Doanh nghiệp sẽ được miễn giảm thuế, giãn nộp thuế, phí nào vì Covid-19?

Do ảnh hưởng của Covid-19, doanh nghiệp lao đao vì gánh nặng tài chính, xoay vòng vốn: Tiền đâu trả lương cho nhân viên? Tiền thuê đất, mặt bằng? Tiền các loại thuế? Hiểu được khó khăn đó, hàng loạt chỉ thị, nghị quyết, công văn với các chính sách hỗ trợ đã kịp thời ban hành để hỗ trợ doanh nghiệp miễn giảm thuế và giãn nộp thuế, phí.

Kinh phí công đoàn: lùi đóng tới tháng 6/2020

Văn bản: Công văn 245/TLĐ ngày 18/3/2020

Cơ quan ban hành: Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam

Đối tượng: Các doanh nghiệp có từ 50% tổng số lao động đang tham gia BHXH bắt buộc phải tạm thời nghỉ việc.

Nội dung:

+ Lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn 6 tháng đầu năm 2020 đến ngày 30/06/2020.

+ Sau 30/06/2020, dịch Covid-19 chưa thuyên giảm và doanh nghiệp còn tiếp tục khó khăn thì tiếp tục được lùi đến ngày 31/12/2020.

Gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất, không phạt chậm nộp

Văn bản: Công văn 897/TCT-QLN ngày 03/3/2020; Nghị định 41/2020/NĐ-CP ngày 08/04/2020

Cơ quan ban hành: Tổng cục Thuế; Chính phủ 

Đối tượng: 

1. Doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động sản xuất trong các ngành sau:

  • Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản;
  • Sản xuất, chế biến thực phẩm;
  • Dệt; sản xuất trang phục; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan.
  • Chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế); sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác; sản xuất kim loại; gia công cơ khí; xử lý và tráng phủ kim loại; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học; sản xuất ô tô và xe có động cơ khác; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế.
  • Xây dựng.

2. Doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động kinh doanh trong các ngành:

  • Vận tải kho bãi; dịch vụ lưu trú và ăn uống; giáo dục và đào tạo; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội; hoạt động kinh doanh bất động sản;
  • Hoạt động dịch vụ lao động và việc làm; hoạt động của các đại lý du lịch, kinh doanh tua du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức tua du lịch;
  • Hoạt động sáng tác, nghệ thuật và giải trí; hoạt động của thư viện, lưu trữ, bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác; hoạt động thể thao, vui chơi giải trí; hoạt động chiếu phim.

3. Doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển; sản phẩm cơ khí trọng điểm.

(Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển được xác định theo Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 03/11/2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ; sản phẩm cơ khí trọng điểm được xác định theo Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 15/03/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035).

4. Doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ (xác định theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa số 04/2017/QH14 và Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/03/2018 của Chính phủ, quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa).

5. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng là doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Danh sách các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tham gia hỗ trợ khách hàng này sẽ được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổng hợp, sau đó gửi cơ quan quản lý thuế thực hiện gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất theo 41/2020/NĐ-CP.

(Ngành kinh tế, lĩnh vực của doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh quy định tại Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 Điều 2 Nghị định 41/2020/NĐ-CP là ngành, lĩnh vực mà doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh có hoạt động sản xuất, kinh doanh và phát sinh doanh thu trong năm 2019 hoặc năm 2020).

Nội dung: Gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp, gia hạn nộp tiền thuê đất

Đối với doanh nghiệp

1. Gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng của tháng, quý: Lùi lại 5 tháng của kỳ tính thuế tháng 3, tháng 4, tháng 5, tháng 6 năm 2020 (đối với trường hợp kê khai thuế GTGT theo tháng) và kỳ tính thuế quý 1, quý 2 năm 2020 (đối với trường hợp kê khai thuế GTGT theo quý). Thời gian gia hạn 5 tháng tính từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế GTGT theo quy định.

