Hàng tồn kho là gì? Phương pháp kê khai thường xuyên & kiểm kê định kỳ? Phương pháp tính giá xuất kho như nhập trước xuất trước & nhập sau xuất trước?
I. Căn cứ pháp lý
Chuẩn mực kế toán số 02 hàng tồn kho ban hành tại Quyết định 149/2001/QĐ-BTC ngày 31/12/2001.
II. Hàng tồn kho là gì? Hàng tồn kho gồm những gì?
1. Hàng tồn kho là gì?
Hàng tồn kho là những tài sản được lưu kho để bán trong kỳ sản xuất, kinh doanh thông thường; hàng đang trong quá trình sản xuất, kinh doanh dở dang; các loại nguyên vật liệu, công cụ dụng cụ được dùng trong quá trình sản xuất kinh doanh hoặc cung cấp dịch vụ.
2. Hàng tồn kho bao gồm những gì?
Hàng tồn kho bao gồm:
- Hàng hóa mua về để bán: hàng tồn kho, hàng mua đang trên đường, hàng gửi bán, hàng hóa gửi gia công chế biến;
- Thành phẩm;
- Sản phẩm dở dang, bao gồm cả sản phẩm chưa hoàn thành và sản phẩm hoàn thành chưa được nhập kho thành phẩm. Nếu thời gian sản xuất, luân chuyển của sản phẩm dở dang vượt quá 1 chu kỳ kinh doanh thông thường sẽ không được ghi nhận là hàng tồn kho trong bảng cân đối kế toán mà được trình bày là tài sản dài hạn;
- Nguyên vật liệu, công cụ, dụng cụ tồn kho, gửi đi gia công chế biến hoặc đã mua đang đi trên đường;
- Chi phí dở dang.
III. Các phương pháp kế toán hàng tồn kho
Phương pháp
|
Phương pháp kê khai thường xuyên
|
Khái niệm
|
Là phương pháp theo dõi và phản ánh đều đặn, liên tục có hệ thống tình hình nhập, xuất, tồn vật tư, nguyên vật liệu hàng hóa trong kỳ vào hệ thống sổ kế toán.
|
Ưu điểm
|
Giúp doanh nghiệp kiểm soát được số lượng tồn kho hàng hóa ở mọi thời điểm; tối thiểu tình trạng sai sót; phục vụ được nhiều yêu cầu cấp thiết trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
|
Nhược điểm
|
Tăng khối lượng công việc, kiểm kê, ghi chép hàng hóa hàng ngày.
|
Áp dụng
|
Các công ty sản xuất, công nghiệp, xây dựng và các công ty kinh doanh các mặt hàng như máy móc, thiết bị, hàng kỹ thuật, chất lượng cao và có giá trị lớn.
|
Phương pháp
|
Phương pháp kiểm kê định kỳ
|
Khái niệm
|
Là phương pháp chỉ phản ánh hàng tồn đầu kỳ và cuối kỳ, không phản ánh xuất nhập trong kỳ (*)
|
Ưu điểm
|
Đơn giản, tinh giảm công việc kế toán gọn nhẹ.
|
Nhược điểm
|
Không kiểm soát thường xuyên lượng hàng, không có sự linh hoạt; ít phát hiện được sai sót; công việc kế toán, báo cáo bị dồn tập trung vào cuối kỳ.
|
Áp dụng
|
Các công ty có nhiều loại hàng hóa, vật tư với quy cách, mẫu mã rất khác nhau, giá trị thấp, hàng hóa, vật tư xuất dùng hoặc xuất bán nhiều, liên tục (cửa hàng bán lẻ...).
|
(*):
Trị giá hàng xuất kho trong kỳ
|
=
|
Trị giá hàng tồn kho đầu kỳ
|
+
|
Trị giá hàng nhập kho trong kỳ
|
-
|
Trị giá hàng tồn kho cuối kỳ
|
IV. Các phương pháp tính giá xuất kho hàng tồn kho
Căn cứ theo chuẩn mực kế toán số 02 - Hàng tồn kho ban hành tại Quyết định 149/2001/QĐ-BTC ngày 31/12/2001 của Bộ Tài chính thì có 4 phương pháp để tính giá trị hàng tồn kho. Do vậy, tùy vào từng loại hình doanh nghiệp mà lựa chọn 1 trong 4 phương pháp để xác định giá trị tồn kho như sau:
1. Phương pháp tính giá hàng tồn kho theo giá đích danh
Phương pháp tính theo giá đích danh được áp dụng dựa vào giá trị thực tế của từng loại hàng hoá mua vào, từng loại sản phẩm sản xuất ra nên chỉ áp dụng cho các doanh nghiệp có ít mã hàng hoặc hàng hóa ổn định và nhận diện được.
