37 câu hỏi thường gặp về Luật Quản Lý Thuế số 38 - Mới nhất.

Qua bài này, Anpha sẽ giải đáp cụ thể câu hỏi thường gặp về Luật Quản lý thuế số 38 được áp dụng thử nghiệm tại Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng và Quảng Ninh.

 

Câu hỏi 1: Nghị định 119/2018/NĐ-CP ngày 12/09/2018 quy định thời hạn là từ 01/11/2020, nhưng Luật Quản lý thuế số 38/QH14/2019 quy định từ 1/07/2022. Vậy thời điểm áp dụng hóa đơn điện tử có được dời đến 01/07/2022? Hiện nay có bắt buộc áp dụng quy định về hóa đơn điện tử theo Nghị định 119/2018/NĐ-CP không? (Anh Võ Dũng)

>> Trả lời: 

Luật Quản lý thuế số 38/QH14/2019 quy định về việc áp dụng hóa đơn, chứng từ điện tử có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2022; khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân áp dụng quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử của Luật này trước ngày 01 tháng 7 năm 2022.

Nghị định số 119/2018/NĐ-CP ngày 12/9/2018 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 01/11/2018. Cơ sở kinh doanh và cơ quan thuế có thời hạn 24 tháng (từ ngày 1/11/2018 đến ngày 1/11/2020) để chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin để người nộp thuế có thể đăng ký, sử dụng, tra cứu và chuyển dữ liệu lập hóa đơn điện tử cho cơ quan thuế theo quy định tại Nghị định số 119/2018/NĐ-CP, thì trong khi cơ quan thuế chưa thông báo các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh chuyển đổi để sử dụng hóa đơn điện tử theo Nghị định số 119/2018/NĐ-CP ngày 12/9/2018 thì vẫn áp dụng hóa đơn theo quy định tại Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010, Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP, Nghị định số 04/2014/NĐ-CP.

Khi có Nghị định mới thay thế Nghị định số 119/2018/NĐ-CP thì công ty thực hiện theo Nghị định mới ban hành.

Câu hỏi 2: Công ty chúng tôi đang sử dụng hóa đơn điện tử, trong quá trình sử dụng chúng tôi hiện đang có thắc mắc về việc: “Hiện nay có được lập bảng kê hàng hóa dịch vụ bán ra kèm theo hóa đơn điện tử hay không?”, mong Cục Thuế giải đáp. (Chị Hạnh)

>> Trả lời:

Căn cứ theo Thông tư số 32/2011/TT-BTC ngày 14/03/2011 và Thông tư 39/2014/TT-BTC ngày 31/03/2014 của Tổng Cục Thuế, theo đó hóa đơn điện tử là tập hợp các thông điệp dữ liệu điện tử về bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, không bị giới hạn về số dòng trên một tờ hóa đơn nên hóa đơn điện tử không lập kèm bảng kê.

Câu hỏi 3: Công ty chúng tôi là doanh nghiệp bán lẻ hàng hóa đang sử dụng HĐĐT, phần lớn đối tượng khách hàng là các cá nhân không có nhu cầu lấy hóa đơn, như vậy trong kỳ, chúng tôi có thể tổng hợp và xuất chung 1 hóa đơn cho các đối tượng trên hay không? (Chị Hạnh)

>> Trả lời:

Căn cứ Thông tư 39/2014/TT-BTC ngày 31/03/2014, trường hợp công ty bán hàng hóa nếu giá trị hàng hóa dưới 200.000 đồng/lần, khách hàng không có nhu cầu lấy hóa đơn thì cuối ngày công ty lập một hóa đơn điện tử ghi số tiền bán hàng hóa trong ngày theo hướng dẫn của Thông tư 39/2014/TT-BTC. Trường hợp giá trị hàng hóa từ 200.000 đồng/lần trở lên và khách hàng không lấy hóa đơn thì công ty vẫn phải lập hóa đơn và ghi rõ “người mua không lấy hóa đơn”.

Câu hỏi 4: Xin Cục Thuế giải đáp những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn sẽ triển khai trong năm 2020. Xin cảm ơn! (Anh Quốc)

>> Trả lời:

Một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp triển khai từ năm 2020 bao gồm: 

  • Được gia hạn thời hạn nộp thuế (GTGT, TNDN) và tiền thuê đất 5 tháng đối với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuộc ngành nghề, lĩnh vực và doanh nghiệp nhỏ - siêu nhỏ theo quy định tại Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020, cụ thể: Thuế GTGT (từ kỳ tháng 3/2020 đến tháng 6/2020 hoặc quý I, quý II năm 2020), Thuế TNDN (quý I, quý II kỳ tính thuế năm 2020 và 20% còn phải nộp kỳ tính thuế năm 2019) và tiền thuê đất kỳ đầu năm 2020. Cục Thuế cũng xin lưu ý quý doanh nghiệp các loại thuế được gia hạn nộp thuế theo Nghị định 41/2020/NĐ-CP sẽ đến hạn nộp trong tháng 9/2020, gồm: 
    • Thuế GTGT của kỳ tính thuế tháng 3/2020 nộp chậm nhất là ngày 20/9/2020;
    • Thuế TNDN tạm nộp quý 1/2020 nộp chậm nhất là ngày 30/9/2020.
  • Được giảm 15% tiền thuê đất phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, tổ chức đang được nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo quyết định hoặc hợp đồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức trả tiền thuê đất hàng năm phải ngừng sản xuất kinh doanh từ 15 ngày trở lên do ảnh hưởng của dịch Covid-19 theo Quyết định số 22/2020/QĐ-TTg ngày 10/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ;
  • Giảm 30% số thuế TNDN phải nộp của kỳ tính thuế năm 2020 đối với trường hợp doanh nghiệp, tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng theo Nghị quyết số 116/2020/QH14 ngày 19/6/2020.

Câu hỏi 5: Tôi là đại diện pháp luật - chủ 1 công ty TNHH A, đồng thời tôi có góp vốn kinh doanh vào 1 công ty TNHH B khác, số vốn góp 30% giá trị vốn đăng ký tại công ty B. Tại công ty A tôi có thực hiện vay vốn tại ngân hàng để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh (không liên quan đến công ty B) và phát sinh lãi vay hàng tháng. Vậy chi phí lãi vay này có hợp lệ hay không & có bị khống chế theo Nghị định 68/2020/NĐ-CP? Rất mong quý cơ quan thuế tư vấn & giải đáp giúp công ty chúng tôi thực hiện tốt. (Anh Hòa)

>> Trả lời:

Căn cứ pháp lý:

  • Điều 5 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết quy định các bên có quan hệ liên kết;
  • Điều 1 Nghị định số 68/2020/NĐ-CP ngày 24/6/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.

