Báo điện tử là gì? Hồ sơ và thủ tục xin giấy phép báo điện tử

Giấy phép báo điện tử là gì? Điều kiện thành lập cơ quan báo chí, tạp chí trực tuyến. Hồ sơ, thủ tục xin cấp giấy phép báo điện tử, báo online, báo mạng điện tử.

Báo chí là một phương tiện truyền thông có nhiệm vụ truyền đạt thông tin, tin tức và những diễn biến quan trọng trong đời sống xã hội đến công chúng. Báo chí gồm báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử. Trong đó, báo điện tử gồm 2 loại là báo điện tử và tạp chí điện tử. Muốn thiết lập 2 trang báo chí này cần có giấy phép báo điện tử hoặc giấy phép tạp chí điện tử. Trong bài viết sau đây, hãy cùng Anpha tìm hiểu về giấy phép báo điện tử.

Giấy phép báo điện tử là gì?

Báo điện tử hay còn có tên gọi khác là báo mạng, báo trực tuyến, báo online, là một loại trang thông tin điện tử dưới hình thức báo chí, cung cấp đa dạng thông tin sử dụng chữ viết, hình ảnh, âm thanh thông qua mạng internet. 

Giấy phép báo điện tử là loại giấy phép do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp cho cơ quan, tổ chức cho phép thành lập cơ quan báo chí, hoạt động và công bố nội dung đa dạng trên môi trường trực tuyến một cách hợp pháp. 

Ví dụ: Các trang báo điện tử chính thống hiện nay: báo Dân trí (dantri.com.vn), báo VnExpress (vnexpress.net), báo Tuổi trẻ (tuoitre.vn)...

>> Tìm hiểu thêm: Các loại trang thông tin tổng hợp.

Đối tượng được thành lập cơ quan báo chí, trang báo điện tử

Căn cứ Điều 14 Luật Báo chí 2016, các đối tượng được phép thành lập cơ quan báo chí hoạt động báo điện tử gồm:

  • Cơ quan của Đảng, nhà nước;
  • Tổ chức chính trị - xã hội,
  • Tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp;
  • Tổ chức xã hội;
  • Tổ chức xã hội - nghề nghiệp; 
  • Tổ chức tôn giáo cấp tỉnh/thành phố trở lên.

Như vậy, cơ quan báo chí không phải là doanh nghiệp và không hoạt động như một doanh nghiệp.

Do đó, nếu doanh nghiệp không thuộc các cơ quan, tổ chức nói trên mà muốn thành lập trang tin tức, cung cấp thông tin nhằm mục đích thương mại thì có thể xin giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp thay vì thành lập cơ quan báo chí. 

>> Tham khảo thêm: Thủ tục xin giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp.

Hồ sơ, thủ tục xin giấy phép báo điện tử, báo mạng điện tử 

Cơ quan, tổ chức thuộc các đối tượng kể trên có thể thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép hoạt động báo điện tử theo hướng dẫn dưới đây của Anpha.

1. Chuẩn bị hồ sơ xin giấy phép báo điện tử

Bộ hồ sơ xin giấy phép hoạt động báo điện tử bao gồm:

  1. Đơn đề nghị xin giấy phép hoạt động báo điện tử - Mẫu số 06;
  2. Đề án hoạt động trang báo điện tử (có chữ ký và đóng dấu xác nhận của người có thẩm quyền hoặc ký số của cơ quan, tổ chức xin cấp phép) và các tài liệu kèm theo (*); 
  3. Danh sách các nhân sự dự kiến của trang báo điện tử - Mẫu số 03;
  4. Sơ yếu lý lịch của người dự kiến được bổ nhiệm tổng biên tập - Mẫu số 04;
  5. Mẫu trình bày giao diện trang chủ của báo điện tử (**) hoặc chuyên trang báo điện tử (***) có xác nhận của cơ quan, tổ chức đề nghị cấp giấy phép. 

TẢI MIỄN PHÍ: 

>> Tờ khai đề nghị cấp giấy phép hoạt động báo điện tử;

>> Danh sách dự kiến nhân sự của báo điện tử;

>> Sơ yếu lý lịch người dự kiến là tổng biên tập.

(*) Tài liệu kèm theo đề án hoạt động trang báo điện tử gồm các nội dung sau: 

  • Sự cần thiết và cơ sở pháp lý hoạt động báo điện tử;
  • Việc đáp ứng đầy đủ các điều kiện cấp phép thành lập trang báo điện tử;
  • Cấu trúc và nội dung chính của các chuyên trang, chuyên mục báo điện tử;
  • Tên miền phù hợp với tên báo điện tử và còn hạn sử dụng ít nhất 6 tháng tính từ thời điểm đề nghị cấp giấy phép hoạt động báo điện tử; 
  • Quy trình phát hành và quản lý thông tin.

(**) Giao diện trang chủ báo điện tử phải thể hiện đầy đủ các thông tin sau đây:

➤ Trên trang chủ và các trang con của báo điện tử:

  • Tên bài báo;
  • Tên cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí (ghi dưới tên báo chí);
  • Tên miền trang web;
  • Thời gian (ngày/tháng/năm) xuất bản. 

