Thủ tục cấp giấy phép kinh doanh vận tải cho Hộ Kinh Doanh

Hộ cá thể được cung cấp dịch vụ vận tải không? Nếu có, điều kiện, thủ tục cấp giấy phép kinh doanh vận tải cho hộ kinh doanh như thế nào? Cần lưu ý điều gì? Mời bạn tham khảo chi tiết trong bài viết dưới đây của Anpha.

Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô bao gồm dịch vụ vận chuyển hàng hóa và dịch vụ vận chuyển hành khách. Vậy hộ cá thể có được đăng ký kinh doanh vận tải với cả 2 dịch vụ này không? Nếu có thì điều kiện và thủ tục xin giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô cho hộ kinh doanh cá thể như thế nào? Anpha sẽ giải đáp chi tiết cho bạn trong bài viết dưới đây.

Hộ cá thể có được cung cấp dịch vụ vận tải không?

Theo Điều 3 Nghị định 10/2020/NĐ-CP và Điều 67 Luật Giao thông vận tải, có 3 đối tượng được hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô gồm: doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh cá thể. Trong đó:

  • Doanh nghiệp và hợp tác xã được đăng ký kinh doanh cả dịch vụ vận tải hàng hóa và dịch vụ vận tải hành khách (bằng xe ô tô theo tuyến cố định, kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt, bằng xe taxi, xe công-ten-nơ);
  • Hộ kinh doanh được đăng ký kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hóa và dịch vụ vận tải hành khách theo hợp đồng, không được kinh doanh vận tải theo tuyến cố định.

Nếu bạn muốn tìm hiểu thủ tục xin giấy phép kinh doanh vận tải cho doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có thể tham khảo chi tiết tại bài viết: Thủ tục xin giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Điều kiện cấp giấy phép kinh doanh vận tải hộ cá thể

Để xin giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, hộ kinh doanh cần đáp ứng các điều kiện sau:

➨ Điều kiện về ngành nghề kinh doanh

Khi làm thủ tục đăng ký kinh doanh, bạn cần đăng ký các mã ngành kinh doanh vận tải, chẳng hạn:

  • Mã ngành 4933 - vận tải hàng hóa bằng đường bộ trường hợp hộ kinh doanh cung cấp dịch vụ vận tải hàng hóa;
  • Mã ngành 4932 - vận tải hành khách đường bộ khác trường hợp hộ kinh doanh cung cấp dịch vụ vận tải hành khách theo hợp đồng (không theo tuyến cố định).

Lưu ý:

Nếu trên giấy phép hộ kinh doanh cá thể thiếu các mã ngành nghề về vận tải hàng hóa hoặc vận tải hành khách, thì hộ kinh doanh phải làm thủ tục bổ sung ngành nghề trước khi làm thủ tục xin giấy phép kinh doanh vận tải.

>> Xem thêm: Thủ tục bổ sung ngành nghề kinh doanh hộ cá thể.

➨ Điều kiện kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô

Xe ô tô vận tải hàng hóa phải thuộc quyền sở hữu hợp pháp của hộ kinh doanh hoặc hộ kinh doanh phải có quyền sử dụng hợp pháp theo hợp đồng thuê xe với tổ chức/cá nhân cho thuê theo quy định pháp luật.

Trước ngày 01/07/2021, đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe công-ten-nơ, xe đầu kéo phải lắp camera hành trình trên các xe này để ghi và lưu trữ hình ảnh của lái xe trong quá trình xe lưu thông. Thời gian lưu trữ hình ảnh trên xe phải đảm bảo như sau:

  • Tối thiểu 24 giờ gần nhất đối với xe có trên hành trình đến 500km;
  • Tối thiểu 72 giờ gần nhất đối với xe có hành trình trên 500km.