Căn cứ theo quy định trên, trường hợp này sẽ được giải quyết như sau:

  • Công ty A là đối tượng nộp thuế TNDN theo phương pháp kê khai, nếu có phát sinh giao dịch với các bên có quan hệ giao dịch liên kết theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP thì công ty A thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định số 68/2020/NĐ-CP. Do đó, việc chi trả lãi tiền vay phát sinh trong kỳ được trừ (bao gồm cả lãi vay ngân hàng và các tổ chức, cá nhân khác) khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN thuộc trường hợp áp dụng quy định tại Khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP của Chính phủ (đã được sửa đổi, bổ sung tại Điều 1 Nghị định số 68/20202/NĐ-CP);
  • Trường hợp công ty A không có quan hệ giao dịch liên kết với các bên có giao dịch liên kết thì chi phí lãi vay, công ty A không bị khống chế theo quy định tại Nghị định số 68/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Câu hỏi 6: Công ty tôi hiện có trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh, có thành lập các chi nhánh hạch toán phụ thuộc tại các tỉnh, thành khác thì khi điều chuyển hàng hóa cho các chi nhánh, công ty chúng tôi sử dụng hóa đơn hay phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ? (Anh Võ Dũng)

>> Trả lời:

Trường hợp công ty theo trình bày có trụ sở chính tại TP.HCM có thành lập các chi nhánh hạch toán phụ thuộc tại các tỉnh, thành khác thì khi điều chuyển hàng hóa cho các chi nhánh, công ty có thể lựa chọn một trong hai cách sử dụng hóa đơn chứng từ (hóa đơn GTGT hay phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ) theo hướng dẫn tại Điểm 2.6 Phụ lục 4 ban hành kèm Thông tư 39/2014/TT-BTC.

Câu hỏi 7: Công ty chúng tôi chuyển cơ quan thuế quản lý từ Cục Thuế Đồng Nai sang Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh, như vậy chúng tôi cần thực hiện những thủ tục gì để có thể tiếp tục sử dụng hóa đơn đã thông báo phát hành tại Cục thuế Đồng Nai nhưng chưa sử dụng hết? (Chị Hạnh)

>> Trả lời:

Căn cứ Khoản 5 Điều 3 Thông tư 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015 sửa đổi Khoản 9 Thông tư 39/2014/TT-BTC ngày 31/03/2014 của Bộ Tài chính:

  • Trường hợp Công ty chuyển cơ quan thuế quản lý từ Cục Thuế Đồng Nai đến Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh có nhu cầu tiếp tục sử dụng số hóa đơn đã phát hành thì công ty thực hiện nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn (mẫu BC26/AC) kèm bảng kê chi tiết hóa đơn của tổ chức, cá nhân đến thời điểm quyết toán hóa đơn (mẫu BK02/AC) với cơ quan thuế nơi chuyển đi là Cục Thuế Đồng Nai và gửi bảng kê hóa đơn chưa sử dụng (mẫu BK01/AC) và thông báo điều chỉnh thông tin tại thông báo phát hành hóa đơn (mẫu TB04/AC) đến cơ quan thuế nơi chuyển đến là Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh.

Câu hỏi 8: Công ty chúng tôi đã thực hiện thông báo phát hành hóa đơn theo quy định và đã được cơ quan thuế chấp thuận cho phép sử dụng, tuy nhiên, hiện nay do để thuận tiện cho hoạt động kinh doanh công ty chúng tôi có thay đổi tài khoản ngân hàng, khác với tài khoản ngân hàng trên hóa đơn mẫu khi thực hiện phát hành. Như vậy chúng tôi có cần thay đổi mẫu hóa đơn và thực hiện thông báo phát hành hóa đơn lại hay không? (Anh Quốc)

>> Trả lời:

Căn cứ Thông tư 39/2014/TT-BTC ngày 31/03/2014: Do tiêu thức số tài khoản không phải là nội dung bắt buộc trên hóa đơn theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/03/2014 của Bộ Tài chính, do đó công ty không cần thiết thay đổi mẫu và thực hiện thông báo phát hành hóa đơn lại.

Câu hỏi 9: Tôi nghe nói, Luật Quản lý Thuế giới hạn lại thời hạn người nộp thuế được khai bổ sung hồ sơ thuế, cơ quan Thuế giải đáp giúp. Nếu cơ quan thuế đã công bố quyết định thanh tra, kiểm tra thuế tại trụ sở của công ty thì công ty có được khai điều chỉnh, bổ sung hồ sơ khai thuế không? (Anh Võ Dũng)

>> Trả lời:

Theo quy định tại Điều 47 Luật Quản lý thuế ngày 13/6/2019:

  • Trường hợp phát hiện hồ sơ khai thuế đã nộp có sai sót thì người nộp thuế được khai bổ sung hồ sơ khai thuế trong thời hạn 10 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế có sai sót nhưng trước khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền công bố quyết định thanh tra, kiểm tra;
  • Trường hợp cơ quan thuế đã công bố quyết định thanh tra, kiểm tra thuế tại trụ sở công ty thì công ty vẫn được khai bổ sung hồ sơ khai thuế; cơ quan thuế thực hiện xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế đối với hành vi vi phạm theo quy định tại Luật Quản lý Thuế.

Câu hỏi 10: Cơ quan thuế được quyền kiểm tra thuế tại công ty tôi trong thời gian bao lâu? (Anh Võ Dũng)

>> Trả lời:

Theo quy định tại Điều 110 Luật Quản lý thuế ngày 13/6/2019: Thời hạn kiểm tra thuế không quá 10 ngày làm việc tại trụ sở của người nộp thuế (được xác định trong quyết định kiểm tra) và được tính từ ngày công bố quyết định kiểm tra.

Câu hỏi 11: Trong năm 2017, 2018 công ty tôi có phát sinh mua bán hàng hóa với các bên giao dịch liên kết và khi quyết toán thuế TNDN năm 2017, 2018, công ty đã xác định lại chi phí lãi vay và khống chế theo tỷ lệ 20% trên tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ cộng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ cộng chi phí khấu hao phát sinh trong kỳ. Đến nay cơ quan thuế chưa kiểm tra quyết toán thuế năm 2017, 2018. Vậy, công ty có được điều chỉnh chi phí lãi vay theo quy định tại Nghị định số 68/2020/NĐ-CP của Chính phủ không? Nếu được điều chỉnh thì phát sinh số thuế TNDN nộp thừa, vậy công ty có được hoàn lại số thuế TNDN nộp thừa đó không? (Anh Hòa)

>> Trả lời:

Căn cứ Khoản 2 Điều 1 Nghị định số 68/2020/NĐ-CP ngày 24/6/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, quy định như sau:

  • Công ty được khai bổ sung hồ sơ khai quyết toán thuế TNDN năm 2017, 2018 để xác định lại chi phí lãi vay được trừ, số thuế TNDN phải nộp tương ứng (nếu có) và nộp cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp trước ngày 01/01/2021. Trường hợp công ty có số tiền thuế TNDN, tiền chậm nộp đã xác định lại thì phần chênh lệch được bù trừ vào số thuế TNDN năm 2020. Nếu năm 2020 không bù trừ hết thì được bù trừ vào thuế TNDN phải nộp 5 năm tiếp theo nhưng tối đa không quá 5 năm kể từ năm 2020. Kết thúc thời hạn trên, không xử lý số thuế còn lại chưa bù trừ hết.

