Hạch toán dự phòng phải trả - tài khoản 352 theo Thông tư 200

Tìm hiểu: TK 352 là tài khoản gì; kết cấu tài khoản 352; thời điểm trích lập, hướng dẫn cách hạch toán & ví dụ về dự phòng phải trả - TK 352 theo Thông tư 200.

I. Tài khoản 352 là tài khoản gì?

Tài khoản 352 - Phản ánh tình hình trích lập và sử dụng các khoản dự phòng phải trả của doanh nghiệp hiện có.

II. Thời điểm trích lập các dự phòng phải trả - TK 352 là gì?

  • Khoản trích lập dự phòng được lập tại thời điểm lập báo cáo tài chính. Trường hợp:

>> Số dự phòng phải trả cần lập > Số dự phòng phải trả lập kỳ trước ➜ Chênh lệch được ghi nhận vào chi phí sản xuất kinh doanh của kỳ kế toán đó;

>> Số dự phòng phải trả cần lập < Số dự phòng phải trả lập kỳ trước ➜ Chênh lệch được hoàn nhập ghi giảm chi phí sản xuất kinh doanh của kỳ kế toán đó.

  • Lập dự phòng phải trả về bảo hành công trình xây lắp cho từng công trình và được lập vào cuối kỳ kế toán năm hoặc giữa niên độ kỳ kế toán.

>> Số dự phòng phải trả đã lập > Chi phí thực tế phát sinh ➜ Chênh lệch được hoàn nhập vào thu nhập khác (TK 711).

  • Giá trị ghi nhận khoản dự phòng là giá trị ước tính hợp lý nhất phải chi để thanh toán nghĩa vụ nợ đang có tại ngày kết thúc kỳ kế toán năm hoặc kỳ kế toán giữa niên độ. 
  • Dự phòng phải trả được ghi nhận chỉ khi thỏa mãn những điều kiện sau:

>> Doanh nghiệp có nghĩa vụ nợ hiện tại (có thể cả nghĩa vụ pháp lý hoặc nghĩa vụ liên đới) là kết quả từ một sự kiện đã xảy ra.

>> Sự giảm sút về mặt lợi ích kinh tế có thể xảy ra dẫn đến việc phải thanh toán nghĩa vụ nợ theo yêu cầu và phải đưa ra được một ước tính đáng tin cậy về giá trị của nghĩa vụ nợ đó.

  • Chỉ được bù đắp những khoản chi phí liên quan đến dự phòng phải trả đã lập ban đầu.
  • Không được ghi nhận những khoản lỗ trong tương lai vào khoản dự phòng phải trả (trừ khi chúng liên quan đến một hợp đồng có rủi ro lớn và thỏa mãn những điều kiện ghi nhận khoản dự phòng phải trả). 
  • Trường hợp doanh nghiệp có một hợp đồng rủi ro lớn, phải ghi nhận và đánh giá nghĩa vụ nợ như một khoản dự phòng phải trả. Phải lập khoản dự phòng riêng biệt cho từng hợp đồng rủi ro lớn.
  • Các khoản chi phí tái cơ cấu của doanh nghiệp chỉ được ghi nhận là một khoản dự phòng khi có đủ các điều kiện ghi nhận theo quy định tại Chuẩn mực kế toán số 18 “Các khoản dự phòng, tài sản và nợ tiềm tàng”.

III. Kết cấu và nội dung của tài khoản 352 - Dự phòng phải trả

Tài khoản 352 - Dự phòng phải trả

Bên Nợ:

  • Các khoản chi phí phát sinh liên quan đến các khoản dự phòng đã trích lập.
  • Chi phí bảo hành công trình xây dựng hoặc sản phẩm hàng hóa.
  • Hoàn nhập dự phòng phải trả bảo hành sản phẩm hàng hóa khi số dự phòng lập kỳ này nhỏ hơn số dự phòng đã trích lập trước đó.
  • Hoàn nhập số chênh lệch dự phòng phải trả bảo hành công trình xây dựng khi chi phí thực tế phát sinh nhỏ hơn số dự phòng đã trích lập trước đó.

Bên Có: 

  • Số dự phòng tái cơ cấu doanh nghiệp và dự phòng phải trả khác lập kỳ này lớn hơn số dự phòng đã lập kỳ trước chưa được sử dụng hết.
  • Số dự phòng phải trả về chi phí sửa chữa, bảo hành sản phẩm hàng hóa lập kỳ này lớn hơn số dự phòng đã lập kỳ trước chưa được sử dụng hết.
  • Số dự phòng phải trả về bảo hành công trình xây lắp cần lập cho từng hợp đồng.
 