➨ Ưu điểm:
Tuân thủ nguyên tắc phù hợp của kế toán, chi phí thực tế và doanh thu thực tế phù hợp với nhau, giá trị hàng tồn kho được phản ánh đúng theo giá trị thực tế của nó;
➨ Nhược điểm:
Việc áp dụng phương pháp này đòi hỏi những điều kiện chặt chẽ, chỉ những doanh nghiệp kinh doanh ít chủng loại hàng, hàng tồn kho có giá trị lớn, mặt hàng ổn định và nhận diện được thì mới có thể áp dụng được phương pháp này.
Ví dụ:
Công ty TNHH Anpha có phát sinh nghiệp vụ sau:
- Tồn đầu kỳ: Nguyên vật liệu X 10.000kg, đơn giá 5.000 đồng/kg;
- Ngày 05/01/2021: Nhập 7.000 kg nguyên vật liệu X, đơn giá 5.200 đồng/kg;
- Ngày 15/01/2021: Xuất 7.0 00 kg nguyên vật liệu X;
- Ngày 25/01/2021: Xuất 8.000 kg nguyên vật liệu X.
➥ Như vậy:
- Trị giá xuất kho ngày 15/01 = 7.000 x 5.200 = 36.400.000;
- Trị giá xuất kho ngày 25/01 = 8.000 x 5.000 = 40.000.000.
2. Phương pháp bình quân gia quyền
Theo phương pháp này, giá trị của mỗi mặt hàng tồn kho được tính theo giá trị trung bình của mỗi mặt hàng tồn kho đầu kỳ và giá trị mỗi mặt hàng tồn kho được mua hoặc sản xuất trong kỳ. Giá trị trung bình có thể được tính theo kỳ hoặc sau mỗi lô hàng nhập về, phụ thuộc vào điều kiện cụ thể của mỗi doanh nghiệp.
2.1 Bình quân gia quyền cuối kỳ
Theo phương pháp này, đến cuối kỳ mới tính trị giá vốn của hàng mỗi lần xuất kho trong kỳ. Tuỳ theo kỳ lưu kho của doanh nghiệp áp dụng mà kế toán căn cứ vào giá nhập vào, giá trị hàng tồn kho đầu kỳ và nhập trong kỳ để tính giá đơn vị bình quân. Dưới đây là công thức tính:
Đơn giá xuất kho bình quân cuối kỳ của mỗi mã hàng
|
=
|
∑ (Giá trị hàng tồn đầu kỳ + Giá trị hàng nhập trong kỳ)
|
|
∑ (Số lượng hàng tồn đầu kỳ + Số lượng hàng nhập trong kỳ)
|
|
➨ Ưu điểm:
Đơn giản, gọn nhẹ, chỉ cần tính toán một lần vào cuối kỳ;
➨ Nhược điểm:
Độ chính xác không cao, công việc dồn vào cuối kỳ gây ảnh hưởng đến các công việc khác của kế toán và chưa cung cấp kịp thời thông tin kế toán tại thời điểm phát sinh.
Ví dụ:
Công ty TNHH Anpha có phát sinh nghiệp vụ sau:
- Tồn đầu kỳ: Nguyên vật liệu X 10.000kg, đơn giá 5.000 đồng/kg;
- Ngày 05/01/2021: Nhập 5.000kg nguyên vật liệu X, đơn giá 5.200 đồng/kg;
- Ngày 15/01/2021: Nhập 15.000kg nguyên vật liệu X đơn giá 5.500 đồng/kg;
- Ngày 25/01/2021: Xuất 18.000kg nguyên vật liệu X.
