Điều kiện, hồ sơ & thủ tục đăng ký giám hộ - Tải mẫu tờ khai

Điều kiện đăng ký giám hộ. Thủ tục giám hộ cho người chưa thành niên & thủ tục giám hộ cho người mất năng lực hành vi dân sự. Tải tờ khai đăng ký giám hộ.

Khái niệm giám hộ

Căn cứ tại Điều 46 Bộ luật Dân sự 2015, khi một cá nhân hoặc một pháp nhân tiến hành chăm sóc, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể sau đây thì được gọi là giám hộ:

  • Người chưa thành niên;
  • Người mất năng lực hành vi dân sự;
  • Người có khó khăn trong việc làm chủ hành vi hay trong nhận thức.

Theo đó, các chủ thể kể trên gọi là người được giám hộ, còn cá nhân hoặc pháp nhân thực hiện các công việc giám hộ thì gọi là người giám hộ. Đồng thời, người giám hộ được chia làm 2 hình thức:

  1. Người giám hộ được cử hoặc chỉ định;
  2. Người giám hộ đương nhiên.

Lưu ý:

1) Một người có thể giám hộ cho nhiều người cùng một lúc. Tuy nhiên, mỗi người sẽ chỉ có một người giám hộ, trừ trường hợp:

  • Cha, mẹ cùng giám hộ cho con;
  • Ông, bà cùng giám hộ cho cháu.

2) Một cá nhân có đủ năng lực hành vi dân sự sẽ có quyền lựa chọn cá nhân hoặc pháp nhân trở thành người giám hộ khi họ trong tình trạng cần được giám hộ, với điều kiện người này đồng ý.

3) Việc lựa chọn người giám hộ yêu cầu phải được lập thành văn bản có công chứng hoặc chứng thực đầy đủ.

>> Bài viết liên quan: Các quy định về người giám hộ.

Hồ sơ, tờ khai đăng ký giám hộ

1. Điều kiện đăng ký giám hộ

Trước khi chuẩn bị các đầu mục giấy tờ làm người giám hộ, bạn cần đảm bảo các điều kiện đăng ký giám hộ. Cụ thể, cá nhân hoặc pháp nhân cần đáp ứng những điều kiện nêu sau:

Đối với cá nhân là người giám hộ

  • Chủ thể phải đảm bảo có đủ năng lực hành vi dân sự;
  • Chủ thể có tư cách đạo đức tốt đồng thời có đủ các điều kiện cần thiết nhằm thực hiện quyền và nghĩa vụ đối với người được giám hộ;
  • Chủ thể không thuộc diện là người có tiền án tiền sự về các tội cố ý xâm phạm về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người khác hoặc đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
  • Chủ thể không thuộc diện bị Tòa án tuyên bố hạn chế các quyền với con cái là trẻ vị thành niên.

Đối với pháp nhân là người giám hộ

  • Đảm bảo sở hữu các năng lực pháp luật dân sự phù hợp;
  • Đảm bảo các điều kiện để thực hiện quyền lợi cũng như nghĩa vụ cho người được giám hộ.
2. Tải tờ khai đăng ký giám hộ

Dựa theo Điều 20, Điều 21 Luật Hộ tịch 2014 và Quyết định 1872/QĐ-BTP ngày 04/09/2020 của Bộ Tư pháp, thủ tục giám hộ cho người chưa thành niên và thủ tục giám hộ cho người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi được gọi chung là thủ tục đăng ký giám hộ. 

Trong thủ tục đăng ký giám hộ sẽ có 2 trường hợp như sau:

  • Trường hợp 1: Đăng ký giám hộ cử;
  • Trường hợp 2: Đăng ký giám hộ đương nhiên.

Theo đó, hồ sơ đăng ký giám hộ ở mỗi trường hợp được Anpha chia sẻ như sau.

Trường hợp 1: Đăng ký giám hộ cử

Bộ hồ sơ đăng ký giám hộ cử bao gồm:

  1. Tờ khai đăng ký giám hộ cử (theo mẫu tại Thông tư 04/2020/TT-BTP);
  2. Văn bản cử người giám hộ;
  3. Văn bản ủy quyền (nếu có).

>> TẢI MIỄN PHÍ: Mẫu tờ khai đăng ký giám hộ cử.

