Điều kiện, cách tính trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Khái niệm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp? Mức bồi thường bảo hiểm tai nạn? Hay điều kiện, hồ sơ hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là gì? Qua bài viết này, Anpha sẽ giải đáp tất cả thắc mắc của bạn liên quan đến chế độ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp mới nhất.

Bệnh nghề nghiệp là gì? Tai nạn lao động là gì?

Đầu tiên, Anpha sẽ nói qua cho bạn khái niệm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp để bạn có cái nhìn tổng quan về hai vấn đề này.

  1. Bệnh nghề nghiệp là bệnh phát sinh bởi điều kiện lao động có hại, gây ảnh hưởng đến sức khỏe cho người lao động.
  2. Tai nạn lao động là tai nạn xảy ra trong quá trình người lao động làm việc hay thực hiện nhiệm vụ được giao. Tai nạn gây tổn thương đến bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc dẫn đến tử vong cho người lao động.
 

Điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp mới nhất

Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định cụ thể về điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp như sau:

➤ Điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động

Người lao động sẽ được bồi thường tai nạn lao động nếu người lao động gặp tai nạn thuộc 1 trong các trường hợp sau:

  1. Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc, kể cả khi người lao động đang không làm việc mà thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cá nhân cần thiết như: cho con bú, các vấn đề vệ sinh cá nhân, ăn uống và nghỉ ngơi giữa giờ (bao gồm cả chế độ bồi dưỡng hiện vật)...;
  2. Ngoài nơi làm việc và ngoài giờ làm việc nhưng theo yêu cầu của người sử dụng lao động;
  3. Trên chặng đường di chuyển giữa nơi làm việc và nơi sinh sống với khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý;
  4. Người lao động gặp tai nạn lao động theo các trường hợp kể trên, dẫn đến suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên.

➤ Điều kiện hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp

Người lao động sẽ được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp nếu thuộc 1 trong các trường hợp sau:

  1. Bị bệnh nghề nghiệp thuộc Danh mục bệnh nghề nghiệp do Bộ Y tế ban hành theo Thông tư 15/2016/TT-BYT;
  2. Người lao động bị bệnh nghề nghiệp dẫn đến suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên.

Mức bồi thường bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp

➤ Mức hưởng bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp

Theo Thông tư 04/2015/TT-BLĐTBXH, mức bồi thường bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp được quy định như sau:

  • Suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 10%: Bồi thường tối thiểu 1,5 tháng tiền lương;
  • Suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%: Bồi thường tối thiểu 1,5 tháng tiền lương cộng 0,4 tháng tiền lương với mỗi 1% tăng thêm, theo công thức:

Tbt = 1,5 + {(a - 10) x 0,4}, trong đó:

>> Tbt: Mức bồi thường khi bị suy giảm khả năng lao động từ 11% trở lên (đơn vị tính: tháng tiền lương);

>> 1,5: Mức bồi thường khi tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 10%;

>> a: Mức (%) suy giảm khả năng lao động của người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

>> 0,4: Hệ số bồi thường khi tỷ lệ suy giảm khả năng lao động tăng 1%.

  • Suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: Bồi thường tối thiểu 30 tháng tiền lương.

➤ Nguyên tắc bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Người lao động được bồi thường tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp theo nguyên tắc sau:

  • Đối với tai nạn lao động - Bồi thường theo từng lần xảy ra tai nạn, không cộng dồn;
  • Đối với bệnh nghề nghiệp - Bồi thường theo từng lần như sau:

>> Lần 1: Căn cứ vào mức suy giảm khả năng lao động trong lần khám đầu tiên;

>> Từ lần 2 trở đi: Bồi thường phần chênh lệch giữa tỷ lệ suy giảm khả năng lao động tăng lên so với kết quả giám định lần trước liền kề.

Lưu ý:

Người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp ngoài việc được nhận bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ người sử dụng lao động, cơ quan BHXH, thì còn được hưởng chế độ BHYT theo Luật Bảo hiểm y tế.