➥ Như vậy:
- Đơn giá xuất kho của nguyên vật liệu X tính theo phương pháp bình quân gia quyền cuối kỳ:
Đơn giá xuất kho bình quân cuối kỳ của nguyên vật liệu X
|
=
|
(10.000 x 5.000 + 5.000 x 5.200 + 15.000 x 5.500)
|
(10.000 + 5.000 + 15.000)
|
|
=
|
5.283 đồng.
|
- Trị giá xuất kho NVL X ngày 25/01 theo phương pháp bình quân cuối kỳ
= 5.283 x 18.000 = 95.094.000.
2.2 Bình quân gia quyền tức thời (bình quân gia quyền liên hoàn)
Theo phương pháp bình quân liên hoàn, khi nhập sản phẩm, vật tư, hàng hoá xong, kế toán phải xác định lại giá trị thực của hàng tồn kho và giá đơn vị bình quân của mã hàng đó. Công thức như sau:
Đơn giá xuất kho lần thứ n
|
=
|
∑ (Giá trị hàng tồn đầu kỳ + Giá trị hàng nhập trước lần xuất thứ n)
|
|
∑ (Số lượng hàng tồn đầu kỳ + Số lượng hàng nhập trước lần xuất thứ n)
|
|
➨ Ưu điểm: Phương pháp này khắc phục được nhược điểm của phương pháp bình quân cuối kỳ, vừa chính xác, vừa cập nhật được thường xuyên liên tục;
➨ Nhược điểm: Phương pháp này tốn nhiều công sức, phải tính toán nhiều lần. Do vậy, phương pháp này được áp dụng ở các doanh nghiệp có ít mã hàng tồn kho, có hoạt động nhập xuất ít.
Ví dụ:
Công ty TNHH Anpha có phát sinh nghiệp vụ sau:
- Tồn đầu kỳ: Nguyên vật liệu X 10.000kg, đơn giá 5.000 đồng/kg;
- Ngày 050/1/2021: Nhập 5.000 kg nguyên vật liệu X, đơn giá 4.800 đồng/kg;
- Ngày 10/01/2021: Xuất 12.000kg nguyên vật liệu X;
- Ngày 15/01/2021: Nhập 15.000kg nguyên vật liệu X đơn giá 5.500 đồng/kg;
- Ngày 25/01/2021: Xuất 12.000kg nguyên vật liệu X.
➥ Như vậy:
- Đơn giá xuất kho của nguyên vật liệu X tính theo phương pháp bình quân gia quyền tức thời:
Đơn giá xuất kho ngày 10/01 của nguyên vật liệu X
|
=
|
(10.000 x 5.000 + 5.000 x 4.800)
|
(10.000 + 5.000)
|
|
=
|
4.933 đồng.
|
- Trị giá xuất kho nguyên vật liệu X ngày 10/01 = 4.933 x 12.000 = 59.200.000.
Đơn giá xuất kho ngày 25/01 của nguyên vật liệu X
|
=
|
(3000 x 4.933 + 15.000 x 5.500)
|
(15.000 + 3.000)
|
|
=
|
5.405 đồng
|
- Trị giá xuất kho nguyên vật liệu X ngày 25/01 = 5.405 x 12.000 = 64.866.000.
3. Phương pháp nhập trước, xuất trước (phương pháp FIFO)
Phương pháp nhập trước, xuất trước áp dụng dựa trên giả thiết là giá trị hàng tồn kho được mua hoặc được sản xuất trước thì xuất trước và trị giá hàng xuất kho được tính theo giá của lô hàng nhập trước hoặc sản xuất trước và thực hiện lần lượt cho đến khi chúng được xuất ra hết.
➨ Ưu điểm:
Có thể tính được trị giá vốn hàng xuất kho ngay mỗi lần xuất kho, do vậy đảm bảo cung cấp số liệu kịp thời cho kế toán ghi chép các phần hành cũng như cho quản lý. Trị giá vốn của hàng tồn kho sẽ tương đối xấp xỉ với giá thị trường của mặt hàng đó. Vì vậy chỉ tiêu hàng tồn kho trên báo cáo kế toán phản ánh giá trị thực tế hơn.