Trường hợp 2: Đăng ký giám hộ đương nhiên

Bộ hồ sơ đăng ký giám hộ đương nhiên bao gồm:

  1. Tờ khai đăng ký giám hộ đương nhiên (theo mẫu tại Thông tư 04/2020/TT-BTP);
  2. Giấy tờ liên quan chứng minh điều kiện giám hộ;
  3. Văn bản thỏa thuận (nếu có);
  4. Văn bản ủy quyền (nếu có).

>> TẢI MIỄN PHÍ: Mẫu tờ khai đăng ký giám hộ đương nhiên.

Lưu ý:

1) Văn bản thỏa thuận được yêu cầu khi có nhiều người cùng lúc đủ điều kiện làm giám hộ, họ sẽ phải thỏa thuận và cử ra một người làm giám hộ đương nhiên.

2) Văn bản ủy quyền phải công chứng/chứng thực nếu người đi đăng ký giám hộ không phải là ông, bà, cha, mẹ, anh, chị, em ruột.

3) Khi đăng ký giám hộ thì cả 2 trường hợp đều phải xuất trình những giấy tờ như sau:

  • Hộ chiếu/thẻ căn cước/CCCD hoặc giấy tờ chứng minh thông tin cá nhân;
  • Giấy tờ chứng minh nơi cư trú.

Thủ tục đăng ký giám hộ

1. Cách đăng ký giám hộ trực tiếp

Thủ tục giám hộ cho người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi được thực hiện theo 4 bước đơn giản như sau:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ đăng ký giám hộ cử hoặc giám hộ đương nhiên.

Bước 2: Nộp hồ sơ trực tiếp tại Bộ phận Một cửa của UBND xã và nộp lệ phí theo quy định.

Bước 3: Bộ phận tiếp nhận hồ sơ kiểm tra tính hợp lệ và đầy đủ của giấy tờ. Khi đó: 

➧ Trường hợp hồ sơ hợp lệ cán bộ tiếp nhận sẽ tiến hành:

  • Cấp phiếu hẹn, trong đó ghi rõ ngày giờ trả kết quả trích lục đăng ký giám hộ;
  • Scan (sao chụp) chuyển thành tài liệu điện tử trên hệ thống, cơ sở dữ liệu và ký vào tài liệu, hồ sơ giải quyết đã được số hóa theo quy định;
  • Chuyển tiếp hồ sơ để công chức tư pháp thẩm tra.

➧ Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ:

  • Cán bộ tiếp nhận có nhiệm vụ hướng dẫn bằng văn bản cụ thể về những giấy tờ cần bổ sung cho người yêu cầu;
  • Sau khi hồ sơ được bổ sung đầy đủ, cán bộ thực hiện tiếp các việc tương tự hồ sơ hợp lệ;
  • Trường hợp người yêu cầu đăng ký giám hộ không bổ sung, hoàn thiện được hồ sơ thì cán bộ tiếp nhận báo cáo trưởng bộ phận từ chối giải quyết yêu cầu.

Bước 4: Công chức tư pháp, hộ tịch thẩm tra và trả kết quả hồ sơ.

➧ Trường hợp hồ sơ hợp lệ:

Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ khi công chức tư pháp kiểm tra đầy đủ giấy tờ hồ sơ đạt yêu cầu thì sẽ tiến hành thực hiện tiếp các việc sau:

  • Báo cáo lên lãnh đạo UBND xã để xin ý kiến chấp thuận;
  • Ghi vào sổ đăng ký giám hộ sau đó cập nhật thông tin đăng ký và lưu lại trên phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử;
  • In trích lục đăng ký giám hộ và trình cho lãnh đạo UBND xã ký;
  • Chuyển kết quả cho người đi đăng ký giám hộ kiểm tra và cùng ký tên vào sổ đăng ký giám hộ, nhận trích lục đăng ký giám hộ.

➧ Trường hợp hồ sơ không hợp lệ:

Nếu hồ sơ cần bổ sung hoặc không đạt điều kiện để giải quyết, công chức tư pháp sẽ từ chối và gửi thông báo tình trạng hồ sơ về Bộ phận Một cửa để người yêu cầu được biết (quay về thực hiện tại bước 3 nêu trên).