Câu hỏi 12: Khi đi đường thì có cần phải in ra giấy A4 nội dung hóa đơn đã xuất không? Nếu không cần thì sử dụng giấy tờ gì đi đường và khi gặp cơ quan chức năng, quản lý thị trường… yêu cầu kiểm tra hàng hóa thì chứng từ như thế nào…? (Chị Hân)

>> Trả lời:

Trường hợp áp dụng hóa đơn điện tử theo quy định tại Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/05/2010, Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17/01/2014 và Thông tư số 32/2011/TT-BTC ngày 14/11/2011, mà công ty muốn chuyển đổi hóa đơn điện tử sang hóa đơn giấy để chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa hữu hình trong quá trình lưu thông thì công ty thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 12 Thông tư số 32/2011/TT-BTC ngày 14/03/2011.

Câu hỏi 13: Theo quy định tại Nghị định số 68/2020/NĐ-CP của Chính phủ, phần chi phí lãi vay không được trừ thì được chuyển sang kỳ tính thuế tiếp theo khi xác định tổng chi phí lãi vay được trừ trong trường hợp tổng chi phí lãi vay phát sinh được trừ của kỳ tính thuế tiếp theo thấp hơn mức quy định. Thời gian chuyển chi phí lãi vay tính liên tục không quá 05 năm kể từ năm tiếp sau năm phát sinh chi phí lãi vay không được trừ.

Như vậy, khi công ty kê khai điều chỉnh lại chi phí lãi vay từ 20% lên 30% trên tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ cộng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ cộng chi phí khấu hao phát sinh trong năm 2017, 2018 thì phần chi phí lãi vay không được trừ có được chuyển sang năm 2020 không? (Anh Quốc)

>> Trả lời:

Theo quy định tại Nghị định số 68/2020/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực thi hành từ kỳ tính thuế TNDN năm 2019 trở đi, do đó không áp dụng hồi tố đối với việc chuyển chi phí lãi vay năm 2017, 2018 không được trừ sang kỳ tính thuế tiếp theo khi xác định lại tổng chi phí lãi vay được trừ theo quy định tại Nghị định số 68/2020/NĐ-CP.

Từ kỳ tính thuế TNDN năm 2019 trở đi, phần chi phí lãi vay không được trừ thì được chuyển sang kỳ tính thuế tiếp theo khi xác định tổng chi phí lãi vay được trừ trong trường hợp tổng chi phí lãi vay phát sinh được trừ của kỳ tính thuế tiếp theo thấp hơn mức quy định. Thời gian chuyển chi phí lãi vay tính liên tục không quá 05 năm kể từ năm tiếp sau năm phát sinh chi phí lãi vay không được trừ.

Câu hỏi 14: Theo Nghị quyết số 116/2020/QH14 giảm 30% thuế TNDN của năm 2020 đối với doanh nghiệp có doanh thu năm không quá 200 tỷ đồng.

Nếu doanh nghiệp có năm tài chính 2020 từ 1/4/2020 đến 31/3/2021 thì áp dụng giảm 30% này cho giai đoạn từ 1/4/20 đến 31/3/21 hay giảm 30% cho giai đoạn từ 1/1/20 đến 31/12/21?

Nếu áp dụng giảm 30% cho giai đoạn 1/1/2020 đến 31/12/2021 thì có 3 tháng 1,2,3/2020 thuộc về năm tài chính 2019. Như vậy thu nhập tính thuế được miễn giảm tính theo 3 tháng 1,2,3/2020 hay tính bình quân 12  tháng của năm 2019 rồi nhân với 3? (Anh Hùng)

>> Trả lời:

Căn cứ Khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 116/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội, quy định về giảm 30% số thuế TNDN phải nộp được áp dụng cho kỳ tính thuế năm 2020.

Câu hỏi 15: Công ty em có 03 chi nhánh hạch toán phụ thuộc khác tỉnh với trụ sở chính ở TP.HCM bao gồm: Đồng Nai, Vũng Tàu, Tiền Giang. Trong đó, chi nhánh ở Đồng Nai và chi nhánh ở Vũng Tàu không trực tiếp bán hàng, không phát sinh doanh thu; chi nhánh ở Tiền Giang thì trực tiếp bán hàng, có phát sinh doanh thu. Cơ quan thuế có thể hướng dẫn việc khai thuế tập trung tại trụ sở chính và phân bổ thuế phải nộp tại các chi nhánh, đơn vị trực thuộc ở các tỉnh khác như thế nào? (Anh Hòa)

>> Trả lời:

Theo quy định tại Điều 42 Luật Quản lý thuế ngày 13/6/2019: Người nộp thuế khai thuế, tính thuế tại cơ quan thuế địa phương có thẩm quyền nơi có trụ sở. Trường hợp người nộp thuế hạch toán tập trung tại trụ sở chính, có đơn vị phụ thuộc tại địa bàn cấp tỉnh khác thì người nộp thuế khai thuế tại trụ sở chính và tính thuế, phân bổ thuế phải nộp theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Câu hỏi 16: Luật quản lý thuế 38/2019/QH14 có hiệu lực thi hành ngày 01/7/2020, theo Khoản 6 Điều 136 quy định về xử phạt vi phạm hành chính, theo đó việc xử phạt vi phạm hành chính về việc chậm nộp HSKT sẽ căn cứ vào thông báo tiếp nhận HSKT khi NNT khai thuế điện tử (thông báo tiếp nhận thể hiện rõ hành vi vi phạm) để làm căn cứ ra quyết định xử phạt VPHC, như vậy có phải cơ quan thuế không cần lập biên bản vi phạm hành chính để gửi cho NNT trước khi ra quyết định xử phạt hay không? Mong Cục Thuế giải đáp (Anh Võ Dũng)

>> Trả lời:

Theo quy định tại Điều 136 Luật Quản lý thuế ngày 13/6/2019: Về việc sử dụng thông báo tiếp nhận hồ sơ bằng phương thức điện tử (đối với thủ tục đăng ký thuế, khai thuế, quyết toán thuế), nếu thông báo này xác định rõ hành vi vi phạm hành chính về quản lý thuế thì được xem là biên bản vi phạm hành chính để ban hành quyết định xử phạt. Nội dung này, Chính phủ đang hoàn thiện quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuế.