➤ Dưới chân trang của trang chủ báo điện tử:

  • Số giấy phép, thời gian cấp, cơ quan cấp giấy phép hoạt động báo điện tử;
  • Thông tin của cơ quan báo chí: địa chỉ, số điện thoại, fax, email, họ tên của tổng biên tập.

(***) Giao diện trang chủ của chuyên trang báo điện tử hiển thị đầy đủ các thông tin ở trên, trong đó:

  • Tên của chuyên trang phải ghi rõ cụm từ “chuyên trang” cỡ chữ ít nhất bằng 1/2 cỡ chữ của tên chuyên trang;
  • Cỡ chữ của tên báo điện tử ít nhất bằng 1/2 cỡ chữ của tên chuyên trang.

2. Nộp hồ sơ và chờ xét duyệt

Nộp hồ sơ xin giấy phép báo điện tử

Cơ quan, tổ chức có thể nộp hồ sơ đăng ký giấy phép báo điện tử cho Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) theo địa chỉ: Số 18 phố Nguyễn Du, phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.

Chờ xét duyệt và nhận giấy phép báo điện tử 

  • Trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ, Bộ TT&TT sẽ tiến hành xét duyệt. Nếu hồ sơ không hợp lệ, sẽ gửi văn bản thông báo về việc bổ sung, hoàn thiện hồ sơ cho cơ quan, tổ chức đề nghị cấp phép;
  • Trong vòng 90 ngày: Nếu nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ TT&TT tiến hành cấp giấy phép hoạt động báo chí điện tử. Trường hợp từ chối, sẽ gửi văn bản từ chối kèm lý do.

—-

Lưu ý:

  • Sau khi nhận giấy phép hoạt động báo điện tử, cơ quan chủ quản phải tiến hành thành lập cơ quan báo điện tử và công bố trên các phương tiện truyền thông;
  • Trong vòng 3 tháng kể từ ngày giấy phép hoạt động báo điện tử có hiệu lực, nếu không thành lập cơ quan báo điện tử hoặc không phát hành sản phẩm báo điện tử thì giấy phép sẽ hết hiệu lực. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ ra quyết định thu hồi giấy phép;
  • Nếu muốn cấp lại giấy phép, cơ quan chủ quản báo chí phải gửi đơn đề nghị cấp lại giấy phép hoạt động báo điện tử cho Bộ Thông tin và Truyền thông.

>> Xem chi tiết: Thủ tục cấp lại giấy phép hoạt động báo chí điện tử.

Điều kiện xin giấy phép báo điện tử, báo trực tuyến

Như Anpha đã chia sẻ ở trên, cơ quan, tổ chức muốn xin cấp phép hoạt động báo điện tử phải thuộc nhóm đối tượng được phép thành lập cơ quan báo chí, đồng thời đáp ứng các điều kiện sau đây:

1. Điều kiện chung của trang báo điện tử

  • Phải xác định loại hình báo chí;
  • Có tôn chỉ, mục đích hoạt động;
  • Phải xác định đối tượng phục vụ;
  • Có tên miền, vị trí đặt máy chủ, đơn vị cung cấp dịch vụ kết nối.

2. Điều kiện về nhân sự

  • Có kế hoạch cho tổ chức và nhân sự đảm bảo hoạt động của cơ quan báo chí; 
  • Tổng biên tập được bổ nhiệm là người đứng đầu cơ quan báo chí nếu đảm bảo: 
    • Có quốc tịch Việt Nam, có nơi ở thường trú tại Việt Nam;
    • Có bằng cử nhân trở lên và thẻ nhà báo còn hạn sử dụng (ngoại trừ trường hợp tổng biên tập là người thuộc các tổ chức tôn giáo);
    • Có phẩm chất đạo đức tốt, đã hết thời hạn bị kỷ luật từ khiển trách trở lên theo quy định của pháp luật về công chức, viên chức và pháp luật về lao động. 

3. Điều kiện về kỹ thuật

  • Có tên và hình thức trình bày tên cơ quan báo chí và chuyên trang của báo điện tử;
  • Có địa chỉ trụ sở và đáp ứng các điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật và tài chính;
  • Có phương án kỹ thuật nhằm đảm bảo an toàn, an ninh thông tin;
  • Có tối thiểu 1 tên miền đuôi “.vn” đã đăng ký tương ứng với tên báo chí và đặt hệ thống máy chủ tại Việt Nam;
  • Tuân thủ các quy định đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở báo chí, thông tin điện tử, cơ sở xuất bản. 

Ưu, nhược điểm của báo điện tử

Báo điện tử trong thời đại công nghệ ngày nay đóng vai trò quan trọng trong việc truyền đạt thông tin và kết nối cộng đồng một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, như mọi phương tiện truyền thông, báo điện tử cũng tồn tại cả những ưu điểm và nhược điểm riêng. Cùng Anpha tìm hiểu chi tiết dưới đây.

