhận hồ sơ, trả kết quả tận nơi.
Các câu hỏi thường gặp khi làm lý lịch tư pháp cho người nước ngoài
1. Người nước ngoài có thể xin lý lịch tư pháp ở Việt Nam không?
Có. Người nước ngoài đang hoặc đã từng cư trú ở Việt Nam đều có thể xin cấp lý lịch tư pháp.
2. Người nước ngoài có thể ủy quyền cho người khác làm lý lịch tư pháp không?
Có. Người nước chỉ được ủy quyền cho người thân trong gia đình như cha, mẹ, vợ hoặc chồng làm thủ tục xin lý lịch tư pháp giúp, không được ủy quyền cho bạn bè, đồng nghiệp. Và người nước ngoài chỉ được ủy quyền để xin lý lịch tư pháp số 1, muốn làm lý lịch tư pháp số 2 phải trực tiếp thực hiện.
3. Hồ sơ xin lý lịch tư pháp cho người nước ngoài gồm những gì?
Thành phần hồ sơ cơ bản gồm có: Tờ khai yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp cho người nước ngoài, bản sao công chứng hộ chiếu của người nước ngoài.
Ngoài ra, tùy từng trường hợp có thể có thêm: Giấy ủy quyền, giấy tờ chứng minh quan hệ nhân thân, biên lai nộp lệ phí làm lý lịch tư pháp nếu chuyển phí qua bưu điện, phiếu đăng ký nhận kết quả qua dịch vụ bưu chính.
4. Người nước ngoài không ở Việt Nam có làm lý lịch tư pháp được không?
Được. Người nước ngoài có thể ủy quyền cho người thân tại Việt Nam làm thủ tục xin lý lịch tư pháp số 1 hoặc có thể sử dụng dịch vụ làm lý lịch tư pháp của Anpha.
5. Có thể làm lý lịch tư pháp cho người nước ngoài theo những cách nào?
Tùy vào điều kiện cụ thể, người nước ngoài có thể làm lý lịch tư pháp theo 1 trong 3 cách sau:
- Một là, làm lý lịch tư pháp trực tiếp tại Sở tư pháp/Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia;
- Hai là, làm lý lịch tư pháp trực tuyến/online;
- Ba là, làm lý lịch tư pháp qua bưu điện VNPost, Viettel Post.
6. Lệ phí cấp lý lịch tư pháp cho người nước ngoài là bao nhiêu?
Lệ phí cấp lý lịch tư pháp cho người nước ngoài mỗi lần là: 200.000 đồng/người, được nộp cùng với hồ sơ.
7. Người nước ngoài đang không cư trú tại Việt Nam có thể làm lý lịch tư pháp online không?
Không. Cách thức làm lý lịch tư pháp online hoặc làm qua bưu điện chỉ áp dụng cho người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam hoặc người được ủy quyền làm lý lịch tư pháp cho người nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam.
8. Người nước ngoài có thể xin lý lịch tư pháp Việt Nam ở đâu?
Người nước ngoài có thể làm thủ tục xin lý lịch tư pháp tại Sở tư pháp tỉnh - nơi người đó đã hoặc từng cư trú tại Việt Nam hoặc xin tại Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia.
Gọi cho chúng tôi theo số 0984 477 711 (Miền Bắc) - 0903 003 779 (Miền Trung) - 0908 742 789 (Miền Nam) để được hỗ trợ.
BÌNH LUẬN - HỎI ĐÁP
Hãy để lại câu hỏi của bạn, chúng tôi sẽ trả lời TRONG 15 PHÚT