Số dư bên Có - Dự phòng hiện có cuối kỳ.

 

IV. Phương pháp hạch toán TK 352 - Dự phòng phải trả

1. Trích lập dự phòng phải trả (TK 352) và chi phí liên quan phát sinh về việc sửa chữa, bảo hành sản phẩm đã bán

  • Trường hợp doanh nghiệp bán hàng có kèm giấy bảo hành, sửa chữa lỗi hỏng sản xuất, số dự phòng phải trả doanh nghiệp tự ước tính chi phí bảo hành trên số lượng hàng hóa bán ra trong kỳ, ghi:

Nợ TK 6415 - Chi phí bảo hành.

Có TK 3521 - Dự phòng phải trả bảo hành sản phẩm hàng hóa.

  • Trường hợp doanh nghiệp không có bộ phận bảo hành sản phẩm hàng hóa độc lập:

➧ Các khoản chi phí liên quan đến bảo hành sản phẩm hàng hóa, ghi:

Nợ TK 621, 622, 627… (giá chưa thuế GTGT).

Nợ TK 1331 - Số thuế GTGT được khấu trừ (nếu có).

Có TK 111, 112, 152, 214, 331… (tổng giá trị đã bao gồm thuế GTGT).

➧ Cuối kỳ, kết chuyển chi phí phát sinh trong kỳ, ghi:

Nợ TK 154 - Chi phí sản xuất kinh doanh dở dang.

Có TK 621, 622, 627…

➧ Khi hoàn thành việc sửa chữa sản phẩm hàng hóa, bàn giao lại cho khách hàng, ghi:

Nợ TK 3521 - Dự phòng phải trả bảo hành sản phẩm hàng hóa. 

Nợ TK 6415 - Chi phí dự phòng phải trả về bảo hành hàng hóa còn thiếu.

Có TK 154 - Chi phí sản xuất kinh doanh dở dang.

  • Trường hợp doanh nghiệp có riêng bộ phận bảo hành độc lập, chi phí bảo hành sản phẩm hàng hóa bàn giao cho khách hàng, ghi:

Nợ TK 3521 - Dự phòng phải trả bảo hành sản phẩm hàng hóa.

Nợ TK 6415 - Chi phí dự phòng phải trả về bảo hành hàng hóa còn thiếu.

Có TK 336 - Phải trả nội bộ.

2. Trích lập dự phòng phải trả (TK 352) và các khoản chi phí liên quan đến khoản dự phòng phải trả về việc bảo hành công trình xây dựng

➤ Khi xác định số dự phòng bảo hành công trình xây dựng được thực hiện cho từng công trình, hạng mục công trình khi hoàn thành, bàn giao trong kỳ, ghi:

Nợ TK 627 - Chi phí sản xuất chung.

Có TK 3522 - Dự phòng phải trả bảo hành công trình xây dựng.

➤ Khi phát sinh các khoản chi phí như chi phí NVL, chi phí NCTT, chi phí khấu hao TSCĐ, chi phí dịch vụ mua ngoài… liên quan đến khoản dự phòng phải trả về bảo hành công trình xây dựng đã lập ban đầu, ghi:

  • Trường hợp doanh nghiệp tự thực hiện bảo hành công trình xây dựng:

➧ Các khoản chi phí liên quan đến bảo hành công trình, ghi:

Nợ TK 621, 622, 627… (giá chưa thuế GTGT).

Nợ TK 1331 - Số thuế GTGT được khấu trừ (nếu có).

Có TK 111, 112, 152, 214, 331… (tổng giá trị đã bao gồm thuế GTGT).

➧ Cuối kỳ, kết chuyển chi phí thực tế phát sinh trong kỳ, ghi:

Nợ TK 154 - Chi phí sản xuất kinh doanh dở dang.

Có TK 621, 622, 627…

➧ Khi hoàn thành việc sửa chữa công trình xây dựng, bàn giao lại cho khách hàng, ghi:

Nợ TK 3522 - Dự phòng phải trả bảo hành công trình xây dựng.

Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán (chênh lệch giữa chi phí thực tế phát sinh lớn hơn số dự phòng phải trả đã trích lập).

Có TK 154 - Chi phí sản xuất kinh doanh dở dang.

