Các trường hợp không được đương nhiên xóa án tích là gì?

Đương nhiên được xóa án tích là gì? Các tội nào không được đương nhiên xóa án tích? Điều kiện xóa án tích theo quyết định của Tòa án & thời hạn xóa án tích?

Án tích là gì? Xóa án tích là như thế nào?

1. Án tích là gì?

Theo các quy định pháp luật liên quan, có thể định nghĩa án tích là đặc điểm xấu, là hậu quả về nhân thân của người bị kết án và sự chấp hành hình phạt. Án tích được ghi và lưu lại trong lý lịch tư pháp của người bị kết án trong thời gian luật định.

Án tích không phải là đặc điểm về nhân thân mang tính vĩnh viễn. Sau một thời gian theo quy định kèm điều kiện cụ thể, người bị kết án sẽ được xóa án tích.

2. Xóa án tích là gì?

Sau khi người bị kết án về hành vi phạm tội đã chấp hành xong hình phạt của bản án và trải qua một khoảng thời gian nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự, nếu đáp ứng được các điều kiện để xóa án tích, người đó sẽ được xóa án tích. Khi đó, công dân được coi như chưa bị kết án (không có án tích).

Theo pháp luật hiện hành, có 3 hình thức xóa án tích là: đương nhiên được xóa án tích, xóa án tích theo quyết định của Tòa án và xóa án tích trong trường hợp đặc biệt.

>> Tham khảo chi tiết: Quy định về xóa án tích;

Các tội không được đương nhiên xóa án tích trong lý lịch tư pháp

1. Đương nhiên được xóa án tích là gì?

Căn cứ theo Điều 70 Bộ luật Hình sự 2015 quy định, đương nhiên được xóa án tích được hiểu là:

  • Người bị kết án không thuộc các tội được quy định tại Chương XIII (các tội phạm an ninh quốc gia) và Chương XXVI (tội phạm chiến tranh hoặc các tội phá hoại hòa bình, chống loài người) đã chấp hành xong hình phạt chính;
  • Người bị kết án đã trải qua thời gian thử thách án treo hoặc thời hiệu thi hành bản án đã kết thúc;
  • Người bị kết án đã chấp hành xong hình phạt bổ sung (nếu có), các quyết định khác của bản án và không vi phạm thêm tội mới trong một khoảng thời hạn cụ thể theo luật định.

➨ Khi đó, người bị kết án đương nhiên được xóa án tích mà không cần phải xin quyết định xóa án tích từ Tòa án.

Tìm hiểu chi tiết:

>> Đương nhiên được xóa án tích là gì;

>> Điều kiện đương nhiên xóa án tích.

2. Các tội không được đương nhiên xóa án tích

Theo nội dung đã đề cập ở trên, người bị kết án chỉ được xóa án tích đương nhiên khi phạm phải các tội không nằm trong Chương XIII và Chương XXVI của Bộ luật Hình sự 2015. Cụ thể, có 19 tội không được đương nhiên xóa án tích, bao gồm:

  1. Phạm tội phản bội Tổ quốc;
  2. Phạm tội gián điệp;
  3. Phạm tội phá rối an ninh;
  4. Phạm tội xâm phạm an ninh lãnh thổ;
  5. Phạm tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân;
  6. Phạm tội bạo loạn có tổ chức nhằm chống lại chính quyền nhân dân;
  7. Phạm tội khủng bố nhằm chống đối chính quyền nhân dân;
  8. Phạm tội phá hoại việc thực hiện các chính sách KT - XH;
  9. Phạm tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước CHXHCN Việt Nam;
  10. Phạm tội phá hoại chính sách đoàn kết;
  11. Phạm tội chống phá cơ sở giam giữ;
  12. Phạm tội làm, phát tán, tàng trữ hoặc tuyên truyền thông tin, vật phẩm, tài liệu nhằm chống lại nhà nước CHXHCN Việt Nam;
  13. Phạm tội trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống lại chính quyền nhân dân;
  14. Phạm tội tổ chức, xúi giục, cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống đối chính quyền nhân dân;
  15. Phạm tội gây chiến tranh xâm lược, phá hoại hòa bình;
  16. Phạm tội chống phá loài người;
  17. Tội phạm chiến tranh;
  18. Phạm tội tuyển mộ, sử dụng hoặc huấn luyện lính đánh thuê;
  19. Phạm tội làm lính đánh thuê.

