Công thức, phương pháp, vd 6 cách tính giá thành sản phẩm

Bài viết của Anpha sẽ chia sẻ: Giá thành sản phẩm là gì? Ví dụ cụ thể cho các phương pháp tính giá thành như phương pháp hệ số, tính giá thành giản đơn…

I. Căn cứ pháp lý

  • Thông tư 133/2016/TT-BTC;
  • Thông tư 200/2016/TT-BTC

II. Giá thành sản phẩm

1. Giá thành sản phẩm là gì?

Giá thành của sản phẩm là biểu hiện bằng tiền toàn bộ những chi phí liên quan đến con người, nguyên vật liệu, công cụ dụng cụ, máy móc… để hoàn thiện sản phẩm trong điều kiện sản xuất bình thường của doanh nghiệp. 

Một sản phẩm của doanh nghiệp để hoàn thiện thường gồm các chi phí chính như sau: 

  • CP nhân công trực tiếp;
  • CP nguyên vật liệu ( NVL chính, NVL phụ);
  • CP sản xuất chung: là các chi phí chung tạo ra sản phẩm như khấu hao, công cụ dụng cụ, nhân công quản lý, NVL tiêu hao…
2. Phân loại giá thành sản phẩm

➤ Phân loại giá thành sản phẩm theo thời điểm tính, sẽ gồm 3 loại sau:

  • Giá thành kế hoạch là mức dự tính các chi phí sản xuất sản phẩm theo cơ sở số lượng sản phẩm theo kế hoạch và chi phí sản xuất theo kế hoạch;
  • Giá thành định mức là mức dự tính các chi phí sản xuất sản phẩm theo cơ sở định mức tình hình kinh tế kỹ thuật sản xuất tại thời điểm nhất định của từng kỳ kế hoạch;
  • Giá thành thực tế là mức dự tính chi phí sản xuất được xác định qua khâu kế toán dựa trên cơ sở chi phí sản xuất thực tế.

➤ Phân loại giá thành sản phẩm theo phạm vi phát sinh chi phí sẽ gồm 2 loại sau:

  • Giá thành sản xuất là chi phí bao gồm liên quan trực tiếp đến việc sản xuất tại phân xưởng sản xuất như chi phí nguyên vật liệu trực tiếp, chi phí nhân công trực tiếp, chi phí sản xuất chung phát sinh trong quá trình sản xuất…;
  • Giá thành tiêu thụ là khái niệm rộng hơn nó bao quát cả giá thành sản xuất và thêm chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí phục vụ cho việc đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng.
3. Ý nghĩa của việc xác định giá thành sản phẩm

Việc xây dựng được phương pháp tính giá thành sản phẩm phù hợp với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp giúp doanh nghiệp xác định được một cách hợp lý toàn bộ chi phí được chi ra cho việc hoàn thành sản phẩm. Từ đó có căn cứ xác định giá bán sản phẩm, lên kế hoạch cạnh tranh, tối ưu hóa giá thành sản xuất… và các mục tiêu quản trị khác.

III. Phương pháp tính giá sản phẩm

1. Phương pháp tính giá thành theo phương pháp giản đơn (phương pháp trực tiếp)

Phương pháp tính giá thành giản đơn thường được áp dụng với doanh nghiệp có quy trình sản xuất đơn giản với số lượng mặt hàng ít, sản xuất số lượng lớn, chu kỳ sản xuất ngắn. 

➤ Công thức tính giá thành: 

Tổng giá thành sản xuất

=

Chi phí sản xuất dở dang đầu kỳ

 

+

Chi phí sản xuất trong kỳ

 

-

Chi phí sản xuất dở dang cuối kỳ

Ví dụ: 

Công ty Anpha trong tháng 10 có sản xuất sản phẩm A, trong đó các chi phí phát sinh tập hợp liên quan đến quy trình sản xuất sản phẩm A như sau: 

  • Tổng chi phí chi cho nguyên vật liệu trực tiếp: 200.000.000 đồng;
  • Tổng chi phí chi cho nhân công trực tiếp: 40.000.000 đồng;
  • Tổng chi phí dùng cho sản xuất chung: 60.000.000 đồng.

