Khái niệm, cách phân biệt tài sản và nguồn vốn doanh nghiệp

Khái niệm tài sản doanh nghiệp: tài sản ngắn hạn, dài hạn. Khái niệm nguồn vốn doanh nghiệp: nợ phải trả, vốn sở hữu. Mối quan hệ giữa tài sản và nguồn vốn?

Trong quản lý doanh nghiệp, việc hiểu rõ về tài sản và nguồn vốn là một yếu tố quan trọng giúp chủ doanh nghiệp quản lý tài chính hiệu quả. Bài viết của Kế toán Anpha sẽ giúp bạn phân biệt rõ ràng giữa tài sản và nguồn vốn, cùng với quan hệ giữa chúng trong một doanh nghiệp.

I. Tài sản doanh nghiệp là gì?

Tài sản là nguồn lực kinh tế được xác định giá trị cụ thể mà doanh nghiệp đang nắm giữ, có quyền sử dụng và kiểm soát tài sản. Đồng thời, việc sử dụng các tài sản này chắc chắn sẽ thu được lợi ích trong tương lai. 

Tài sản trong doanh nghiệp thường được phân loại thành tài sản ngắn hạn và tài sản dài hạn.

1. Định nghĩa, phân loại tài sản ngắn hạn

Tài sản ngắn hạn hay tài sản lưu động là những tài sản có thể chuyển đổi dễ dàng thành tiền hoặc tài sản có thời gian sử dụng ngắn dưới 1 năm hoặc trong một chu kỳ kinh doanh bình thường.

Các loại tài sản ngắn hạn bao gồm: 

➧ Tiền và các khoản tương đương tiền gồm:

  • Tiền mặt tại quỹ, tiền gửi ngân hàng (bao gồm Việt Nam đồng và ngoại tệ);
  • Những khoản có giá trị tương đương tiền như tiết gửi tiết kiệm có kỳ hạn gốc không quá 3 tháng.

➧ Đầu tư tài chính ngắn hạn là những khoản đầu tư kiếm lời ngắn hạn (có thời hạn dưới 1 năm) như:

  • Cho vay ngắn hạn;
  • Chứng khoán kinh doanh (bao gồm cổ phiếu, trái phiếu và các công cụ tài chính khác có thể bán lại trong thời gian ngắn);
  • Các khoản tiền gửi tiết kiệm có thời hạn trên 3 tháng và dưới 1 năm…

➧ Các khoản phải thu ngắn hạn như:

  • Khoản phải thu của khách hàng;
  • Khoản trả trước cho người bán;
  • Khoản phải thu khác như: khoản tiền tạm ứng cho nhân viên để thực hiện công việc, tiền bảo hiểm doanh nghiệp được bồi thường, số tiền đã đặt cọc, ký quỹ để thực hiện hợp đồng…

➧ Hàng tồn kho bao gồm: hàng hóa, nguyên vật liệu, hàng mua đang đi đường, công cụ dụng cụ còn lưu kho, chi phí sản xuất kinh doanh dở dang, hàng gửi đi bán và các thành phẩm công ty sản xuất.

➧ Tài sản ngắn hạn khác như: khoản thuế GTGT còn được khấu trừ, các khoản chi phí trả trước để được cung cấp hàng hóa và dịch vụ với thời gian không quá 12 tháng…

>> Xem thêm: Phân biệt khoản phải thu ngắn hạn và dài hạn.

2. Định nghĩa, phân loại tài sản dài hạn

Tài sản dài hạn là những tài sản mà doanh nghiệp sử dụng trong thời gian dài hơn 1 năm hoặc hơn một chu kỳ kinh doanh thông thường.

Các loại tài sản dài hạn bao gồm: 

Tài sản cố định là những tài sản có giá trị lớn trên 30 triệu, thời gian sử dụng dài, tham gia hầu hết vào quá trình sản xuất kinh doanh, bị hao mòn dần trong quá trình sử dụng, bao gồm:

  • Tài sản cố định hữu hình: các tài sản cố định có hình thái vật chất cụ thể như nhà cửa, cây cối lâu năm, vật kiến trúc, máy móc thiết bị, phương tiện vận tải truyền dẫn, thiết bị chuyên dụng cho quản lý…;
  • Tài sản cố định vô hình: các tài sản cố định không có hình thái vật chất cụ thể như quyền sử dụng đất, bản quyền, bằng sáng chế, nhãn hiệu hàng hóa, thương hiệu doanh nghiệp, phần mềm máy tính, giấy phép khai thác và chuyển nhượng…

>> Tham khảo: Cách tính khấu hao tài sản cố định.

➧ Đầu tư tài chính dài hạn gồm: những khoản đầu tư kiếm lời dài hạn như cho vay dài hạn, góp vốn liên doanh dài hạn, đầu tư vào công ty con, đầu tư vào công ty liên kết…

➧ Các khoản phải thu dài hạn gồm: các khoản phải thu khách hàng dài hạn, trả trước cho người bán dài hạn, khoản thu nội bộ dài hạn, phải thu theo hợp đồng cho vay dài hạn… 

➧ Bất động sản đầu tư như nhà để cho thuê, đất mua về chờ tăng giá để bán.