Câu hỏi 17: Công ty chúng tôi là doanh nghiệp thuộc loại rủi ro cao về thuế, hiện đang thực hiện mua hóa đơn của cơ quan thuế. Như vậy, chúng tôi có thể phát hành hóa đơn điện tử để sử dụng không? (Chị Hà)

>> Trả lời:

Trường hợp doanh nghiệp sử dụng hóa đơn tự in, đặt in thuộc loại rủi ro cao về thuế thực hiện mua hóa đơn của cơ quan thuế theo quy định tại Điều 11 Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/03/2014 trong thời gian 12 tháng. Hết thời gian 12 tháng, căn cứ tình hình sử dụng hóa đơn, việc kê khai, nộp thuế của doanh nghiệp và đề nghị của doanh nghiệp, cơ quan thuế xem xét và có văn bản thông báo để doanh nghiệp phát hành hóa đơn điện tử để sử dụng hoặc tiếp tục mua hóa đơn của cơ quan thuế.

Câu hỏi 18: Công ty đã được cơ quan thuế kiểm tra quyết toán đến năm 2017, cơ quan thuế đã xác định lại chi phí lãi vay và khống chế theo tỷ lệ 20% trên tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh năm 2017 cộng chi phí lãi vay phát sinh cộng chi phí khấu hao phát sinh năm 2017. Đến nay theo quy định tại Nghị định số 68/2020/NĐ-CP thì công ty có được điều chỉnh chi phí lãi vay theo tỷ lệ khống chế là 30% không?

Đề nghị cơ quan thuế hướng dẫn công ty cách điều chỉnh chi phí lãi vay theo quy định tại Nghị định số 68/2020/NĐ-CP của các năm 2017, 2018 và năm 2019? (Anh Võ Dũng)

>> Trả lời:

Căn cứ Nghị định số 68/2020/NĐ-CP, thì công ty thực hiện như sau:

  • Đối với kỳ tính thuế TNDN năm 2017: 
    • Trường hợp công ty đã được cơ quan thuế thực hiện kiểm tra quyết toán và đã có kết luận thanh tra, kiểm tra, quyết định xử lý về thuế, công ty lập văn bản đề nghị cơ quan thuế quản lý trực tiếp xác định lại số thuế phải nộp. Căn cứ vào đề nghị của người nộp thuế và các hồ sơ, tài liệu có liên quan, cơ quan thuế xác định lại số thuế phải nộp, tiền chậm nộp tương ứng để thực hiện bù trừ phần chênh lệch theo quy định. Việc xác định lại số thuế phải nộp được thực hiện tại trụ sở cơ quan quản lý thuế, không thực hiện thanh tra, kiểm tra lại tại trụ sở người nộp thuế, không thực hiện điều chỉnh lại kết luận và quyết định kiểm tra năm 2017. Trường hợp đã xử phạt vi phạm hành chính về thuế hoặc đang giải quyết theo trình tự khiếu nại thì không điều chỉnh lại số tiền phạt vi phạm hành chính về thuế.
  • Đối với kỳ tính thuế TNDN năm 2018: 
    • Công ty khai bổ sung hồ sơ khai quyết toán thuế TNDN năm 2018 để xác định chi phí lãi vay, số thuế TNDN phải nộp tương ứng (nếu có) và nộp cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp trước ngày 01/01/2021. Cơ quan thuế quản lý trực tiếp có trách nhiệm thực hiện công tác quản lý thuế, kiểm tra hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan thuế theo quy định;
    • Trường hợp sau khi khai bổ sung, số thuế TNDN giảm thì sẽ được giảm số tiền chậm nộp tương ứng (nếu có);
    • Công ty thực hiện bù trừ phần chênh lệch số tiền thuế TNDN và tiền chậm nộp tương ứng vào số thuế TNDN năm 2020. Nếu năm 2020 không đủ bù trừ hết thì được bù trừ vào thuế TNDN phải nộp 05 năm tiếp theo kể từ năm 2020. Kết thúc thời hạn trên, không xử lý số thuế TNDN còn lại chưa bù trừ hết.
  • Đối với kỳ tính thuế TNDN năm 2019: 
    • Trường hợp công ty đã kê khai quyết toán thuế năm 2019 theo kỳ tính thuế đến hạn trước ngày 31/3/2020 thì thực hiện khai bổ sung hồ sơ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) theo quy định tại Nghị định số 68/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP, đồng thời kê khai mẫu số 01 Thông tin về quan hệ liên kết và giao dịch liên kết tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 68/2020/NĐ-CP;
    • Trường hợp công ty chưa đến kỳ kê khai quyết toán thuế năm 2019 thì thực hiện theo quy định sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 68/2020/NĐ-CP.

Câu hỏi 19: Công ty chúng tôi xin phép được hỏi trong trường hợp bên bán đã phát hành HĐĐT cho bên mua nhưng vì một số lý do gì đó như xuất sai số tiền chẳng hạn mà bên bán chưa chuyển giao HĐĐT cho bên mua và cũng vì một lý do nào đó bên mua họ thay đổi ý định không tham gia nữa nên hủy hợp đồng do đó họ cũng không đồng ý ký Biên bản thu hồi hóa đơn cho bên bán. Vậy thì trường hợp này xin hỏi, bên bán có thể chỉ làm biên bản thu hồi hóa đơn một bên ký không?

Nếu được kính nhờ Cục Thuế TP.HCM phản hồi cho công ty chúng tôi giúp bằng văn bản gửi về địa chỉ email: nguyenthibichtram@baoviet.com.vn để làm cơ sở hạch toán sau này ạ! Trân trọng cảm ơn! (Chị Trâm)

>> Trả lời

Căn cứ Thông tư số 32/2011/TT-BTC ngày 14/3/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn về hóa đơn điện tử bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ:

  • Do văn bản hỏi của công ty chưa nêu rõ câu hỏi nên Cục Thuế trả lời nguyên tắc, trường hợp Công ty đã lập HĐĐT nhưng chưa gửi cho bên mua thì không cần lập biên bản hủy hóa đơn.

