Đối với nhiều doanh nghiệp, sau khi thành lập, khi có nhu cầu mở rộng hoạt động hoặc đăng ký cơ sở hoạt động cụ thể thường lựa chọn mở thêm các địa điểm kinh doanh. Từ ngày 10/10/2018, một số quy định mới về việc đăng ký thành lập doanh nghiệp, trong đó bao gồm cả quy định về mở địa điểm kinh doanh có hiệu lực, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thực hiện thủ tục này không bị gò bó như trước. Dưới đây là toàn bộ quy trình và những lưu ý khi thành lập địa điểm kinh doanh theo quy định mới.
I. Quy Định Mới Về Việc Thành Lập Địa Điểm Kinh Doanh
Từ ngày 10/10/2018, Nghị định 108/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 78/2015 ngày 14/09/2015 về đăng ký thành lập doanh nghiệp bắt đầu có hiệu lực. Theo đó, có nhiều quy định được sửa đổi và bổ sung thêm một số quy định mới mang tính giảm bớt thủ tục hành chính rắc rối cho cá nhân, tổ chức khi đăng ký doanh nghiệp.
Về việc thành lập địa điểm kinh doanh, có một thay đổi quan trọng ,theo quy định mới này doanh nghiệp có thể mở địa điểm kinh doanh trên phạm vi cả nước.
Theo Điều 33, Nghị định 78/2015/NĐ-CP trước đây, quy định về việc mở địa điểm kinh doanh như sau:
“Điều 33. Đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, thông báo lập địa điểm kinh doanh
…
2. Thông báo lập địa điểm kinh doanh:
Địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp có thể ở ngoài địa chỉ đăng ký trụ sở chính. Doanh nghiệp chỉ được lập địa điểm kinh doanh tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính hoặc đặt chi nhánh. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày quyết định lập địa điểm kinh doanh, doanh nghiệp gửi thông báo lập địa điểm kinh doanh đến Phòng Đăng ký kinh doanh.”
Như vậy, trước đây, địa điểm kinh doanh có thể đặt được khác tỉnh với trụ sở chính đã đăng ký, tuy nhiên tại tỉnh đó, doanh nghiệp phải thành lập chi nhánh và địa điểm kinh doanh dự kiến đặt sẽ là đơn vị trực thuộc chi nhánh này. Quy địnhnày có phần gây rắc rối cho doanh nghiệp, vì khi mở thêm một chi nhánh, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải phát sinh công việc về khái báo thuế của chi nhánh.
Để khắc phục hạn chế này, hiện nay, Nghị định 108/2018/NĐ-CP đã sửa đổi Điều 33 thành như sau:
“Điều 33. Đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, thông báo lập địa điểm kinh doanh
…
2. Thông báo lập địa điểm kinh doanh:
Địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp có thể ở ngoài địa chỉ đăng ký trụ sở chính. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày quyết định lập địa điểm kinh doanh, doanh nghiệp gửi thông báo lập địa điểm kinh doanh đến Phòng Đăng ký kinh doanh.”
Theo như quy định mới này,doanh nghiệp có thể mở địa điểm trên phạm vi cả nước, tại các tỉnh, thành phố mà không cần phải có chi nhánh tại tỉnh, thành phố đó.
II. Một Số Lưu Ý Về Địa Điểm Kinh Doanh
1. Trình tự, thủ tục mở địa điểm kinh doanh
Thứ nhất: Hồ sơ mở địa điểm kinh doanh bao gồm:
- Thông báo về việc lập địa điểm kinh doanh (Theo mẫu);
- Văn bản ủy quyền cho người thực hiện thủ tục;
- Bản sao giấy tờ chứng thực của người thực hiện thủ tục.
Thứ hai: Cơ quan giải quyết:
- Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh nơi doanh nghiệp dự kiến lập địa điểm kinh doanh
2. Một số lưu ý khi mở địa điểm kinh doanh
Thứ nhất: Việc lựa chọn tên địa điểm kinh doanh:
- Phải tuân thủ theo quy định của Luật doanh nghiệp 2014, tên địa điểm kinh doanh phải mang tên doanh nghiệp và gắn liền với tên doanh nghiệp;
- Doanh nghiệp có thể đăng ký tên bằng tiếng nước ngoài và tên viết tắt cho địa điểm kinh doanh.
Thứ hai: Việc lựa chọn địa chỉ trụ sở cho địa điểm kinh doanh:
- Ghi rõ địa chỉ 4 cấp theo quy định, bao gồm: số nhà, ngách, hẻm, ngõ phố, phố, đường hoặc thôn, xóm, ấp, xã, phường, thị trấn, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; số điện thoại, số fax và thư điện tử (nếu có).
- Địa chỉ đặt địa điểm kinh doanh không được là chung cư hoặc nhà tập thể.
Thứ 3: Lưu ý sau khi lập địa điểm kinh doanh
- Doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục Nộp tờ khai lệ phí môn bài và đóng tiền thuế môn bài cho địa điểm kinh doanh(Nộp trực tiếp hoặc Nộp qua chữ ký số);
- Địa điểm kinh doanh hoạt động hạch toán phụ thuộc, các phát sinh từ địa điểm kinh doanh được đưa và hạch toán theo công ty mẹ.
Mai Nguyễn- P. Pháp lý Anpha Hà Nội
BÌNH LUẬN - HỎI ĐÁP
Hãy để lại câu hỏi của bạn, chúng tôi sẽ trả lời TRONG 15 PHÚT