Tìm hiểu: Giấy chứng nhận góp vốn công ty TNHH, cổ phần, hợp danh là gì? Quy định và nội dung giấy chứng nhận phần vốn góp trong bài viết này của Anpha
Giấy chứng nhận góp vốn là gì?
Giấy chứng nhận phần vốn góp hay giấy chứng nhận góp vốn là văn bản được công ty cấp cho thành viên khi họ đã góp đủ số vốn đã cam kết ban đầu, để xác nhận tư cách thành viên của cá nhân hoặc tổ chức góp vốn trong doanh nghiệp.
Giấy chứng nhận phần vốn góp được cấp cho thành viên trong công ty TNHH 2 thành viên trở lên và trong công ty hợp danh, chứng minh thành viên đã thực hiện việc góp vốn đúng thời hạn quy định và đúng loại tài sản đã cam kết.
Quy định cấp giấy chứng nhận góp vốn công ty TNHH, công ty hợp danh
1. Trường hợp cấp mới
➨ Đối với công ty TNHH 2 thành viên trở lên:
Thành viên sẽ được cấp giấy chứng nhận phần vốn góp tại thời điểm thành viên hoàn thành việc góp đúng và đủ phần vốn góp của mình tương ứng với giá trị phần vốn đã góp. Cụ thể, có các trường hợp sau:
- Cấp cho thành viên góp vốn thành lập công ty;
- Thành viên là cá nhân hoặc tổ chức nhận chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của thành viên công ty;
- Thành viên mới góp thêm vốn vào công ty.
➨ Đối với công ty hợp danh:
Thành viên sẽ được cấp giấy chứng nhận vốn góp tại thời điểm góp đủ số vốn đã cam kết.
2. Trường hợp cấp lại
Giấy chứng nhận phần vốn góp sẽ được công ty cấp lại khi thành viên bị mất, bị hư hỏng hoặc bị hủy hoại dưới hình thức khác. Việc cấp lại giấy chứng nhận phần vốn góp được thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định tại điều lệ công ty.
>> TẢI MẪU: Mẫu giấy chứng nhận góp vốn công ty TNHH.
Quy định cấp giấy chứng nhận góp vốn công ty cổ phần
Theo định nghĩa về giấy chứng nhận góp vốn ở trên, thì chỉ có công ty TNHH 2 thành viên trở lên và công ty hợp danh được cấp giấy chứng nhận góp vốn, còn công ty cổ phần thì không.
Trong luật Doanh nghiệp 2020, để xác nhận quyền sở hữu một hoặc một số cổ phần của công ty đó cho các cổ đông, công ty cổ phần sẽ xác nhận qua hình thức cổ phiếu. Cổ phiếu là chứng chỉ do công ty cổ phần phát hành, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử.
Việc các cổ đông góp vốn vào công ty còn được quản lý thông qua sổ đăng ký cổ đông ngay sau khi thành lập.
>> TẢI MẪU: Mẫu giấy chứng nhận góp vốn công ty cổ phần.
Nội dung giấy chứng nhận phần vốn góp
1. Nội dung giấy chứng nhận góp vốn công ty TNHH 2 thành viên trở lên
Giấy chứng nhận phần vốn góp bao gồm các nội dung chủ yếu phải có như sau:
- Tên công ty và mã số doanh nghiệp theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
- Địa chỉ trụ sở chính hoạt động của doanh nghiệp;
- Vốn điều lệ;
- Thông tin của thành viên, cụ thể như sau:
+ Đối với thành viên là cá nhân: họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số giấy tờ pháp lý của thành viên góp vốn;
+ Đối với thành viên là tổ chức: tên, địa chỉ trụ sở chính, mã số doanh nghiệp hoặc số giấy tờ pháp lý của thành viên góp vốn.
- Phần vốn góp và tỷ lệ phần vốn góp của các thành viên trong công ty;
- Số giấy chứng nhận và ngày cấp giấy chứng nhận phần vốn góp;
- Họ tên và chữ ký xác nhận của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
2. Nội dung giấy chứng nhận góp vốn công ty hợp danh
Giấy chứng nhận phần vốn góp bao gồm các nội dung chủ yếu phải có như sau:
- Tên công ty, mã số doanh nghiệp theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
- Địa chỉ trụ sở chính hoạt động của doanh nghiệp;
- Vốn điều lệ;
- Thông tin của thành viên, cụ thể như sau:
+ Đối với thành viên là cá nhân: họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số giấy tờ pháp lý của thành viên góp vốn;
+ Đối với thành viên là tổ chức: tên, địa chỉ trụ sở chính, mã số doanh nghiệp hoặc số giấy tờ pháp lý của thành viên góp vốn;
+ Loại thành viên.
- Giá trị phần vốn góp và loại tài sản góp vốn của thành viên;
- Số giấy chứng nhận và ngày cấp giấy chứng nhận phần vốn góp;
- Quyền lợi và nghĩa vụ của người sở hữu giấy chứng nhận phần vốn góp;
- Họ, tên và chữ ký xác nhận của người sở hữu giấy chứng nhận phần vốn góp và của các thành viên hợp danh của công ty.
