Tìm hiểu: điều kiện người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, các loại giấy tờ cần thiết (work permit, thẻ tạm trú…) & quyết toán thuế TNCN cho người nước ngoài.
Khi Việt Nam mở cửa hội nhập với kinh tế thế giới đã tạo điều kiện cho lao động Việt Nam di chuyển đến các quốc gia khác và người nước ngoài có nhu cầu đến làm việc tại Việt Nam ngày một nhiều. Nhà nước vì thế cũng đề ra các quy định riêng nhằm hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi cho người nước ngoài đến sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Tìm hiểu cùng Anpha ngay nhé.
Quy định về điều kiện để người nước ngoài làm việc tại Việt Nam
Căn cứ theo Điều 151 Bộ luật Lao động 2019, lao động người nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Thuộc danh sách đối tượng người nước ngoài được làm việc tại Việt Nam;
- Là công dân nước ngoài từ đủ 18 tuổi trở lên và có đầy đủ năng lực hành vi dân sự;
- Phải đảm bảo đủ sức khỏe theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế;
- Có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, có tay nghề và kinh nghiệm làm việc;
- Không thuộc đối tượng đang trong thời gian thi hành án, bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa được xóa án theo quy định của luật pháp nước ngoài hoặc luật pháp Việt Nam;
- Có giấy phép lao động cho người nước ngoài được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam, trừ trường hợp miễn giấy phép lao động theo quy định của pháp luật.
4 loại giấy tờ cần thiết để người nước ngoài làm việc tại Việt Nam
Ngoài các giấy tờ tùy thân để nhập cảnh vào Việt Nam như thị thực (visa nhập cảnh Việt Nam), hộ chiếu, người nước ngoài muốn sinh sống, làm việc hợp pháp tại Việt Nam và được pháp luật Việt Nam bảo hộ thì cần phải có thêm các loại giấy tờ sau đây:
1. Giấy phép lao động cho người nước ngoài (work permit)
Để làm việc hợp pháp tại Việt Nam, người nước ngoài phải có giấy phép lao động (work permit) cấp bởi Bộ hoặc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam, trừ 20 trường hợp không thuộc diện cấp giấy phép lao động quy định tại Điều 154 Bộ luật Lao động 2019 và Nghị định 152/2020/NĐ-CP. Giấy phép lao động cũng là cơ sở để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động trong mối quan hệ lao động với người sử dụng lao động.
Trường hợp lao động nước ngoài không có giấy phép lao động hoặc không có giấy xác nhận về việc miễn giấy phép lao động sẽ bị phạt hành chính từ 15.000.000 đồng - 25.000.000 đồng và buộc xuất cảnh hoặc trục xuất khỏi Việt Nam.
1.1. Điều kiện cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài
Lao động nước ngoài muốn xin work permit tại Việt Nam phải đáp ứng được 6 điều kiện mà Anpha đã chia sẻ ở trên. Ngoài ra, phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản về vị trí việc làm sử dụng người lao động nước ngoài.
>> Xem thêm: Các quy định về giấy phép lao động cho người nước ngoài.
1.2. Thủ tục xin giấy phép lao động cho người nước ngoài
➨ Bước 1. Xin chấp thuận nhu cầu sử dụng lao động người nước ngoài
Người sử dụng lao động nộp hồ sơ đăng ký nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, nơi dự kiến làm việc của người lao động sớm hơn ít nhất 15 ngày kể từ ngày dự kiến sử dụng lao động.
Hồ sơ xin chấp thuận nhu cầu sử dụng lao động người nước ngoài bao gồm:
- Bản sao có công chứng giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
- Bản báo cáo giải trình nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài theo mẫu số 01/PLI (nếu xin lần đầu);
- Bản báo cáo giải trình về việc thay đổi nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài theo mẫu số 02/PLI (nếu đã được cấp văn bản chấp thuận còn thời hạn).
>> Tải mẫu miễn phí: Hồ sơ xin chấp thuận nhu cầu sử dụng lao động người nước ngoài.
Trong vòng 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ từ doanh nghiệp, cơ quan có thẩm quyền ra thông báo bằng văn bản chấp thuận vị trí làm việc sử dụng người lao động nước ngoài của doanh nghiệp hoặc không chấp thuận có nêu rõ lý do.