Khi phạm phải một trong các tội ở trên, người bị kết án không được đương nhiên xóa án tích mà chỉ được xóa án tích khi có quyết định của Tòa án.

Tòa án ra quyết định về việc xóa án tích đối với người bị kết án căn cứ vào tính chất phạm tội đã thực hiện, thái độ lao động, thái độ chấp hành luật pháp của người bị kết án và các quy định về điều kiện để Tòa án xóa án tích.

Điều kiện xóa án tích theo quyết định của Tòa án

Căn cứ theo quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 71 Bộ luật Hình sự 2015, người bị kết án được Tòa án quyết định xóa án tích nếu kể từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hoàn thành thời gian thử thách án treo, người đó đã:

  • Chấp hành xong hình phạt bổ sung và các quyết định khác của bản án;
  • Không thực hiện thêm các hành vi phạm tội mới theo thời hạn dưới đây:
    • 1 năm đối với các tội bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo nhưng không giam giữ hoặc phạt tù treo;
    • 3 năm đối với các tội bị phạt tù đến 5 năm;
    • 5 năm đối với các tội bị phạt tù từ trên 5 năm - 15 năm;
    • 7 năm đối với các tội bị phạt tù trên 15 năm, tù chung thân hoặc các tội bị tử hình nhưng được giảm án.

Trường hợp người bị kết án đang chịu các hình phạt bổ sung như bị quản chế, bị tước một số quyền công dân, bị cấm cư trú mà thời hạn chấp hành hình phạt dài hơn các thời hạn quy định vừa kể trên thì kể từ khi chấp hành xong hình phạt bổ sung, Tòa án sẽ ra quyết định xóa án tích.

Lưu ý:

1) Đối với người bị Tòa án bác bỏ đơn xin xóa án tích lần đầu, sau 1 năm kể từ ngày bị Tòa án bác đơn, người bị kết án mới được xin xóa án tích.

2) Nếu người bị kết án bị bác đơn xin xóa án tích lần thứ hai trở đi, sau 2 năm kể từ ngày bị Tòa án bác bỏ đơn mới được xin xóa án tích.

Tham khảo chi tiết:

>> Điều kiện xóa án tích (cho các trường hợp được xóa án tích);

>> Xóa án tích theo quyết định của Tòa án - Quy trình thực hiện.

5 trường hợp được coi là không có án tích dù bị kết án

Căn cứ tại Khoản 2 Điều 69 và Điều 107 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, có 5 trường hợp người bị kết án không bị coi là có án tích, cụ thể là:

  1. Người bị kết án do lỗi vô ý về tội phạm nghiêm trọng hoặc ít nghiêm trọng;
  2. Người đủ từ 14 đến dưới 16 tuổi bị kết án bất kể tội danh gì;
  3. Người đủ từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng do vô ý;
  4. Người dưới 18 tuổi bị áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng;
  5. Người được miễn hình phạt.

Lưu ý:

Đối với trường hợp người đủ từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng sẽ được xóa án tích đương nhiên nếu không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn quy định (*) kể từ 1 trong 3 thời điểm sau:

  • Từ thời điểm chấp hành xong hình phạt chính;
  • Từ khi hết thời gian thử thách án treo;
  • Từ thời điểm hết thời hiệu thi hành bản án.

(*) Thời hạn được quy định như sau:

  • 6 tháng với các tội phạt cảnh cáo, phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù treo;
  • 1 năm đối với các tội bị phạt tù đến 5 năm;
  • 2 năm đối với các tội bị phạt tù từ trên 5 năm - 15 năm;
  • 3 năm đối với các tội bị phạt tù từ trên 15 năm.

