Cách tính Thuế Hộ Kinh Doanh Cá Thể theo từng lần phát sinh

Kê khai, tính thuế hộ kinh doanh (HKD) cá thể theo từng lần phát sinh là gì? Thời hạn nộp tờ khai thuế, nộp tiền thuế HKD theo từng lần phát sinh như thế nào? Anpha sẽ giải đáp chi tiết tại bài viết này.

I. Căn cứ pháp lý

Thông tư 40/2021/TT-BTC về thuế GTGT, thuế TNCN đối với hộ kinh doanh ban hành ngày 01/06/2021.

II. Tính thuế hộ kinh doanh cá thể theo từng lần phát sinh là gì?

Phương pháp kê khai thuế hộ kinh doanh theo từng lần phát sinh là phương pháp khai thuế, tính thuế theo tỷ lệ trên doanh thu thực tế theo từng lần phát sinh.

  Xem thêm: Cách tính các loại thuế hộ kinh doanh phải nộp.

III. Đối tượng áp dụng tính thuế theo từng lần phát sinh

Phương pháp kê khai thuế theo từng lần phát sinh áp dụng đối với cá nhân không có địa điểm kinh doanh cố định và phát sinh doanh thu không thường xuyên. Cụ thể bao gồm: 

  • Cá nhân kinh doanh lưu động;
  • Cá nhân là chủ thầu xây dựng tư nhân;
  • Cá nhân kinh doanh, chuyển nhượng tên miền internet Việt Nam “.vn”;
  • Cá nhân có phát sinh thu nhập từ các sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số không lựa chọn nộp thuế theo phương pháp kê khai.

IV. Nguyên tắc tính thuế và cách tính thuế hộ kinh doanh theo từng lần phát sinh

1. Nguyên tắc tính thuế hộ kinh doanh theo từng lần phát sinh
  • Nguyên tắc tính thuế này được thực hiện theo các quy định của pháp luật về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan;
  • Đối với cá nhân, hộ kinh doanh có doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong một năm dương lịch từ 100 triệu đồng trở xuống thuộc trường hợp không phải nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân theo quy định về thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân.
2. Cách tính thuế hộ kinh doanh theo từng lần phát sinh

2.1. Mức thuế cá nhân, hộ kinh doanh phải nộp được căn cứ vào doanh thu tính thuế và tỷ lệ thuế tính trên doanh thu.

2.2. Xác định số thuế hộ kinh doanh phải nộp:


Số tiền thuế GTGT = Doanh thu tính thuế GTGT x Tỷ lệ thuế GTGT

Số tiền thuế TNCN = Doanh thu tính thuế TNCN x Tỷ lệ thuế TNCN

Trong đó:

Doanh thu tính thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân, hộ kinh doanh là doanh thu bao gồm:

  • Thuế của toàn bộ tiền bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ trong kỳ tính thuế từ các hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, bao gồm cả các khoản thưởng đạt doanh số, khuyến mại, chiết khấu thanh toán, chiết khấu thương mại;
  • Các khoản trợ giá, phụ thu, phụ trội, phí thu thêm được hưởng theo quy định;
  • Các khoản bồi thường vi phạm hợp đồng, bồi thường khác (chỉ tính vào doanh thu tính thuế TNCN);
  • Doanh thu khác mà cá nhân, hộ kinh doanh được hưởng không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.

Tỷ lệ tính thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân áp dụng đối với từng ngành nghề, lĩnh vực theo Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 40/2021/TT-BTC. Cụ thể:


Lĩnh vực


Tỷ lệ thuế GTGT


Tỷ lệ thuế TNCN

Lĩnh vực thương mại, bán hàng hóa

1%

0.5%

Lĩnh vực dịch vụ, xây dựng không bao gồm nguyên vật liệu

5%

2%

Lĩnh vực sản xuất, dịch vụ có gắn với hàng hóa, vận tải, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu

3%

1.5%

Lĩnh vực dịch vụ, sản xuất sản phẩm thuộc đối tượng tính thuế GTGT mức thuế suất 5% theo phương pháp khấu trừ và các lĩnh vực khác không thuộc các nhóm trên

2%

1%

Lưu ý: 

>> Đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT, chịu thuế GTGT 0%, không phải kê khai tính nộp thuế GTGT theo quy định của Luật Thuế GTGT. Doanh thu từ hợp tác kinh doanh với tổ chức khác mà tổ chức này đã kê khai và nộp thuế GTGT thì không phải nộp thuế GTGT.

>> Trường hợp cá nhân, hộ kinh doanh hoạt động nhiều ngành nghề, lĩnh vực thì thực hiện khai và tính thuế theo tỷ lệ thuế trên doanh thu áp dụng đối với từng ngành nghề, lĩnh vực riêng. Trường hợp cá nhân, hộ kinh doanh không xác định được doanh thu tính thuế của từng ngành nghề, lĩnh vực hoặc xác định không phù hợp với hoạt động kinh doanh hiện tại thì cơ quan thuế thực hiện ấn định doanh thu tính thuế của từng ngành nghề, lĩnh vực theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

Ví dụ: 

Ông Nguyễn Văn A đăng ký bán giày tại một hội chợ vừa bán sản phẩm, vừa sửa chữa giày. Ngày 15/05/2021 kết thúc hội chợ, ông A có doanh thu bán sản phẩm giày là 10.000.000đ và doanh thu sửa giày là 5.000.000đ, như vậy số thuế ông A phải nộp sẽ được tính như sau:

➜ Đối với doanh thu từ bán sản phẩm giày, ông A phải nộp:

  • Thuế GTGT: 10.000.000 x 1% = 100.000đ
  • Thuế TNCN: 10.000.000 x 0.5% = 50.000đ

