Qua bài viết này, Anpha sẽ hướng dẫn cách tính thuế VAT, cách kê khai thuế GTGT, cách hạch toán thuế GTGT mua vào, bán ra theo phương pháp trực tiếp.
I. Căn cứ pháp lý
- Luật Thuế Giá trị gia tăng;
- Thông tư 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013.
II. Đối tượng áp dụng tính thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp
1. Các phương pháp tính thuế GTGT
Theo quy định hiện hành, có 2 phương pháp để tính thuế giá trị gia tăng, bao gồm:
- Phương pháp khấu trừ: là phương pháp doanh nghiệp tính thuế GTGT dựa trên sự chênh lệch giữa thuế GTGT bán ra và thuế GTGT mua vào đủ điều kiện khấu trừ;
- Phương pháp trực tiếp: là phương pháp doanh nghiệp tính thuế GTGT theo tỷ lệ trên doanh thu theo từng ngành nghề kinh doanh.
2. Đối tượng áp dụng tính thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp
Đối tượng áp dụng tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp phân theo 2 trường hợp:
➧ Trường hợp 1:
Các tổ chức, cơ sở kinh doanh mặt hàng đặc thù về mua, bán, chế tác vàng bạc, đá quý…
➧ Trường hợp 2:
- Các tổ chức cơ sở kinh doanh, hợp tác xã mới thành lập hoặc đang hoạt động có doanh thu theo năm ở dưới mức 1 tỷ đồng ngoại trừ các cơ sở đã đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế GTGT;
- Các cá nhân, hộ kinh doanh cá thể;
- Các tổ chức, cá nhân nước ngoài có trụ sở kinh doanh tại Việt Nam nhưng không thực hiện hay thực hiện không đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn chứng từ được quy định theo luật hiện hành ở Việt Nam ngoại trừ các tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh cung cấp hàng hóa, dịch vụ dùng cho hoạt động thăm dò, tìm kiếm, phát triển khai thác dầu khí;
- Các trường hợp khác mà không đăng ký áp dụng nộp thuế theo phương pháp khấu trừ và không thuộc doanh nghiệp, hợp tác xã quy định áp dụng.
III. Cách tính thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp
Theo Điều 13, Mục 2 Phương pháp tính thuế, Thông tư 219/2013/TT-BTC có 2 cách xác định thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp, bao gồm:
1. Tính thuế bằng giá trị gia tăng nhân với thuế suất thuế giá trị gia tăng
Cách xác định này dùng cho các hoạt động kinh doanh đặc thù như mua, bán, chế tác vàng, bạc, đá quý:
Số thuế GTGT phải nộp = Giá trị gia tăng x Thuế suất thuế giá trị gia tăng 10%
Trong đó:
Giá trị gia tăng = Giá thanh toán bán ra - Giá thanh toán mua vào tương ứng
>> Giá thanh toán của vàng, bạc, đá quý bán ra là giá thực tế bán trên hóa đơn bao gồm tiền công chế tác, thuế GTGT và các khoản phí phụ thu kèm theo;
>> Giá thanh toán của vàng, bạc, đá quý mua vào được tính bằng giá trị vàng, bạc, đá quý mua vào hoặc nhập khẩu đã bao gồm thuế GTGT;
>> Nếu giá thanh toán bán ra lớn hơn giá thanh toán mua vào (tức giá trị gia tăng dương) thì tính thuế suất GTGT phải nộp bằng giá trị gia tăng nhân thuế suất thuế giá trị gia tăng 10%;
>> Nếu trong kỳ tính thuế phát sinh cả giá trị gia tăng âm (-) và giá trị gia tăng dương (+) của vàng, bạc, đá quý thì được phép tính bù trừ. Trường hợp trong kỳ chỉ phát sinh giá trị gia tăng (-) hoặc giá trị gia tăng (+) không đủ để bù trừ giá trị gia tăng âm (-) thì được phép kết chuyển để bù trừ vào giá trị gia tăng của kỳ tiếp theo trong cùng năm dương lịch;
>> Trường hợp kết thúc năm mà giá trị gia tăng âm (-) vẫn còn dư thì không được kết chuyển sang năm tiếp theo.