➨ Bước 2. Làm giấy phép lao động cho người nước ngoài
Người sử dụng lao động nộp hồ sơ làm giấy phép lao động cho người nước ngoài tại Bộ hoặc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sớm hơn ít nhất 15 ngày làm việc trước ngày dự kiến bắt đầu làm việc tại Việt Nam của người lao động.
Người sử dụng lao động chuẩn bị các giấy tờ như:
- Đơn đề nghị cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài (theo mẫu số 11/PLI);
- Bản sao giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (công chứng).
- Bản gốc văn bản chấp thuận nhu cầu sử dụng lao động (cấp tại Bước 1);
Người lao động nước ngoài chuẩn bị các giấy tờ như:
- Bản sao có chứng thực hộ chiếu;
- 2 ảnh chân dung màu, kích thước 4x6cm, phông nền trắng;
- Phiếu khám sức khỏe đạt yêu cầu cấp ở nước ngoài/Việt Nam theo quy định của Bộ Y tế;
- Phiếu lý lịch tư pháp được cấp tại nước ngoài/Việt Nam;
- Văn bản chứng minh nắm giữ vị trí quản lý/giám đốc điều hành/chuyên gia/lao động kỹ thuật.
>> Tải mẫu miễn phí: Đơn đề nghị cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài.
Trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận bộ hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, cơ quan thẩm quyền có trách nhiệm cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài hoặc ra thông báo yêu cầu điều chỉnh, bổ sung nếu hồ sơ có sai sót.
Lưu ý:
1. Văn bản chứng minh vị trí làm việc sẽ khác nhau tùy vào vị trí mà người lao động nắm giữ, cụ thể:
- Nếu người lao động là quản lý hoặc giám đốc điều hành: Văn bản xác nhận người lao động đã làm việc tại các vị trí này với thời hạn ít nhất 3 năm;
- Nếu người lao động là chuyên gia: Phải có bằng đại học và ít nhất 3 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực được đào tạo, phù hợp với vị trí dự kiến làm việc tại Việt Nam của người lao động.
2. Mọi giấy tờ có liên quan trong hồ sơ được cấp tại nước ngoài như: phiếu lý lịch tư pháp, giấy khám sức khỏe, văn bản chứng minh kinh nghiệm, bằng đại học… phải được dịch thuật và hợp pháp hóa lãnh sự.
Tham khảo chi tiết:
>> Thủ tục xin giấy phép lao động cho người nước ngoài;
>> Hướng dẫn làm lý lịch tư pháp cho người nước ngoài.
-------
Giấy phép lao động chỉ có thời hạn tối đa 2 năm. Vì vậy nếu giấy phép hết hạn nhưng người lao động vẫn tiếp tục ở lại làm việc tại Việt Nam thì phải thực hiện thủ tục gia hạn giấy phép lao động, thời hạn gia hạn tối đa 2 năm và chỉ được gia hạn 1 lần. Sau khi hết thời hạn gia hạn thì bạn phải thực hiện thủ tục xin cấp mới giấy phép lao động.
Nếu doanh nghiệp đang có nhu cầu xin cấp mới hoặc gia hạn work permit cho người nước ngoài nhưng chưa nắm rõ thủ tục thực hiện thì có thể tham khảo dịch vụ làm giấy phép lao động của Anpha - chi phí chỉ từ 6.000.000 đồng - nhận giấy phép lao động sau 20 - 25 ngày làm việc.
2. Thẻ tạm trú, thẻ thường trú cho người nước ngoài
1 trong 2 loại giấy tờ chứng minh người nước ngoài sinh sống hợp pháp tại Việt Nam là thẻ tạm trú hoặc thẻ thường trú, cụ thể:
2.1. Thẻ tạm trú
- Được cấp bởi cơ quan quản lý xuất nhập cảnh thuộc Bộ Công an hoặc cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Ngoại giao;
- Cho phép người nước ngoài cư trú có thời hạn và dễ dàng xuất nhập cảnh vào Việt Nam.
- Người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam mà không có thẻ tạm trú còn thời hạn có thể bị phạt hành chính lên đến 20.000.000 đồng và trục xuất khỏi Việt Nam.
