Điều Kiện Khấu Trừ Thuế Giá Trị Gia Tăng Đầu Vào

Sau khi thành lập, đa số các doanh nghiệp đều chọn đăng ký kê khai thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ. Dưới đây là bài viết về điều kiện để được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào.

1. Điều kiện về hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT)

Điều 15 Thông tư số 26/2015/TT-BTC ban hành ngày 27/02/2015 quy định như sau:

Hóa đơn giá trị gia tăng hợp pháp của hàng hóa, dịch vụ mua vào hoặc chứng từ nộp thuế giá trị gia tăng khâu nhập khẩu hoặc chứng từ nộp thuế GTGT thay cho phía nước ngoài theo hướng dẫn của Bộ Tài chính áp dụng đối với các tổ chức nước ngoài không có tư cách pháp nhân Việt Nam và cá nhân nước ngoài kinh doanh hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam."

Tức là doanh nghiệp (DN) được khấu trừ thuế GTGT đầu vào khi hóa đơn GTGT là hóa đơn hợp pháp, hợp lệ và hợp lý.

a. Hóa đơn hợp pháp

  • Hóa đơn hợp pháp là hóa đơn do Bộ Tài chính phát hành hoặc hóa đơn do DN đặt in theo quy định của Chính phủ và Bộ Tài chính về in ấn, phát hành, quản lý và sử dụng hóa đơn.
  • Hóa đơn do DN tự in theo mẫu quy định, đã đăng ký và được cơ quan thuế chấp nhận.

- Để kiểm tra tính hợp pháp của hóa đơn, có thể tra cứu theo cách sau:

  • Tra cứu doanh nghiệp có hoạt động, tạm dừng kinh doanh hoặc đang bỏ trốn:
  •  Tra cứu hóa đơn có thông báo phát hành:

Ví dụ: Ngày 16/04/2018 Công ty An Phong được Chi cục Thuế Bình Thạnh thông báo đủ điều kiện được sử dụng hóa đơn đặt in hóa đơn GTGT. Doanh nghiệp nộp thông báo phát hành hóa đơn lên cơ quan Thuế và đã được chấp nhận. Như vậy hóa đơn GTGT của Công ty An Phong là hóa đơn hợp pháp.

- DN có phát sinh hoạt động mua bán, hóa đơn tài chính và thanh toán minh bạch nhưng vẫn có rủi ro không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào như sau:

  • Bên cung cấp hàng hóa, dịch vụ nhưng hàng hóa, dịch vụ đó không nằm trong phạm vi hoạt động đã đăng ký.

Ví dụ: Công ty xây dựng An Phong xuất hóa đơn về đo vẽ bản đồ địa chính nhưng trong giấy phép đăng ký kinh doanh thì không có đăng ký ngành nghề.

  • Hóa đơn GTGT của DN bỏ trốn, khóa mã số thuế, tạm ngưng kinh doanh.

Ví dụ: Công ty Nguyên Long Vương có mua hàng Công ty Trí Thức tổng giá trị là 8 triệu đồng, thanh toán bằng tiền mặt và xuất hóa đơn ngày 04/09/2018. Tuy nhiên công văn ngày 08/08/2018 của chi cục Thuế Tân Bình thông báo Công ty Trí Thức đã bỏ địa điểm kinh doanh. Như vậy hóa đơn trên được lập sau ngày cơ quan thuế thông báo bỏ trốn được xác định là hóa đơn bất hợp pháp. Công ty Nguyên Long Vương không được kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào và không được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN, bị phạt tiền về tội mua – bán hóa đơn từ 20 triệu – 50 triệu đồng.

b. Hóa đơn hợp lệ:

Hóa đơn phải đảm bảo đầy đủ các nội dung chi tiết và yêu cầu ghi trên hoá đơn như :

  • Hóa đơn không được tẩy xóa, sửa chữa.
  • Ghi rõ ngày tháng năm lập hóa đơn, tên người mua, địa chỉ người mua và hình thức thanh toán.
  • Ghi rõ hàng hóa dịch vụ, đơn vị tính, tiền hàng, tiền thuế, tổng tiền thanh toán.
  • Phải có chữ ký của Giám đốc (GĐ). Nếu trường hợp không có chữ ký của GĐ thì phải có giấy ủy quyền và đóng dấu treo bên trái hóa đơn, người ủy quyền ký vào đây.
  • Người mua hàng: phải ký, ghi rõ họ tên hoặc đóng dấu “bán hàng qua điện thoại”.

c. Hóa đơn hợp lý:

  • Chi phí có hóa đơn hợp pháp, hợp lệ vẫn chưa đủ mà chi phí đó phải hợp lý nghĩa là chi phí thực tế phát sinh tại doanh nghiệp và phù hợp với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
  • Các khoản chi phí hợp lý sẽ được trừ khi xác định thuế TNDN.

