Lợi ích & rủi ro của các hình thức nhượng quyền thương mại

Các hình thức nhượng quyền thương mại. Lợi ích của nhượng quyền thương mại và rủi ro trong nhượng quyền thương mại. Ví dụ về nhượng quyền thương mại.

Nhượng quyền thương mại là hình thức kinh doanh được nhiều tổ chức, doanh nghiệp áp dụng để tối ưu chi phí mở rộng thị trường. Mô hình kinh doanh nhượng quyền thương mại mang lại những lợi ích và rủi ro gì cho thương nhân nhượng quyền và thương nhân nhận nhượng quyền? Cùng Anpha tìm hiểu thêm trong bài viết này.

Các hình thức nhượng quyền thương mại phổ biến

Hoạt động kinh doanh nhượng quyền thương mại hay nhượng quyền thương hiệu được phân loại dựa theo các tiêu chí phổ biến sau đây:

  • Một là, dựa trên phạm vi lãnh thổ của các chủ thể tham gia vào thương vụ nhượng quyền;
  • Hai là, dựa theo mô hình nhượng quyền;
  • Ba là, dựa theo thể loại hợp đồng nhượng quyền thương mại;
  • Bốn là, dựa theo mức độ tham gia đầu tư của bên nhượng quyền;
  • Năm là, dựa theo mức độ kiểm soát của bên nhượng quyền.

>> Xem thêm: Nhượng quyền thương mại là gì?

1. Căn cứ theo phạm vi lãnh thổ

Hoạt động nhượng quyền thương mại theo phạm vi lãnh thổ được chia thành 3 hình thức dưới đây:

➧ Nhượng quyền thương mại trong nước: Bên nhượng quyền và bên nhận quyền đều là thương nhân Việt Nam.

➧ Nhượng quyền thương mại từ Việt Nam ra nước ngoài: Bên nhượng quyền là tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam, bên nhận quyền là thương nhân nước ngoài.

➧ Nhượng quyền thương mại từ nước ngoài vào Việt Nam: Bên nhượng quyền là thương nhân nước ngoài, bên nhận quyền là thương nhân Việt Nam.

Ví dụ

Một số thương hiệu triển khai hình thức nhượng quyền thương hiệu theo phạm vi lãnh thổ:

  • Nhượng quyền thương mại trong nước: Trung Nguyên Legend, E-coffee, Milano Coffee…;
  • Nhượng quyền thương mại từ Việt Nam ra nước ngoài: Highlands Coffee, Trung Nguyên, Lustea, Cộng Cà Phê, Phở Thìn…;
  • Nhượng quyền thương mại từ nước ngoài vào Việt Nam: Circle K, KFC, Mixue, Pizza 4P’s...
2. Căn cứ theo mô hình nhượng quyền

Xét theo mô hình kinh doanh mà doanh nghiệp nhượng quyền đang hoạt động, nhượng quyền thương mại được chia thành 2 hình thức sau:

➧ Nhượng quyền phân phối sản phẩm: Với hình thức này, bên nhượng quyền cho phép bên nhận quyền được bán các sản phẩm hoặc dịch vụ do mình cung cấp và chỉ được sử dụng nhãn hiệu, logo, khẩu hiệu... của thương hiệu nhượng quyền trong thời hạn hợp đồng nhượng quyền thương mại còn hiệu lực.

➧ Nhượng quyền mô hình kinh doanh: Bên nhượng quyền sẽ bàn giao đầy đủ cho bên nhận quyền gồm: quyền phân phối sản phẩm, dịch vụ; quyền sử dụng logo, nhãn hiệu, biểu ngữ... gắn liền với sản phẩm, dịch vụ mang thương hiệu nhượng quyền; bàn giao kỹ thuật, cách thức vận hành - quản lý mô hình kinh doanh; hỗ trợ đào tạo nhân viên, marketing…

Ví dụ

Một số thương hiệu đang hoạt động theo hình thức nhượng quyền mô hình kinh doanh:

  • Nhượng quyền phân phối sản phẩm: Một số thương hiệu đang hoạt động theo hình thức nhượng quyền phân phối sản phẩm vào thị trường Việt Nam: Coca Cola, Pepsi, Ford…;
  • Nhượng quyền mô hình kinh doanh: Chuỗi cửa hàng kem và trà của thương hiệu Mixue là một ví dụ điển hình về nhượng quyền mô hình kinh doanh. Sau khi hoàn thành thủ tục đăng ký nhượng quyền thương mại, công ty mẹ Mixue tại Trung Quốc sẽ cung cấp cho bên nhận quyền một mô hình kinh doanh hoàn chỉnh bao gồm: giấy phép tên thương mại, phương pháp hoạt động, kế hoạch tiếp thị, trang thiết bị tiêu chuẩn, nguyên liệu, bao bì đóng gói... đồng thời thu phí quản lý, phí nhượng quyền từ bên nhận quyền.
3. Căn cứ theo thể loại hợp đồng nhượng quyền thương mại

