Thủ tục mở cửa hàng Kinh Doanh Rượu (bán buôn, bán lẻ…)

Điều kiện kinh doanh rượu. Hồ sơ, thủ tục xin giấy phép kinh doanh rượu bia, mở cửa hàng bán rượu: phân phối, bán buôn, bán lẻ, bán rượu tiêu dùng tại chỗ.

Rượu là một trong những loại thức uống có sức tiêu thụ khá lớn trên thị trường. Và bởi vì việc kinh doanh rượu đem lại nguồn thu, lợi nhuận khá lớn nên ngày càng có nhiều doanh nhân hướng tới. Vậy mở cửa hàng bán rượu cần tiến hành qua những bước nào, có gặp nhiều khó khăn không, thủ tục có rắc rối không? Bài viết dưới đây Anpha sẽ hướng dẫn chi tiết thủ tục mở cửa hàng kinh doanh rượu cho bạn.

Các hình thức kinh doanh rượu bia

Khi mở cửa hàng bán rượu, bạn có thể lựa chọn theo 1 trong 5 hình thức sau:

  1. Cửa hàng phân phối rượu;
  2. Cửa hàng bán buôn rượu;
  3. Cửa hàng bán lẻ rượu;
  4. Cửa hàng bán rượu tiêu dùng tại chỗ;
  5. Cửa hàng bán rượu có độ cồn dưới 5,5 độ.

Điều kiện mở cửa hàng kinh doanh rượu bia (theo từng hình thức)

1. Điều kiện phân phối rượu

  • Đơn vị có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
  • Có hệ thống để phân phối rượu trên địa bàn từ 2 tỉnh, thành trở lên, tại mỗi địa bàn tỉnh phải có ít nhất 1 thương nhân bán buôn rượu;
  • Có văn bản giới thiệu hoặc doanh nghiệp có hợp đồng nguyên tắc của thương nhân sản xuất rượu, thương nhân phân phối rượu khác hoặc của nhà cung cấp rượu ở nước ngoài.

Lưu ý:

Nếu doanh nghiệp có thành lập chi nhánh hoặc địa điểm kinh doanh ngoài trụ sở chính để kinh doanh rượu thì không cần phải có xác nhận của thương nhân bán buôn rượu.

2. Điều kiện bán buôn rượu

  • Đơn vị có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
  • Có hệ thống bán buôn rượu với điều kiện có tối thiểu 1 thương nhân bán lẻ rượu tại nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính;
  • Có văn bản giới thiệu hoặc doanh nghiệp có hợp đồng nguyên tắc của thương nhân sản xuất rượu, phân phối rượu hoặc thương nhân bán buôn rượu khác.

Lưu ý: 

Nếu doanh nghiệp hoạt động kinh doanh bán buôn rượu thành lập các đơn vị phụ thuộc như chi nhánh hoặc địa điểm kinh doanh bán buôn rượu thì không cần phải có xác nhận của các thương nhân bán lẻ rượu.

3. Điều kiện bán lẻ rượu

  • Đơn vị được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, liên hiệp HTX;
  • Có quyền sử dụng hợp pháp địa điểm kinh doanh cố định và phải có địa chỉ rõ ràng;
  • Có văn bản giới thiệu hoặc doanh nghiệp có hợp đồng nguyên tắc của thương nhân sản xuất rượu, phân phối rượu hoặc bán buôn rượu.

4. Điều kiện hoạt động bán rượu tiêu dùng tại chỗ

  • Đơn vị được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc được cấp giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;
  • Có quyền sử dụng hợp pháp địa điểm kinh doanh cố định, địa chỉ phải rõ ràng và có đăng ký bán rượu tiêu dùng tại chỗ với Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế - Hạ tầng cấp huyện nơi thương nhân có đặt trụ sở kinh doanh;
  • Rượu tiêu dùng tại chỗ phải được cung cấp bởi thương nhân có giấy phép sản xuất, phân phối, bán buôn hoặc giấy phép bán lẻ rượu.