Ví dụ: Công ty Lữ Khôi là công ty dịch vụ vận tải. Chi phí về xăng dầu, phí cầu đường, phí bảo hiểm, phí sửa chữa xe là chi phí hợp lý, vì phục vụ cho hoạt động kinh doanh của DN.

2. Điều kiện về chứng từ thanh toán

Theo điều 15 Thông tư 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015 quy định như sau :

“Có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào (bao gồm cả hàng hóa nhập khẩu) từ hai mươi triệu đồng trở lên, trừ các trường hợp giá trị hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu từng lần có giá trị dưới hai mươi triệu đồng, hàng hóa, dịch vụ mua vào từng lần theo hóa đơn dưới hai mươi triệu đồng theo giá đã có thuế GTGT và trường hợp cơ sở kinh doanh nhập khẩu hàng hóa là quà biếu, quà tặng của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài.”

Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt gồm chứng từ thanh toán qua ngân hàng và chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt khác.

2.1 Chứng từ thanh toán qua ngân hàng

  • Chứng từ chứng minh việc chuyển tiền từ tài khoản của bên mua sang tài khoản bên bán tại các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán theo hình thức thanh toán phù hợp với quy định của pháp luật: uỷ nhiệm chi, séc...và các hình thức thanh toán khác theo quy định.
  • Tài khoản của DN dùng để thanh toán không bắt buộc phải thông báo hoặc đăng ký cho cơ quan Thuế. Nhưng bắt buộc DN phải đăng ký tài khoản ngân hàng cho Sở kế hoạch đầu tư.
  • Hàng hóa, dịch vụ mua vào từng lần theo hóa đơn từ trên hai mươi triệu đồng (đã bao gồm VAT) nếu không có chứng từ thanh toán qua ngân hàng thì không được khấu trừ.
  • Đối với hàng hoá, dịch vụ mua trả chậm, trả góp có giá trị hàng hoá, dịch vụ mua từ hai mươi triệu đồng trở lên, cơ sở kinh doanh căn cứ vào hợp đồng mua hàng hóa, dịch vụ bằng văn bản, hóa đơn giá trị gia tăng và chứng từ thanh toán qua ngân hàng của hàng hóa , dịch vụ trả chậm, trả góp để kê khai, khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào. Trường hợp chưa có chứng từ thanh toán qua ngân hàng do chưa đến thời điểm thanh toán theo hợp đồng thì cơ sở kinh doanh vẫn được kê khai, khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào.
  • Trường hợp khi thanh toán, DN không có chứng từ thanh toán qua ngân hàng thì phải kê khai, điều chỉnh giảm số thuế GTGT đã được khấu trừ đối với phần giá trị hàng hóa, dịch vụ không có chứng từ thanh toán qua ngân hàng vào kỳ tính thuế phát sinh việc thanh toán bằng tiền mặt

2.2 Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt

  • Trường hợp hàng hóa, dịch vụ mua vào theo phương thức thanh toán bù trừ giữa giá trị hàng hóa, dịch vụ mua vào với giá trị hàng hóa, dịch vụ bán ra, vay mượn hàng mà phương thức thanh toán này được quy định cụ thể trong hợp đồng thì phải có biên bản đối chiếu số liệu và xác nhận giữa hai bên về việc thanh toán bù trừ giữa hàng hóa, dịch vụ mua vào với hàng hóa, dịch vụ bán ra, vay mượn hàng. Trường hợp bù trừ công nợ qua bên thứ ba phải có biên bản bù trừ công nợ của ba (3) bên làm căn cứ khấu trừ thuế.