➧ Tài sản dài hạn khác: các khoản chi phí trả trước dài hạn, các khoản chi phí đầu tư xây dựng cơ bản dở dang dài hạn, các khoản nhận ký quỹ ký cược dài hạn.

II. Nguồn vốn doanh nghiệp là gì?

Nguồn vốn của doanh nghiệp là tổng hợp các nguồn tài chính mà doanh nghiệp sử dụng để đầu tư vào tài sản và hoạt động kinh doanh. Nguồn vốn bao gồm: nợ phải trả và vốn chủ sở hữu.

1. Nợ phải trả

Nợ phải trả là các khoản nợ mà doanh nghiệp phải thanh toán cho các bên khác. Nợ phải trả được chia thành 2 loại: nợ ngắn hạn và nợ dài hạn.

➧ Nợ ngắn hạn bao gồm các khoản vay ngắn hạn, các khoản phải trả cho nhà cung cấp, lương phải trả cho nhân viên và các khoản nợ khác có thời hạn thanh toán dưới 1 năm (như các khoản nợ thuế phải nộp, các khoản nhận ký quỹ ký cược của bên khác...).

➧ Nợ dài hạn bao gồm các khoản vay dài hạn, nợ thuế tài chính, trái phiếu doanh nghiệp, nợ người bán dài hạn và các khoản nợ khác có thời hạn thanh toán trên 1 năm.

2. Vốn chủ sở hữu

Vốn chủ sở hữu là phần tài sản còn lại sau khi trừ đi các khoản nợ phải trả. Nó phản ánh quyền sở hữu của các cổ đông hoặc chủ sở hữu đối với tài sản của doanh nghiệp. Vốn chủ sở hữu bao gồm:

➧ Vốn góp của chủ sở hữu gồm số tiền mà các cổ đông hoặc các thành viên góp vốn vào doanh nghiệp.

➧ Lợi nhuận giữ lại là lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp được giữ lại để tái đầu tư hoặc để sử dụng vào các mục đích khác.

➧ Các quỹ khác bao gồm các quỹ dự phòng, quỹ phát triển kinh doanh và các quỹ khác được lập từ lợi nhuận của doanh nghiệp.

III. Mối quan hệ giữa tài sản và nguồn vốn doanh nghiệp 

Tài sản và nguồn vốn trong một doanh nghiệp có mối quan hệ mật thiết với nhau. Tổng tài sản của doanh nghiệp luôn bằng tổng nguồn vốn, được biểu thị qua phương trình kế toán cơ bản:

Tổng tài sản = Nợ phải trả + Vốn chủ sở hữu

Điều này có nghĩa là tất cả tài sản của doanh nghiệp đều được tài trợ từ 2 nguồn chính: nợ phải trả và vốn chủ sở hữu. Hiểu rõ mối quan hệ này giúp chủ doanh nghiệp có cái nhìn tổng quan về tình hình tài chính, từ đó đưa ra các quyết định quản lý tài chính hiệu quả.

Tóm lại, việc phân biệt rõ ràng giữa tài sản và nguồn vốn không chỉ giúp chủ doanh nghiệp hiểu rõ hơn về cấu trúc tài chính của doanh nghiệp mình, mà còn hỗ trợ việc lập kế hoạch và quản lý tài chính một cách hiệu quả và bền vững.

IV. Câu hỏi phổ biến khi phân biệt nguồn vốn và tài sản doanh nghiệp

1. Các thành phần chính của vốn chủ sở hữu bao gồm những gì?

Các thành phần chính của vốn chủ sở hữu bao gồm:

  • Vốn góp của chủ sở hữu;
  • Lợi nhuận giữ lại;
  • Các quỹ khác như quỹ dự phòng và quỹ phát triển kinh doanh.

2. Ví dụ về bất động sản đầu tư?

Ví dụ về bất động sản đầu tư bao gồm:

  • Nhà cho thuê;
  • Đất đầu tư để chờ tăng giá trị;
  • Căn hộ dịch vụ cho thuê.

3. Lợi nhuận giữ lại là gì?

Lợi nhuận giữ lại là phần lợi nhuận sau thuế mà doanh nghiệp giữ lại để tái đầu tư hoặc sử dụng cho các mục đích khác, thay vì chia cổ tức cho cổ đông.

>> Xem thêm: Cách tính lợi nhuận sau thuế.

4. Tại sao việc phân biệt giữa tài sản và nguồn vốn lại quan trọng?

Việc phân biệt giữa tài sản và nguồn vốn quan trọng vì nó giúp doanh nghiệp quản lý tài chính hiệu quả, đảm bảo cân đối giữa nguồn lực và trách nhiệm tài chính, từ đó đưa ra các quyết định kinh doanh hợp lý và bền vững.

Hằng Nguyễn - Phòng Kế toán Anpha

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Đánh giá chất lượng bài viết, bạn nhé!

0.0

Chưa có đánh giá nào
Chọn đánh giá

Gửi đánh giá

BÌNH LUẬN - HỎI ĐÁP

Hãy để lại câu hỏi của bạn, chúng tôi sẽ trả lời TRONG 15 PHÚT

SĐT và email sẽ được ẩn để bảo mật thông tin của bạn GỬI NHANH