Công ty Anpha không có sản phẩm dở dang đầu kỳ và cuối kỳ. Tất cả 300 sản phẩm A sau khi hoàn thành đều chuyển về kho. Tính giá thành sản phẩm A:

➨ Trả lời: 

Tổng giá thành sản xuất sản phẩm A = 200.000.000 + 40.000.000 + 60.000.000 = 300.000.000 đồng;

Giá thành đơn vị sản phẩm A = 300.000.000/300 = 1.000.000 đồng.

2. Phương pháp định mức

Cách tính giá thành sản phẩm theo định mức áp dụng cho các doanh nghiệp có quy trình sản xuất ổn định, các doanh nghiệp đã xây dựng và quản lý được định mức từng khâu hình thành sản phẩm cũng như trình độ tổ chức vận hành, khả năng tổng hợp chi phí sản xuất và tính giá thành qua khâu kế toán, thường xuyên kiểm tra điều chỉnh định mức phù hợp.

➤ Công thức tính giá thành:

Giá thành thực tế sản phẩm

=

Giá thành định mức đơn vị sản phẩm từng loại

x

Tỷ lệ chi phí (%)

Trong đó: 

Tỷ lệ chi phí (%) = (Tổng giá thành sản xuất thực tế của các loại sản phẩm / Tổng giá thành sản xuất định mức của các loại sản phẩm) x 100

3. Tính giá thành theo phương pháp hệ số 

Phương pháp tính giá thành hệ số áp dụng cho các doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu cố định và lượng lao động cố định trong quá trình sản xuất nhưng thu được đồng thời nhiều sản phẩm khác nhau, chi phí được tập hợp chung cho cả quá trình sản xuất thay vì cho từng sản phẩm như may mặc, hóa chất, chế tạo, cơ khí, điện cơ, chăn nuôi… 

➤ Công thức tính giá thành: 

Giá thành đơn vị sản phẩm tiêu chuẩn

=

Tổng giá thành của tất cả các sản phẩm

/

Tổng số sản phẩm gốc

Trong đó: 

➤ Số sản phẩm tiêu chuẩn = Số sản phẩm của từng loại x Hệ số quy đổi từng loại;

Đối với hệ số quy đổi doanh nghiệp cần phải xác định riêng cho từng loại sản phẩm khác nhau trên một loại sản phẩm. Hệ số tiêu chuẩn quy ước là hệ số 1.

➤ Tổng giá thành sản xuất sản phẩm = Số sản phẩm tiêu chuẩn x Giá thành đơn vị sản phẩm tiêu chuẩn.

Ví dụ: 

Công ty Anpha có quy trình sản xuất công nghệ đơn giản, khép kín. Sản phẩm của quy trình công nghệ là hai sản phẩm A, B. Tương ứng với hai sản phẩm công ty đã xác định hệ số giá thành sản phẩm A là 1, sản phẩm B là 1.2. 

  •  Chi phí dở dang đầu kỳ:
    • Nguyên vật liệu trực tiếp còn tồn đầu kỳ: 90.000.000 đồng;
    • Nhân công trực tiếp: 20.000.000 đồng;
    • Chi phí sản xuất chung chưa phân bổ: 30.000.000 đồng.
       
  • Chi phí phát sinh trong kỳ:
    • Tổng chi phí cho nguyên vật liệu trực tiếp: 200.000.000 đồng;
    • Tổng chi phí chi cho nhân công trực tiếp: 40.000.000 đồng;
    • Tổng chi phí dùng cho sản xuất chung: 60.000.000 đồng.
       
  • Chi phí phát sinh trong kỳ: 

Sản xuất hoàn thành 80 sản phẩm A, 20 sản phẩm A dở dang mức chế biến hoàn thành 50%, 70 sản phẩm B, 15 sản phẩm B dở dang mức chế biến hoàn thành 50%. Tính giá thành của sản phẩm A, B theo từng khoản mục trong đó chi phí nguyên vật liệu phát sinh 1 lần từ đầu quy trình công nghệ, các chi phí khác phát sinh dần.

➨ Trả lời: 

  • Tổng số sản phẩm hoàn thành theo sản phẩm tiêu chuẩn: 80 x 1 + 70 x 1.2 = 164;
  • Tổng số sản phẩm dở dang quy đổi để phân bổ chi phí nguyên vật liệu: 20 x 1 + 15 x 1.2 = 38;
  • Tổng sản phẩm dở dang quy đổi để phân bổ chi phí chế biến (nhân công trực tiếp, sản xuất chung) = 20 x 50% x 1 + 15 x 1.2 x 50% = 19.

