Cách tính thuế thu nhập cá nhân và các khoản giảm trừ thuế TNCN

Những kinh nghiệm THỰC TẾ được đúc kết về cách tính thuế thu nhập cá nhân 2018. Trình bày chi tiết + ví dụ cụ thể về các khoản giảm trừ thuế TNCN, hồ sơ, thủ tục quyết toán thuế TNCN. Rất phù hợp cho các bạn kế toán mới ra trường hoặc kế toán còn thiếu kinh nghiệm.

I/ Thuế Thu Nhập Cá Nhân Là Gì ?

Thuế thu nhập cá nhân là loại thuế trực thu đánh trên các khoản thu nhập của cá nhân như tiền lương, tiền công; chuyển nhượng vốn, bất động sản; đầu tư… mà cá nhân phải trích nộp vào ngân sách nhà nước.

II/ Đối Tượng Nộp Thuế Thu Nhập Cá Nhân

  1. Cá nhân cư trú tại Việt Nam
  • Cá nhân có mặt ở Việt Nam từ 183 ngày trở lên trong một năm dương lịch.
  • Đối với công dân Việt Nam: nơi ở thường xuyên có đăng ký thường trú theo quy định của pháp luật về cư trú.
  • Đối với người nước ngoài: Có thẻ thường trú hoặc thẻ tạm trú do cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Công an cấp. Có nhà thuê để ở tại Việt Nam: bao gồm cả ở khách sạn, nhà nghỉ, nơi làm việc… tổng số ngày thuê ở các hợp đồng từ 183 ngày trở lên.

  1. Cá nhân không cư trú tại Việt Nam
  • Những cá nhân không đáp ứng ba điều kiện trên thì thuộc diện cá nhân không cư trú.

III/Cách Tính Thuế Thu Nhập Cá Nhân

  1. Xác định thu nhập chịu thuế
  • Đối với cá nhân cư trú: thu nhập chịu thuế là thu nhập phát sinh cả trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam, không phân biệt nơi trả thu nhập. Ví dụ: một công dân Việt Nam có thu nhập tiền lương trong nước và thu nhập từ tiền lương công tác tại nước ngoài thì thu nhập chịu thuế sẽ là tổng thu nhập trên.
  • Đối với cá nhân không cư trú: thu nhập chịu thuế là thu nhập phát sinh tại lãnh thổ Việt Nam, không phân biệt nơi trả thu nhập. Ví dụ: Ông Peter - người Anh Quốc, công tác tại Việt Nam, có mặt trên lãnh thổ Việt Nam dưới 183 ngày, tổng thu nhập từ tiền công, tiền lương được trả tại Việt Nam là thu nhập chịu thuế.

  1. Thời điểm tính thuế thu nhập cá nhân
  • Thời điểm tính thuế thu nhập cá nhân chính là thời điểm mà tổ chức hay cá nhân chi trả thu nhập cho người nộp thuế. (Theo Điểm b, Khoản 2, Điều 8 trong Thông tư 111/2013/TT-BTC)

Ví dụ: Tiền thưởng tết năm 2017 – lương tháng 13, công ty chi trả vào tháng 2/2018 thì tính vào thu nhập chịu thuế của tháng 2/2018.

  • Thuế TNCN được tính theo tháng nhưng kê khai có thể theo tháng hoặc quý (đa phần là kê khai theo quý_mẫu 05/KK_TNCN_TT92/2015)

  1. Phương pháp tính thuế thu nhập cá nhân
    1. Đối với cá nhân cư trú có hợp đồng lao động trên 3 tháng
  • Cá nhân cư trú có ký hợp đồng lao động trên 3 tháng thì thuế thu nhập cá nhân sẽ được tính theo phương pháp biểu thuế lũy tiến từng phần.
  • Theo điểm b, khoản 1, điều 25 của Thông tư 111/2013/TT-BTC:

Thuế TNCN phải nộp = Thu nhập tính thuế x Thuế suất

Trong đó: Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế - Các khoản giảm trừ

Thu nhập chịu thuế = Tổng thu nhập được chi trả – Các khoản thu nhập không tính thuế TNCN

  1. Các khoản thu nhập không tính thuế thu nhập cá nhân
  • Tiền ăn giữa ca: từ tháng 10/2016 được miễn tối đa 730.000đ/tháng/người (Theo Thông tư số 26/2016/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ngày 15/10/2016).