  • Trường hợp doanh nghiệp giao cho đơn vị trực thuộc hoặc thuê ngoài để thực hiện việc bảo hành công trình xây dựng, ghi:

Nợ TK 3522 - Dự phòng phải trả bảo hành công trình xây dựng.

Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán (chênh lệch giữa chi phí thực tế phát sinh lớn hơn số dự phòng phải trả đã trích lập).

Có TK 331, 336…

➤ Khi hết thời hạn bảo hành, nếu không phải bảo hành công trình hoặc số dự phòng đã trích lớn hơn chi phí thực hiện bảo hành thì số chênh lệch phải hoàn nhập, ghi giảm:

Nợ TK 3522 - Dự phòng phải trả bảo hành công trình xây dựng.

Có TK 711 - Thu nhập khác.

3. Trích lập khoản dự phòng phải trả (TK 352) và các chi phí liên quan cho các khoản chi phí tái cơ cấu doanh nghiệp

  • Khi trích lập dự phòng phải trả cho các khoản chi phí tái cơ cấu doanh nghiệp, ghi:

Nợ TK 6426 - Chi phí dự phòng.

Có TK 3523 - Dự phòng phải trả tái cơ cấu doanh nghiệp.

  • Khi phát sinh các khoản chi phí liên quan đến khoản dự phòng phải trả tái cơ cấu doanh nghiệp đã lập, ghi:

Nợ TK 3523 - Dự phòng phải trả tái cơ cấu doanh nghiệp.

Có các TK 111, 112, 331…

4. Trích lập dự phòng phải trả (TK 352) và các chi phí liên quan cho các khoản dự phòng phải trả khác

  • Khi xác định chắc chắn khoản dự phòng phải trả cần lập cho một hợp đồng có rủi ro lớn trong đó lợi ích kinh tế dự tính thu được từ hợp đồng lớn hơn những chi phí bắt buộc phải trả cho các nghĩa vụ liên quan đến hợp đồng (như khoản bồi thường, đền bù hợp đồng, các vụ kiện pháp lý), ghi:

Nợ TK 6426 - Chi phí dự phòng.

Có TK 3524 -Dự phòng phải trả khác.

  • Khi trích lập dự phòng phải trả cho các khoản chi phí như chi phí hoàn nguyên môi trường, chi phí dọn dẹp, khôi phục mặt bằng và hoàn trả mặt bằng, dự phòng khoản trợ cấp thôi việc theo Luật lao động..., ghi:

Nợ các TK 627, 641, 642.

Có TK 3524 - Dự phòng phải trả khác.

  • Đối với những TSCĐ theo yêu cầu kỹ thuật cần được tiến hành sửa chữa định kỳ, phải thực hiện trích trước chi phí sửa chữa TSCĐ, ghi:

Nợ các TK 627, 641, 642.

Có TK 3524 - Dự phòng phải trả khác.

  • Khi phát sinh các khoản chi phí liên quan đến các khoản dự phòng phải trả khác đã trích lập, ghi:

Nợ TK 3524 - Dự phòng phải trả khác.

Có các TK 111, 112, 331…

5. Cuối kỳ kế toán, khi lập BCTC, doanh nghiệp cần tính và xác định trích lập số dự phòng phải trả cho việc bảo hành sản phẩm, bảo hành công trình xây lắp, chi phí tái cơ cấu doanh nghiệp và các khoản dự phòng khác

➤ Trường hợp 1: Số dự phòng phải trả cần lập > Số dự phòng phải trả lập kỳ trước ➜ Chênh lệch được ghi nhận vào chi phí SXKD của kỳ kế toán đó, ghi:

Nợ TK 6415, 6426 - Chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp.

Có TK 352 - Dự phòng phải trả (3521, 3522, 3523, 3524).

➤ Trường hợp 2: Số dự phòng phải trả cần lập < Số dự phòng phải trả lập kỳ trước ➜ Chênh lệch được hoàn nhập ghi giảm chi phí SXKD của kỳ kế toán đó, ghi:

Nợ TK 352 - Dự phòng phải trả (3521, 3522, 3523, 3524).

Có TK 6415, 6426 - Chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp.