Ví dụ: Công ty Cp Viễn Thông A mua của Công ty TNHH  Syn Style máy tính bảng có tổng tiền hàng là 200 triệu đồng, tiền thuế GTGT 20 triệu, tổng giá thanh toán là 220 triệu đồng. Đồng thời Công ty Viễn Thông A bán cho Công ty Syn Style dây cáp sạc, dây nguồn tổng tiền 120 triệu, tiền thuế GTGT 12 triệu, tổng giá thanh toán là 132 triệu đồng. Hai bên thống nhất bù trừ tiền hàng cho nhau là 132 triệu đồng.  Số tiền chênh lệch Viễn thông A phải trả cho Syn Style là 220 triệu đồng – 132 triệu đồng = 88 triệu đồng. Để được khấu trừ thuế GTGT công ty Viễn thông A đã chuyển khoản thanh toán hết số tiền.

  • Trường hợp hàng hóa, dịch vụ mua vào theo phương thức bù trừ công nợ như vay, mượn tiền; cấn trừ công nợ qua người thứ ba mà phương thức thanh toán này được quy định cụ thể trong hợp đồng thì phải có hợp đồng vay, mượn tiền dưới hình thức văn bản được lập trước đó và có chứng từ chuyển tiền từ tài khoản của bên cho vay sang tài khoản của bên đi vay đối với khoản vay bằng tiền bao gồm cả trường hợp bù trừ giữa giá trị hàng hóa, dịch vụ mua vào với khoản tiền mà người bán hỗ trợ cho người mua, hoặc nhờ người mua chi hộ.
  • Trường hợp hàng hoá, dịch vụ mua vào được thanh toán uỷ quyền qua bên thứ ba thanh toán qua ngân hàng (bao gồm cả trường hợp bên bán yêu cầu bên mua thanh toán tiền qua ngân hàng cho bên thứ ba do bên bán chỉ định) thì việc thanh toán theo uỷ quyền hoặc thanh toán cho bên thứ ba theo chỉ định của bên bán phải được quy định cụ thể trong hợp đồng dưới hình thức văn bản và bên thứ ba là một pháp nhân hoặc thể nhân đang hoạt động theo quy định của pháp luật.

3. Một số trường hợp đặc biệt

  • Trường hợp mua hàng hóa, dịch vụ của một nhà cung cấp có giá trị dưới hai mươi triệu đồng nhưng mua nhiều lần trong cùng một ngày có tổng giá trị từ hai mươi triệu đồng trở lên thì chỉ được khấu trừ thuế đối với trường hợp có chứng từ thanh toán qua ngân hàng.

Ví dụ: Ngày 04/09/2018 Công ty An Phong mua bàn ghế của Công ty Hòa phát, Công ty Hòa Phát xuất hóa đơn cho Công ty An Phong như sau:

  • Hóa đơn số 0032105: 12.500.000 đồng
  • Hóa đơn số 0032106: 10.000.000 đồng

Tổng giá trị 2 hóa đơn là: 22.500.000 đồng

=> Công ty An Phong muốn được khấu trừ thuế GTGT đầu vào của cả 2 hóa đơn này và đưa vào chi phí của doanh nghiệp thì phải thanh toán cho Công ty Hòa Phát qua tài khoản ngân hàng giá trị là 22.500.000 đồng.

Trường hợp mua xe ô tô dưới 9 chỗ:

  • Nếu DN hoạt động trong lĩnh vực vận tải, vận chuyển hàng hóa, hành khách thì được khấu trừ toàn bộ thuế GTGT đầu vào.
  • Nếu DN không hoạt động trong lĩnh vực vận tải, vận chuyển hoàng hóa có giá trị trên 1,6 tỷ đồng (chưa bao gồm thuế GTGT) thì chỉ được khấu trừ thuế GTGT là 160 triệu đồng (tương ứng với phần giá trị 1.6 tỷ) và phần còn lại sẽ không được khấu trừ.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Đánh giá chất lượng bài viết, bạn nhé!

5.0

1 đánh giá
Chọn đánh giá

Gửi đánh giá

BÌNH LUẬN - HỎI ĐÁP

Hãy để lại câu hỏi của bạn, chúng tôi sẽ trả lời TRONG 15 PHÚT

SĐT và email sẽ được ẩn để bảo mật thông tin của bạn GỬI NHANH