Phân bổ chi phí theo tổng lượng đầu ra: 164 + 38

  • Tổng chi phí chi cho nguyên vật liệu trực tiếp: (200.000.000 + 90.000.000) / (164 + 38) x 38 = 54.554.455 đồng;
  • Tổng chi phí chi cho nhân công trực tiếp: (40.000.000 + 20.000.000) / (164 + 19) x 19 = 6.229.508 đồng;
  • Tổng chi phí dùng cho sản xuất chung: (30.000.000 + 60.000.000) / (164 + 19) x 19 = 9.344.262 đồng.

Xác định giá thành sản phẩm tiêu chuẩn trong kỳ và quy đổi để tính giá thành sản phẩm như sau:

  • Tổng giá thành sản phẩm tiêu chuẩn nguyên vật liệu trực tiếp: 235.445.545 đồng;
  • Tổng giá thành sản phẩm tiêu chuẩn nhân công trực tiếp: 53.770.492 đồng;
  • Tổng giá thành sản phẩm tiêu chuẩn sản xuất chung: 80.655.738 đồng;
  • Tổng giá thành sản phẩm tương ứng x 80 sản phẩm: (235.445.545 + 53.770.492 + 80.665.738) / 164 x 80 = 180.430.134 đồng;

Tổng giá thành sản phẩm tương ứng x 70 sản phẩm: 

  • (235.445.545 + 53.770.492 + 80.665.738) / 164 x 1.2 x 70 = 189.451.641 đồng.
4. Phương pháp tính giá thành sản phẩm theo đơn đặt hàng 

Phương pháp tính giá thành theo đơn đặt hàng áp dụng cho doanh nghiệp có quy trình sản xuất đơn chiếc hoặc hàng loạt theo yêu cầu đặt hàng, giá thành sẽ được tính theo từng đơn một và việc tổ chức kế toán chi phí phải chi tiết theo từng đơn.

➤ Công thức tính giá thành:

Giá thành của từng đơn hàng

=

Tổng chi phí nguyên vật liệu trực tiếp

+

Chi phí nhân công trực tiếp

+

Chi phí sản xuất chung (*)

(*): Các chi phí này được tính từ khi bắt đầu đến khi kết thúc đơn đặt hàng.

5. Phương pháp phân bước
  • Phương pháp tính giá thành phân bước áp dụng cho các doanh nghiệp có quá trình sản xuất thực hiện ở nhiều bộ phận sản xuất có nhiều giai đoạn công nghệ, tập hợp chi phí theo từng bộ phận hoặc công đoạn chi tiết sản phẩm; 
  • Phương pháp này được áp dụng trong các doanh nghiệp có nhu cầu phần lớn về bán nửa thành phẩm ra ngoài hoặc có nhu cầu hạch toán quản lý nội bộ cao giữa các giai đoạn công nghệ (bộ phận, phân xưởng), doanh nghiệp phải xác định giá thành phẩm trước khi xác định giá thành sản phẩm.

➤ Công thức tính: 

Giá thành thành phẩm hoàn thành trong kỳ

=

Giá thành sản phẩm giai đoạn 1

+

Giá thành sản phẩm giai đoạn 2

+

+

Giá thành sản phẩm giai đoạn n

 
6. Phương pháp loại trừ sản phẩm phụ

Phương pháp tính giá thành này áp dụng cho các doanh nghiệp mà trong cùng một quá trình sản xuất, ngoài các sản phẩm chính doanh nghiệp còn thu được sản phẩm phụ. Với trường hợp này doanh nghiệp cần phải loại trừ giá trị sản phẩm phụ ra khỏi tổng chi phí sản xuất sản phẩm để tính giá trị sản phẩm chính. 

Giá trị sản phẩm phụ có thể xác định dựa theo các phương pháp sau:

  • Có thể sử dụng được;
  • Giá ước tính;
  • Giá kế hoạch;
  • Giá nguyên liệu ban đầu

➤ Công thức tính giá thành: 

Tổng giá thành sản phẩm chính

 

=

Giá trị sản phẩm chính dở dang đầu kỳ

 

+

Tổng chi phí phát sinh trong kỳ

 

-

Giá trị sản phẩm phụ ước tính thu hồi

 

-

Giá trị sản phẩm chính dở dang cuối kỳ

 

IV. Kế toán tập hợp giá thành sản phẩm

Trong phạm vi của bài viết là một số nghiệp vụ cơ bản liên quan đến việc tập hợp chi phí sản xuất trong doanh nghiệp theo Thông tư 133.