Lưu ý:

Trường hợp thương nhân tự sản xuất rượu để bán cho khách hàng tiêu dùng tại chỗ thì phải có giấy phép sản xuất rượu công nghiệp hoặc có giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh theo quy định.

5. Điều kiện để bán rượu có độ cồn dưới 5,5 độ

  • Đơn vị có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, liên hiệp HTX;
  • Tuân thủ theo các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm;
  • Đăng ký với Phòng Kinh tế hoặc với Phòng Kinh tế - Hạ tầng thuộc UBND cấp huyện nơi thương nhân có đặt trụ sở kinh doanh trước khi tiến hành hoạt động.

Lưu ý:

Ngoài các điều kiện tương ứng với từng hình thức kinh doanh rượu kể trên, trong quá trình kinh doanh, cửa hàng bia rượu phải tuân thủ các điều kiện về an toàn thực phẩm, phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường.

Hồ sơ, thủ tục đăng ký kinh doanh cho cửa hàng bán rượu bia

Căn cứ theo điều kiện kinh doanh rượu ở trên:

  • Nếu bạn kinh doanh cửa hàng bán buôn rượu hoặc phân phối rượu: chỉ được lựa chọn hình thức duy nhất là thành lập doanh nghiệp;
  • Nếu bạn kinh doanh cửa hàng bán lẻ rượu, bán rượu tiêu dùng tại chỗ hoặc bán rượu có cồn dưới 5,5 độ thì tùy theo quy mô, cơ cấu góp vốn để lựa chọn 1 trong các hình thức sau: doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

Trong phạm vi bài viết này, Anpha sẽ hướng dẫn chi tiết hồ sơ, thủ tục đăng ký kinh doanh cho cửa hàng bán rượu bia theo mô hình công ty và hộ kinh doanh.

1. Hồ sơ, thủ tục thành lập công ty kinh doanh bia rượu

Hồ sơ thành lập công ty kinh doanh bia rượu gồm có:

  • Giấy đề nghị đăng ký thành lập công ty bán bia rượu;
  • Điều lệ công ty;
  • Danh sách thành viên/cổ đông góp vốn mở công ty kinh doanh bia rượu;
  • Bản sao công chứng CCCD/hộ chiếu của thành viên, cổ đông và người đại diện pháp luật;
  • Giấy ủy quyền (nếu ủy quyền người khác thực hiện thủ tục);
  • Bản sao công chứng CCCD/hộ chiếu của người được ủy quyền.

>> TẢI MIỄN PHÍ: Hồ sơ thành lập công ty kinh doanh bia rượu.

Sau khi chuẩn bị xong hồ sơ, bạn nộp hồ sơ thành lập công ty tới Sở KH&ĐT tỉnh theo 2 cách sau đây:

  • Nộp hồ sơ giấy trực tiếp tại Bộ phận Một cửa - Phòng Đăng ký kinh doanh hoặc gửi qua VNpost;
  • Nộp hồ sơ online trên Cổng thông tin doanh nghiệp toàn quốc.

Trong vòng 3 ngày làm việc tính từ ngày nhận hồ sơ, Phòng Đăng ký kinh doanh kiểm tra hồ sơ và thông báo kết quả, cụ thể:

  • Hồ sơ hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh ra thông báo cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho công ty bia rượu và hẹn ngày trả kết quả;
  • Hồ sơ không hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh ra thông báo từ chối cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc yêu cầu doanh nghiệp sửa đổi, bổ sung hồ sơ và nộp lại.

>> Xem thêm: Thủ tục thành lập công ty có vốn nước ngoài bán buôn rượu.