 

 

Thủ tục, hồ sơ hưởng chế độ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp

➤ Hồ sơ hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Để nhận bồi thường tai nạn lao động, người lao động chuẩn bị hồ sơ như sau:

  1. Sổ bảo hiểm xã hội;
  2. Giấy xuất viện hoặc bản sao hồ sơ bệnh án sau khi hoàn tất điều trị tai nạn lao động (trường hợp điều trị nội trú);
  3. Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng Giám định Y khoa;
  4. Văn bản đề nghị giải quyết chế độ tai nạn lao động (mẫu số 05A-HSB);
  5. Hóa đơn, chứng từ thu phí giám định kèm bảng kê nội dung giám định (nếu thanh toán phí giám định y khoa);
  6. Biên bản điều tra tai nạn lao động hoặc biên bản khám nghiệm hiện trường, sơ đồ hiện trường tai nạn giao thông được cho là tai nạn lao động;
  7. Chỉ định của cơ sở khám, chữa bệnh, cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng theo quy định về việc trang cấp phương tiện trợ giúp sinh hoạt (nếu có).

>> TẢI MIỄN PHÍ: Hồ sơ bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

➤ Quy trình, thủ tục hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

  • Trong vòng 30 ngày, người sử dụng lao động nộp hồ sơ cho cơ quan BHXH (kể từ ngày nhận được các giấy tờ liên quan để làm hồ sơ nhận trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như: giấy xuất viện, biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động…);
  • Trong vòng 10 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan BHXH sẽ giải quyết cho người lao động nhận trợ cấp tai nạn lao động hoặc trường hợp từ chối thì phải trả lời lý do bằng văn bản.

➤ Cách nhận tiền bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Tùy vào người lao động đăng ký cách nhận bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc quy định chi trả của từng cơ quan BHXH mà người lao động nhận bồi thường. Tuy nhiên, nhìn chung sau khi hoàn thành thủ tục hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, người lao động có thể nhận tiền bồi thường theo 1 trong 4 cách sau:

  • Cách 1: Nhận chuyển khoản từ cơ quan BHXH thông qua số tài khoản của người lao động (nếu người lao động điền số tài khoản cá nhân tại mẫu 05A-HSB);
  • Cách 2: Nhận tiền trực tiếp tại cơ quan BHXH (trợ cấp 1 lần);
  • Cách 3: Nhận tiền từ cơ quan BHXH qua đường bưu điện;
  • Cách 4: Nhận tiền từ doanh nghiệp, người sử dụng lao động. Với cách này, cơ quan BHXH sẽ chi bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho doanh nghiệp, sau đó doanh nghiệp sẽ chi lại cho người lao động.
 

 

Trợ cấp 1 lần chế độ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp

➤ Đối tượng hưởng trợ cấp tai nạn lao động 1 lần

  • Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30% được nhận trợ cấp một lần tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp;
  • Người lao động chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong các trường hợp sau:

>> Khi đang làm việc;

>> Trong thời gian điều trị lần đầu do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

>> Trong thời gian điều trị nhưng chưa giám định được mức suy giảm khả năng lao động.

➤ Quy định hưởng trợ cấp 1 lần

  • Nhận trợ cấp 5 lần mức lương cơ sở nếu suy giảm 5% khả năng lao động;
  • Nhận trợ cấp thêm 0,5 lần mức lương cơ sở nếu suy giảm thêm 1% khả năng lao động;
  • Nhận thêm trợ cấp tính theo số năm đã đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cụ thể:

>> Từ 1 năm trở xuống thì khoản trợ cấp nhận thêm bằng 0,5 tháng;

>> Thêm mỗi năm đóng vào quỹ thì được trợ cấp thêm 0,3 tháng tiền lương đóng vào quỹ của tháng liền kề trước tháng bị tai nạn lao động hoặc được xác định mắc bệnh nghề nghiệp;

>> Nếu bị tai nạn lao động ngay tháng đầu đóng vào quỹ hoặc có thời gian tham gia gián đoạn sau đó trở lại làm việc thì căn cứ vào tiền lương của tháng đó để tính trợ cấp.

  • Đối với trường hợp bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp dẫn đến tử vong thì thân nhân người lao động được nhận trợ cấp 1 lần bằng 36 lần lương cơ sở tại tháng người lao động tử vong. Đồng thời, được hưởng chế độ tử tuất theo Luật Bảo hiểm xã hội. 