➨ Điều kiện cấp thẻ tạm trú cho người nước ngoài theo diện lao động
Các điều kiện để người nước ngoài được cấp thẻ tạm trú tại Việt Nam là:
- Hộ chiếu của người nước ngoài còn thời hạn sử dụng tối thiểu 13 tháng;
- Người lao động nước ngoài nhập cảnh bằng visa có ký hiệu: LĐ1, LĐ2;
- Đã làm thủ tục đăng ký tạm trú cho người nước ngoài tại công an xã, phường hoặc đăng ký theo hình thức trực tuyến;
- Được cá nhân hoặc tổ chức tại Việt Nam đứng ra mời, bảo lãnh;
- Giấy phép lao động hoặc giấy miễn giấy phép lao động có thời hạn tối thiểu là 1 năm.
>> Tham khảo chi tiết: Quy định thẻ tạm trú cho người nước ngoài.
➨ Thủ tục làm thẻ tạm trú cho người nước ngoài
Người sử dụng lao động nộp bộ hồ sơ xin cấp thẻ tạm trú cho người nước ngoài tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an hoặc Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố theo hướng dẫn bên dưới.
Bộ hồ sơ làm thẻ tạm trú cho người nước ngoài bao gồm:
- Phiếu khai báo tạm trú của cơ quan công an;
- Ảnh thẻ kích thước 2x3cm của người nước ngoài (2 ảnh);
- Hộ chiếu và thị thực của người nước ngoài (bản gốc);
- Đơn đề nghị cấp thẻ tạm trú cho người nước ngoài (mẫu NA6);
- Tờ khai đề nghị cấp thẻ tạm trú cho người nước ngoài (mẫu NA8);
- Giấy xác nhận mối quan hệ thân nhân như sổ hộ khẩu, giấy đăng ký kết hôn… (nếu người nước ngoài nhập cư lao động cùng vợ, chồng, con);
- Giấy đăng ký mẫu dấu và chữ ký của người đại diện pháp luật với cơ quan xuất nhập cảnh (mẫu NA16);
- Bản sao công chứng giấy phép lao động hoặc văn bản xác nhận miễn giấy phép lao động;
- Bản sao có chứng thực giấy đăng ký kinh doanh hoặc các giấy tờ khác có giá trị tương đương của doanh nghiệp bảo lãnh người lao động nước ngoài;
- Giấy giới thiệu hoặc ủy quyền nếu người trực tiếp nộp hồ sơ không phải là đại diện pháp luật của doanh nghiệp.
>> Tải mẫu miễn phí: Hồ sơ hồ làm thẻ tạm trú cho người nước ngoài.
Thời gian giải quyết hồ sơ là 5 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ đầy đủ.
Thẻ tạm trú diện lao động có thời hạn tối đa 2 năm theo thời hạn của giấy phép lao động.
Lưu ý:
Các giấy tờ liên quan trong hồ sơ xin cấp thẻ tạm trú của người nước ngoài phải được hợp pháp hóa lãnh sự và dịch sang tiếng Việt.
>> Tham khảo chi tiết: Thủ tục làm thẻ tạm trú cho người nước ngoài.
-------
Ngoài ra, để đơn giản hóa và tiết kiệm thời gian thực hiện các thủ tục làm thẻ tạm trú cho người nước ngoài, bạn có thể cân nhắc sử dụng dịch vụ làm thẻ tạm trú cho người nước ngoài của Anpha - chi phí trọn gói chỉ từ 10.000.000 đồng - thời gian hoàn thành từ 10 - 15 ngày làm việc.
2.2. Thẻ thường trú
- Do cơ quan quản lý xuất nhập cảnh cấp cho người nước ngoài;
- Cho phép lao động người nước ngoài cư trú không thời hạn tại Việt Nam, đồng thời không cần phải xin thị thực khi xuất, nhập cảnh tại Việt Nam;
- Lao động nước ngoài nếu xác định sinh sống và làm việc lâu dài ở Việt Nam thì được xem xét cấp thẻ thường trú thay thế cho thẻ tạm trú (phải đáp ứng một số điều kiện theo quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam).