2. Thủ tục đăng ký hộ kinh doanh cá thể cho cửa hàng bia rượu

Hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh cá thể cho cửa hàng bia rượu gồm có:

  • Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh bán bia rượu;
  • Bản sao công chứng CCCD của chủ cửa hàng bia rượu;
  • Bản sao hợp đồng thuê nhà để mở cửa hàng/bản sao sổ đỏ nếu mở cửa hàng tại nhà riêng;
  • Giấy ủy quyền (nếu ủy quyền cho người khác thực hiện thủ tục);
  • Bản sao công chứng CCCD/hộ chiếu của người được ủy quyền.

>> TẢI MIỄN PHÍ: Hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh cho cửa hàng bán bia rượu.

Sau khi chuẩn bị xong hồ sơ, bạn nộp hồ sơ tới bộ phận tiếp nhận hồ sơ - trả kết quả của UBND quận/chuyện, nơi mở cửa hàng kinh doanh bia rượu. Sau 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh của quận/huyện sẽ xét duyệt hồ sơ và cấp giấy phép hộ kinh doanh đối với hồ sơ hợp lệ.

Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ ra thông báo yêu cầu chủ cửa hàng sửa đổi, bổ sung hồ sơ và nộp lại trong thời gian yêu cầu.

>> Xem chi tiết: Thủ tục đăng ký hộ kinh doanh cá thể.

Lưu ý:

Trong giấy chứng nhận đăng ký hoạt động cần có ngành nghề tương ứng phù hợp với hoạt động kinh doanh rượu của cửa hàng.

Hồ sơ, thủ tục xin giấy phép kinh doanh rượu bia (giấy phép con)

Sau khi được cấp giấy phép hộ kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trước khi chính thức bán rượu, bạn phải làm thủ tục cấp xin giấy phép kinh doanh bia rượu hoặc đăng ký hoạt động tại cơ quan có thẩm quyền. 

Tùy theo từng hình thức kinh doanh, bạn cần làm thủ tục xin cấp giấy phép tương ứng. Cụ thể:

  • Cửa hàng phân phối rượu: Giấy phép phân phối rượu;
  • Cửa hàng bán buôn rượu: Giấy phép bán buôn rượu;
  • Cửa hàng bán lẻ rượu: Giấy phép bán lẻ rượu;
  • Cửa hàng bán rượu cho khách sử dụng tại cửa hàng: Đăng ký bán rượu tiêu dùng tại chỗ;
  • Cửa hàng bán rượu dưới 5,5 độ: Đăng ký hoạt động bán rượu có độ cồn dưới 5,5 độ.

1. Giấy phép phân phối rượu

Thành phần hồ sơ xin giấy phép phân phối rượu gồm các giấy tờ sau:

  • Đơn đề nghị được cấp giấy phép phân phối rượu;
  • Bản sao giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
  • Bản sao giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc giấy xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP (đối với rượu chưa có quy chuẩn kỹ thuật) của các sản phẩm rượu dự kiến kinh doanh;
  • Tài liệu về hệ thống phân phối rượu gồm 1 trong 2 loại hồ sơ sau:
    • Bản sao hợp đồng nguyên tắc, thư xác nhận hoặc bản sao bản cam kết tham gia hệ thống phân phối rượu kèm theo bản sao giấy phép bán buôn rượu của thương nhân dự kiến tham gia hệ thống;
    • Bản sao giấy chứng nhận đăng ký chi nhánh công ty hoặc giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp để kinh doanh rượu.
  • Tài liệu liên quan đến nhà cung cấp rượu gồm có:
    • Bản sao các văn bản giới thiệu hoặc bản sao hợp đồng nguyên tắc của thương nhân sản xuất rượu, thương nhân phân phối rượu khác hoặc nhà cung cấp rượu tại nước ngoài;
    • Trường hợp nhà cung cấp rượu là thương nhân trong nước cần có bản sao giấy phép sản xuất rượu hoặc bản sao giấy phép phân phối rượu.
  • Bản cam kết do doanh nghiệp tự lập bảo đảm tuân thủ điều kiện về PCCC, bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật tại trụ sở, địa điểm kinh doanh và kho hàng.

>> TẢI MIỄN PHÍ: Đơn đề nghị cấp giấy phép phân phối rượu.

