7 tiêu chí và 17 hình thức Mua Bán, Sáp Nhập Doanh Nghiệp

Xem ngay: Các hình thức M&A (mua bán, sáp nhập doanh nghiệp) được phân loại theo 7 tiêu chí: chức năng, mục đích, tính chất, chủ thể của thương vụ M&A, phạm vi lãnh thổ, cơ cấu tài chính, góc độ tài chính doanh nghiệp.

7 tiêu chí phân loại M&A

M&A là một trong những cách thức mở ra một thời kỳ phát triển mới cho doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp đã hoạt động nhiều năm trên thị trường. Những thương vụ M&A thành công không chỉ giúp cải thiện quy mô kinh doanh, thay đổi cơ cấu tài chính, quyền kiểm soát mà còn mở ra những cơ hội kinh doanh mới, nâng cao sức cạnh tranh và vị thế của doanh nghiệp trên thị trường.

Việc nắm rõ các tiêu chí phân loại hoạt động mua bán và sáp nhập doanh nghiệp sẽ giúp doanh nghiệp có thêm cơ sở để lựa chọn hình thức đầu tư phù hợp. Hiện nay, việc phân loại hình thức M&A được căn cứ chủ yếu theo 7 tiêu chí sau:

  1. Chức năng của các công ty thành viên tham gia vào thương vụ M&A;
  2. Chủ thể tham gia thương vụ M&A;
  3. Phạm vi, lãnh thổ diễn ra thương vụ M&;
  4. Mục đích của thương vụ M&A;
  5. Cách thức cơ cấu tài chính;
  6. Góc độ tài chính của doanh nghiệp;
  7. Tính chất của thương vụ M&A.

>> Xem thêm: Thương vụ M&A là gì? Lợi ích và hạn chế của M&A.

Tổng hợp 17 hình thức M&A (mua bán, sáp nhập doanh nghiệp)

1. Hình thức M&A được phân loại theo chức năng của các công ty thành viên

Dựa theo chức năng của các công ty, doanh nghiệp tham gia vào thương vụ M&A, hoạt động M&A được phân thành 3 hình thức sau:

  • M&A chiều ngang (Horizontal);
  • M&A chiều dọc (Vertical);
  • M&A kết hợp (Conglomerate).

Trong đó:

➨ Mua bán, sáp nhập (M&A) theo chiều ngang: 

M&A chiều ngang (hay mua bán, sáp nhập cùng ngành) là hình thức mua bán, sáp nhập diễn ra giữa các công ty, doanh nghiệp trong cùng ngành. Các công ty này thường là đối thủ cạnh tranh của nhau, cùng kinh doanh cùng 1 hoặc 1 nhóm sản phẩm, dịch vụ và có cùng thị trường tiêu thụ.

Việc mua bán, sáp nhập doanh nghiệp theo hình thức này sẽ giúp doanh nghiệp có cơ hội mở rộng thị trường, gia tăng sức mạnh và giá trị thương hiệu, tăng khả năng cạnh tranh.

Tuy nhiên, khi lựa chọn hình thức mua bán, sáp nhập này cần quan tâm đến sự phù hợp văn hóa doanh nghiệp giữa các bên. Bởi sự khác biệt về văn hóa doanh nghiệp có thể gây ra những khó khăn trong việc tiếp quản và điều phối nhân sự.

➨ Mua bán, sáp nhập (M&A) theo chiều dọc: 

M&A chiều dọc là hoạt động sáp nhập hoặc mua lại giữa các công ty, doanh nghiệp có cùng chuỗi giá trị sản xuất nhưng thực hiện các giai đoạn sản xuất khác nhau. 

Ví dụ: Sáp nhập 1 doanh nghiệp chuyên sản xuất cao su với 1 doanh nghiệp sản xuất nệm cao su.

Trong thực tế, hoạt động sáp nhập theo chiều dọc thường là thu mua 1 đối tác hoặc nhà cung cấp. Việc thu mua này mang lại cho doanh nghiệp nhiều lợi ích như: 

  • Kiểm soát được nguồn hàng, nguyên vật liệu đầu vào của doanh nghiệp;
  • Kiểm soát/khống chế nguồn hàng của đối thủ cạnh tranh;
  • Giảm thiểu chi phí trung gian, gia tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp.