1. Ưu điểm của báo điện tử

➤ Tốc độ và linh hoạt

Tin tức trên báo điện tử được cập nhật liên tục, nhanh chóng và linh hoạt, giúp người đọc nắm bắt thông tin mới nhất, không bị ràng buộc bởi các kỳ in và phát sóng như báo giấy và truyền hình.

➤ Có tính tương tác với độc giả

  • Các trang báo điện tử thường có các tính năng tương tác như bình luận, chia sẻ và thảo luận, giúp tạo ra sự tương tác giữa người đọc và báo chí;
  • Phản hồi nhanh chóng từ độc giả giúp cải thiện chất lượng thông tin và tạo cơ hội cho sự tương tác xã hội.

➤ Phục vụ tốt cho quảng cáo

Báo điện tử thường cung cấp không gian quảng cáo cho các doanh nghiệp và tổ chức, là phương tiện hiệu quả để các doanh nghiệp tiếp cận đối tượng khách hàng mục tiêu.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ

2. Nhược điểm của báo điện tử

➤ Chạy theo tiêu chí cung cấp thông tin nhanh và nóng

Một trong những nhược điểm lớn của báo điện tử là áp lực cạnh tranh thông tin, đặc biệt là những tin tức nóng. Điều này dẫn đến việc nhiều trang báo có thể bỏ qua hoặc coi nhẹ tính chính xác của thông tin, dẫn đến việc đăng tải thông tin chưa kiểm chứng và gây hậu quả tiêu cực.

➤ Tính một chiều và thiếu khách quan

Báo điện tử có thể tự sản xuất thông tin, do đó có thể mang tính chất một chiều và thiếu tính khách quan trong việc truyền đạt thông tin. 

➤ Sự xuất hiện của “báo lá cải”

Nhiều trang báo điện tử còn chạy theo xu hướng giật gân, câu khách vì mục đích thương mại hóa, đưa thông tin sai lệch, trái chuẩn mực đạo đức khiến độc giả mất niềm tin vào vào báo điện tử.

Các câu hỏi thường gặp về thủ tục xin giấy phép báo điện tử

1. Giấy phép báo điện tử là gì?

Giấy phép báo điện tử là loại giấy phép con do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp cho cơ quan, tổ chức cho phép hoạt động báo chí và công bố nội dung trên môi trường trực tuyến một cách hợp pháp. 

>> Xem chi tiết: Giấy phép báo điện tử là gì?

2. Hồ sơ xin giấy phép báo điện tử gồm những gì?

Bộ hồ sơ xin giấy phép hoạt động báo điện tử bao gồm:

  1. Đơn đề nghị xin giấy phép hoạt động báo điện tử;
  2. Đề án hoạt động trang báo điện tử (có chữ ký và đóng dấu xác nhận của người có thẩm quyền hoặc ký số của cơ quan, tổ chức xin cấp phép) và các tài liệu kèm theo; 
  3. Danh sách các nhân sự dự kiến của trang báo điện tử;
  4. Sơ yếu lý lịch của người dự kiến được bổ nhiệm tổng biên tập;
  5. Mẫu trình bày giao diện trang chủ của báo điện tử hoặc chuyên trang báo điện tử có xác nhận của cơ quan, tổ chức đề nghị cấp giấy phép. 

>> Xem chi tiết: Hồ sơ xin giấy phép báo điện tử

3. Ai có thẩm quyền cấp giấy phép báo điện tử?

Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan xét duyệt và cấp giấy phép báo điện tử.

4. Doanh nghiệp có tự lập trang báo điện tử được không?

Không. Căn cứ Điều 14 Luật Báo chí 2016, các đối tượng được phép thành lập cơ quan báo chí hoạt động báo điện tử phải thuộc các cơ quan, tổ chức sau:

  • Cơ quan của Đảng, nhà nước;
  • Tổ chức chính trị - xã hội,
  • Tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp;
  • Tổ chức xã hội;
  • Tổ chức xã hội - nghề nghiệp;
  • Tổ chức tôn giáo cấp tỉnh/thành phố trở lên.

>> Xem chi tiết: Đối tượng được thành lập cơ quan báo điện tử.

5. Cho ví dụ về các trang báo mạng điện tử hiện nay 

Các trang báo mạng cung cấp tin tức online uy tín hiện nay có thể kế đến như: báo VnExpress, báo Thanh niên, báo Dân trí, báo Tuổi trẻ, báo Vietnamnet, báo Lao động…

Gọi cho chúng tôi theo số 0984 477 711 (Miền Bắc) - 0903 003 779 (Miền Trung) - 0938 268 123 (Miền Nam) để được hỗ trợ.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Đánh giá chất lượng bài viết, bạn nhé!

0.0

Chưa có đánh giá nào
Chọn đánh giá

Gửi đánh giá

BÌNH LUẬN - HỎI ĐÁP

Hãy để lại câu hỏi của bạn, chúng tôi sẽ trả lời TRONG 15 PHÚT

SĐT và email sẽ được ẩn để bảo mật thông tin của bạn GỬI NHANH