Doanh nghiệp nộp hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện tới Bộ Công thương tại Hà Nội.

Thời hạn giải quyết hồ sơ:

  • Trong vòng 15 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ hợp lệ, Bộ Công thương xem xét, thẩm định và cấp giấy phép phân phối cho doanh nghiệp;
  • Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Bộ Công thương gửi văn bản yêu cầu doanh nghiệp bổ sung hồ sơ.

2. Giấy phép bán buôn rượu

Thành phần hồ sơ xin giấy phép bán buôn rượu gồm có:

  • Đơn đề nghị được cấp giấy phép bán buôn rượu;
  • Bản sao giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
  • Tài liệu về hệ thống bán buôn rượu gồm 1 trong 2 loại hồ sơ sau:
    • Bản sao hợp đồng nguyên tắc, thư xác nhận hoặc bản sao bản cam kết tham gia hệ thống bán buôn rượu kèm bản sao giấy phép bán lẻ rượu của thương nhân có dự kiến tham gia hệ thống;
    • Bản sao giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh công ty hoặc giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh của công ty để kinh doanh rượu.
  • Tài liệu có liên quan đến nhà cung cấp rượu gồm có:
    • Bản sao các văn bản giới thiệu hoặc bản sao hợp đồng nguyên tắc của thương nhân sản xuất trong nước, thương nhân phân phối hoặc thương nhân bán buôn khác;
    • Bản sao giấy phép sản xuất rượu, giấy phép phân phối hoặc giấy phép bán buôn rượu của các nhà cung cấp rượu.

>> TẢI MIỄN PHÍ: Đơn đề nghị xin giấy phép bán buôn rượu.

Nơi nộp hồ sơ: Sở Công thương tỉnh/thành phố.

Thời hạn giải quyết hồ sơ:

  • Trong vòng 15 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ hợp lệ, Sở Công thương xem xét, thẩm định và cấp giấy phép bán buôn cho doanh nghiệp;
  • Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Sở Công thương tỉnh gửi văn bản yêu cầu doanh nghiệp bổ sung hồ sơ.

>> Tải miễn phí: Thủ tục xin giấy phép bán buôn rượu.

3. Giấy phép bán lẻ rượu

Thành phần hồ sơ xin giấy phép bán lẻ rượu gồm có:

  • Đơn đề nghị được cấp giấy phép bán lẻ rượu;
  • Bản sao giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy phép hộ kinh doanh cá thể;
  • Bản sao hợp đồng thuê hoặc hợp đồng mượn hoặc tài liệu chứng minh quyền sử dụng hợp pháp cơ sở dự kiến làm địa điểm bán lẻ;
  • Bản sao văn bản giới thiệu hoặc bản sao hợp đồng nguyên tắc của thương nhân sản xuất rượu, thương nhân phân phối rượu hoặc thương nhân bán buôn rượu.

>> TẢI MIỄN PHÍ: Đơn đề nghị được cấp giấy phép bán lẻ rượu.

Nơi nộp hồ sơ: Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế - Hạ tầng thuộc UBND cấp quận/huyện.

Thời hạn giải quyết hồ sơ:

  • Trong vòng 10 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ hợp lệ, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp quận/huyện xem xét, thẩm định và cấp giấy phép;
  • Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong vòng 3 ngày, cơ quan đăng ký kinh doanh từ chối hoặc yêu cầu thương nhân bổ sung hồ sơ.

>> Xem chi tiết: Thủ tục xin giấy phép bán lẻ rượu.

4. Đăng ký hoạt động bán rượu tiêu dùng tại chỗ

Thành phần hồ sơ đăng ký bán rượu tiêu dùng tại chỗ gồm có:

  • Giấy đăng ký bán rượu tiêu dùng tại chỗ;
  • Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận hộ kinh doanh cá thể;
  • Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng hợp pháp nơi kinh doanh của thương nhân bán rượu tiêu dùng tại chỗ;
  • Bản sao giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm rượu (gồm có: giấy phép phân phối rượu, giấy phép bán buôn rượu, giấy phép bán lẻ rượu...).