2. Tính thuế giá trị gia tăng phải nộp bằng tỷ lệ % nhân với doanh thu
Cách xác định thuế này áp dụng cho các đối tượng thuộc trường hợp 2 mục 2 đã nêu trên, cụ thể:
Số thuế GTGT phải nộp = Tỷ lệ % x Doanh thu
Trong đó:
>> Tỷ lệ % áp dụng để tính thuế giá trị gia tăng trên doanh thu được quy định chi tiết theo từng ngành nghề hoạt động gồm:
- Hoạt động phân phối, cung cấp hàng hóa áp dụng mức tỷ lệ 1%;
- Hoạt động dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu áp dụng mức tỷ lệ 5%;
- Hoạt động sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu áp dụng tỷ lệ 3%;
- Hoạt động kinh doanh khác áp mức tỷ lệ 2%.
>> Doanh thu của các hoạt động để tính thuế giá trị gia tăng được tính bằng tổng số tiền bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ thực tế viết trên hóa đơn bán hàng đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng kèm các khoản phí phụ thu thêm;
>> Trường hợp các tổ chức, cơ sở kinh doanh có doanh thu bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng hoặc thuộc doanh thu hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu thì không áp dụng tỷ lệ phần trăm.
Lưu ý:
Đối với các cơ sở kinh doanh một lúc nhiều ngành nghề có nhiều hơn 2 mức tỷ lệ khác nhau được nêu trên thì phải khai thuế giá trị gia tăng tách từng nhóm ngành nghề theo từng mức tỷ lệ tương ứng. Nếu tổ chức, cơ sở kinh doanh không xác định được phần doanh thu của từng nhóm ngành nghề hoạt động hoặc không tách được hoạt động kinh doanh trọn gói của nhiều nhóm tỷ lệ khác nhau thì sẽ phải áp dụng theo mức tỷ lệ tại nhóm có ngành nghề tương ứng cao nhất theo quy định.
Ngoài ra, đối với các cá nhân, hộ kinh doanh thực hiện nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khoán thì đăng ký với cơ quan thuế để cơ quan thuế xác định doanh thu, thuế giá trị gia tăng phải nộp theo tỷ lệ % trên doanh thu của hộ khoán.
Nếu cá nhân, hộ kinh doanh đăng ký nộp thuế theo phương pháp khoán những ngành nghề kinh doanh thuộc nhiều loại khác nhau thì cơ quan thuế sẽ xác định số thuế mà cá nhân, hộ kinh doanh phải nộp theo tỷ lệ của ngành nghề hoạt động kinh doanh chính.
Tham khảo: Các loại thuế hộ kinh doanh cá thể phải nộp.
IV. Hướng dẫn cách kê khai, hạch toán thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp
1. Mẫu hóa đơn sử dụng
Đối với các tổ chức, cơ sở kinh doanh đăng ký áp dụng sử dụng phương pháp kê khai trực tiếp thì sẽ sử dụng hóa đơn trực tiếp (còn gọi là hóa đơn bán hàng hay hóa đơn thông thường).
Lưu ý: Hộ kinh doanh phải sử dụng hóa đơn do Chi cục Thuế quản lý cấp mới có giá trị pháp lý.
2. Cách kê khai thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp
➤ Cách kê khai đối với phương pháp tính trực tiếp trên doanh thu
Doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh có thể thực hiện kê khai trực tuyến trên trang thuế điện tử: https://thuedientu.gdt.gov.vn/ hoặc sử dụng phần mềm hỗ trợ kê khai HTKK.
Các cơ sở, tổ chức kinh doanh mới thành lập, hoạt động kinh doanh có doanh thu hàng năm dưới mức 1 tỷ đồng, các cá nhân, hộ kinh doanh phải thực hiện kê khai thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp trên doanh thu mẫu 04/GTGT.