➨ Điều kiện kinh doanh vận tải hành khách

Xe ô tô vận tải hành khách theo hợp đồng (không theo tuyến cố định) của hộ kinh doanh cần đáp ứng các điều kiện sau:

  • Xe ô tô phải có phù hiệu “xe hợp đồng”. Phù hiệu xe phải được dán cố định ở phía bên phải mặt trong kính trước của xe;
  • Cụm từ “xe hợp đồng” phải được làm bằng vật liệu phản quang và dán cố định trên kính phía trước và kính phía sau xe với kích thước tối thiểu của cụm từ “xe hợp đồng” là 6 x 20cm;
  • Phải niêm yết thông tin gồm tên, số điện thoại của hộ kinh doanh vận tải trên phần đầu mặt ngoài 2 bên thân xe hoặc 2 bên cánh cửa xe với kích thước tối thiểu 20 x 20cm;
  • Số lượng, chất lượng, cách bố trí ghế ngồi trong xe phải đúng theo thiết kế của xe;
  • Xe chở khách phải trang bị dụng cụ thoát hiểm; đảm bảo điều kiện an toàn về PCCC.

Thủ tục xin giấy phép kinh doanh vận tải cho hộ kinh doanh

Hồ sơ xin cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô cho hộ kinh doanh gồm có:

  1. Đơn đề nghị cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (theo mẫu);
  2. Bản sao giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cá thể.

>> TẢI MIỄN PHÍ: Phụ lục I - Giấy đề nghị cấp (cấp lại) giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Sau khi chuẩn bị xong hồ sơ xin cấp giấy phép kinh doanh vận tải, hộ kinh doanh có thể nộp hồ sơ tới Sở Giao thông vận tải tỉnh/thành phố theo 2 cách sau:

  • Cách 1: Nộp trực tiếp tại Bộ phận tiếp nhận hồ sơ của Sở Giao thông vận tải cấp tỉnh;
  • Cách 2: Nộp hồ sơ online qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến của tỉnh.

Trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, Sở Giao thông vận tải tiến hành thẩm định hồ sơ và cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô cho hộ kinh doanh.

Trường hợp hồ sơ cần sửa đổi, bổ sung, Sở Giao thông vận tải sẽ thông báo cho hộ kinh doanh trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ.

Trường hợp không cấp giấy phép kinh doanh vận tải cho hộ kinh doanh, Sở Giao thông vận tải trả lời bằng văn bản hoặc gửi thông báo qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến và nêu rõ lý do từ chối cấp.

Quy định kinh doanh vận tải hàng hóa, hành khách đối với hộ kinh doanh

➨ Một số lưu ý khi cung cấp dịch vụ vận tải hàng hóa

  • Xe ô tô tải và xe taxi tải sử dụng vận tải hàng hóa phải được cấp phù hiệu “xe tải”. Thủ tục đăng ký phù hiệu xe tải sẽ được thực hiện sau khi hộ kinh doanh đã được cấp giấy phép kinh doanh vận tải. Bạn có thể tham khảo tại bài viết: Thủ tục cấp phù hiệu xe tải;
  • Đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa phải chịu trách nhiệm việc xếp hàng hóa lên xe ô tô theo hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải;
  • Đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa phải cung cấp cho lái xe giấy vận tải (hay còn gọi là giấy vận chuyển) trong quá trình vận chuyển hàng hóa trên đường. Giấy vận tải do đơn vị kinh doanh tự phát hàng và phải có xác nhận (ký, ghi rõ họ và tên) về số lượng, khối lượng hàng hóa đã xếp lên xe của chủ hàng hoặc người được chủ hàng ủy quyền hoặc đại diện đơn vị, cá nhân thực hiện việc xếp hàng;
  • Người lái xe phải mang theo giấy vận tải bản bản giấy/bản điện tử và các giấy tờ lái xe của phương tiện theo quy định;
  • Đơn vị kinh doanh vận tải và lái xe không được chở hàng vượt quá khối lượng cho phép;
  • Giấy vận tải phải thể hiện đầy đủ các thông tin gồm: tên đơn vị vận tải, biển kiểm soát xe, thông tin bên thuê vận tải, hành trình (điểm đầu, điểm cuối), số hợp đồng, thời gian ký hợp đồng (nếu có); loại hàng và khối lượng hàng hóa vận chuyển cụ thể trên xe;
  • Từ ngày 01/07/2022, trước khi thực hiện vận chuyển, đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa phải cung cấp đầy đủ các nội dung của giấy vận tải qua phần mềm của Bộ Giao thông vận tải.