➨ Điều kiện xét cấp thẻ thường trú cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam
Người lao động nước ngoài muốn được xét cấp thẻ thường trú tại Việt Nam thì phải đáp ứng một trong các điều kiện bên dưới:
- Người nước ngoài kết hôn với công dân Việt Nam hoặc được bảo lãnh bởi cha, mẹ, vợ, chồng, con là công dân Việt Nam đang thường trú tại Việt Nam. đồng thời, đã tạm trú tại Việt Nam liên tục từ 3 năm trở lên;
- Người nước ngoài là nhà khoa học, chuyên gia đang tạm trú tại Việt Nam, được Bộ trưởng/Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ quản lý nhà nước về lĩnh vực chuyên môn của người nước ngoài đề nghị cấp thường trú;
- Người không có quốc tịch đã tạm trú liên tục tại Việt Nam từ năm 2000 trở về trước, có chỗ ở hợp pháp và thu nhập ổn định đảm bảo cuộc sống tại Việt Nam.
➨ Thủ tục làm thẻ thường trú cho người lao động nước ngoài
Khác với thẻ tạm trú, thủ tục xin cấp thẻ thường trú cho người nước ngoài được thực hiện bởi chính người lao động nước ngoài tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh.
Hồ sơ xin cấp thẻ thường trú cho người nước ngoài tại Việt Nam bao gồm:
- Đơn xin thường trú mẫu NA12 của Bộ Công an;
- Phiếu lý lịch tư pháp được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền của nước mà người lao động nước ngoài là công dân;
- Công hàm của cơ quan đại diện nước ngoài, nơi người lao động là công dân đề nghị giải quyết cho người lao động nước ngoài thường trú tại Việt Nam;
- Bản sao hộ chiếu của người nước ngoài có chứng thực;
- Các giấy tờ chứng minh người lao động nước ngoài đủ điều kiện được xét thường trú tại Việt Nam;
- Giấy bảo lãnh của cha, mẹ, vợ, chồng, con là công dân Việt Nam đang thường trú tại Việt Nam.
>> Tải mẫu miễn phí: Hồ sơ xin cấp thẻ thường trú cho người nước ngoài.
Cá nhân người nước ngoài nộp hồ sơ và lệ phí làm thẻ thường trú tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an.
Trình tự xử lý hồ sơ:
- Trong thời hạn 4 tháng kể từ ngày tiếp nhận bộ hồ sơ đầy đủ của người nước ngoài, Bộ trưởng Bộ Công an xem xét, quyết định cấp thẻ thường trú cho người nước nước ngoài hoặc kéo dài thêm tối đa 2 tháng nếu cần thẩm tra bổ sung;
- Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an sẽ gửi thông báo bằng văn bản kết quả giải quyết hồ sơ cho người nước ngoài và Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, nơi người lao động nước ngoài xin thường trú;
- Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của Cục Quản lý xuất nhập cảnh, cơ quan Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, nơi người nước ngoài xin thường trú thông báo kết quả giải quyết thường trú đến người nước ngoài;
- Trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày nhận được kết quả thông báo, người nước ngoài phải đến nhận thẻ thường trú tại Phòng Quản lý xuất nhập cảnh thuộc Công an tỉnh, thành phố nơi xin thường trú.
>> Tham khảo chi tiết: Thủ tục cấp thẻ thường trú cho người nước ngoài.
3. Hợp đồng lao động của người lao động nước ngoài với doanh nghiệp Việt Nam
Để bảo vệ quyền lợi và nghĩa vụ của người nước ngoài khi sinh sống và làm việc tại Việt Nam, người lao động và người sử dụng lao động phải ký kết một thỏa thuận với nhau liên quan đến tiền lương, điều kiện lao động… gọi là hợp đồng lao động.
Theo đó, nội dung trong hợp đồng lao động phải tương đương với nội dung trong giấy phép lao động và thời hạn của hợp đồng lao động không được vượt quá thời hạn của giấy phép lao động. Khi sử dụng người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, hai bên có thể thỏa thuận giao kết nhiều lần hợp đồng lao động xác định thời hạn.
>> Xem thêm: Quy định về hợp đồng lao động.
4. Giấy phép lái xe cho người nước ngoài
Ngoài ra, sau khi được cấp thẻ tạm trú hoặc thẻ thường trú, nếu người nước ngoài có nhu cầu lái xe ở Việt Nam và đã được cấp giấy phép lái xe quốc gia còn thời hạn sử dụng thì cần làm thủ tục đổi giấy phép lái xe hạng tương đương tại Việt Nam.