Một số chỉ tiêu cần lưu ý khi lập tờ khai 04/GTGT:
- Chỉ tiêu [21]: Chỉ tiêu để ghi tổng doanh thu của hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế và đối tượng chịu thuế GTGT 0%;
- Chỉ tiêu [22]: Chỉ tiêu để ghi tổng doanh thu của hàng hóa, dịch vụ nhóm ngành 1%;
- Chỉ tiêu [24]: Chỉ tiêu để ghi tổng doanh thu của hàng hóa, dịch vụ nhóm ngành 5%;
- Chỉ tiêu [26]: Chỉ tiêu để ghi tổng doanh thu của hàng hóa, dịch vụ nhóm ngành 3%;
- Chỉ tiêu [28]: Chỉ tiêu để ghi tổng doanh thu của hàng hóa, dịch vụ nhóm ngành 2%.
Lưu ý: Khi kê khai tờ khai 04/GTGT trên doanh thu, doanh nghiệp chỉ thực hiện kê khai những hóa đơn bán ra không kê khai các hóa đơn mua vào.
Ví dụ:
Quý I/2021 Công ty Anpha có phát sinh doanh thu như sau:
Doanh thu thu từ dịch vụ đào tạo: 50.000.000 đồng (Không chịu thuế suất);
Doanh thu thu từ dịch vụ kế toán: 100.000.000 đồng (Chịu thuế suất 5%).
Anpha thực hiện kê khai vào mẫu 04/GTGT gồm:
➜ Chỉ tiêu [21]: 50.000.000 đồng;
➜ Chỉ tiêu [24]: 100.000.000 đồng.
➤ Cách kê khai đối với phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng
Các cơ sở, tổ chức kinh doanh mặt hàng đặc thù là vàng, bạc, đá quý kê khai thuế GTGT trực tiếp trên GTGT thì sử dụng mẫu 03/GTGT.
Một số chỉ tiêu cần lưu ý khi lập tờ khai 03/GTGT:
- Chỉ tiêu [21]: Chỉ tiêu ghi nhận GTGT âm được kết chuyển từ kỳ trước sang kỳ này trong năm tài chính. Trong đó, kỳ tính thuế trước (tháng/quý) không phát sinh GTGT dương (+) hoặc GTGT dương (+) không đủ bù trừ vào thuế GTGT của kỳ (tháng/quý);
- Chỉ tiêu [22]: Chỉ tiêu để ghi tổng doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ thực tế bán ra của vàng, bạc, đá quý ghi trên hóa đơn;
- Chỉ tiêu [23]: Chỉ tiêu để ghi tổng giá thanh toán mua vào của hàng hóa, dịch vụ (là vàng, bạc, đá quý mua vào hoặc nhập khẩu);
- Chỉ tiêu [24]: Chỉ tiêu dùng điều chỉnh sai sót hoặc khai thiếu làm phát sinh tăng giá trị gia tăng âm kỳ trước;
- Chỉ tiêu [25]: Chỉ tiêu dùng điều chỉnh sai sót hoặc khai thiếu làm phát sinh giảm giá trị gia tăng âm kỳ trước.
- Chỉ tiêu [26]: GTGT chịu thuế trong kỳ tính theo công thức [26] = [22] - [23] - [21] - [24] + [25];
- Chỉ tiêu [27]: Thuế GTGT phải nộp: [27] = [26] x 10%.
Ví dụ:
Công ty Anpha tại quý 1/2021 có số liệu kinh doanh thống kê tổng như sau:
Tổng doanh thu bán vàng bạc, đá quý: 220.000.000 đồng đã bao gồm thuế GTGT;
Giá vốn mua vào vàng bạc, đá quý tương ứng là: 300.000.000 đồng;
➜ Giá trị gia tăng chịu thuế trong quý 1/2021 là: 220.000.000 - 300.000.000 = -80.000.000 đồng;
➜ Số tiền: -80.000.000 đồng sẽ được chuyển sang chỉ tiêu [21] quý 2/2021.
3. Cách hạch toán thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp
➤ Hạch toán thuế GTGT mua vào
Những cơ sở, tổ chức kinh doanh đăng ký kê khai thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp thì thuế GTGT mua vào sẽ không được khấu trừ (tức là không hạch toán lên tài khoản 133) mà tính luôn vào nguyên giá của hàng hóa, dịch vụ… hoặc tính trực tiếp vào chi phí để tính thuế TNDN.