Câu hỏi 20: Chào Cục Thuế TP.HCM, Công ty chúng tôi là công ty chứng khoán. Dữ liệu giao dịch của 1 ngày chỉ được chốt qua ngày hôm sau, do chờ kết quả khớp lệnh từ Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM, Sở Hà Nội và Trung tâm Lưu ký. Từ kết quả khớp lệnh mới có giá trị chứng khoán để tính các phí giao dịch, phí lưu ký và các phí liên quan. Do đó, dữ liệu phí ngày cuối tháng phải qua đầu tháng sau mới có, xin nhờ Cục Thuế TP.HCM hướng dẫn việc tạo lập và ký hóa đơn điện tử để đáp ứng được TT68? Trong khi các công ty chứng khoán hàng tháng đều phải gửi báo cáo doanh thu trọn 30 (31) của tháng cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, do đó việc xuất hóa đơn cũng phải trọn 30 (31) của tháng để khớp với doanh thu báo cáo. Vậy có chính sách nào về ngày tạo và ngày ký hóa đơn điện tử cho lĩnh vực đặc thù như chứng khoán không? Xin chân thành cảm ơn! (Anh Phong)

>> Trả lời:

Căn cứ pháp lý:

  • Điểm c Khoản 8 Điều 4 Thông tư 219/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 31/12/2013 quy định về đối tượng không chịu thuế GTGT;
  • Điểm a khoản 2 Điều 16 Thông tư 39/2014/TT-BTC của Bộ tài chính ngày 31/03/2014 quy định về ngày lập hóa đơn khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ:
    • “Trường hợp bán xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ cho người mua thường xuyên là tổ chức, cá nhân kinh doanh; cung cấp dịch vụ ngân hàng, chứng khoán, ngày lập hóa đơn thực hiện định kỳ theo hợp đồng giữa hai bên kèm bảng kê hoặc chứng từ khác có xác nhận của hai bên, nhưng chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng phát sinh hoạt động mua bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ.…”

Căn cứ các quy định trên, trường hợp trên sẽ được giải quyết như sau:

  • Công ty hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh chứng khoán thì ngày lập hóa đơn thực hiện định kỳ theo hợp đồng giữa hai bên kèm bảng kê hoặc chứng từ khác có xác nhận của hai bên, nhưng chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng phát sinh hoạt động mua bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 16 Thông tư 39/2014/TT-BTC. Việc công ty thực hiện dịch vụ trong tháng này nhưng xuất hóa đơn sang ngày đầu của tháng sau là không phù hợp với  quy định.

Câu hỏi 21: Cho tôi hỏi trường hợp khách hàng xuất hóa đơn điện tử, đã gửi cho doanh nghiệp tôi. Vậy có thể xảy ra trường hợp, sau đó khách hàng hủy hóa đơn đó mà không báo cho bên tôi có được không ạ? Mong cơ quan thuế hướng dẫn cách để kiểm soát các trường hợp đó. (Anh Huy)

>> Trả lời

Đối với hóa đơn điện tử đã lập, khi phát hiện sai sót các bên thực hiện theo quy định tại Điều 9 Thông tư 32/2011/TT-BTC ngày 14/03/2011:

  • Trường hợp hóa đơn điện tử đã lập và gửi cho người mua nhưng chưa giao hàng hóa, cung ứng dịch vụ hoặc hóa đơn điện tử đã lập và gửi cho người mua, người bán và người mua chưa kê khai thuế, nếu phát hiện sai thì chỉ được hủy khi có sự đồng ý và xác nhận của người bán và người mua. Việc hủy hóa đơn điện tử có hiệu lực theo đúng thời hạn do các bên tham gia đã thoả thuận. Hóa đơn điện tử đã hủy phải được lưu trữ phục vụ việc tra cứu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
    Người bán thực hiện lập hóa đơn điện tử mới theo quy định tại Thông tư này để gửi cho người mua, trên hóa đơn điện tử mới phải có dòng chữ “hóa đơn này thay thế hóa đơn số…, ký hiệu, gửi ngày tháng năm;
  • Trường hợp hóa đơn đã lập và gửi cho người mua, đã giao hàng hóa, cung ứng dịch vụ, người bán và người mua đã kê khai thuế, sau đó phát hiện sai sót thì người bán và người mua phải lập văn bản thỏa thuận có chữ ký điện tử của cả hai bên ghi rõ sai sót, đồng thời người bán lập hoá đơn điện tử điều chỉnh sai sót. Hoá đơn điện tử lập sau ghi rõ điều chỉnh (tăng, giảm) số lượng hàng hoá, giá bán, thuế suất thuế giá trị gia tăng, tiền thuế giá trị gia tăng cho hóa đơn điện tử số…, ký hiệu… Căn cứ vào hoá đơn điện tử điều chỉnh, người bán và người mua thực hiện kê khai điều chỉnh theo quy định của pháp luật về quản lý thuế và hóa đơn hiện hành. Hoá đơn điều chỉnh không được ghi số âm (-).

Câu hỏi 22: Hạn nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp thường niên vào 30/10. Năm nay đơn vị tôi đã hoàn tất hồ sơ gia hạn nộp thuế theo Nghị định 41/2020/NĐ-CP trong đó có cả thuế sử dụng đất phi nông nghiệp này cho Cục Thuế TP.HCM. Tuy nhiên, trụ sở đơn vị trên đường Lê Duẩn, Bến Nghé, thuộc quản lý về thuế đất phi nông nghiệp của Chi cục Thuế Quận 1. Vậy xin hỏi:  Việc đơn vị nộp hồ sơ gia hạn theo Nghị định 41/2020/NĐ-CP cho Cục Thuế TP.HCM trong khi Chi cục Thuế quận 1 quản lý hồ sơ thì có được gia hạn không? (Anh Huy)

>> Trả lời:

Căn cứ Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ ban hành, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp không thuộc đối tượng được gia hạn.

Câu hỏi 23: Công ty chúng tôi là doanh nghiệp hoạt động vận tải, đặc thù của doanh nghiệp chúng tôi là sau khi hoàn thành dịch vụ vận chuyển, cuối mỗi tháng 2 bên cần có thời gian đối chiếu số liệu phát sinh trong tháng trước khi phát hành hóa đơn tài chính. Do vậy, chúng tôi có thể để ngày lập hóa đơn ngày cuối tháng phát sinh dịch vụ, nhưng ngày ký điện tử là ngày của tháng sau ( khoảng ngày 1 đến ngày 5) được hay không? (Chị Hà)

>> Trả lời:

Căn cứ pháp lý:

  • Thông tư số 32/2011/TT-BTC ngày 14/03/2011;
  • Thông tư 39/2014/TT-BTC ngày 31/03/2014.

Quy định cụ thể trong trường hợp này như sau:

  • Trường hợp công ty đang sử dụng hóa đơn điện tử theo Nghị định 51/2010/NĐ-CP, Thông tư số 39/2014/TT-BTC, Thông tư số 32/2011/TT-BTC thì thời điểm lập hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 16 Thông tư 39/2014/TT-BTC. Khi lập hóa đơn điện tử công ty phải có đầy đủ nội dung của hóa đơn điện tử theo quy định tại Điều 6 Thông tư 32/2011/TT-BTC. Trường hợp công ty trình bày dịch vụ đã cung cấp tháng trước nhưng sang tháng sau mới ký hóa đơn và giao cho khách hàng, trên hóa đơn thể hiện ngày lập hóa đơn là ngày của tháng trước là không phù hợp quy định.

