Thủ tục và trường hợp miễn giấy phép lao động (work permit)

Tìm hiểu: Miễn giấy phép lao động là gì? Điều kiện & các trường hợp được miễn work permit cho người nước ngoài? Hồ sơ và thủ tục miễn giấy phép lao động?

Với chính sách kinh tế thị trường ngày càng cởi mở, hiện nước ta đang miễn giấy phép lao động cho khoảng 20 trường hợp người nước ngoài tới Việt Nam làm việc. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn còn thắc mắc liệu chuyên gia, lao động nước ngoài mình thuê có thuộc diện được miễn không? Điều kiện, thủ tục xin xác nhận miễn giấy phép lao động ra sao? Anpha sẽ giúp bạn giải đáp tất cả các thắc mắc đó trong bài viết dưới đây.

Miễn giấy phép lao động (work permit) là gì?

Giấy phép lao động (hay còn gọi là work permit) là một loại giấy tờ pháp lý quan trọng, giúp cho người lao động nước ngoài được phép làm việc hợp pháp tại Việt Nam. Thông thường, người nước ngoài cần sẽ phải thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép lao động tại Việt Nam. Tuy nhiên, một số trường hợp đặc biệt sẽ được đặc cách miễn giấy phép lao động.

Thực chất người thuộc diện miễn giấy phép lao động là cách gọi dành cho lao động nước ngoài không thuộc trường hợp cấp giấy phép lao động. Những trường hợp này sẽ không phải thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép lao động mà sẽ thực hiện một thủ tục khác đó là thủ tục xin xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động.

Các trường hợp được miễn giấy phép lao động tại Việt Nam

Hiện nay, có 20 trường hợp thuộc diện được miễn giấy phép lao động được quy định cụ thể tại Điều 154 Bộ Luật Lao động 2019 và Nghị định 152/2020/NĐ-CP. Tuy nhiên, có thể khái quát các trường hợp không phải làm thủ tục xác nhận miễn giấy phép lao động bao gồm:

  • Người nước ngoài giữ chức vụ trưởng văn phòng đại diện hoặc là người chịu trách nhiệm chính làm việc tại các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài hoạt động tại Việt Nam;
  • Người nước ngoài di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp thuộc phạm vi 11 ngành dịch vụ bao gồm: kinh doanh, xây dựng, thông tin, phân phối, môi trường, giáo dục, tài chính, du lịch, y tế, văn hóa giải trí và vận tải;
  • Người nước ngoài là chuyên gia tới Việt Nam để xử lý tình huống kỹ thuật, xử lý sự cố phát sinh, công nghệ phức tạp mà các chuyên gia Việt Nam hoặc các chuyên gia nước ngoài khác hiện đang làm việc tại Việt Nam không xử lý được với thời hạn tối đa 3 tháng;
  • Người nước ngoài có giấy phép hoạt động báo chí, thông tin tại Việt Nam, là luật sư được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư tại Việt Nam;
  • Người nước ngoài tới Việt Nam để cung cấp dịch vụ tư vấn về chuyên môn, kỹ thuật cho các dự án ODA (dự án sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức);
  • Người nước ngoài là tình nguyện viên tới Việt Nam để thực hiện điều khoản của Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên;
  • Người nước ngoài tới Việt Nam để thực hiện thỏa thuận quốc tế hoặc Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên;
  • Người nước ngoài làm việc cho cơ quan Nhà nước Việt Nam có hộ chiếu công vụ còn hiệu lực;
  • Người nước ngoài được cử sang Việt Nam để giảng dạy, nghiên cứu tại trường quốc tế được thành lập theo các hiệp định mà Việt Nam ký kết, tham gia hoặc thuộc sự quản lý của cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài, Liên hợp quốc;
  • Người nước ngoài là học sinh, sinh viên theo diện thỏa thuận thực tập trong các cơ sở giáo dục, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam.

Như vậy, có thể thấy rằng hầu hết các trường hợp được miễn giấy phép lao động đều là những trường hợp Việt Nam tạo điều kiện để các chuyên gia nước ngoài, người có chức vụ, lao động chất lượng cao tới làm việc, giúp đỡ Việt Nam hoặc nằm trong diện ngoại giao giữa Việt Nam và các quốc gia khác. Điều này thể hiện chính sách ngoại giao cởi mở, tạo điều kiện thuận lợi để người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Thủ tục xin miễn giấy phép lao động cho người nước ngoài

Đối với người nước ngoài thuộc diện được miễn work permit, thì doanh nghiệp, tổ chức sử dụng lao động là người nước ngoài phải làm thủ tục xin miễn giấy phép lao động tại cơ quan có thẩm quyền. 

1. Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ xin giấy miễn giấy phép lao động cho người nước ngoài

Căn cứ Điều 8 Nghị định 152/2020/NĐ-CP thì người nước ngoài muốn xin xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động cần chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ sau: 

  • Văn bản đề nghị xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo mẫu số 09/PLI Nghị định 152/2020/NĐ-CP;
  • Giấy chứng nhận đủ sức khỏe/giấy khám sức khỏe có giá trị trong thời hạn 12 tháng;
  • Văn bản chấp thuận nhu cầu sử dụng NLĐ nước ngoài trừ những trường hợp không cần xác định nhu cầu sử dụng NLĐ nước ngoài;
  • Bản sao có chứng thực hộ chiếu hoặc thẻ tạm trú còn thời hạn theo quy định của pháp luật Việt Nam;
  • Các giấy tờ để chứng minh người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động.

>> TẢI MẪU: Mẫu 09/PLI - Văn bản đề nghị xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động.

Lưu ý:

>> Giấy tờ chứng minh người nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động gồm:

  • Đối với người nước ngoài thuộc diện nhà quản lý thì cần nộp kèm: giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, điều lệ của công ty người đó đang giữ chức vụ đó để chứng minh;
  • Đối với người nước ngoài thuộc diện thân nhân của người nước ngoài là thành viên cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam thì cần nộp kèm: sổ hộ khẩu, giấy chứng nhận đăng ký kết hôn để chứng minh mối quan hệ hợp pháp của mình.

>> Với những tài liệu, giấy tờ do cơ quan tổ chức nước ngoài cấp thì cần được hợp pháp hóa lãnh sự, được dịch ra tiếng Việt và công chứng tư pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam.

2. Bước 2: Nộp hồ sơ 

Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, doanh nghiệp, tổ chức cần tiến hành nộp hồ sơ tại Sở/Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nơi người lao động nước ngoài dự kiến làm việc để xin xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động trước ít nhất 10 ngày, kể từ ngày người lao động nước ngoài bắt đầu làm việc.

3. Bước 3: Nhận kết quả

Trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận cấp văn bản xác nhận người lao động không thuộc diện cấp giấy phép lao động (hay còn gọi là giấy xác nhận miễn giấy phép lao động).

Điều kiện xin xác nhận miễn giấy phép lao động

1. Điều kiện chung

Trong bất kỳ trường hợp nào, người nước ngoài muốn được cấp giấy phép lao động tại Việt Nam cần đáp ứng những điều kiện chung sau:

  • Là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật Việt Nam;
  • Có đủ sức khỏe phù hợp với vị trí công việc tại Việt Nam;
  • Không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, không phải là người phạm tội theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế;
  • Thuộc diện được miễn giấy phép lao động theo quy định tại Nghị định 152/2020/NĐ-CP;
  • Có văn bản chấp thuận về việc sử dụng người lao động nước ngoài của cơ quan có thẩm quyền Việt Nam.

2. Điều kiện riêng cho từng vị trí công việc

Ngoài các điều kiện chung kể trên, người nước ngoài nắm giữ một số vị trí việc làm quan trọng cần đáp ứng các điều kiện khác như bằng cấp, chứng chỉ và kinh nghiệm làm việc. Có thể kể tới 4 vị trí công việc đó là: chuyên gia, nhà quản lý, giám đốc điều hành (CEO) và lao động kỹ thuật. Cụ thể:

Đối với chuyên gia

Có bằng đại học hoặc tương đương đại học trở lên và có tối thiểu 3 năm kinh nghiệm làm việc phù hợp với công việc dự kiến tại Việt Nam;

Có ít nhất 5 năm kinh nghiệm và được cấp chứng chỉ hành nghề phù hợp với công việc dự kiến tại Việt Nam.

Đối với nhà quản lý

Nhà quản lý chính là cách gọi những người nắm giữ các chức danh có quyền quản lý, điều hành công ty như: giám đốc, tổng giám đốc, chủ doanh nghiệp tư nhân, chủ tịch hội đồng quản trị, chủ tịch hội đồng thành viên...

Giám đốc điều hành

Đây là chức vụ cao nhất mà một người nắm giữ trong một doanh nghiệp, là người đứng đầu và trực tiếp điều hành đơn vị trực thuộc cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. 

Vì vậy, pháp luật hiện hành cho phép người nước ngoài nắm giữ chức vụ giám đốc điều hành được miễn giấy phép lao động tại Việt Nam

Lao động kỹ thuật

Tuy không phải là những người giữ chức vụ quản lý, lao động kỹ thuật vẫn là lực lượng lao động chất lượng cao nên cần được sự ưu tiên để thu hút nhóm lao động này tới Việt Nam làm việc.