➨ Mua bán, sáp nhập kết hợp: 

M&A kết hợp là hoạt động mua bán, sáp nhập được thực hiện giữa các công ty để tạo thành tập đoàn kinh tế. Trong thương vụ này, một công ty lớn sẽ thực hiện mua lại nhiều công ty nhỏ. Các công ty nhỏ bị mua lại có thể hoạt động ở nhiều lĩnh vực ngành nghề và ở các khu vực địa lý khác nhau.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp lớn còn xem M&A kết hợp là công cụ hữu hiệu để theo đuổi chiến lược đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ nhưng vẫn giảm thiểu được tối đa các rủi ro nhờ việc tiết kiệm chi phí gia nhập thị trường và đạt được mục đích gia tăng lợi luận nhờ kinh doanh đa dạng sản phẩm, dịch vụ.

2. Hình thức M&A được phân loại theo chủ thể tham gia thương vụ M&A

Căn cứ chủ thể tham gia vào thương vụ M&A, hoạt động M&A được phân thành: 

  • M&A trong nước;
  • M&A quốc tế (hay M&A xuyên quốc gia).

Trong đó:

➨ M&A trong nước: 

Là hoạt động mua bán, sáp nhập diễn ra giữa các công ty, doanh nghiệp trong cùng 1 quốc gia, cùng 1 lãnh thổ và không có sự kết hợp giữa các tài sản xuyên biên giới.

➨ M&A quốc tế: 

Là hoạt động mua bán, sáp nhập diễn ra giữa các công ty, doanh nghiệp thuộc các quốc gia khác nhau. Sau khi hoàn tất thương vụ, các công ty vẫn duy trì hoạt động ở mỗi quốc gia. Hình thức M&A quốc tế thường xảy ra giữa các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, bất động sản, chứng khoán và bán lẻ.

Hình thức M&A này không chỉ giúp công ty thu mua gia tăng giá trị doanh nghiệp, thu hút đầu tư mà còn có thể tận dụng các thế mạnh của công ty bị thu mua (như nhân công, bến bãi, công nghệ, tập khách hàng…) để đưa sản phẩm, dịch vụ trong nước ra thị trường quốc tế.

3. Hình thức M&A được phân loại theo phạm vi, lãnh thổ diễn ra thương vụ M&A

Dựa theo phạm vi, lãnh thổ, hoạt động M&A có thể phân thành 3 loại là:

  • Inbound M&A;
  • Outbound M&A;
  • Domestic M&A.

Trong đó:

➨ Inbound M&A: Là hình thức mua bán, sáp nhập trong đó các công ty, tập đoàn, tổ chức kinh tế nước ngoài tham gia đầu tư vào thị trường của một quốc gia thông qua việc thâu tóm hoặc đầu tư vào 1 doanh nghiệp nội địa của quốc gia đó.

➨ Outbound M&A: Là hình thức mua bán, sáp nhập trong đó các công ty, tập đoàn trong nước thực hiện đầu tư ra thị trường nước ngoài thông qua việc thâu tóm doanh nghiệp nước ngoài tại nước đến đầu tư.

➨ Domestic M&A: Là hình thức mua bán, sáp nhập diễn ra giữa các doanh nghiệp trong cùng 1 quốc gia, bao gồm cả công ty nội địa, công ty có vốn nước ngoài thành lập và hoạt động tại quốc gia đó.

4. Hình thức M&A được phân loại theo mục đích của thương vụ M&A

Căn cứ theo mục đích của thương vụ M&A, hoạt động M&A được phân thành 2 hình thức sau:

  • Mua bán, sáp nhập mở rộng sản phẩm;
  • Mua bán, sáp nhập mở rộng thị trường.

Trong đó:

➨ Mua bán, sáp nhập mở rộng sản phẩm: Là hoạt động mua bán, sáp nhập đặc biệt, được thực hiện giữa 2 công ty kinh doanh sản phẩm, dịch vụ hoàn toàn khác nhau nhưng thị trường tiêu thụ liên quan nhau. Mục đích của thương vụ sáp nhập này là giúp doanh nghiệp tăng lợi nhuận từ việc kinh doanh đa dạng sản phẩm.

➨ Mua bán, sáp nhập mở rộng thị trường: Là hoạt động mua bán, sáp nhập diễn ra giữa các công ty kinh doanh cùng loại sản phẩm, dịch vụ nhưng ở các thị trường khác nhau. 