Câu hỏi 24: Công ty chúng tôi đang sử dụng hóa đơn điện tử cho bán hàng dịch vụ, và có nhu cầu chuyển từ hoá đơn điện tử sang hóa đơn giấy để sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, nhưng do số lượng hóa đơn lớn, xin hỏi Cục Thuế là có cần chữ ký người đại diện theo pháp luật và dấu công ty trên hóa đơn chuyển đổi không? (Anh Quốc)

>> Trả lời:

Đối với các trường hợp áp dụng hóa đơn điện tử theo quy định tại Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/05/2010, Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17/01/2014 và Thông tư số 32/2011/TT-BTC ngày 14/11/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn về khởi tạo, phát hành và sử dụng hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ thì:

  • Trường hợp chuyển đổi hóa đơn điện tử sang hóa đơn giấy để chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa hữu hình trong quá trình lưu thông và chỉ được chuyển đổi một (01) lần thì hóa đơn điện tử chuyển đổi sang hóa đơn giấy để chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa phải đáp ứng các quy định nêu tại Khoản 2, 3, 4 Điều 12 Thông tư số 32/2011/TT-BTC và phải có chữ ký người đại diện theo pháp luật của người bán, dấu của người bán. Trường hợp người đại diện pháp luật không ký trực tiếp trên hóa đơn điện tử chuyển đổi phải có giấy ủy quyền cho người trực tiếp bán ký, ghi rõ họ tên trên hóa đơn và đóng dấu của tổ chức vào phía bên trái của tờ hóa đơn;
  • Trường hợp chuyển đổi hóa đơn điện tử sang hóa đơn giấy để phục vụ việc lưu trữ chứng từ kế toán theo quy định của Luật Kế toán thì hóa đơn điện tử chuyển đổi sang hóa đơn giấy phục vụ lưu trữ phải đáp ứng các quy định nêu tại Khoản 2, 3, 4 Điều 12 Thông tư số 32/2011/TT-BTC.

Câu hỏi 25: Công ty chúng tôi hiện đang có vướng mắc như sau, công ty chúng tôi là bên mua hàng, bên bán đã xuất hóa đơn và chúng tôi đã nhận hàng, nhưng sau đó phát hiện vật tư, hàng hóa không đúng quy cách, chất lượng phải trả lại toàn bộ hoặc một phần hàng hóa, khi đó chúng tôi phải xử lý thế nào về hóa đơn? (Anh Võ Dũng)

>> Trả lời:

Căn cứ Điểm 2.8 Phụ lục 4 ban hành kèm Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/03/2014 của Bộ Tài chính:

  • Trường hợp đơn vị theo trình bày là Bên mua vật tư, hàng hóa, Bên bán đã xuất hóa đơn và Bên mua đã nhận hàng nhưng sau đó phát hiện vật tư, hàng hóa không đúng quy cách, chất lượng phải trả lại toàn bộ hoặc một phần hàng hóa, khi xuất trả lại cho bên bán, đơn vị phải lập hóa đơn, trên hóa đơn ghi rõ hàng hóa trả lại người bán do không đúng quy cách, chất lượng, tiền thuế GTGT (nếu có);
  • Trường hợp người mua là đối tượng không có hóa đơn, khi trả lại hàng hóa, bên mua và bên bán phải lập biên bản ghi rõ loại hàng hóa, số lượng, giá trị hàng hóa trả lại theo giá không có thuế GTGT, tiền thuế GTGT theo hóa đơn bán hàng (số ký hiệu, ngày, tháng của hóa đơn), lý do trả hàng và bên bán thu hồi hóa đơn đã lập.

Câu hỏi 26: Công ty chúng tôi chỉ là thầu phụ ký kết với một số nhà thầu chính (đã nộp thuế vãng lai 2% doanh thu ngoại tỉnh với chủ đầu tư), cụ thể như công ty Daewon, công ty Itech, công ty Han VN. Vậy doanh nghiệp chúng tôi có phải nộp thuế vãng lai này nữa không? (Anh Hòa)

>> Trả lời:

Theo quy định tại Điều 42 Luật Quản lý thuế ngày 13/6/2019: Người nộp thuế khai thuế, tính thuế tại cơ quan thuế địa phương có thẩm quyền nơi có trụ sở. Trường hợp người nộp thuế hạch toán tập trung tại trụ sở chính, có đơn vị phụ thuộc tại địa bàn cấp tỉnh khác thì người nộp thuế khai thuế tại trụ sở chính và tính thuế, phân bổ  thuế phải nộp theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Trong thời gian Chính phủ đang hoàn thiện Nghị định quy định thi hành luật Luật Quản lý thuế ngày 13/6/2019, trường hợp công ty là nhà thầu phụ phát sinh doanh thu vãng lai ngoại tỉnh thì công ty thực hiện khai thuế GTGT vãng lai tạm nộp như nhà thầu chính theo hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013. Trường hợp Nghị định quy định thi hành luật Luật Quản lý thuế ngày 13/6/2019 được ban hành, đề nghị công ty thực hiện quy định tại Nghị định này.

Câu hỏi 27: Theo Luật xử lý vi phạm hành chính, một hành vi vi phạm chỉ bị xử phạt một lần. Trường hợp doanh nghiệp có nhận được hóa đơn của doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh và đã kê khai làm ảnh hưởng đến thuế phải nộp thì bị phạt như thế nào? (Chị Hạnh)

>> Trả lời:

Theo quy định tại Điều 136 Luật Quản lý thuế ngày 13/6/2019: 

  • Trường hợp công ty nếu có hành vi vi phạm hành chính về sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn hoặc sử dụng hóa đơn không đúng quy định dẫn đến thiếu thuế, trốn thuế thì không xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn mà bị xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế;
  • Trường hợp công ty nếu có hành vi vi phạm hành chính về sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn mà không dẫn đến thiếu thuế, trốn thuế thì không bị xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn theo quy định.

Câu hỏi 28: Đối với doanh nghiệp có phát sinh giao dịch liên kết thì có phải lập và nộp báo cáo nào không? Thời hạn nộp báo cáo này là khi nào? Chi phí được trừ khi xác định thuế TNDN năm 2020 là 20% EBITDA hay 30% EBITDA? (Anh Quốc)

>> Trả lời:

Căn cứ pháp lý:

  • Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết;
  • Căn cứ Khoản 2, Điều 1 Nghị định số 68/2020/NĐ-CP ngày 24/6/2020 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.

