Thang lương là gì? Bảng lương là gì? Quy định về thang bảng lương, hệ thống thang bảng lương, cách xây dựng thang bảng lương theo vị trí việc làm mới nhất
I. Thang bảng lương là gì?
1. Thang lương là gì?
Thang lương là một hệ thống xây dựng từ ngạch lương, bậc lương, nhóm lương được quy định sẵn làm căn cứ để doanh nghiệp trả lương và xét nâng lương định kỳ cho người lao động. Căn cứ theo thang lương, nhà quản lý sẽ dễ dàng phân loại từng nhóm và năng lực lao động trong doanh nghiệp của mình. Từ đó thể hiện được tính công bằng và minh bạch trong thanh toán lương.
2. Bảng lương là gì?
Bảng lương là bảng tổng hợp số tiền thực tế mà doanh nghiệp phải trả cho người lao động gồm các khoản như: tiền lương cơ bản, thưởng, phụ cấp lương và các khoản tiền trợ cấp khác trong một khoảng thời gian xác định.
II. Quy định về thang bảng lương doanh nghiệp
1. Quy định xây dựng thang bảng lương
- Tất cả các doanh nghiệp bắt buộc đều phải xây dựng thang bảng lương và định mức lao động làm cơ sở tuyển dụng, sử dụng lao động, thỏa thuận mức lương theo công việc;
- Mức lao động là mức trung bình mà phải đảm bảo số đông người lao động thực hiện được mà không phải kéo dài thời giờ làm việc bình thường và phải được áp dụng thử trước khi ban hành chính thức;
- Doanh nghiệp cần phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện cho người lao động tại cơ sở (nếu có) để xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động;
- Trước khi thực hiện thang lương, bảng lương và định mức lao động phải được công bố công khai tại nơi làm việc để người lao động biết.
>> Tham khảo thêm: Quy định về lương, thưởng, phụ cấp cho NLĐ.
2. Nguyên tắc xây dựng hệ thống thang bảng lương
- Căn cứ vào tổ chức sản xuất, tổ chức lao động mà doanh nghiệp xây dựng và quyết định thang lương, bảng lương đối với lao động quản lý, lao động có chuyên môn, công nhân trực tiếp sản xuất, kinh doanh, phục vụ;
- Bội số của thang bảng lương là hệ số chênh lệch giữa mức lương công việc có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao với mức lương của công việc có trình độ chuyên môn kỹ thuật thấp nhất;
- Mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất mà người lao động được nhận khi làm công việc đơn giản nhất trong điều kiện lao động bình thường, được xác lập theo vùng, ấn định theo tháng giờ;
- Phải bảo đảm bình đẳng, không phân biệt đối xử về giới tính, thành phần xã hội, dân tộc, màu da… Đồng thời phải xây dựng tiêu chuẩn và điều kiện để xếp lương, nâng bậc lương;
- Khi có sự thay đổi quy định của nhà nước, doanh nghiệp cần rà soát lại thang bảng lương để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với điều kiện thực tế, bảo đảm các quy định của pháp luật lao động;
- Thang bảng lương cần phải công bố công khai, minh bạch tại nơi làm việc trước khi thực hiện.
3. Hồ sơ đăng ký thang bảng lương
Hồ sơ đăng ký thang bảng lương gồm có:
- Hệ thống thang bảng lương;
- Quyết định xây dựng thang bảng lương;
- Biên bản lấy ý kiến thang bảng lương;
- Bảng quy định các điều kiện tiêu chuẩn chức vụ.
III. Hướng dẫn cách xây dựng thang bảng lương - Tham khảo mẫu thang bảng lương
Mẫu thang bảng lương theo vị trí việc làm:
Mặc dù không có quy định giới hạn số bậc lương tối đa nhưng doanh nghiệp phải xây dựng ít nhất 2 bậc lương trong thang bảng lương. Người lao động mới vào làm việc sẽ áp dụng bậc 1 và đủ điều kiện sẽ được nâng lên 1 bậc lương.