Ví dụ: Công ty phân bón ở Kiên Giang mua lại công ty phân bón ở Lâm Đồng.

Ngoài 2 hình thức kể trên, thương vụ M&A xét trên tiêu chí này còn có 3 hình thức khác tương tự khi xét theo tiêu chí chức năng của các công ty thành viên là: sáp nhập ngang, sáp nhập dọc và sáp nhập kết hợp (sáp nhập kiểu tập đoàn).

5. Hình thức M&A được phân loại theo cách thức cơ cấu tài chính

Có 2 hình thức M&A được phân biệt dựa theo cách thức cơ cấu tài chính là: sáp nhập mua và sáp nhập hợp nhất.

Trong đó:

➨ Sáp nhập mua: Là việc 1 doanh nghiệp thu mua lại một doanh nghiệp khác. Việc thu mua được thực hiện bằng tiền mặt hoặc thông qua công cụ tài chính khác.

➨ Sáp nhập hợp nhất: Là việc 2 hoặc nhiều công ty tiến hành sáp nhập để tạo thành một công ty có tư cách pháp nhân mới. Nguồn lực của các công ty tham gia vào thương vụ sáp nhập (như tài chính, nhân lực, công nghệ, các khoản nợ…) sẽ được hợp nhất trong công ty mới.

6. Hình thức M&A được phân loại theo góc độ tài chính của doanh nghiệp

Theo góc độ tài chính của doanh nghiệp, hoạt động M&A được phân thành 3 loại cơ bản là:

  • Thâu tóm (mua lại) cổ phần, vốn góp để thâu tóm công ty;
  • Thâu tóm cổ phiếu trên sàn chứng khoán để thâu tóm công ty;
  • Thâu tóm tài sản để thâu tóm công ty.

Thâu tóm công ty bằng việc mua lại cổ phiếu, cổ phần, vốn góp hay tài sản là việc 1 công ty (gọi là công ty thâu tóm) tìm cách nắm giữ quyền kiểm soát, quyền quyết định đối với 1 công ty khác (gọi là công ty mục tiêu) thông qua việc mua lại toàn bộ hoặc 1 phần tài sản/cổ phần/cổ phiếu/vốn góp của công ty mục tiêu.

Trong đó:

➨ Thâu tóm cổ phần, vốn góp: 

Thâu tóm cổ phần, vốn góp là việc thường xảy ra ở công ty cổ phần và công ty TNHH. Người thâu tóm hoặc công ty thâu tóm thường dùng mức giá cao hoặc các lợi ích khác để thu mua lại cổ phần, vốn góp của công ty mục tiêu từ các cổ đông/thành viên bán. 

Công ty mục tiêu vẫn tiếp tục tồn tại và các tài sản không bị ảnh hưởng khi bị thâu tóm cổ phần, vốn góp. Công ty thâu tóm sẽ trở thành thành viên góp vốn hoặc cổ đông lớn của công ty mục tiêu và nắm quyền quyết định.

Đặc điểm của thương vụ này là thành viên, cổ đông bán cổ phần phải được sự chấp thuận của hội đồng thành viên hoặc đại hội cổ đông công ty. 

➨ Thâu tóm cổ phiếu trên sàn chứng khoán: 

Hoạt động thâu tóm cổ phiếu trên sàn chứng khoán dẫn đến thâu tóm công ty thường xảy ra ở các công ty mục tiêu là công ty cổ phần đã niêm yết. Việc chào bán cổ phiếu thường được thực hiện công khai hoặc được chào bán riêng giữa ban quản lý của công ty mục tiêu và công ty thâu tóm.

Trường hợp chào giá riêng giữa ban quản lý của 2 công ty thì việc mua lại cổ phiếu trên sàn chứng khoán thường sẽ được thực hiện sau khi các bên đã hoàn tất việc thương lượng về mức giá. 

Trường hợp chào giá công khai trên sàn chứng khoán thì việc thu mua cổ phiếu để thâu tóm công ty có thể được triển khai một cách âm thầm mà công ty mục tiêu không hay biết.