➤ Cách tính trợ cấp tai nạn lao động 1 lần

Theo Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015, cách tính trợ cấp 1 lần tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp có công thức như sau:

Mức trợ cấp 1 lần

Mức trợ cấp tính theo mức suy giảm khả năng lao động

+

Mức trợ cấp tính theo số năm đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

= {5 x Lmin + (m-5) x 0,5 x Lmin} + {0,5 x L + (t-1) x 0,3 x L}

Trong đó: 

>> Lmin: Mức lương cơ sở tại thời điểm hưởng;

>> L: Mức tiền lương đóng bảo hiểm vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

>> m: Mức suy giảm khả năng lao động do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (lấy số tuyệt đối 5 ≤ m ≤ 30);

>> t: Tổng số năm đóng bảo hiểm vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

 

Các câu hỏi thường gặp về trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

1. Thế nào là bệnh nghề nghiệp?

Bệnh nghề nghiệp là bệnh phát sinh bởi điều kiện lao động có hại, gây ảnh hưởng đến người lao động.


2. Nghỉ tai nạn lao động hưởng lương như thế nào?

Theo Luật An toàn vệ sinh lao động 2015, khi người lao động nghỉ việc để điều trị, phục hồi chức năng lao động thì người sử dụng lao động phải trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động cho khoảng thời gian người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.


3. Bị tai nạn lao động có được hưởng BHXH không?

Được. Khi người lao động bị tai nạn lao động sẽ được bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động từ cơ quan BHXH và người sử dụng lao động (doanh nghiệp).


4. Tai nạn trên đường đi làm về được hưởng chế độ gì?

Đối với trường hợp tai nạn trên đường đi làm về, người lao động sẽ được bồi thường các chi phí như sau:

>> Được thanh toán chi phí y tế từ giai đoạn sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định;

>> Được thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không thuộc danh mục do BHYT chi trả (trường hợp người lao động tham gia BHYT);

>> Được thanh toán toàn bộ chi phí y tế (trường hợp người lao động không tham gia BHYT);

>> Được trả đủ tiền lương vì lý do phải nghỉ việc để điều trị, phục hồi chức năng lao động.


5. Bị tai nạn lao động có được hưởng BHYT?

Được. Theo Luật Bảo hiểm y tế, đối tượng được hưởng BHYT được kể đến bao gồm: khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng, khám thai định kỳ, sinh con… vậy nên, người lao động bị tai nạn lao động được nhận bồi thường từ cơ quan BHXH, bồi thường từ người sử dụng lao động và được hưởng chính sách BHYT theo Luật Bảo hiểm y tế.


6. Bảo hiểm tai nạn chi trả như thế nào?

Bảo hiểm tai nạn lao động hay bệnh nghề nghiệp sẽ được chi trả bồi thường cho người lao động theo 1 trong 4 cách sau:

>> Cách 1: Nhận chuyển khoản từ cơ quan BHXH thông qua số tài khoản của người lao động (nếu người lao động điền số tài khoản cá nhân tại mẫu 05A-HSB);

>> Cách 2: Nhận tiền trực tiếp tại cơ quan BHXH (trợ cấp 1 lần);

>> Cách 3: Nhận tiền từ cơ quan BHXH qua đường bưu điện;

>> Cách 4: Nhận tiền từ doanh nghiệp, người sử dụng lao động. Với cách này, cơ quan BHXH sẽ chi bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho doanh nghiệp, sau đó doanh nghiệp sẽ chi lại cho người lao động.


Gọi cho chúng tôi theo số 0984 477 711 (Miền Bắc), 0903 003 779 (Miền Trung) hoặc 0938 268 123 (Miền Nam) để được hỗ trợ.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Đánh giá chất lượng bài viết, bạn nhé!

5.0

1 đánh giá
Chọn đánh giá

Gửi đánh giá

BÌNH LUẬN - HỎI ĐÁP

Hãy để lại câu hỏi của bạn, chúng tôi sẽ trả lời TRONG 15 PHÚT

SĐT và email sẽ được ẩn để bảo mật thông tin của bạn GỬI NHANH