Theo đó, trường hợp của công ty được quy định như sau:

  • Trường hợp Công ty có giao dịch liên kết có trách nhiệm kê khai thông tin về quan hệ liên kết và giao dịch liên kết theo mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 20/2017/NĐ-CP (đối với kỳ tính thuế TNDN năm 2017, 2018) và Nghị định số 68/2020/NĐ-CP (đối với kỳ tính thuế TNDN từ năm 2019 trở đi) và nộp cùng tờ khai quyết toán thuế TNDN năm;
  • Riêng hồ sơ quốc gia theo mẫu số 02, hồ sơ thông tin tập đoàn toàn cầu theo mẫu số 03, báo cáo lợi nhuận liên quốc gia của công ty mẹ tối cao theo mẫu số 04 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 20/2017/NĐ-CP, công ty có trách nhiệm lưu giữ và xuất trình theo yêu cầu cung cấp thông tin của Cơ quan thuế;
  • Trường hợp công ty thuộc được miễn kê khai, miễn lập hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết thì thực hiện theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP;
  • Tổng chi phí lãi vay (sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay) phát sinh trong năm 2020 được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ cộng chi phí lãi vay (sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay) phát sinh trong kỳ cộng chi phí khấu hao phát sinh trong kỳ.

Câu hỏi 29: Công ty chúng tôi hiện đang sử dụng hóa đơn giấy nhưng có nhu cầu chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử, xin Cục Thuế có thể hướng dẫn thủ tục đối với thông báo phát hành hóa đơn điện tử để chúng tôi thực hiện. (Chị Hạnh)

>> Trả lời:

  • Theo quy định hiện hành thì công ty thông báo phát hành hóa đơn theo Nghị định số 51/2010/NĐ-CP và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP, công ty thực hiện gửi thông báo phát hành hóa đơn đính kèm quyết định áp dụng hoá đơn điện tử và hóa đơn mẫu tại ứng dụng Thuế điện tử (eTax).

Lưu ý: 

º Thông báo phát hành gửi cơ quan thuế phải đúng tên người đại diện pháp luật;
º Thông tin về tổ chức cung cấp giải pháp hóa đơn điện tử phải thống nhất trên thông báo phát hành, quyết định áp dụng hóa đơn điện tử và mẫu hóa đơn điện tử;
º Ký hiệu, mẫu số theo quy định tại phụ lục 01 thông tư 39/2014/TT-BTC;
º Người nộp thuế có thể tra cứu thông báo phát hành hóa đơn đã được cơ quan thuế chấp nhận tại http://tracuuhoadon.gdt.gov.vn/.

  • Từ ngày 01/7/2020, Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14 có hiệu lực thi hành, trong thời gian chờ Nghị định hướng dẫn Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14 được ban hành, công ty tạm thời thực hiện theo hướng dẫn trên. Trường hợp Nghị định được ban hành có hướng dẫn khác, đề nghị công ty thực hiện theo hướng dẫn tại Nghị định và các văn bản hướng dẫn liên quan.

Câu hỏi 30: Công ty chúng tôi là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ đang sử dụng hóa đơn điện tử, vậy khi lập hóa đơn cho khách hàng tiêu thức đơn vị tính trên hóa đơn chúng tôi ghi như thế nào? (Anh Quốc)

>> Trả lời:

Căn cứ theo Thông tư 119/2014/TT-BTC ngày 25/08/2014 và Thông tư 39/2014/TT-BTC ngày 31/03/2014:

  • Trường hợp NNT kinh doanh dịch vụ thì trên hóa đơn không nhất thiết phải có tiêu thức “đơn vị tính”, nội dung trên hóa đơn phải đúng nghiệp vụ kinh tế phát sinh và đảm bảo nguyên tắc thông tin chứa trong hóa đơn điện tử có thể truy cập, sử dụng được dưới dạng hoàn chỉnh khi cần thiết theo quy định tại Khoản 3 Điều 3 Thông tư số 32/2011/TT-BTC ngày 14/03/2011 của Bộ Tài chính.

Câu hỏi 31: Công ty chúng tôi hiện đang sử dụng hóa đơn điện tử, năm 2019, chúng tôi đã phát hành hóa đơn theo mẫu 01GTKT0/001, hiện nay chúng tôi muốn chuyển sang sử dụng mẫu hóa đơn 01GTKT0/002, như vậy chúng tôi có được sử dụng hóa đơn mẫu 01GTKT0/002 cho các số hóa đơn đã phát hành theo mẫu 01GTKT0/001 hay không? (Chị Lan)

>> Trả lời:

Căn cứ Thông tư 32/2011/TT-BTC ngày 14/03/2011 và Điều 3 Thông tư 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015:

  • Trường hợp công ty thay đổi mẫu hóa đơn điện tử với nội dung đã thông báo phát hành (từ mẫu 01GTKT0/001 sang mẫu số 01GTKT0/002), công ty thực hiện thông báo phát hành mới đính kèm hóa đơn mẫu và quyết định áp dụng hóa đơn điện tử phù hợp với mẫu mới.

Câu hỏi 32: Công ty tôi có phát sinh thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp do chi phí lãi vay vượt 20% EBITDA cho kỳ thuế năm 2017 và 2018. Hai năm 2017 và 2018 công ty tôi đã được quyết toán thuế bởi đoàn thanh tra Tổng cục Thuế. Nay Nghị định 20 được sửa đổi, nâng mức trần lãi vay hợp lệ lên 30% EBITDA, vậy công ty chúng tôi phải làm gì để được hồi tố lại khoản thuế TNDN đã nộp? Nhờ Cục Thuế phản hồi bằng email giúp, vì có thể tôi không tham gia nghe trực tuyến được, tôi xin chân thành cảm ơn. (Anh Võ Dũng)

>> Trả lời:

Căn cứ Điều 1 Nghị định số 68/2020/NĐ-CP ngày 24/06/2020 Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, quy định:

  • Trường hợp doanh nghiệp đã được cơ quan thuế thanh tra năm 2017, 2018 và đã có kết luận, quyết định xử lý. Doanh nghiệp lập văn bản đề nghị cơ quan thuế quản lý trực tiếp xác định lại số thuế phải nộp. Căn cứ vào đề nghị của người nộp thuế và các hồ sơ, tài liệu có liên quan, cơ quan thuế xác định lại số thuế phải nộp, tiền chậm nộp tương ứng để thực hiện bù trừ phần chênh lệch theo quy định. Việc xác định lại số thuế phải nộp được thực hiện tại trụ sở cơ quan quản lý thuế, không thực hiện thanh tra, kiểm tra lại tại trụ sở người nộp thuế, không thực hiện điều chỉnh lại kết luận và quyết định kiểm tra;
  • Trường hợp đã xử phạt vi phạm hành chính về thuế hoặc đang giải quyết theo trình tự khiếu nại thì không điều chỉnh lại số tiền phạt vi phạm hành chính về thuế.