➨ Nhược điểm:
Theo phương pháp này, doanh thu hiện tại được tạo ra dựa trên giá trị sản phẩm, vật tư, hàng hóa đã có từ trước nên không phù hợp với chi phí hiện tại của sản phẩm, vật tư, hàng hóa này.
Ví dụ: Công ty TNHH Anpha có phát sinh nghiệp vụ sau:
- Tồn đầu kỳ: Nguyên vật liệu X 10.000kg, đơn giá 5.000 đồng/kg;
- Ngày 05/01/2021: Nhập 5.000kg nguyên vật liệu X, đơn giá 5.200 đồng/kg;
- Ngày 15/01/2021: Nhập 15.000kg nguyên vật liệu X, đơn giá 5.500 đồng/kg;
- Ngày 25/01/2021: Xuất 18.000kg nguyên vật liệu X.
➥ Trị giá xuất kho nguyên vật liệu X ngày 25/01 theo phương pháp FIFO
= 10.000 x 5.000 + 5.000 x 5.200 + 3.000 x 5.500
= 92.500.000.
4. Phương pháp nhập sau, xuất trước (phương pháp LIFO)
Áp dụng dựa trên giả thuyết hàng tồn kho được mua sau hoặc sản xuất sau thì xuất trước,hàng tồn kho còn lại cuối kỳ là hàng mua hoặc sản xuất trước đó. Theo phương pháp này, giá trị hàng xuất kho tính theo giá của lô hàng nhập lần sau cùng, giá trị hàng tồn kho được tính theo giá của hàng nhập kho đầu kỳ.
➨ Ưu điểm:
Có thể tính được trị giá vốn hàng xuất kho ngay mỗi lần xuất kho, vì vậy đảm bảo cung cấp số liệu kịp thời cho kế toán ghi chép các phần hành cũng như cho quản lý. Chi phí của lần mua gần nhất sát với giá vốn thực tế xuất kho, tuân thủ nguyên tắc phù hợp của kế toán.
➨ Nhược điểm:
Trị giá vốn của hàng tồn kho còn lại cuối kỳ không phù hợp với thực tế.
Ví dụ: Công ty TNHH Anpha, có phát sinh nghiệp vụ sau:
- Tồn đầu kỳ: Nguyên vật liệu X 10.000kg, đơn giá 5.000 đồng/kg;
- Ngày 05/01/2021: Nhập 5.000kg nguyên vật liệu X, đơn giá 5.200 đồng/kg;
- Ngày 15/01/2021: Nhập 15.000kg nguyên vật liệu X, đơn giá 5.500 đồng/kg;
- Ngày 25/01/2021: Xuất 18.000kg nguyên vật liệu X.
➥ Trị giá xuất kho nguyên vật liệu X ngày 25/01 theo phương pháp LIFO
= 15.000 x 5.500 + 3.000 x 5.200
= 98.100.000.
>> Xem thêm: Lưu ý khi lập BCTC cho khoản mục hàng tồn kho.
V. Các câu hỏi thường gặp về tính giá hàng tồn kho
1. Các phương pháp tính giá hàng tồn kho được áp dụng với loại hình kinh doanh nào của doanh nghiệp?
- Phương pháp bình quân gia quyền: Áp dụng với doanh nghiệp có ít chủng loại hàng tồn kho, số lần nhập xuất ít;
- Phương pháp đích danh: Áp dụng với doanh nghiệp có ít mặt hàng, giá trị hàng lớn, mặt hàng ổn định;
- Tính giá xuất kho theo phương pháp FIFO: Thường áp dụng đối với doanh nghiệp kinh doanh về mỹ phẩm, thuốc.
2. Trong các phương pháp tính giá vốn hàng tồn kho thì phương pháp nào các doanh nghiệp dùng phổ biến nhất hiện nay?
Đối với chuẩn mực kế toán hàng tồn kho thì có 04 phương pháp tính giá vốn. Tuy nhiên, đa số các doanh nghiệp hiện nay đều chọn phương pháp bình quân gia quyền để áp dụng tính giá vốn và theo dõi tồn kho cho doanh nghiệp vì ưu điểm là đơn giản, dễ thực hiện và chỉ cần làm vào cuối mỗi kỳ.
Bùi Huyền - Phòng Kế toán Anpha