➨ Thâu tóm tài sản: 

Thâu tóm tài sản để thâu tóm công ty là việc công ty thâu tóm mua lại tài sản của công ty mục tiêu (ví dụ như: nhà xưởng, dự án...). Thông thường, công ty thâu tóm và công ty mục tiêu sẽ cùng tiến hành định giá tài sản hoặc thuê một công ty định giá tài sản độc lập, sau đó 2 bên sẽ tiến hành thương lượng để đưa giá mức giá phù hợp.

Tuy nhiên, phương thức thâu tóm tài sản có thể gặp nhiều khó khăn nếu đó là tài sản vô hình như: thương hiệu, thị phần, bí mật kinh doanh… vì các tài sản này thường khó định giá và cần phải thực hiện nhiều thủ tục pháp lý khi chuyển nhượng quyền sở hữu, dẫn đến làm tăng chi phí khi thực hiện M&A.

7. Hình thức M&A được phân loại theo tính chất của thương vụ M&A

Theo tính chất của thương vụ M&A, hoạt động M&A được phân thành 2 loại là:

  • M&A thân thiện;
  • M&A thù nghịch.

Trong đó: 

➨ M&A thân thiện: Là hình thức mua bán, sáp nhập được tiến hành dựa trên sự đồng thuận và ủng hộ từ ban quản trị của công ty mục tiêu và công ty thâu tóm, với mục đích mang lại lợi ích cho cả 2 bên.

➨ M&A thù nghịch: Là hình thức mua bán, sáp nhập thiếu sự đồng thuận từ ban quản trị từ công ty mục tiêu và công ty thâu tóm. Cụ thể:

  • Về phía công ty mục tiêu: Một phần ban quản trị không đồng ý với việc công ty bị thu mua hoặc bị sáp nhập và sử dụng các biện pháp gây áp lực nhằm chống lại sự thâu tóm;
  • Về phía công ty thâu tóm: Một bộ phận ban quản trị hoặc toàn bộ ban quản trị công ty không đồng ý với việc ban quản lý tiến hành thu mua, sáp nhập công ty mục tiêu, vì hoạt động M&A này có thể gây nên những tổn thất cho công ty và ảnh hưởng tới lợi ích của các cổ đông.

Một số câu hỏi thường gặp về hình thức M&A

1. Hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp được phân loại theo các tiêu chí nào?

Hiện nay, có 7 tiêu chí phân loại hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp, bao gồm:

  • Phân loại theo chức năng của các công ty thành viên tham gia vào thương vụ M&A;
  • Phân loại theo chủ thể tham gia thương vụ M&A;
  • Phân loại theo phạm vi, lãnh thổ diễn ra thương vụ M&A;
  • Phân loại theo mục đích của thương vụ M&A;
  • Phân loại theo cách thức cơ cấu tài chính;
  • Phân loại theo góc độ tài chính của doanh nghiệp;
  • Phân loại theo tính chất của thương vụ M&A.

2. Theo mục đích của thương vụ M&A, có mấy hình thức M&A?

Căn cứ theo mục đích của thương vụ M&A, hoạt động M&A được phân thành 2 hình thức là: mua bán, sáp nhập mở rộng sản phẩm và mua bán, sáp nhập mở rộng thị trường.

>> Xem chi tiết: Hình thức M&A được phân loại theo mục đích của thương vụ M&A.

3. Theo có mấy hình thức M&A được phân loại theo góc độ tài chính của công ty?

Dựa theo góc độ tài chính của doanh nghiệp, hoạt động M&A được phân thành 3 loại cơ bản là:

  • Thâu tóm (mua lại) cổ phần, vốn góp để thâu tóm công ty;
  • Thâu tóm cổ phiếu trên sàn chứng khoán để thâu tóm công ty;
  • Thâu tóm tài sản để thâu tóm công ty.

>> Xem chi tiết: Hình thức M&A được phân loại theo góc độ tài chính của doanh nghiệp

Gọi cho chúng tôi theo số 0984 477 711 (Miền Bắc) - 0903 003 779 (Miền Trung) - 0938 268 123 (Miền Nam) để được hỗ trợ.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Đánh giá chất lượng bài viết, bạn nhé!

0.0

Chưa có đánh giá nào
Chọn đánh giá

Gửi đánh giá

BÌNH LUẬN - HỎI ĐÁP

Hãy để lại câu hỏi của bạn, chúng tôi sẽ trả lời TRONG 15 PHÚT

SĐT và email sẽ được ẩn để bảo mật thông tin của bạn GỬI NHANH