Lưu ý:

  • Trường hợp người nộp thuế khai bổ sung hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế được gia hạn dẫn đến làm tăng số thuế giá trị gia tăng phải nộp, và gửi đến cơ quan thuế trước khi hết thời hạn nộp thuế được gia hạn, thì số thuế được gia hạn bao gồm cả số thuế phải nộp tăng thêm do khai bổ sung.
  • Các doanh nghiệp, tổ chức thuộc đối tượng được gia hạn thực hiện kê khai, nộp tờ khai thuế giá trị gia tăng tháng, quý theo quy định của pháp luật hiện hành, nhưng chưa phải nộp số thuế giá trị gia tăng phải nộp phát sinh trên tờ khai thuế giá trị gia tăng đã kê khai. Thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng của tháng, quý được gia hạn như sau:
    • Thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng của kỳ tính thuế tháng 3/2020 chậm nhất là ngày 20/09/2020;
    • Thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng của kỳ tính thuế tháng 4/2020 chậm nhất là ngày 20/10/2020;
    • Thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng của kỳ tính thuế tháng 5/2020 chậm nhất là ngày 20/11/2020.Thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng của kỳ tính thuế tháng 6/2020 chậm nhất là ngày 20/12/2020;
    • Thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng của kỳ tính thuế quý 1 năm 2020 chậm nhất là ngày 30/09/2020;
    • Thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng của kỳ tính thuế quý 2 năm 2020 chậm nhất là ngày 30/12/2020.

2. Gia hạn 5 tháng đối với số thuế thu nhập doanh nghiệp còn phải nộp theo quyết toán của kỳ tính thuế năm 2019, và số thuế TNDN tạm nộp quý 1, quý 2 năm 2020, kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế TNDN theo quy định của pháp luật về quản lý thuế. 

Lưu ý:

  • Trường hợp doanh nghiệp, tổ chức đã nộp số thuế thu nhập doanh nghiệp còn phải nộp theo quyết toán của năm 2019 vào ngân sách nhà nước rồi thì được phép điều chỉnh số thuế thu nhập doanh nghiệp đã nộp đó để nộp những thuế phải nộp khác như thuế GTGT, TNCN...
  • Để thực hiện điều chỉnh, người nộp thuế lập thư tra soát (Mẫu số C1-11/NS ban hành kèm theo Thông tư 84/2016/TT-BTC) kèm theo chứng từ nộp thuế hoặc thông tin liên quan đến nội dung đề nghị điều chỉnh gửi cơ quan thuế;
  • Trường hợp doanh nghiệp, tổ chức được gia hạn nộp thuế có các chi nhánh, đơn vị trực thuộc (các chi nhánh, đơn vị trực thuộc này thực hiện khai thuế thu nhập doanh nghiệp riêng với cơ quan thuế quản lý trực tiếp) thì các chi nhánh, đơn vị trực thuộc cũng được gia hạn;
  • Trường hợp chi nhánh, đơn vị trực thuộc không có hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc ngành kinh tế, lĩnh vực được gia hạn thì chi nhánh, đơn vị trực thuộc thì không được gia hạn nộp thuế.

Đối với hộ gia đình và cá nhân kinh doanh

  • Gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân đối với số tiền thuế phát sinh phải nộp năm 2020 của hộ gia đình, cá nhân kinh doanh hoạt động trong các ngành kinh tế, lĩnh vực thuộc trường hợp được gia hạn nộp thuế.;
  • Thời gian nộp số tiền thuế được gia hạn chậm nhất là ngày 31/12/2020.

Đối với tiền thuê đất

Gia hạn thời hạn nộp tiền thuê đất đối với số tiền thuê đất phải nộp kỳ đầu năm 2020 là 5 tháng kể từ ngày 31/05/2020. 

Theo Bộ Tài chính, 98% doanh nghiệp sẽ thuộc diện giãn thuế và tiền thuê đất. 

Số tiền miễn, giảm này có thể không lớn đối với doanh nghiệp sản xuất quy mô nhỏ. Nhưng với doanh nghiệp có nhà xưởng, đất thuê… lớn thì đây là hỗ trợ kịp thời và cần thiết.