Cách tính thời hạn xóa án tích

Theo quy định tại Điều 73 Bộ luật Hình sự 2015, thời hạn để xóa án tích được tính như sau:

  • Đối với các án tích thuộc trường hợp đương nhiên được xóa án tích và xóa án tích theo quyết định của Tòa án, thời hạn xóa án tích căn cứ vào hình phạt chính đã tuyên án;
  • Nếu người bị kết án chưa được xóa án tích mà vi phạm thêm tội mới và bị Tòa án kết án bằng bản án, thời hạn để xóa án tích cũ được tính lại theo 1 trong 2 thời điểm sau:
    • Kể từ ngày chấp hành xong hình phạt chính hoặc thời gian thử thách án treo của bản án mới;
    • Kể từ ngày hết thời hiệu thi hành bản án mới.
  • Nếu người bị kết án phạm nhiều tội mà có cả tội được đương nhiên được xóa án tích và tội được xóa án tích theo quyết định của Tòa án thì thời hạn được căn cứ theo quy định về xóa án tích theo quyết định của Tòa án;
  • Đối với người được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại của bản án (coi là chấp hành xong hình phạt), thời hạn xóa án tích được tính từ ngày người đó chấp hành xong bản án.

>> Tham khảo chi tiết: Thời hạn xóa án tích (cho từng trường hợp xóa án tích).

Câu hỏi thường gặp về các tội không được đương nhiên xóa án tích

1. Đương nhiên được xóa án tích là gì?

Đương nhiên được xóa án tích là khi người bị kết án về các tội không thuộc Chương XIII và Chương XXVI Bộ luật Hình sự 2015 đã chấp hành xong hình phạt chính, trải qua thời gian thử thách án treo hoặc thời hiệu thi hành bản án đã kết thúc.

Đồng thời, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung (nếu có), các quyết định khác của bản án và không vi phạm thêm tội mới trong một khoảng thời hạn cụ thể theo luật định. Khi đó, người bị kết án đương nhiên được xóa án tích mà không cần phải xin quyết định xóa án tích từ Tòa án.

2. Các tội nào không được đương nhiên xóa án tích?

Người bị kết án không được xóa án tích đương nhiên khi phạm phải các tội thuộc về tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh quy định tại Chương XIII và Chương XXVI Bộ luật Hình sự 2015.

>> Xem chi tiết: Các tội không được xóa án tích.

3. Những tội không được đương nhiên xóa án tích thì được xóa án tích khi nào?

Khi phạm phải một trong các tội không được đương nhiên xóa án tích theo quy định, người bị kết án chỉ được xóa án tích khi có quyết định của Tòa án.

Tòa án ra quyết định về việc xóa án tích đối với người bị kết án căn cứ vào tính chất phạm tội đã thực hiện, thái độ lao động, thái độ chấp hành luật pháp của người bị kết án và các quy định về điều kiện để Tòa án xóa án tích.

4. Điều kiện để Tòa án ra quyết định xóa án tích là gì?

Căn cứ theo quy định Bộ luật Hình sự 2015, người bị kết án được Tòa án quyết định xóa án tích nếu kể từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hoàn thành thời gian thử thách án treo, người đó đã:

  • Chấp hành xong hình phạt bổ sung và các quyết định khác của bản án;
  • Không thực hiện thêm các hành vi phạm tội mới trong một khoảng thời gian quy định cụ thể.

>> Tham khảo chi tiết: Điều kiện để xóa án tích (theo quyết định của Tòa án).

5. Nếu bị Tòa án bác bỏ đơn xin xóa án tích thì người bị kết án có được nộp lại không?

Được. Đối với người bị Tòa án bác bỏ đơn xin xóa án tích lần đầu, sau 1 năm kể từ ngày bị bác đơn, người bị kết án mới được xin xóa án tích. Còn nếu bị bác đơn xin xóa án tích lần thứ hai trở đi thì sau 2 năm kể từ ngày bị Tòa án bác bỏ đơn mới được xin xóa án tích.

Gọi cho chúng tôi theo số 0984 477 711 (Miền Bắc) - 0903 003 779 (Miền Trung) -  0908 742 789 (Miền Nam) để được hỗ trợ.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Đánh giá chất lượng bài viết, bạn nhé!

0.0

Chưa có đánh giá nào
Chọn đánh giá

Gửi đánh giá

BÌNH LUẬN - HỎI ĐÁP

Hãy để lại câu hỏi của bạn, chúng tôi sẽ trả lời TRONG 15 PHÚT

SĐT và email sẽ được ẩn để bảo mật thông tin của bạn GỬI NHANH