Nếu người nước ngoài không có giấy phép lái xe của Việt Nam còn thời hạn mà thực hiện điều khiển phương tiện lưu thông trên đường thì sẽ bị phạt với lỗi không có giấy phép lái xe, mức phạt từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng, đồng thời bị tịch thu giấy phép lái xe nước ngoài.
➨ Điều kiện đổi giấy phép lái xe đối với người nước ngoài
Người nước ngoài làm việc tại Việt Nam nếu có nhu cầu điều khiển phương tiện giao thông và muốn được cấp chuyển đổi sang giấy phép lái xe tại Việt Nam thì cần đáp ứng các điều kiện sau:
- Có thẻ tạm trú/thẻ thường trú tại Việt Nam thời hạn từ 3 tháng trở lên;
- Có giấy phép lái xe quốc tế còn hạn sử dụng, hạng xe được phép điều khiển tại Việt Nam;
- Phải là giấy phép lái xe do cơ quan có thẩm quyền cấp;
- Giấy phép lái xe của người nước ngoài phải còn hình dạng nguyên vẹn, không tẩy xóa, không mờ thông tin và không bị rách;
- Giấy phép lái xe của người nước ngoài không phải là giấy phép tạm thời và giấy phép lái xe quốc tế;
- Người nước ngoài phải đủ tiêu chuẩn sức khỏe theo quy định.
➨ Thủ tục đổi giấy phép lái xe cho người nước ngoài sử dụng ở Việt Nam
Người lao động nước ngoài nộp trực tiếp hồ sơ xin đổi giấy phép lái xe tại Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải, nơi người nước ngoài đăng ký tạm trú/thường trú.
Bộ hồ sơ bao gồm:
- Đơn đề nghị đổi giấy phép lái xe cho người nước ngoài;
- Bản sao hộ chiếu, CMND/CCCD, giấy chứng minh thư ngoại giao của người nước ngoài hoặc công vụ được cấp bởi Bộ Ngoại giao Việt Nam;
- Bản sao thẻ tạm trú/thẻ thường trú của người nước ngoài;
- Bản sao giấy phép lái xe đóng dấu giáp lai với bản dịch giấy phép lái xe của người nước ngoài ra tiếng Việt đã được cơ quan công chứng hoặc Đại sứ quán, Lãnh sự quán tại Việt Nam mà người dịch làm việc bảo chứng chất lượng dịch thuật.
>> Tải mẫu miễn phí: Hồ sơ đổi giấy phép lái xe cho người nước ngoài.
Thời gian xử lý hồ sơ của Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải là không quá 5 ngày kể từ ngày tiếp nhận bộ hồ sơ đầy đủ của người nước ngoài. Trường hợp từ chối đổi giấy phép lái xe cho người nước ngoài, cơ quan sẽ ra thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do.
Lưu ý:
Khi đến nộp hồ sơ đổi giấy phép lái xe, người nước ngoài phải chụp ảnh trực tiếp tại Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải và xuất trình bản gốc các giấy tờ nêu trên để đối chiếu với bản sao.
>> Tham khảo chi tiết: Thủ tục đổi bằng lái xe cho người nước ngoài.
Quy định về quyết toán thuế thu nhập cá nhân cho người nước ngoài
1. Người nước ngoài làm việc tại Việt Nam có chịu thuế TNCN không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 2 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007, khi người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam (không phân biệt cá nhân không cư trú hay cá nhân cư trú) tức là có thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam thì phải chịu thuế TNCN.
Tuy nhiên, để tránh bị đánh thuế 2 lần với trường hợp người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam nhưng nhận lương từ phía nước ngoài, pháp luật Việt Nam có quy định người lao động nước ngoài không phải kê khai, nộp thuế thu nhập cá nhân tại Việt Nam nếu thỏa mãn đồng thời 3 điều kiện sau:
- Người lao động nước ngoài có tổng thời gian hiện diện tại Việt Nam không quá 183 ngày trong năm dương lịch hoặc trong 12 tháng liên tục;
- Người chi trả thu nhập cho lao động nước ngoài không phải là đối tượng cư trú tại Việt Nam;
- Tiền công của người lao động nước ngoài không phát sinh tại 1 cơ sở thường trú hoặc 1 cơ sở cố định mà người sử dụng lao động có tại Việt Nam.