➧ Trường hợp hồ sơ cần kiểm tra, xác minh:

Nếu hồ sơ cần được kiểm tra, xác minh làm rõ hoặc do bất kỳ nguyên nhân nào khác mà không thể trả kết quả hồ sơ đúng thời hạn (3 ngày làm việc) thì công chức tư pháp hộ tịch phải thực hiện các việc sau:

  • Lập phiếu xin lỗi và hẹn ngày trả kết quả, trong đó ghi rõ lý do chậm trả kết quả;
  • Chuyển tiếp cho Bộ phận Một cửa để trả kết quả cho người yêu cầu.

2. Cách đăng ký giám hộ trực tuyến, online

Ngoài việc thực hiện thủ tục giám hộ cho người mất năng lực hành vi dân sự, người chưa thành niên bằng hình thức trực tiếp tại UBND xã, bạn cũng có thể đăng ký giám hộ online tại nhà theo hướng dẫn sau đây:

Bước 1: Truy cập Cổng dịch vụ công

  • Đăng nhập vào trang Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc Cổng dịch vụ công cấp tỉnh (ví dụ: Cổng dịch vụ công tỉnh Tuyên Quang);
  • Người yêu cầu cung cấp thông tin theo biểu mẫu điện tử tương tác đăng ký giám hộ, đính kèm bản sao điện tử các giấy tờ theo quy định, nộp lệ phí thông qua chức năng thanh toán trực tuyến hoặc bằng hình thức khác theo quy định.

Bước 2: Cán bộ tiếp nhận hồ sơ

  • Trường hợp đầy đủ hồ sơ yêu cầu thì cán bộ gửi phiếu hẹn thời gian trả kết quả qua email hoặc tin nhắn cho người yêu cầu. Đồng thời cán bộ có trách nhiệm chuyển hồ sơ cho công chức tư pháp xử lý;
  • Trường hợp không đủ hồ sơ theo quy định thì cán bộ gửi thông báo cho người yêu cầu bổ sung cũng như hoàn thiện hồ sơ;
  • Trường hợp người yêu cầu đăng ký giám hộ không bổ sung, hoàn thiện được hồ sơ thì báo cáo trưởng bộ phận từ chối giải quyết yêu cầu.

Bước 3: Công chức tư pháp hộ tịch thẩm tra và trả kết quả hồ sơ.

➧ Trường hợp hồ sơ hợp lệ:

Công chức tư pháp hộ tịch tiếp nhận hồ sơ đúng quy định phải có trách nhiệm gửi lại biểu mẫu trích lục đăng ký giám hộ điện tử cho người yêu cầu qua email hoặc tin nhắn. Đồng thời, người yêu cầu có trách nhiệm kiểm tra và xác nhận thông tin (tối đa 1 ngày). 

Khi người yêu cầu đã xác nhận thông tin hoặc không phản hồi, công chức tư pháp tiến hành ghi nội dung vào sổ đăng ký giám hộ, đồng thời cập nhật thông tin lên Phần mềm hộ tịch dùng chung theo quy định.

Tương tự như hình thức nộp hồ sơ trực tiếp, công chức tư pháp tiếp tục thực hiện các công việc lần lượt như trên và trả kết quả trích lục đăng ký giám hộ điện tử cho người yêu cầu.

➧ Trường hợp hồ sơ cần kiểm tra, xác minh:

Nếu hồ sơ cần được kiểm tra, xác minh làm rõ hoặc do bất kỳ nguyên nhân nào khác mà không thể trả kết quả hồ sơ đúng thời hạn (3 ngày làm việc) thì công chức tư pháp hộ tịch phải lập phiếu xin lỗi và hẹn ngày trả kết quả, trong đó ghi rõ lý do chậm trả kết quả qua tin nhắn hoặc thư điện tử cho người yêu cầu.

Lưu ý chung:

  • Kết quả của đăng ký giám hộ là:
    • Trích lục đăng ký giám hộ (nộp trực tiếp);
    • Trích lục đăng ký giám hộ điện tử (nộp online).
  • Thủ tục đăng ký giám hộ sẽ không mất lệ phí, trường hợp người yêu cầu có nhu cầu xin thêm bản sao trích lục đăng ký giám hộ sẽ đóng 8.000 đồng/bản sao.

Một số câu hỏi thường gặp khi làm thủ tục giám hộ

1. Giám hộ được hiểu như thế nào?

Căn cứ tại Điều 46 Bộ luật Dân sự 2015, khi một cá nhân hoặc một pháp nhân tiến hành chăm sóc, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể sau đây thì được gọi là giám hộ:

  • Người chưa thành niên;
  • Người mất năng lực hành vi dân sự;
  • Người có khó khăn trong việc làm chủ hành vi hay trong nhận thức.

