Văn bằng nhãn hiệu là là công cụ để bảo hộ nhãn hiệu tránh bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Thời gian từ khi nộp đơn đến khi được cấp Văn bằng khá lâu, trong khoảng thời gian này không tránh được các trường hợp sửa đổi, bổ sung đơn đăng ký. Bài viết này cung cấp những kinh nghiệm từ thực tế cho bạn.
Bài viết gồm 4 nội dung chính:
Theo Luật hiện hành, đơn đăng ký nhãn hiệu phải trải qua các giai đoạn:
- Nộp đơn
- Thẩm định hình thức
- Công bố đơn hợp lệ (Quyết định chấp nhận đơn hợp lệ)
- Thẩm định nội dung
- Thông báo cấp Văn bằng bảo hộ/dự định từ chối cấp Văn bằng bảo hộ
- Cấp Văn bằng bảo hộ (nếu đủ điều kiện cấp văn bằng)
Thời gian từ khi nộp đơn đến khi được cấp Văn bằng khá lâu, trong khoảng thời gian này không tránh được các trường hợp như: bổ sung danh mục sản phẩm/dịch vụ, sửa đổi thông tin tổ chức đứng tên (khi Công ty thay đổi tên) hoặc thay đổi địa chỉ, tên cá nhân đăng ký, bổ sung số điện thoại, địa chỉ email, bổ sung nhãn hiệu, ….
Trước khi đơn được Công bố hợp lệ hoặc trước khi Cục ra Thông báo cấp văn bằng bảo hộ/dự định từ chối cấp văn bằng bảo hộ, cá nhân/tổ chức có thể chủ động hoặc theo yêu cầu của Cục Sở hữu trí tuệ (Cục gửi Công văn yêu cầu sửa đổi vì đơn đăng ký không hợp lệ) nộp đơn sửa đổi, bổ sung đơn đăng ký nhãn hiệu.
1. Các trường hợp sửa đổi, bổ sung
Khi có yêu cầu sửa đổi, bổ sung từ Cục, đương nhiên Chủ đơn bắt buộc phải phúc đáp Công văn và thực hiện theo các yêu cầu bên Cục đưa ra (đối với trường hợp đơn không hợp lệ và chủ đơn nhận được công văn yêu cầu sửa đổi) hoặc thực hiện sửa đổi đơn và nộp bản tài liệu tương ứng đã được sửa đổi so với bản tài liệu ban đầu đã nộp theo yêu cầu.
Nếu cá nhân/tổ chức chủ động sửa đổi, bổ sung đơn thì phải theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành như sau: Việc sửa đổi, bổ sung đơn không được mở rộng phạm vi (khối lượng) bảo hộ vượt quá nội dung đã bộc lộ trong danh mục hàng hoá, dịch vụ đối với đơn đăng ký nhãn hiệu và không được làm thay đổi bản chất của đối tượng nêu trong đơn. Nếu việc sửa đổi làm mở rộng phạm vi (khối lượng) bảo hộ hoặc làm thay đổi bản chất đối tượng thì người nộp đơn phải nộp đơn mới và mọi thủ tục được tiến hành lại từ đầu.
Ví dụ: Công ty Anpha đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu “Kế toán Anpha”, Công ty muốn sửa đổi nhãn hiệu thành “Anpha” (tức là bỏ từ “Kế toán” trong logo thương hiệu) thì sẽ được chấp nhận. Nhưng nếu Công ty Anpha muốn bổ sung vào nhãn hiệu “Kế toán Anpha” một hình ảnh khác biệt hoàn toàn với nhãn hiệu đã đăng ký hoặc bổ sung thêm Nhóm sản phẩm/dịch vụ thì phải làm một bộ hồ sơ mới vì trường hợp này làm mở rộng phạm vi bảo hộ và làm thay đổi bản chất ban đầu của nhãn hiệu đã đăng ký.
Ngoài ra, người nộp đơn có thể yêu cầu sửa chữa sai sót về tên, địa chỉ của người nộp đơn.
2. Thành phần hồ sơ
- Tờ khai sửa đổi, bổ sung đơn đăng ký nhãn hiệu (mẫu 01-SĐĐ quy định tại Phụ lục B của Thông tư 01/2007/TT-BKHCN) – 02 bản.
- Tài liệu xác nhận việc sửa đổi.
Lưu ý:
Nếu sửa đổi nhãn hiệu phải bổ sung thêm 05 mẫu nhãn hiệu mới.
Trường hợp bổ sung, sửa đổi Nhóm sản phẩm/dịch vụ (Theo yêu cầu sửa đổi của Cục) thì phải kèm theo danh mục sản phẩm/dịch vụ sau khi đã sửa đổi.
Trường hợp sửa đổi đơn đăng ký nhãn hiệu vì Công ty thay đổi tên thì hồ sơ phải kèm theo bản sao công chứng Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cũ và Bản sao (bản photo) Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mới.
3. Thời hạn xử lý đơn sửa đổi, bổ sung
Thời hạn thẩm định đơn sửa đổi, bổ sung không quá 1/3 thời gian thẩm định đơn đăng ký nhãn hiệu tương ứng, tức là:
- Thẩm định hình thức: không quá 1/3 tháng kể từ ngày nộp đơn
- Thẩm định nội dung: không quá 03 tháng kể từ ngày công bố đơn hợp lệ.
4. Lệ phí Nhà nước
- Phí: 160.000 đồng nếu sửa đổi, bổ sung đơn trước khi Cục ra Quyết định chấp nhận đơn hợp lệ (trước 01 tháng kể từ ngày nộp đơn đăng ký nhãn hiệu).
- Nếu nộp Tờ khai sửa đổi, bổ sung đơn nhãn hiệu sau khi đã có Quyết định chấp nhận đơn hợp lệ thì Phí sẽ là 360.000 đồng
Mỹ Ngân – Phòng pháp lý Anpha
Đánh giá chất lượng bài viết, bạn nhé!
BÌNH LUẬN - HỎI ĐÁP
Hãy để lại câu hỏi của bạn, chúng tôi sẽ trả lời TRONG 15 PHÚT