➜ Đối với doanh thu từ sửa giày, ông A phải nộp:

  • Thuế GTGT: 5.000.000 x 5% = 250.000đ
  • Thuế TNCN: 5.000.000 x 2% = 100.000đ

V. Cách kê khai thuế hộ kinh doanh cá thể theo từng lần phát sinh

1. Nộp thuế hộ kinh doanh cá thể ở đâu?
  • Trường hợp kinh doanh lưu động, không cố định thì nộp hồ sơ khai thuế tại Chi cục Thuế quản lý trực tiếp, nơi cá nhân phát sinh doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ;
  • Trường hợp cá nhân có phát sinh thu nhập từ các sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số thì nộp hồ sơ khai thuế tại Chi cục Thuế quản lý trực tiếp nơi cư trú;
  • Trường hợp cá nhân kinh doanh, chuyển nhượng tên miền internet Việt Nam “.vn” thì nộp hồ sơ khai thuế tại Chi cục Thuế nơi cư trú. Trường hợp cá nhân không cư trú là cá nhân chuyển nhượng thì nộp hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế quản lý trực tiếp tổ chức quản lý tên miền internet Việt Nam “.vn”;
  • Trường hợp cá nhân kinh doanh là chủ thầu xây dựng tư nhân thì nộp hồ sơ khai thuế tại Chi cục Thuế quản lý trực tiếp nơi phát sinh hoạt động xây dựng.
2. Thời hạn nộp tờ khai thuế và tiền thuế hộ kinh doanh theo từng lần phát sinh
  • Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế: Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày phát sinh nghĩa vụ thuế;
  • Thời hạn nộp tiền thuế:  
    • Chậm nhất là ngày cuối cùng trong thời hạn nộp hồ sơ khai thuế;
    • Trường hợp kê khai bổ sung tờ khai thuế, thời hạn nộp thuế là thời hạn nộp hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế có sai sót.
3. Hồ sơ khai thuế hộ kinh doanh theo từng lần phát sinh
  • Tờ khai thuế đối với cá nhân, hộ kinh doanh cá thể (mẫu 01/CNKD ban hành kèm Thông tư 40/2021/TT-BTC), cụ thể: 
    • Chỉ tiêu số [01d] người nộp thuế ghi rõ thời điểm phát tính thuế theo năm dương lịch;
    • Chỉ tiêu số [02] người nộp thuế tích chọn tờ khai lần đầu hoặc nếu là tờ khai bổ sung thì điền vào chỉ tiêu số [03];
    • Chỉ tiêu số [04] đến [13] người nộp thuế ghi rõ thông tin cá nhân, địa điểm kinh doanh (nếu có);
    • Chỉ tiêu số [18] là trường hợp người nộp thuế chưa có mã số thuế cá nhân, người nộp thuế ghi rõ thông tin cá nhân để cơ quan thuế cấp mã số thuế cá nhân;
    • Chỉ tiêu số [28] đến [31] người nộp thuế xác định rõ từng ngành nghề kinh doanh rồi điền doanh thu thuế tính GTGT, số thuế GTGT, doanh thu tính thuế TNCN, số thuế TNCN vào cột tương ứng.

Bên cạnh tờ khai thuế, các tài liệu đính kèm hồ sơ khai thuế theo từng lần phát sinh bao gồm:

  • Bản sao hợp đồng kinh doanh hàng hóa, dịch vụ;
  • Bản sao biên bản nghiệm thu, thanh lý hợp đồng kinh tế;
  • Bản sao tài liệu chứng minh nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, hàng hóa như:  
    • Bảng kê thu mua hàng hóa nông sản nếu là hàng hóa nông sản trong nước; 
    • Bảng kê hàng hóa trao đổi, mua bán của người dân biên giới nếu là hàng cư dân biên giới nhập khẩu;
    • Hóa đơn của nhà cung cấp giao cho nếu là hàng hóa nhập khẩu của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong nước;
    • Tài liệu chứng minh nếu là hàng hóa do cá nhân tự sản xuất...

Lưu ý: Chi cục Thuế tiếp nhận hồ sơ có quyền yêu cầu xuất trình bản chính để đối chiếu, xác nhận tính chính xác của bản sao so với bản chính.

  Xem thêm: Hướng dẫn cách đăng ký và nộp thuế điện tử.

VI. Các câu hỏi thường gặp khi tính thuế hộ kinh doanh theo từng lần phát sinh

1. Cá nhân kinh doanh lưu động có doanh thu dưới 100 triệu đồng từ hoạt động bán hàng hóa trong một năm dương lịch có phải kê khai, nộp thuế không?

Đối với cá nhân, hộ kinh doanh có doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong một năm dương lịch từ 100 triệu đồng trở xuống thuộc trường hợp không phải nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân theo quy định về thuế GTGT và thuế TNCN.


2. Cá nhân kinh doanh nhiều lĩnh vực khác nhau thì tỷ lệ thuế GTGT và thuế TNCN áp dụng theo ngành nghề nào?

Trường hợp cá nhân, hộ kinh doanh hoạt động nhiều ngành nghề, lĩnh vực thì thực hiện khai và tính thuế theo tỷ lệ thuế trên doanh thu áp dụng đối với từng ngành nghề, lĩnh vực riêng.


Phương Nam - Phòng Kế toán Anpha

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Đánh giá chất lượng bài viết, bạn nhé!

5.0

1 đánh giá
Chọn đánh giá

Gửi đánh giá

BÌNH LUẬN - HỎI ĐÁP

Hãy để lại câu hỏi của bạn, chúng tôi sẽ trả lời TRONG 15 PHÚT

SĐT và email sẽ được ẩn để bảo mật thông tin của bạn GỬI NHANH