Tóm lại, nếu người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam nhưng nhận lương từ phía nước ngoài, đồng thời thỏa mãn 3 điều kiện kể trên thì không cần kê khai, nộp thuế thu nhập cá nhân ở Việt Nam.
2. Cách tính thuế thu nhập cá nhân cho người nước ngoài
Căn cứ theo Điều 18 Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định, công thức tính thuế thu nhập cá nhân cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam như sau:
➨ Đối với lao động nước ngoài là cá nhân cư trú tại Việt Nam
Thuế thu nhập cá nhân của lao động nước ngoài cư trú ở Việt Nam được xác định theo công thức:
Thuế TNCN phải nộp = (Tổng thu nhập - Các khoản miễn thuế - Các khoản giảm) x Thuế suất |
➨ Đối với lao động nước ngoài là cá nhân không cư trú tại Việt Nam
Thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của lao động nước ngoài không cư trú được xác định theo công thức:
Thuế TNCN phải nộp = Thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công × Thuế suất 20% |
Xem chi tiết:
>> Cách tính thuế TNCN cho người nước ngoài;
>> Dịch vụ quyết toán thuế TNCN cho người nước ngoài về nước.
Các câu hỏi liên quan đến quy định về người nước ngoài làm việc tại Việt Nam
1. Người lao động nước ngoài ở Việt Nam cần có những giấy tờ gì?
Các giấy tờ cần thiết để người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam là:
- Giấy phép lao động cho người nước ngoài;
- Hợp đồng lao động;
- Thẻ tạm trú hoặc thẻ thường trú;
- Giấy phép lái xe đã chuyển đổi (nếu người nước ngoài có nhu cầu lái xe ở Việt Nam).
>> Tham khảo: Điều kiện người nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
2. Người nước ngoài làm việc ở Việt Nam có phải đóng thuế thu nhập cá nhân?
Theo quy định tại Điều 2 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007, khi người lao động làm việc tại Việt Nam, bất kể là cá nhân cư trú hay không cư trú nếu có thu nhập chịu thuế phát sinh tại lãnh thổ Việt Nam thì phải nộp thuế thu nhập cá nhân.
3. Thuế suất thuế TNCN cho nước ngoài làm việc tại Việt Nam là bao nhiêu?
Căn cứ tại Khoản 1 Điều 18 Thông tư 111/2013/TT-BTC, mức thuế suất thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của cá nhân không cư trú là 20%.
Bạn tham khảo thêm thuế suất thuế TNCN cho lao động nước ngoài cư trú tại Việt Nam theo bài viết “Cách tính thuế TNCN cho người nước ngoài”.
4. Người nước ngoài làm việc ở Việt Nam không có thẻ tạm trú thì bị xử lý như thế nào?
Trường hợp người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam mà không có thẻ tạm trú còn thời hạn thì bị coi là cư trú bất hợp pháp, có thể bị phạt hành chính lên đến 20.000.000 đồng và trục xuất khỏi Việt Nam.
5. Người nước ngoài làm việc ở Việt Nam có được sử dụng phương tiện giao thông di chuyển trên lãnh thổ Việt Nam?
Người nước ngoài được phép điều khiển phương tiện giao thông lưu thông trên đường tại Việt Nam nhưng phải thực hiện thủ tục đổi giấy phép lái xe cho người nước ngoài quy định tại Khoản 10 Điều 33 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT.
>> Tham khảo chi tiết: Thủ tục đổi giấy phép lái xe cho người nước ngoài sử dụng ở Việt Nam.
6. Quy định về thời hạn hợp đồng lao động của người nước ngoài làm việc tại Việt Nam
Hợp đồng lao động được ký kết giữa người lao động nước ngoài và người sử dụng lao động phải là loại hợp đồng có thời hạn và không được vượt quá thời hạn của giấy phép lao động.
Gọi cho chúng tôi theo số 0984 477 711 (Miền Bắc) - 0903 003 779 (Miền Trung) - 0938 268 123 (Miền Nam) để được hỗ trợ.