Hiện nước ta cho phép người nước ngoài là lao động có trình độ chuyên môn cao được miễn giấy phép lao động trong các trường hợp sau đây:

  • Được đào tạo chuyên môn kỹ thuật hoặc chuyên ngành khác tương đương trong ít nhất 1 năm và có kinh nghiệm làm việc ít nhất 3 năm trong chuyên ngành đào tạo;
  • Có tối thiểu 5 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực phù hợp với vị trí công việc dự kiến tại Việt Nam.

Thời hạn của giấy xác nhận miễn giấy phép lao động

Theo quy định của Bộ Luật Lao động 2019, giấy xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động (work permit) có thời hạn tối đa là 2 năm.

Thời hạn của giấy xác nhận miễn giấy phép lao động không được xác định cụ thể, mà thường sẽ phụ thuộc vào thời hạn của hợp đồng, của thỏa thuận hay phụ thuộc vào thời gian nắm giữ chức vụ, thời gian thực hiện nhiệm vụ của người nước ngoài thuộc diện miễn giấy phép lao động đó.

Khi thời hạn của hợp đồng, thỏa thuận kết thúc hoặc khi người được miễn giấy phép lao động thực hiện xong nhiệm vụ, ngừng nắm giữ vị trí quản lý thì thời hạn của giấy xác nhận miễn giấy phép lao động cũng sẽ chấm dứt.

Khi giấy xác nhận hết thời hạn, người nước ngoài cần thực hiện thủ tục xin giấy xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động một lần nữa hoặc xin cấp giấy phép lao động mới nếu muốn tiếp tục làm việc tại Việt Nam.

>> Xem thêm: Thủ tục xin giấy phép lao động cho người nước ngoài.

Một số câu hỏi về thủ tục xin miễn giấy phép lao động

1. Xin xác nhận miễn giấy phép lao động là gì?

Xin xác nhận miễn giấy phép lao động thực chất là xin xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động. Vì vậy, bạn sẽ không thể tìm thấy mẫu đề nghị xin xác nhận miễn giấy phép lao động mà chỉ có thể tìm được mẫu đề nghị xin xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động mà thôi.


2. Hồ sơ xin xác nhận miễn giấy phép lao động gồm những gì?

Thành phần hồ sơ gồm có:

  • Văn bản đề nghị xác nhận miễn giấy phép lao động;
  • Giấy chứng nhận đầy đủ sức khỏe hoặc giấy khám sức khỏe;
  • Văn bản chấp thuận nhu cầu sử dụng NLĐ nước ngoài;
  • Bản sao chứng thực hộ chiếu/thẻ tạm trú còn thời hạn theo quy định của pháp luật Việt Nam;
  • Các giấy tờ chứng minh NLĐ nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động.

3. Các trường hợp nào cần xin xác nhận miễn giấy phép lao động tại Việt Nam?

Hiện có 4 vị trí công việc được xác nhận miễn giấy phép lao động tại Việt Nam đó là: chuyên gia, nhà quản lý, giám đốc điều hành, lao động kỹ thuật.


4. Điều kiện để được xác nhận miễn giấy phép lao động là gì?

Để được xác nhận miễn giấy phép lao động, trước hết bạn cần đáp ứng những điều kiện chung đó là: Có đầy đủ năng lực hành vi dân sự; có đủ sức khỏe phù hợp với vị trí công việc; không bị truy cứu trách nhiệm hình sự; không thuộc diện cấp giấy phép lao động và có văn bản chấp thuận về việc sử dụng lao động của cơ quan có thẩm quyền Việt Nam. Tiếp đó, tùy vào vị trí công việc bạn đảm nhận mà bạn cần đáp ứng những điều kiện về bằng cấp, chứng chỉ hoặc kinh nghiệm làm việc.


5. Nộp hồ sơ xin xác nhận miễn giấy phép lao động ở đâu?

Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo hướng dẫn trên, doanh nghiệp sử dụng lao động là người nước ngoài phải nộp hồ sơ để xin xác nhận miễn giấy phép lao động tại Bộ/Sở Lao động - Thương Binh và Xã hội nơi người nước ngoài đang làm việc hoặc dự kiến sẽ làm việc.


Gọi cho chúng tôi theo số 0984 477 711 (Miền Bắc)0903 003 779 (Miền Trung) hoặc 0908 742 789 (Miền Nam) để được hỗ trợ.

Trần Lan - Phòng Pháp lý Anpha

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Đánh giá chất lượng bài viết, bạn nhé!

5.0

1 đánh giá
Chọn đánh giá

Gửi đánh giá

BÌNH LUẬN - HỎI ĐÁP

Hãy để lại câu hỏi của bạn, chúng tôi sẽ trả lời TRONG 15 PHÚT

SĐT và email sẽ được ẩn để bảo mật thông tin của bạn GỬI NHANH