Câu hỏi 33: Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế tháng 8/2020 và quý III/2020 như thế nào? (Anh Quốc)

>> Trả lời:

Theo quy định tại Điều 44 Luật Quản lý thuế ngày 13/6/2019, thời hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với: 

  • Loại thuế khai theo tháng chậm nhất là ngày thứ 20 của tháng tiếp theo tháng phát sinh nghĩa vụ thuế đối với trường hợp khai và nộp theo tháng;
  • Loại thuế khai theo quý chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng đầu của quý tiếp theo quý phát sinh nghĩa vụ thuế đối với trường hợp khai và nộp theo quý.

Do đó:

>> Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế tháng 8/2020 là ngày 20/9/2020;

>> Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế quý III/2020 là ngày 31/10/2020.

Câu hỏi 34: Công ty chúng tôi bắt đầu sử dụng hóa đơn điện tử từ ngày 01/07/2020, nhưng vẫn còn hóa đơn đặt in đã thông báo phát hành theo quy định Nghị định 51/2010/NĐ-CP, vậy chúng tôi có thể đồng thời sử dụng 2 hình thức hóa đơn không hay phải hủy những hóa đơn đặt in đi? (Chị Hạnh)

>> Trả lời:

Căn cứ pháp lý:

  • Khoản 2 Điều 1 Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17/01/2014 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/05/2010;
  • Khoản 3 Điều 7 Thông tư số 32/2011/TT-BTC ngày 14/03/2011.

Theo đó, trường hợp của công ty được quy định như sau:

  • Trường hợp công ty theo trình bày bắt đầu sử dụng hóa đơn điện tử từ ngày 01/07/2020, vẫn còn hóa đơn đặt in đã thông báo phát hành theo quy định Nghị định 51/2010/NĐ-CP và có nhu cầu tiếp tục sử dụng hóa đơn đặt in chưa sử dụng hết song song với hóa đơn điện tử thì tổng công ty được sử dụng các hóa đơn đã thông báo phát hành;
  • Trường hợp bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, đối với mỗi lần bán hàng hóa cung cấp dịch vụ, tổ chức kinh doanh chỉ sử dụng một (01) hình thức hóa đơn, cụ thể:  
    • Nếu tổ chức kinh doanh sử dụng hóa đơn tự in cho lần bán hàng hóa cung cấp dịch vụ thì không dùng hóa đơn đặt in, hóa đơn điện tử cho lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ đó; 
    • Nếu sử dụng hóa đơn điện tử thì không sử dụng hóa đơn tự in, hóa đơn đặt in;
    • Nếu sử dụng hóa đơn đặt in thì không sử dụng hóa đơn điện tử, hóa đơn tự in.

Câu hỏi 35: Công ty chúng tôi đang sử dụng hóa đơn điện tử hiện có lập hóa đơn có sai sót về thông tin khách hàng (MST) nhưng công ty chúng tôi chưa giao hàng và bên khách hàng chưa thực hiện kê khai thuế. Vậy xin hỏi cơ quan thuế đối với trường hợp này công ty chúng tôi xử lý hóa đơn điện tử này như thế nào? (Anh Quốc)

>> Trả lời:

Căn cứ Thông tư số 32/2011/TT-BTC ngày 14/03/2011:

  • Trường hợp hóa đơn điện tử đã lập và gửi cho người mua nhưng chưa giao hàng hóa, người bán và người mua chưa kê khai thuế GTGT nếu phát hiện sai thì chỉ được hủy khi có sự đồng ý và xác nhận của người bán và người mua. Việc hủy hóa đơn điện tử có hiệu lực theo đúng thời hạn do các bên tham gia đã thỏa thuận. Hóa đơn điện tử đã hủy phải được lưu trữ phục vụ việc tra cứu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Người bán thực hiện lập hóa đơn điện tử mới để gửi cho người mua, trên hóa đơn điện tử mới phải có dòng chữ “hóa đơn này thay thế hóa đơn số..., ký hiệu..., gửi ngày... tháng... năm...

Câu hỏi 36: Trong tháng 8/2020, công ty tôi có ký HĐLĐ với cá nhân chưa được cấp MST. Công ty tôi có phải thực hiện đăng ký thuế cho người lao động và người phụ thuộc của người lao động không (hay người lao động tự liên hệ với cơ quan thuế để thực hiện)? (Anh Võ Dũng)

>> Trả lời:

Theo quy định tại Điều 33 Luật Quản lý thuế ngày 13/6/2019:

  • Trường hợp cá nhân chưa có mã số thuế, tổ chức chi trả thu nhập có trách nhiệm đăng ký thuế thay cho cá nhân có thu nhập chậm nhất là 10 ngày làm việc kể từ ngày phát sinh nghĩa vụ thuế;
  • Trường hợp người phụ thuộc chưa có mã số thuế, tổ chức chi trả thu nhập có trách nhiệm đăng ký thuế thay cho người phụ thuộc của người nộp thuế chậm nhất là 10 ngày làm việc kể từ ngày người nộp thuế đăng ký giảm trừ gia cảnh theo quy định của pháp luật.

Câu hỏi 37: Chúng tôi có phát sinh vay của công ty (công ty này có cổ đông nắm giữ 15%) thì có được gọi là giao dịch liên kết không? Nhưng nếu có một cổ đông là cá nhân đầu tư vào nhiều công ty thì những công ty này khi giao dịch mua bán với nhau thì có phải là giao dịch liên kết? Các khoản doanh thu và chi phí bị khống chế ra sao? (Anh Hòa)

>> Trả lời:

Căn cứ Điều 2 và Điều 5 Nghị định 20/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết:

  • Trường hợp công ty có vay của doanh nghiệp khác nếu công ty là cổ đông lớn nhất về vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp kia, nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp ít nhất 10% tổng số cổ phần của doanh nghiệp kia thì các giao dịch phát sinh giữa công ty và doanh nghiệp kia là giao dịch liên kết;
  • Trường hợp một cổ đông là cá nhân đầu tư vào nhiều công ty và chịu sự kiểm soát của một cá nhân thông qua vốn góp của cá nhân này vào doanh nghiệp đó hoặc trực tiếp tham gia điều hành doanh nghiệp thì được xác định có quan hệ liên kết. Nếu các công ty này giao dịch mua bán giữa các doanh nghiệp là các giao dịch liên kết. Việc xác định doanh thu và chi phí đối với doanh nghiệp có phát sinh giao dịch liên kết thực hiện theo quy định tại Điều 6, Điều 7 và Điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Đánh giá chất lượng bài viết, bạn nhé!

5.0

1 đánh giá
Chọn đánh giá

Gửi đánh giá

BÌNH LUẬN - HỎI ĐÁP

Hãy để lại câu hỏi của bạn, chúng tôi sẽ trả lời TRONG 15 PHÚT

SĐT và email sẽ được ẩn để bảo mật thông tin của bạn GỬI NHANH