Quy định xử phạt khi không cấp giấy chứng nhận phần vốn góp
Khi doanh nghiệp không cấp giấy chứng nhận phần vốn góp cho thành viên công ty thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 52 Nghị định 122/2021/NĐ-CP:
- Phạt tiền với mức từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng;
- Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc cấp giấy chứng nhận phần vốn góp cho thành viên công ty theo đúng quy định.
Như vậy, việc xử phạt không cấp giấy chứng nhận phần vốn góp cho thành viên chỉ áp dụng đối với công ty TNHH 2 thành viên, công ty hợp danh, không áp dụng đối với công ty cổ phần.
Quy định về việc xử lý các trường hợp không góp hoặc không góp đủ vốn
1. Đối với công ty TNHH 2 thành viên trở lên
Theo quy định tại khoản 2 Điều 47 Luật Doanh nghiệp 2020 hiện hành: Trong vòng 90 ngày được tính kể từ ngày công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, không tính thời gian của một số trường hợp như vận chuyển, nhập khẩu tài sản góp vốn hay thực hiện các thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản (các trường hợp này thường gặp trong trường hợp góp vốn bằng tài sản), các thành viên công ty phải góp đủ và đúng loại tài sản đã cam kết ban đầu khi đăng ký thành lập doanh nghiệp. Trường hợp thành viên góp vốn bằng tài sản khác với tài sản đã cam kết ban đầu thì phải được sự tán thành của trên 50% thành viên còn lại.
Nếu sau thời hạn nêu trên mà thành viên vẫn không góp hoặc góp không đủ số vốn đã cam kết ban đầu thì được xử lý như sau:
- Thành viên chưa góp vốn theo cam kết ban đầu đương nhiên không còn là thành viên của công ty;
- Thành viên chưa tiến hành góp đủ phần vốn góp đã cam kết ban đầu có các quyền tương ứng với phần vốn góp đã góp thực tế;
- Phần vốn góp chưa được các thành viên góp được chào bán theo nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên của công ty.
Công ty phải tiến hành thủ tục đăng ký thay đổi vốn điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp của các thành viên bằng số vốn đã góp trong thời hạn 30 ngày, được tính kể từ ngày cuối cùng phải góp vốn đủ phần vốn góp. Đồng thời cấp giấy chứng nhận phần vốn góp cho thành viên với mức thực tế họ đã góp.
Các thành viên chưa thực hiện việc góp vốn hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết phải chịu trách nhiệm tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp của thành viên đã cam kết đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty nếu có phát sinh trong thời gian trước ngày công ty đăng ký thay đổi vốn điều lệ và tỷ lệ phần vốn góp của thành viên.
2. Đối với công ty hợp danh
Theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 178 Luật Doanh nghiệp 2020:
- Trường hợp thành viên hợp danh của công ty không thực hiện việc góp vốn đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết dẫn đến gây thiệt hại cho công ty phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho công ty.
- Trường hợp có thành viên góp vốn của công ty không góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết thì số vốn chưa góp đủ được coi là khoản nợ của thành viên đó đối với công ty; thành viên góp vốn trong trường hợp này có liên quan vi phạm vấn đề góp vốn có thể bị khai trừ khỏi công ty theo quyết định của Hội đồng thành viên.
Một số câu hỏi về giấy chứng nhận phần vốn góp
1. Loại hình công ty nào được cấp giấy chứng nhận phần vốn góp?
Theo quy định, chỉ có công ty TNHH 2 thành viên trở lên và công ty hợp danh được cấp giấy chứng nhận phần vốn góp. Cụ thể:
- Công ty TNHH 2 thành viên trở lên cấp cho các thành viên góp vốn;
- Công ty hợp danh cấp cho thành viên hợp danh và thành viên góp vốn.
2. Mẫu giấy chứng nhận phần vốn góp quy định ở đâu?
Hiện tại, không có văn bản nào quy định cụ thể về mẫu giấy chứng nhận phần vốn góp. Tuy nhiên, theo Luật Doanh nghiệp 2020, giấy chứng nhận phần vốn góp phải có các nội dung bắt buộc theo luật quy định.
3. Không cấp giấy chứng nhận phần vốn góp cho thành viên công ty có bị phạt không?
Việc công ty không cấp giấy chứng nhận phần vốn góp cho thành viên theo đúng quy định sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt tương đối cao là từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng. Đồng thời, doanh nghiệp buộc cấp giấy chứng nhận phần vốn góp cho thành viên công ty theo đúng quy định.
Gọi cho chúng tôi theo số 0984 477 711 (Miền Bắc) - 0903 003 779 (Miền Trung) - 0938 268 123 (Miền Nam) để được hỗ trợ.
Hoàn Hảo - Phòng Pháp lý Anpha