Xét theo thể loại hợp đồng nhượng quyền thương mại được ký kết, nhượng quyền thương mại được phân thành 3 hình thức sau:

➧ Nhượng quyền đơn lẻ: Với hình thức nhượng quyền này, bên nhượng quyền cho phép bên nhận quyền được thành lập một đơn vị kinh doanh theo mô hình nhượng quyền nhưng không được tự thực hiện hoạt động nhượng quyền lại cho bên khác.

➧ Nhượng quyền độc quyền: Bên nhượng quyền cho phép bên nhận quyền được mở nhiều đơn vị kinh doanh theo mô hình nhượng quyền trong một phạm vi lãnh thổ nhất định và được nhượng quyền lại cho bên thứ ba trong phạm vi bên nhượng quyền cho phép (bao gồm: số lần được nhượng quyền, điều kiện, phạm vi lãnh thổ được nhượng quyền...).

➧ Nhượng quyền phát triển khu vực: Với hình thức nhượng quyền này, bên nhận quyền được độc quyền phát triển mô hình kinh doanh của bên nhượng quyền tại một khu vực, lãnh thổ nhất định bằng cách mở nhiều đơn vị kinh doanh nhưng không được phép nhượng quyền lại.

4. Căn cứ theo mức độ tham gia đầu tư

Dựa theo mức độ tham gia đầu tư của bên nhượng quyền, hoạt động nhượng quyền được chia thành:

➧ Nhượng quyền không góp vốn đầu tư: Bên nhượng quyền chỉ nhượng quyền lại mô hình kinh doanh hoặc nhượng quyền phân phối sản phẩm cho bên nhận quyền, không đầu tư vốn vào hoạt động kinh doanh của bên nhận quyền.

➧ Nhượng quyền có góp vốn đầu tư: Bên nhượng quyền góp vốn vào mô kinh doanh của bên nhận quyền thông qua chi phí nhượng quyền lần đầu.

>> Có thể bạn cần: Thủ tục mở đại lý phân phối sản phẩm.

5. Căn cứ theo mức độ kiểm soát

Đối với một số lĩnh vực kinh doanh như khách sạn, nhà hàng... để giảm thiểu rủi ro, bên nhượng quyền còn giao kết điều kiện về quyền kiểm soát trong hợp đồng nhượng quyền. Do đó, dựa theo mức độ kiểm soát, nhượng quyền thương mại được phân thành:

➧ Nhượng quyền có kiểm soát: Bên nhượng quyền thực hiện kiểm soát mô hình kinh doanh của bên nhận quyền bằng cách tham gia giám sát, quản lý vận hành cơ sở kinh doanh.

➧ Nhượng quyền không kiểm soát: Bên nhượng quyền bàn giao mô hình kinh doanh hoàn chỉnh và không tham gia vào hoạt động quản lý hay vận hành cơ sở kinh doanh của bên nhận quyền.

>> Xem thêm: Hồ sơ, thủ tục đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại.

Lợi ích của nhượng quyền thương mại

1. Đối với bên nhượng quyền

Tối ưu chi phí mở rộng thị trường

Nhượng quyền chính là cách thức để mở rộng quy mô kinh doanh một cách nhanh nhất. Bên nhượng quyền vừa đạt được mục tiêu lợi nhuận từ việc chuyển nhượng mô hình kinh doanh nhượng quyền, vừa mở rộng được kênh phân phối sản phẩm, dịch vụ mà không tốn kém nhiều chi phí.

Nâng cao hiệu quả quảng bá thương hiệu

Sự có mặt khắp nơi của chuỗi cửa hàng nhượng quyền sẽ giúp đưa hình ảnh về thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ tiếp cận được khách hàng một cách hiệu quả và dễ dàng nhất. Đây cũng là một trong những cách thức quảng cáo hiệu quả, giúp cho bên nhượng quyền gia tăng độ nhận diện thương hiệu.

Gia tăng lợi nhuận nhanh chóng

Doanh thu của bên nhượng quyền chủ yếu đến từ khoản phí nhượng quyền, phí duy trì hàng năm và từ việc cung cấp nguyên liệu, máy móc cho các cửa hàng nhượng quyền. Nguồn thu nhập này thường rất ổn định và có xu hướng tăng qua mỗi năm. Chính vì vậy, càng có nhiều cửa hàng nhượng quyền thì lợi nhuận bên nhượng quyền thu được càng lớn.