Tùy thuộc vào tính chất công việc và chức danh mà doanh nghiệp phân ra các nhóm khác nhau áp dụng các bậc lương khác nhau:
➤ Đối với bậc 1: Trong thang bảng lương doanh nghiệp tự xác định mức lương tối thiểu áp dụng cho doanh nghiệp mình. Mức lương ở bậc 1 phải bằng hoặc lớn hơn mức lương tối thiểu vùng được quy định tại Điều 3 Nghị định số 38/2022/NĐ-CP ngày 12/06/2022 áp dụng từ ngày 01/07/2022 như sau:
Vùng |
Mức lương tối thiểu tháng
(Đơn vị: đồng/tháng) |
Mức lương tối thiểu giờ
(Đơn vị: đồng/giờ) |
Vùng I |
4.680.000 |
22.500 |
Vùng II |
4.160.000 |
20.000 |
Vùng III |
3.640.000 |
17.500 |
Vùng IV |
3.250.000 |
15.600 |
Trong Nghị định 38/2022/NĐ-CP không còn quy định về việc “Người lao động làm công việc đòi hỏi đã qua học nghề, đào tạo nghề phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng”. Tuy nhiên nếu trước đó doanh nghiệp và người lao động có ký hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, trong đó có thỏa thuận trả lương cho người lao động đã qua đào tạo ít nhất 7% thì doanh nghiệp phải tiếp tục thực hiện theo thỏa thuận trước đó.
➤ Đối với bậc 2 trở đi: Trước đây theo Nghị định 49/2013/NĐ-CP quy định khoảng cách chênh lệch giữa 2 bậc lương ít nhất là 5%. Tuy nhiên hiện tại theo Nghị định 145/2020/NĐ-CP không còn quy định về khoảng cách giữa các bậc trong thang bảng lương mà doanh nghiệp tự quyết định mức chênh lệch giữa các bậc lương phù hợp với tình hình thực tế tại doanh nghiệp.
Tham khảo thêm:
>> Mức lương tối thiểu vùng;
>> Thủ tục đăng ký thang bảng lương cho doanh nghiệp.
>> Dịch vụ kế toán tiền lương, xây dựng hệ thống bảng lương.
IV. Mức phạt liên quan đến việc xây dựng hệ thống thang bảng lương
Theo Khoản 1 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định mức phạt vi phạm quy định về tiền lương như sau: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động vi phạm một trong các hành vi sau đây:
- Không thực hiện công bố thang lương, bảng lương, mức lao động, quy chế lương thưởng… công khai tại nơi làm việc trước khi thực hiện;
- Không xây dựng bảng lương, thang lương, định mức lao động hoặc không áp dụng thử mức lao động trước khi ban hành chính thức;
- Không tham khảo lấy ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp khi xây dựng thang lương, bảng lương, quy chế lương thưởng, định mức lao động;
- Không thông báo bảng kê trả lương hoặc thông báo bảng kê trả lương cho người lao động nhưng không đúng theo quy định;
- Không trả lương bình đẳng hoặc phân biệt đối xử giới tính đối với người lao động làm công việc có giá trị như nhau.
Theo đó, người sử dụng lao động phải có trách nhiệm xây dựng, công khai thang bảng lương trước khi thực hiện tại nơi làm việc cho người lao động biết. Nếu vi phạm sẽ bị phạt theo quy định.
V. Các câu hỏi liên quan đến quy định xây dựng thang bảng lương
1. Thang bảng lương có phải nộp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội hay không?
Người sử dụng lao động không phải đăng ký thang bảng lương với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, chỉ cần công bố và lưu tại doanh nghiệp.
2. Công ty xây dựng thang bảng lương có 6 nhóm nghề, mỗi nhóm 7 bậc. Vậy khi NLĐ đang ở bậc cao nhất thì bậc tiếp theo phải xây dựng như thế nào và có cần điều chỉnh mức đóng BHXH không?
Khi NLĐ đã ở bậc cao nhất thì công ty có thể xây dựng bậc tiếp theo phụ thuộc vào mức độ quản lý, cấp bậc công việc hoặc chức danh đòi hỏi phải thay đổi về mức lương. Khi tăng bậc, tăng mức đóng BHXH, doanh nghiệp cần phải làm thủ tục điều chỉnh tăng mức đóng với cơ quan bảo hiểm.
>> Tham khảo thêm: Mức lương tối thiểu vùng, mức đóng bảo hiểm.
Thanh Tuyền - Phòng Kế toán Anpha
Đánh giá chất lượng bài viết, bạn nhé!
BÌNH LUẬN - HỎI ĐÁP
Hãy để lại câu hỏi của bạn, chúng tôi sẽ trả lời TRONG 15 PHÚT