Xem ngay: Thủ tục chuyển nhượng - thay đổi tên chủ hộ kinh doanh cá thể và điều kiện chủ hộ kinh doanh mới cần đáp ứng trong bài viết sau đây của Anpha.
Thay đổi chủ sở hữu hộ kinh doanh được hiểu là việc hay đổi chủ hộ kinh doanh hay chuyển nhượng hộ kinh doanh từ cá nhân này sang cá nhân khác. Tuy nhiên, nhiều chủ hộ kinh doanh khi có nhu cầu sang nhượng, chuyển nhượng lại cửa hàng cho người thân hoặc bạn bè thì lại chưa biết nên thực hiện thủ tục thay đổi chủ sở hữu trên giấy phép hộ kinh doanh như thế nào. Hãy cùng Anpha tìm hiểu chi tiết tại bài viết này nhé!
Quy định về việc chuyển nhượng - thay đổi chủ hộ kinh doanh cá thể
Trước đây, theo quy định tại Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ra đời, hộ kinh doanh không được phép thay đổi chủ sở hữu, tức là không thể chuyển nhượng hộ kinh doanh cho một người khác. Khi đó, nếu muốn thay đổi chủ sở hữu hộ kinh doanh, bạn phải chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh cũ, rồi thành lập hộ kinh doanh mới.
Tuy nhiên, sau khi Nghị định 01/2021/NĐ-CP ra đời, pháp luật hiện hành cho phép việc thay đổi chủ sở hữu hộ kinh doanh cá thể có thể được tiến hành thông qua hình thức:
- Chuyển nhượng (mua bán) hộ kinh doanh;
- Tặng cho hộ kinh doanh;
- Thừa kế hộ kinh doanh.
Thủ tục thay đổi chủ sở hữu hộ kinh doanh cá thể
1. Hồ sơ thay đổi chủ hộ kinh doanh cá thể
Hồ sơ thay đổi chủ sở hữu hộ kinh doanh tương đối đơn giản và được quy định tại Điều 90 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP.
Hồ sơ thay đổi chủ sở hữu hộ kinh doanh cá thể cần chuẩn bị gồm có:
- Thông báo thay đổi chủ sở hữu hộ kinh doanh cá thể (*);
- Hợp đồng mua bán hoặc các giấy tờ pháp lý chứng minh việc hoàn tất mua bán trong trường hợp bán hộ kinh doanh;
- Hợp đồng tặng cho trong trường hợp tặng cho hộ kinh doanh;
- Bản sao giấy tờ pháp lý xác nhận quyền thừa kế hợp pháp của chủ sở hữu hộ kinh doanh mới trong trường hợp thay đổi chủ sở hữu hộ kinh doanh do thừa kế;
- Bản sao CMND/CCCD/Hộ chiếu còn thời hạn của chủ sở hữu hộ kinh doanh mới.
>> TẢI MIỄN PHÍ: Phụ lục III-3: Thông báo thay đổi chủ sở hữu hộ kinh doanh cá thể.
(*)
Thông báo thay đổi chủ sở hữu hộ kinh doanh phải được ký bởi chủ hộ kinh doanh cũ và chủ hộ kinh doanh mới. Trường hợp thay đổi chủ hộ kinh doanh do thừa kế thì chủ sở hữu hộ kinh doanh ký tên.
2. Quy trình thay đổi chủ hộ kinh doanh cá thể
Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ khi thay đổi chủ sở hữu hộ kinh doanh cá thể, chủ sở hữu mới của hộ kinh doanh có trách nhiệm đăng ký thay đổi nội dung giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh với cơ quan đăng ký kinh doanh.
Các bước thay đổi tên chủ hộ trên giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh như sau:
➨ Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ thay đổi chủ sở hữu hộ kinh doanh
- Số lượng hồ sơ cần chuẩn bị: 1 bộ;
- Chi tiết thành phần hồ sơ đã được Anpha trình bày ở trên.
➨ Bước 2: Nộp hồ sơ lên cơ quan đăng ký kinh doanh
- Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, chủ sở hữu mới của hộ kinh doanh nộp hồ sơ thông báo thay đổi chủ sở hữu hộ kinh doanh cá thể đến Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc UBND cấp quận/huyện nơi cấp giấy phép kinh doanh;
- Hoặc để tiết kiệm thời gian đi lại, chủ hộ có thể nộp hồ sơ trực tuyến (online) qua trang dịch vụ công của UBND tỉnh/thành phố.
Ví dụ:
Hộ kinh doanh có địa chỉ tại quận Cầu Giấy thì chủ hộ kinh doanh mới cần gửi hồ sơ tới bộ phận Một cửa - Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc UBND quận Cầu Giấy hoặc nộp hồ sơ online tại trang dịch vụ công của Sở KH&ĐT thành phố Hà Nội theo địa chỉ: http://123.25.28.178/dkkdqh/.