➨ Một số lưu ý khi cung cấp dịch vụ vận tải hành khách

  • Hợp đồng vận chuyển phải được ký kết giữa hộ kinh doanh và hành khách trước khi cung cấp dịch vụ vận chuyển. Hộ kinh doanh chỉ được ký kết hợp đồng vận chuyển với người thuê nếu họ có nhu cầu thuê cả chuyến xe (bao gồm cả xe và người lái xe);
  • Khi vận chuyển hành khách, ngoài các giấy tờ phải mang theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, lái xe phải mang theo hợp đồng vận chuyển và danh sách hành khách có xác nhận của hộ kinh doanh. Với hợp đồng vận chuyển phục vụ đám tang, đám cưới thì không cần mang theo hợp đồng vận chuyển và danh sách hành khách.

Hình thức cung cấp dịch vụ vận tải hàng hóa của hộ kinh doanh

Hiện nay, hộ kinh doanh có thể cung cấp dịch vụ vận tải hàng hóa theo 2 hình thức sau:

  • Trực tiếp cung cấp dịch vụ vận tải hàng hóa đối với hộ kinh doanh có xe ô tô và lái xe;
  • Thuê xe ô tô hoặc hợp tác với các nhà xe đủ điều kiện để cung cấp dịch vụ vận tải hàng hóa. Với hình thức này, hộ kinh doanh sẽ chịu trách nhiệm làm đầu mối thu nhận hàng hóa ký gửi, thu tiền, liên lạc với bên gửi hàng và bên nhận hàng, chịu trách nhiệm mang hàng đến nhà xe (hay còn gọi là chành hàng, chành xe) để gửi hàng.

Tại các tỉnh miền Tây, miền Nam thì đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải hàng hóa, hành khách còn được gọi với tên là chành hàng, chành xe. Trong đó:

  • Chành xe là đơn vị nhận vận chuyển cả hàng hóa và hành khách;
  • Chành hàng là đơn vị chỉ chuyên vận chuyển hàng hóa. 

Thường các chành xe, chành hàng này thường cung cấp hàng hóa theo tuyến cố định từ tỉnh này qua tỉnh khác tại các địa điểm cố định. Ví dụ: Chành xe Nam Định - Hà Nội là dịch vụ vận tải hàng hóa từ Nam Định lên Hà Nội và ngược lại hoặc chành xe Bắc Nam cung cấp dịch vụ vận tải hàng hóa từ các tỉnh miền Bắc vào Miền Nam và ngược lại.

Do đó, nếu hộ gia đình có nhu cầu đăng ký hoạt động chành hàng bằng xe ô tô thì cần đăng ký hộ kinh doanh và xin giấy phép kinh doanh vận tải hàng hóa.

------------

Anpha cung cấp dịch vụ làm giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô cho hộ kinh doanh, doanh nghiệp tại các tỉnh thành trên toàn quốc với chi phí vô cùng ưu đãi:

  • Hỗ trợ cấp mới/cấp lại giấy phép kinh doanh vận tải;
  • Thời gian hoàn thành thủ tục nhanh chóng - tiết kiệm chi phí;
  • Hỗ trợ đầy đủ các thủ tục đi kèm như: đăng ký bổ sung ngành nghề kinh doanh vận tải, xin cấp phù hiệu vận tải cho xe.

>> Xem chi tiết: Dịch vụ làm giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Bạn chỉ cần cung cấp cho Anpha 2 giấy tờ sau:

  • Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của hộ kinh doanh/doanh nghiệp;
  • Văn bằng/chứng chỉ của người điều hành hoạt động vận tải.

Liên hệ ngay cho Anpha theo hotline dưới đây để được tư vấn và sử dụng dịch vụ.

GỌI NGAY

Gọi cho chúng tôi theo số 0984 477 711 (Miền Bắc) - 0903 003 779 (Miền Trung) -  0908 742 789 (Miền Nam) để được hỗ trợ.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Đánh giá chất lượng bài viết, bạn nhé!

0.0

Chưa có đánh giá nào
Chọn đánh giá

Gửi đánh giá

BÌNH LUẬN - HỎI ĐÁP

Hãy để lại câu hỏi của bạn, chúng tôi sẽ trả lời TRONG 15 PHÚT

SĐT và email sẽ được ẩn để bảo mật thông tin của bạn GỬI NHANH