Ví dụ:
Cơ sở, tổ chức kinh doanh A kê khai thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp khi giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ với công ty Anpha đăng ký kê khai thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ, sau đó công ty Anpha xuất hóa đơn cho cơ sở, tổ chức kinh doanh A, cụ thể:
Giá trị hàng hóa, dịch vụ: 20.000.000 đồng;
Thuế GTGT mua vào: 2.000.000 đồng;
Tổng tiền thanh toán: 22.000.000 đồng.
Kế toán hạch toán như sau:
➜ Nợ TK 156, 152, 153…: 22.000.000 đồng;
➜ Có TK 111, 112…: 22.000.000 đồng.
➤ Hạch toán thuế GTGT bán ra
Các cơ sở, tổ chức kinh doanh khi xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ sử dụng hóa đơn bán hàng để lập và hạch toán theo 2 phương pháp ghi sổ như sau:
Trường hợp 1: Trên hóa đơn tách riêng số thuế GTGT
Nợ TK 111, 112, 131…: Tổng giá thanh toán hàng hóa, dịch vụ;
Có TK 511, 515, 711 …: Giá trị hàng hóa, dịch vụ chưa có thuế GTGT;
Có TK 3331: Số tiền thuế GTGT bán ra.
Nợ TK 3331: Số thuế GTGT bán ra phải nộp;
Có TK 111, 112: Số thuế GTGT phải nộp
Trường hợp 2: Ghi nhận doanh thu bao gồm cả thuế GTGT phải nộp theo phương pháp trực tiếp, tại kỳ khi xác định thuế GTGT phải nộp thực hiện hạch toán ghi giảm doanh thu, thu nhập tương ứng.
Nợ TK 111, 112, 131… (Tổng giá trị thanh toán ghi trên hóa đơn);
Có TK 511, 515, 711… (Giá trị hàng hóa, dịch vụ bao gồm thuế GTGT)
- Định kỳ xác định thuế GTGT phải nộp thực hiện ghi nhận giảm doanh thu, thu nhập tương ứng:
Nợ TK 511, 515, 711… (Số tiền thuế GTGT phải nộp tương ứng với doanh thu ghi giảm);
Có TK 3331… (Số tiền thuế GTGT phải nộp tương ứng với doanh thu ghi giảm).
Nợ TK 3331: Số thuế GTGT phải nộp;
Có TK 111, 112: Số thuế GTGT phải nộp.
V. Một số câu hỏi liên quan khi tính thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp
1. Thời hạn nộp tờ khai thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp được quy định theo luật hiện nay như nào?
Trường hợp đơn vị thực hiện kê khai nộp tờ khai thuế GTGT theo tháng thì hạn nộp chậm nhất là ngày thứ 20 của tháng tiếp sau tháng phát sinh nghĩa vụ thuế kê khai.
Trường hợp đơn vị thực hiện kê khai nộp tờ khai thuế GTGT theo quý thì hạn nộp chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng đầu của quý liền kề tiếp sau quý phát sinh nghĩa vụ thuế kê khai.
(Điều 44 Luật Quản lý Thuế 38/2019/QH14 ngày 13/06/2019).
2. Doanh nghiệp kê khai thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp thì có tính thuế thu nhập doanh nghiệp theo phương pháp trực tiếp không?
Đơn vị kê khai thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp không được hiểu là sẽ tính thuế thu nhập doanh nghiệp theo phương pháp trực tiếp. Doanh nghiệp là đối tượng kê khai thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp muốn tính thuế thu nhập doanh nghiệp theo phương pháp trực tiếp, nộp thuế TNDN theo tỷ lệ % trên doanh thu cần đáp ứng được quy định về đối tượng (tại Điều 3 Thông tư 78/2014/TT-BTC) và có công văn chấp thuận từ cơ quan thuế quản lý.
Hải Uyên - Phòng Kế toán Anpha