Miễn, giảm lãi, phí theo quy định nội bộ của tổ chức tín dụng

Văn bản: Thông tư 01/2020/TT-NHNN

Cơ quan ban hành: Ngân hàng Nhà nước

Đối tượng: Khách hàng của tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh Ngân hàng nước ngoài  (NHNN) mà:

  • Có nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi đến hạn thanh toán trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày liền kề sau 3 tháng, kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch Covid-19;
  • Không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận đã ký do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Những khách hàng đáp ứng đủ 2 điều kiện trên sẽ được miễn, giảm lãi, phí theo quy định nội bộ đối với số dư nợ phát sinh từ hoạt động cấp tín dụng (trừ hoạt động mua, đầu tư trái phiếu DN).

Doanh nghiệp cần tiền trả lương cho người lao động: được vay với lãi suất 0%

Văn bản: Nghị quyết 42/NQ-CP

Cơ quan ban hành: Chính phủ

Đối tượng: Người sử dụng lao động, doanh nghiệp và người lao động

Điều kiện:

Đối tượng Được vay/hỗ trợ Thời hạn

Người lao động làm việc có HĐLĐ, phải tạm hoãn thực hiện hợp đồng/nghỉ việc không lương từ 1 tháng trở lên do doanh nghiệp gặp khó khăn bởi đại dịch Covid-19, không có doanh thu/nguồn tài chính để trả lương.

Được hỗ trợ 1.800.000 đồng/người/tháng. Theo thời gian thực tế tạm hoãn thực hiện HĐLĐ/nghỉ việc không lương.
Tùy tình hình dịch thực tế, tính từ 01/04/2020.
Không quá 3 tháng.

Người sử dụng lao động có khó khăn về tài chính + đã trả trước tối thiểu 50% lương ngừng việc cho người lao động (theo Khoản 3 Điều 98 của Bộ Luật lao động) trong tháng 4, 5, 6 năm 2020.

Được vay không có tài sản đảm bảo tối đa 50% tiền lương tối thiểu vùng đối với từng lao động, theo thời gian trả lương thực tế để trả phần lương còn lại và giải ngân trực tiếp hàng tháng đến người bị ngừng việc.
Số tiền: Không quá 3 tháng tiền lương tối thiểu vùng. Lãi suất 0%.
Tối đa 12 tháng, tại Ngân hàng Chính sách Xã hội.

Hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm + tạm ngừng kinh doanh từ ngày 01/04/2020.

Được hỗ trợ 1.000.000 đồng/hộ/tháng, nhận theo từng tháng. Tùy tình hình dịch.
Không quá 3 tháng.

Người lao động bị chấm dứt HĐLĐ, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm.

Được hỗ trợ 1.000.000 đồng/người/tháng, nhận theo từng tháng. Tùy tình hình dịch.
Không quá 3 tháng.
Áp dụng từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020.

Người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng.

Được hỗ trợ thêm 500.000 đồng/người/tháng. Chi trả một lần. 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020.

Đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng.

Được hỗ trợ thêm 500.000 đồng/người/tháng. Chi trả một lần. 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020.

Hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia trong danh sách đến 31/12/2019.

Được hỗ trợ 250.000 đồng/khẩu/tháng. Chi trả một lần. 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020.

Ngoài ra:

Người lao động được phép gửi hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp qua đường bưu điện, thông báo tìm kiếm việc làm dưới hình thức gián tiếp (qua đường bưu điện, thư điện tử, fax...) từ 01/04/2020 đến khi công bố hết dịch. Hồ sơ, thông báo này không phải xin xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn về việc xảy ra dịch bệnh trên địa bàn.

Trợ giúp giải quyết khó khăn về vốn, tài chính, thuế, thương mại và thanh toán điện tử

Văn bản: Chỉ thị 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 

Cơ quan ban hành: Thủ tướng Chính phủ

Đối tượng: Doanh nghiệp, hộ kinh doanh

Nội dung: 

1. Chính phủ giao cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam:

  • Chỉ đạo các tổ chức tín dụng cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh. Đồng thời, phải đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng. Cùng với đó là kịp thời áp dụng các biện pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19;
  • Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan khẩn trương đề xuất chính sách tín dụng phù hợp để tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3 năm 2019;
  • Tiếp tục triển khai các giải pháp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; các chương trình miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán điện tử nhằm hỗ trợ trực tiếp cho người sử dụng dịch vụ, nhất là phí thanh toán trực tuyến đối với các dịch vụ hành chính công;
  • Trình ngay Thủ tướng Chính phủ quyết định cá biệt về việc thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ (dịch vụ Mobile Money).