➨ Bước 3: Cơ quan đăng ký kinh doanh quận/huyện xử lý hồ sơ và trả kết quả
- Sau khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký hộ kinh doanh cấp huyện sẽ cấp cho chủ hộ giấy biên nhận và hẹn ngày trả kết quả;
- Trong trường hợp hồ sơ đã đầy đủ và hợp lệ, trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp quận/huyện sẽ cấp cho bạn giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh mới. Khi đó, chủ hộ cần nộp lại giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cũ;
- Trong trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, cơ quan đăng ký hộ kinh doanh cấp quận/huyện sẽ ra thông báo nêu rõ lý do và yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ cho hợp lệ.
Điều kiện của chủ hộ kinh doanh cá thể mới
Khi tiến hành thay đổi chủ sở hữu hộ kinh doanh, cá nhân làm chủ sở hữu mới của hộ kinh doanh (hay người nhận chuyển nhượng) phải đáp ứng một số điều kiện được quy định tại Điều 80 Nghị định 01/2021/NĐ-CP cụ thể như sau:
- Là người Việt Nam có năng lực dân sự đầy đủ theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 (không thuộc trường hợp đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại các cơ sở cai nghiện, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc cấm làm một công việc nhất định);
- Đang không là chủ sở hữu hộ kinh doanh nào trong phạm vi toàn quốc;
- Không được đồng thời làm chủ doanh nghiệp tư nhân hoặc thành viên công ty hợp danh, trừ khi được các thành viên hợp danh còn lại đồng ý.
Nghĩa vụ của chủ hộ kinh doanh cũ và mới sau khi thay đổi
➨ Đối với chủ hộ kinh doanh cũ:
- Cần lưu ý rằng, trước thời điểm chuyển giao hộ kinh doanh, chủ hộ kinh doanh cũ vẫn phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của hộ kinh doanh đó;
- Trường hợp chủ sở hữu hộ kinh doanh cũ và chủ sở hữu hộ kinh doanh mới có các thỏa thuận khác về việc thực hiện nghĩa vụ thì 2 bên thực hiện theo thỏa thuận.
➨ Đối với chủ hộ kinh doanh mới:
- Thực hiện nghiêm chỉnh các nghĩa vụ thuế, nghĩa vụ về tài chính và các hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh;
- Chủ sở hữu hộ kinh doanh mới sẽ đại diện cho hộ kinh doanh với tư cách là người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nếu xảy ra tranh chấp về dân sự trước Tòa án, trọng tài;
- Chủ sở hữu hộ kinh doanh mới sẽ phải chịu các nghĩa vụ phát sinh liên quan đến hoạt động của hộ kinh doanh;
- Chủ sở hữu hộ kinh doanh mới có quyền thuê người khác để quản lý, điều hành các hoạt động của hộ kinh doanh. Tuy nhiên chủ hộ kinh doanh vẫn phải chịu các nghĩa vụ về tài chính cũng như các nghĩa vụ khác liên quan đến hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh;
- Các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Trên đây là toàn bộ hướng dẫn của Anpha về thủ tục thay đổi chủ sở hữu hộ kinh doanh cá thể. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào, vui lòng liên hệ Kế toán Anpha để được tư vấn chi tiết miễn phí.
Một số câu hỏi về thủ tục thay đổi chủ hộ kinh doanh
1. Thế nào là thay đổi chủ sở hữu hộ kinh doanh cá thể?
Thay đổi chủ sở hữu hộ kinh doanh cá thể được hiểu là thủ tục thay đổi chủ hộ kinh doanh từ cá nhân này sang cá nhân khác.
2. Việc thay đổi chủ sở hữu hộ kinh doanh cá thể được diễn ra theo hình thức nào?
Việc thay đổi chủ sở hữu hộ kinh doanh cá thể có thể được tiến hành thông qua hình thức:
- Chuyển nhượng (mua bán) hộ kinh doanh;
- Tặng cho hộ kinh doanh;
- Thừa kế hộ kinh doanh.
3. Chủ sở hữu mới của hộ kinh doanh cá thể cần đáp ứng điều kiện gì?
Chủ hộ kinh doanh cá thể mới cần đáp ứng những điều kiện sau đây:
- Là công dân Việt Nam có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
- Đang không là chủ sở hữu hộ kinh doanh nào trong phạm vi toàn quốc;
- Không được đồng thời làm chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên của công ty hợp danh.
4. Khi thay đổi chủ sở hữu hộ kinh doanh cá thể cần lưu ý điều gì?
Cần lưu ý rằng, trước khi chuyển giao hộ kinh doanh, chủ hộ kinh doanh cũ vẫn phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của hộ kinh doanh đó.
Trường hợp chủ sở hữu cũ và mới của hộ kinh doanh có các thỏa thuận khác về việc thực hiện nghĩa vụ thì hai bên thực hiện theo thỏa thuận.
Gọi cho chúng tôi theo số 0984 477 711 (Miền Bắc) - 0903 003 779 (Miền Trung) - 0938 268 123 (Miền Nam) để được hỗ trợ.
Nguyễn Mai - Phòng Pháp lý Anpha
Đánh giá chất lượng bài viết, bạn nhé!
BÌNH LUẬN - HỎI ĐÁP
Hãy để lại câu hỏi của bạn, chúng tôi sẽ trả lời TRONG 15 PHÚT