>> TẢI MIỄN PHÍ: Giấy đăng ký bán rượu tiêu dùng tại chỗ.

Nơi nộp hồ sơ: Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế - Hạ tầng thuộc UBND cấp quận/huyện.

Thời hạn giải quyết hồ sơ:

  • Trong vòng 10 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ hợp lệ, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp quận/huyện xem xét, thẩm định và cấp giấy phép;bán rượu
  • Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh từ chối hoặc yêu cầu thương nhân bổ sung hồ sơ.

>> Xem chi tiết: Thủ tục xin giấy phép bán rượu tiêu dùng tại chỗ.

5. Hồ sơ đăng ký hoạt động bán rượu có độ cồn dưới 5,5 độ

Thành phần hồ sơ đăng ký bán rượu có nồng độ cồn dưới 5,5 độ gồm có:

  • Giấy đăng ký kinh doanh rượu có độ cồn dưới 5,5 độ;
  • Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận hộ kinh doanh;
  • Giấy tờ chứng minh tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm;
  • Bản sao giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ của rượu được nhập khẩu vào Việt Nam qua các cửa khẩu quốc tế.

>> TẢI MIỄN PHÍ: Giấy đăng ký bán rượu có nồng độ cồn dưới 5,5 độ.

Nơi nộp hồ sơ: Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế - Hạ tầng thuộc UBND cấp quận/huyện.

Thời hạn giải quyết hồ sơ:

  • Trong vòng 10 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ hợp lệ, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp quận/huyện xem xét và chấp thuận cho cửa hàng bán rượu tiêu dùng tại chỗ.
  • Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh từ chối hoặc yêu cầu thương nhân bổ sung hồ sơ.

-----------

Nếu bạn đang gặp khó khăn trong việc làm thủ tục xin giấy phép kinh doanh rượu (giấy phép con) có thể tham khảo dịch vụ xin giấy phép kinh doanh rượu của Anpha dưới đây để tiết kiệm thời gian, chi phí:

Lưu ý: Tùy từng tỉnh thành và quy mô của cửa hàng kinh doanh rượu mà chi phí có thể thay đổi.

Liên hệ ngay cho Anpha theo hotline dưới đây để được tư vấn và báo phí chi tiết.

GỌI NGAY

Các câu hỏi thường gặp khi mở cửa hàng bán rượu

1. Cửa hàng bán rượu có thể kinh doanh theo các hình thức nào?

Khi kinh doanh cửa hàng bán rượu, có thể lựa chọn các hình thức sau: cửa hàng phân phối rượu, cửa hàng bán buôn rượu, cửa hàng bán lẻ rượu, cửa hàng bán rượu tiêu dùng tại chỗ, cửa hàng bán rượu có độ cồn dưới 5,5 độ.

2. Bán rượu tiêu dùng tại chỗ có cần xin giấy phép không?

Theo quy định hiện hành thì bán rượu tiêu dùng tại chỗ không cần xin giấy phép mà chỉ cần đăng ký tại Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế và Hạ tầng cấp huyện.

3. Thẩm quyền cơ quan cấp giấy phép bán buôn rượu?

Sở Công thương là cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép bán buôn rượu trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Gọi cho chúng tôi theo số 0984 477 711 (Miền Bắc) - 0903 003 779 (Miền Trung) - 0908 742 789 (Miền Nam) để được hỗ trợ.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Đánh giá chất lượng bài viết, bạn nhé!

5.0

1 đánh giá
Chọn đánh giá

Gửi đánh giá

BÌNH LUẬN - HỎI ĐÁP

Hãy để lại câu hỏi của bạn, chúng tôi sẽ trả lời TRONG 15 PHÚT

SĐT và email sẽ được ẩn để bảo mật thông tin của bạn GỬI NHANH