2. Đối với bên nhận nhượng quyền

Ít rủi ro

Mô hình kinh doanh nhượng quyền thương mại thường ít rủi ro nhất và có tỷ lệ thành công cao. Bởi mô hình kinh doanh này đã được bên nhượng quyền vận hành thành công trên thị trường trong một thời gian đủ dài. Chính vì vậy, thương hiệu nhượng quyền đều là những thương hiệu nổi tiếng, có tên tuổi trên thị trường, có chất lượng sản phẩm tốt, giá thành cạnh tranh và được người tiêu dùng ưa chuộng.

Được hỗ trợ marketing chuyên nghiệp

Sau khi tiếp quản cửa hàng nhượng quyền, bạn chỉ cần tập trung vào việc điều hành hoạt động kinh doanh. Các hoạt động liên quan đến marketing như quảng cáo sản phẩm, dịch vụ sẽ được bên nhượng quyền hỗ trợ một cách bài bản, xuyên suốt. Bên nhượng quyền cũng sẵn sàng đưa ra những lời khuyên để bên nhận quyền có thể tự triển khai kế hoạch marketing hiệu quả với chi phí hợp lý.

Có sẵn tệp khách hàng trung thành

Thương hiệu nhượng quyền đều là những thương hiệu uy tín trên thị trường và đã có một tệp khách hàng trung thành nhất định. Vì vậy, khi kinh doanh cửa hàng nhượng quyền, bạn đã có sẵn một lượng khách hàng yêu thích và biết đến thương hiệu mà không cần phải mất nhiều thời gian, công sức để quảng cáo.

Như vậy, thay vì phải tự tìm kiếm khách hàng. Cửa hàng nhượng quyền cần làm tốt 2 việc để giữ chân được khách hàng cũ và thu hút thêm được nhiều khách hàng mới đó là:

  • Đảm bảo cung cấp cho khách hàng những sản phẩm, dịch vụ chất lượng;
  • Cung cấp dịch vụ chăm sóc khách hàng tận tâm, chuyên nghiệp.

Nguồn cung cấp nguyên vật liệu chất lượng tốt, giá thành cạnh tranh

Bên nhượng quyền luôn đảm bảo cung cấp cho bên nhận quyền nguồn nguyên liệu, sản phẩm chất lượng với giá thành tốt và bình đẳng với các cửa hàng nhượng quyền khác trong cùng hệ thống. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp nhượng quyền còn có chính sách chiết khấu, khuyến mãi hấp dẫn cho bên nhận quyền khi nhập hàng với số lượng lớn.

>> Xem thêm: Hợp đồng nhượng quyền thương mại.

Rủi ro trong nhượng quyền thương mại

1. Đối với bên nhượng quyền

Bên cạnh những lợi ích, kinh doanh nhượng quyền thương mại còn tiềm ẩn những rủi ro như:

  • Khó có thể kiểm soát được chặt chẽ chất lượng sản phẩm, dịch vụ tại tất cả các cửa hàng nhượng quyền;
  • Có thể bị mất quyền kiểm soát đối với cửa hàng nhượng quyền và khi các cơ sở nhượng quyền hoạt động kém hiệu quả có thể sẽ làm ảnh hưởng tới uy tín của thương hiệu nhượng quyền.

2. Đối với bên nhận nhượng quyền

  • Cơ sở kinh doanh nhượng quyền không được tự do quyết định mọi hoạt động kinh doanh. Mọi sự thay đổi liên quan đến sản phẩm, thương hiệu đều phải có sự giám sát từ phía đơn vị nhượng quyền;
  • Cửa hàng kinh doanh nhượng quyền của bạn có thể đối mặt với nguy cơ cạnh tranh với các cửa hàng kinh doanh nhượng quyền khác trong cùng hệ thống và các thương hiệu tương tự khác.

Gọi cho chúng tôi theo số 0984 477 711 (Miền Bắc) - 0903 003 779 (Miền Trung) - 0938 268 123 (Miền Nam) để được hỗ trợ.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Đánh giá chất lượng bài viết, bạn nhé!

0.0

Chưa có đánh giá nào
Chọn đánh giá

Gửi đánh giá

BÌNH LUẬN - HỎI ĐÁP

Hãy để lại câu hỏi của bạn, chúng tôi sẽ trả lời TRONG 15 PHÚT

SĐT và email sẽ được ẩn để bảo mật thông tin của bạn GỬI NHANH