Theo đó, các chủ thể kể trên gọi là người được giám hộ, còn cá nhân hoặc pháp nhân thực hiện các công việc giám hộ thì gọi là người giám hộ. Đồng thời, người giám hộ được chia làm 2 hình thức:

  1. Người giám hộ được cử hoặc chỉ định;
  2. Người giám hộ đương nhiên.

>> Xem chi tiết: Khái niệm giám hộ.

2. Điều kiện đăng ký giám hộ gồm những gì?

Để đăng ký làm người giám hộ, cá nhân hoặc pháp nhân cần đáp ứng những điều kiện nêu sau:

➧ Đối với cá nhân là người giám hộ

  • Chủ thể phải đảm bảo có đủ năng lực hành vi dân sự;
  • Chủ thể có tư cách đạo đức tốt đồng thời có đủ các điều kiện cần thiết nhằm thực hiện quyền và nghĩa vụ đối với người được giám hộ;
  • Chủ thể không thuộc diện là người có tiền án tiền sự về các tội cố ý xâm phạm về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người khác hoặc đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
  • Chủ thể không thuộc diện bị Tòa án tuyên bố hạn chế các quyền với con cái là trẻ vị thành niên.

➧ Đối với pháp nhân là người giám hộ

  • Đảm bảo có đủ các năng lực pháp luật dân sự phù hợp;
  • Đảm bảo các điều kiện để thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ cho người được giám hộ.

3. Hồ sơ đăng ký giám hộ cử gồm những gì?

Bộ hồ sơ đăng ký giám hộ cử cần nộp gồm có:

  1. Tờ khai đăng ký giám hộ cử (theo mẫu tại Thông tư 04/2020/TT-BTP);
  2. Văn bản cử người giám hộ;
  3. Văn bản ủy quyền (nếu có).

Lưu ý, khi làm hồ sơ đăng ký giám hộ, bạn cần xuất trình các giấy tờ chứng minh thông tin cá nhân và chứng minh nơi cư trú.

>> TẢI MIỄN PHÍ: Mẫu tờ khai đăng ký giám hộ cử.

4. Hồ sơ đăng ký giám hộ đương nhiên gồm những gì?

Hồ sơ đăng ký giám hộ đương nhiên cần nộp bao gồm:

  1. Tờ khai đăng ký giám hộ đương nhiên (theo mẫu tại Thông tư 04/2020/TT-BTP);
  2. Giấy tờ liên quan chứng minh điều kiện giám hộ;
  3. Văn bản thỏa thuận (nếu có);
  4. Văn bản ủy quyền (nếu có).

Lưu ý, khi làm hồ sơ đăng ký giám hộ, bạn cần xuất trình các giấy tờ chứng minh thông tin cá nhân và chứng minh nơi cư trú.

>> TẢI MIỄN PHÍ: Mẫu tờ khai đăng ký giám đương nhiên.

5. Thủ tục đăng ký giám hộ tại Ủy ban xã gồm mấy bước?

Quy trình đăng ký giám hộ ở UBND xã gồm 4 bước đơn giản như sau:

  • Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ đăng ký giám hộ cử hoặc giám hộ đương nhiên;
  • Bước 2: Nộp hồ sơ trực tiếp tại UBND xã;
  • Bước 3: Bộ phận tiếp nhận hồ sơ kiểm tra tính hợp lệ và đầy đủ của giấy tờ;
  • Bước 4: UBND xã trả kết quả.

>> Xem chi tiết: Thủ tục đăng ký giám hộ.

Gọi cho chúng tôi theo số 0984 477 711 (Miền Bắc) - 0903 003 779 (Miền Trung) - 0938 268 123 (Miền Nam) để được hỗ trợ.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Đánh giá chất lượng bài viết, bạn nhé!

5.0

1 đánh giá
Chọn đánh giá

Gửi đánh giá

BÌNH LUẬN - HỎI ĐÁP

Hãy để lại câu hỏi của bạn, chúng tôi sẽ trả lời TRONG 15 PHÚT

SĐT và email sẽ được ẩn để bảo mật thông tin của bạn GỬI NHANH