6. Một số trường hợp khác liên quan đến khoản dự phòng phải trả - Tài khoản 352 

  • Doanh nghiệp thông qua các hợp đồng bảo hiểm, bồi thường hoặc giấy bảo hành của nhà cung cấp khác (bên thứ 3) để thanh toán một phần hay toàn bộ chi phí cho khoản dự phòng. Khi bên thứ 3 bồi hoàn một phần hay toàn bộ chi phí cho khoản dự phòng doanh nghiệp đã thanh toán trước đó, ghi:

Nợ TK 111, 112…

Có TK 711 - Thu nhập khác.

  • Khi chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước sang thành công ty cổ phần, kế toán xử lý các khoản dự phòng phải trả sau khi bù đắp tổn thất đến thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần, nếu còn phải ghi tăng vốn nhà nước tại thời điểm bàn giao, ghi:

Nợ TK 352 - Dự phòng phải trả.

Có TK 4111 - Vốn chủ sở hữu.

Ví dụ:

Ngày 02/02/2021, công ty A có sản xuất và cho ra mắt sản phẩm máy lọc nước C với giá 4.990.000 đồng/sản phẩm, chính sách bảo hành đi kèm khi mua máy là 12 tháng và công ty ước tính chi phí bảo hành sản phẩm là 5% trên giá sản phẩm. Trong năm 2021, công ty bán được 800 máy lọc nước C. Trong năm có 100 sản phẩm trả về công ty A để bảo hành và chi phí bảo hành cho 100 sản phẩm này hết 30.000.000 đồng.

➥ Kế toán hạch toán dự phòng bảo hành sản phẩm như sau:

  • Chi phí bảo hành ước tính cho 800 sản phẩm: 800 x 5% x 4.990.000= 199.600.000 đồng.

Nợ TK 6415: 199.600.000.
Có TK 3521: 199.600.000.

  • Hạch toán hàng gửi về bảo hành, chi phí bảo hành ghi:

Nợ TK 3521: 100 x 5% x 4.990.000 = 24.950.000.

Nợ TK 6415: 5.050.000.

Có TK 336: 30.000.000.

Xem thêm: 

>> Hạch toán tài khoản 511 - Doanh thu bán hàng, cung cấp dịch vụ.

>> Hạch toán tài khoản 642 - Chi phí quản lý doanh nghiệp.

V. Các câu hỏi thường gặp về trích lập tài khoản 352

1. Khi nào doanh nghiệp cần trích lập dự phòng phải trả? Thời điểm để trích lập dự phòng?

  • Doanh nghiệp cần trích lập dự phòng khi doanh nghiệp đang có nghĩa vụ nợ hiện tại (có thể cả nghĩa vụ pháp lý hoặc nghĩa vụ liên đới) là kết quả từ một sự kiện đã xảy ra hoặc khi có sự giảm sút về mặt lợi ích kinh tế có thể xảy ra dẫn đến việc phải thanh toán nghĩa vụ nợ theo yêu cầu và phải đưa ra được một ước tính đáng tin cậy về giá trị của nghĩa vụ nợ đó.
  • Khoản trích lập dự phòng được lập tại thời điểm lập Báo cáo tài chính.

2. Khi nào doanh nghiệp có thể hoàn lại các khoản dự phòng phải trả đã trích lập dự phòng?

Các khoản dự phòng phải trả đã trích lập phải được xem xét lại và điều chỉnh tại ngày kết thúc kỳ kế toán năm để phản ánh giá trị ước tính hợp lý nhất tại thời điểm hiện tại. 

  • Số dự phòng phải trả cần lập < Số dự phòng phải trả lập kỳ trước ➞ Chênh lệch được hoàn nhập ghi giảm chi phí SXKD của kỳ kế toán đó.
  • Số dự phòng phải trả đã lập > Chi phí thực tế phát sinh ➞ Chênh lệch được hoàn nhập vào thu nhập khác (TK 711).

Nếu doanh nghiệp chắc chắn không phải chịu sự giảm sút về lợi ích kinh tế do không phải chi trả nghĩa vụ nợ đó thì khoản dự phòng đã trích lập trước đó sẽ được hoàn nhập lại.

 

Dương Hằng - Phòng Kế toán Anpha

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Đánh giá chất lượng bài viết, bạn nhé!

0.0

Chưa có đánh giá nào
Chọn đánh giá

Gửi đánh giá

BÌNH LUẬN - HỎI ĐÁP

Hãy để lại câu hỏi của bạn, chúng tôi sẽ trả lời TRONG 15 PHÚT

SĐT và email sẽ được ẩn để bảo mật thông tin của bạn GỬI NHANH