Tài khoản được sử dụng: TK 154 - chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang: phản ánh các chi phí phát sinh phục vụ cho việc tính giá thành sản phẩm. Kế toán chi phí sản xuất theo Thông tư 133 theo phương pháp kê khai thường xuyên.

  • Chi phí nguyên vật liệu trực tiếp, căn cứ phiếu xuất kho sản xuất hạch toán; 
    • Nợ TK 154 - Có TK 152, 153: Giá xuất kho NVL.
  • Chi phí lương và chi phí bảo hiểm bắt buộc liên quan, căn cứ vào phiếu hạch toán lương;
    • Nợ TK 154 - Có TK 334, 3383, 3384, 3386.
       
  • Chi phí sản xuất chung: Khấu hao máy móc, nhà xưởng, chi phí phân bổ công cụ dụng cụ, chi phí mua ngoài.
    • Nợ TK 154;
    • Có TK 214: Chi phí khấu hao máy móc, nhà xưởng;
    • Có TK 242: Chi phí phân bổ CCDC;
    • Có TK 335 / 111 / 331…: Chi phí mua ngoài, chi phí phải trả khác (gia công, điện nước, thuê xưởng…).
       
  • Hạch toán NVL nhập lại kho do không sử dụng hết, căn cứ vào phiếu nhập kho.
    • Nợ TK 152 - Có TK 154: Giá trị nhập kho.
       
  • Hạch toán chi phí sản xuất vượt định mức.
    • Nợ TK 632 - Có TK 154: Chi phí sản xuất vượt định mức.
       
  • Hạch toán thành phẩm hoàn thành:
    • Nợ TK 155: Giá trị thành phẩm nhập kho;
    • Nợ TK 632: Nếu thành phẩm không nhập kho mà bán trực tiếp (thường áp dụng cho hoạt động xây dựng hoặc dịch vụ);
    • Nợ TK 241 / 642, 641: Nếu thành phẩm không nhập kho mà đưa vào tiêu dùng ngay;
    • Có TK 154.

V. Một số câu hỏi liên quan

1. Các phương pháp dùng để đánh giá sản phẩm dở dang mà doanh nghiệp thường sử dụng?

Một số phương pháp dùng để đánh giá sản phẩm dở dang mà doanh nghiệp áp dụng là:

  • Phương pháp 1: Đánh giá sản phẩm dở dang theo chi phí nguyên vật liệu chính (trực tiếp);
  • Phương pháp 2: Đánh giá sản phẩm dở dang theo cách ước lượng sản phẩm tương đương;
  • Phương pháp 3: Đánh giá sản phẩm dở dang theo chi phí định mức (kế hoạch).

2. Quy trình tập hợp chi phí sản xuất phát sinh trong kỳ và cách thức tập hợp chi phí theo đối tượng như thế nào?

➤ Doanh nghiệp khi tập hợp chi phí sản xuất phát sinh trong kỳ có thể sử dụng 2 phương pháp sau:

  • Kế toán hạch toán hàng tồn kho theo phương pháp kê khai thường xuyên;
  • Hoặc kế toán hạch toán hàng tồn kho theo phương pháp kiểm kê định kỳ.

➤ Doanh nghiệp có thể thực hiện tập hợp chi phí theo đối tượng như sau:

  • Tổng hợp chi phí theo toàn bộ quy trình công nghệ sản xuất sản phẩm (toàn doanh nghiệp);
  • Tổng hợp chi phí chi tiết cho từng sản phẩm, từng công việc hoặc từng đơn đặt hàng;
  • Tổng hợp chi phí theo tổ, đội phân đoạn sản xuất hoặc giai đoạn công nghệ.

Hải Uyên - Phòng Kế toán Anpha

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Đánh giá chất lượng bài viết, bạn nhé!

5.0

3 đánh giá
Chọn đánh giá

Gửi đánh giá

BÌNH LUẬN - HỎI ĐÁP

Hãy để lại câu hỏi của bạn, chúng tôi sẽ trả lời TRONG 15 PHÚT

SĐT và email sẽ được ẩn để bảo mật thông tin của bạn GỬI NHANH