2. Bộ Tài chính

  • Trình Chính phủ ban hành Nghị định về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3 năm 2020;
  • Khẩn trương trình Chính phủ về việc miễn, giảm thuế, phí, lệ phí để tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19;
  • Rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền các giải pháp về thuế và chi ngân sách nhà nước, trước hết là gói hỗ trợ khoảng 30 nghìn tỷ đồng để góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3 năm 2020.

3. Bộ Thông tin và Truyền thông tập trung nghiên cứu, sớm có các giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp công nghệ số phát triển các sản phẩm trong thương mại điện tử - kinh tế số, giao vận, chuyển phát, fintech, thanh toán điện tử... trên môi trường số; đồng thời yêu cầu các cấp, các ngành và đề nghị cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân triển khai ứng dụng mạnh mẽ vào đời sống kinh tế, xã hội.

4. Bảo hiểm xã hội Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn thực hiện tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đến hết tháng 6 hoặc tháng 12 năm 2020 và không tính lãi phạt chậm nộp theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.

 5. Đề nghị Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam theo thẩm quyền xem xét, hướng dẫn thời điểm đóng kinh phí công đoàn phù hợp, góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, tổ chức bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí và tử tuất

Văn bản: Công văn 860/BHXH-BT ngày 17/3/2020

Cơ quan ban hành: BHXH Việt Nam 

Đối tượng: 

  • Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp (gọi chung là doanh nghiệp) thuộc ngành nghề dịch vụ vận tải hành khách, du lịch, lưu trú, nhà hàng và các ngành nghề đặc biệt khác gặp khó khăn do dịch bệnh gây ra, dẫn đến không bố trí được việc làm cho người lao động;
  • Số lượng lao động thuộc diện tham gia BHXH, có mặt trước khi tạm dừng sản xuất, bắt buộc nghỉ việc tạm thời là từ 50% trở lên;
  • Hoặc doanh nghiệp bị thiệt hại trên 50% tổng giá trị tài sản do dịch bệnh gây ra (không kể giá trị tài sản là đất).

(Theo quy định tại Khoản 1 Điều 88 Luật BHXH 2014; Khoản 1, 2, 3, 4 Điều 16 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ; Điều 28 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ LĐTB&XH). 

Nội dung:

Doanh nghiệp được nộp hồ sơ đề nghị tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đến tháng 6/2020 và không bị tính lãi phạt chậm nộp. Trong trường hợp đến hết tháng 6/2020 dịch Covid-19 vẫn chưa thuyên giảm, nếu doanh nghiệp có đề nghị thì kịp thời phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính báo cáo UBND tỉnh, thành phố gửi BHXH Việt Nam để xem xét, giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đến tháng 12/2020.

Trong thời gian tạm dừng, nếu doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 không có dấu hiệu vi phạm việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp thì các cơ quan liên quan không thực hiện thanh tra chuyên ngành đóng hoặc kiểm tra về việc này. 

Các loại quỹ ốm đau, thai sản, quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, quỹ bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp, cơ quan chức năng vẫn phải đôn đốc doanh nghiệp đóng đầy đủ, kịp thời theo tháng để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Trên đây là tóm lược nội dung các hỗ trợ của nhà nước đối với doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn vì Covid-19. Nếu còn vấn đề nào chưa được giải đáp, cần tư vấn thêm thông tin pháp lý hay dịch vụ của Anpha, doanh nghiệp vui lòng gọi cho chúng tôi theo số 0984 477 711 (Miền Bắc), 0903 003 779 (Miền Trung) hoặc 0938 268 123 (Miền Nam) để được hỗ trợ!

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Đánh giá chất lượng bài viết, bạn nhé!

0.0

Chưa có đánh giá nào
Chọn đánh giá

Gửi đánh giá

BÌNH LUẬN - HỎI ĐÁP

Hãy để lại câu hỏi của bạn, chúng tôi sẽ trả lời TRONG 15 PHÚT

SĐT và email sẽ được ẩn để bảo mật thông tin của bạn GỬI NHANH