Ví dụ: Công ty phụ cấp tiền ăn trưa tháng 01/2018 là 650.000đ thì số tiền được miễn 650.000đ

  • Nếu chi cao hơn mức quy định trên thì phần chi vượt mức sẽ phải tính thuế TNCN.

Ví dụ: Công ty phụ cấp tiền ăn trưa tháng 02/2018 là 800.000đ thì số tiền được miễn 730.000đ và tính vào thu nhập chịu thuế 70.000đ.

  • Phụ cấp tiền điện thoại: được quy định trong Hợp đồng lao động, Thỏa ước lao động tập thể, theo Quy chế tài chính của Công ty.

Ví dụ: Nhân viên A ký hợp đồng lao động với công ty và trên hợp đồng thỏa thuận mức phụ cấp điện thoại là 500.000đ/tháng.

  • Tháng 01/2018: Nhân viên A được trả phụ cấp điện thoại là 500.000đ thì số tiền được miễn là 500.000đ
  • Tháng 02/2018: Nhân viên A được trả phụ cấp điện thoại là 650.000đ thì số tiền được miễn là 500.000đ và 150.000đ còn lại tính vào thu nhập chịu thuế.
  • Phụ cấp nhà ở: Khoản tiền thuê nhà được tổ chức chi trả thu nhập trả thay tính vào thu nhập chịu thuế không vượt quá 15% trên tổng thu nhập chịu thuế phát sinh (chưa bao gồm tiền thuê nhà, điện, nước và các dịch vụ khác).

Ví dụ: Nhân viên B có tổng thu nhập chịu thuế (chưa tính tiền thuê nhà) là 9.000.000đ và công ty hỗ trợ phụ cấp nhà ở là 3.000.000đ/tháng. Thì số tiền tính vào thu nhập chịu thuế là 9.000.000đ x 15% = 1.350.000đ và số tiền được miễn là 3.000.000đ – 1.350.000đ = 1.650.000đ.

  • Phụ cấp trang phục:
  • Nếu bằng hiện vật: không bị khống chế số tiền nếu có đầy đủ hóa đơn, chứng từ chứng minh.

Ví dụ: Nhân viên A đươc cấp phát đồng phục công ty thì được miễn toàn bộ.

  • Nếu bằng tiền: không vượt quá 5.000.000đ/người/năm

Ví dụ: Nhân viên A được phụ cấp 6.000.000đ để tự trang bị đồng phục thì số tiền được miễn là 5.000.000đ và số tiền tính vào thu nhập chịu thuế là 1.000.000đ

  • Công tác phí: được miễn toàn bộ nếu có đầy đủ hóa đơn, chứng từ chứng minh.

Ví dụ: Nhân viên B đi công tác Đà Nẵng phải có Quyết định cử đi công tác, các hóa đơn, chứng từ trong quá trình đi công tác như hóa đơn GTGT, vé máy bay, thẻ lên máy bay, hóa đơn khách sạn, hóa đơn tàu xe… (những hóa đơn trên 20.000.000đ phải được thanh toán chuyển khoản) thì sẽ được miễn toàn bộ chi. phí trên

  • Tiền lương làm thêm, làm đêm: phần chênh lệch giữa tiền công tính theo ngày làm việc bình thường và tiền công làm thêm giờ được trả cao hơn.

Ví dụ: Nhân viên A làm việc ban ngày bình thường được trả 15.000đ/giờ, làm thêm ban đêm đươc trả 18.000đ/giờ thì số tiền được miễn là 3.000đ và số tiền tính vào thu nhập tính thuế là 15.000đ.

  1. Các khoản giảm trừ thuế thu nhập cá nhân
  • Giảm trừ gia cảnh
  • Giảm trừ bản thân: 9.000.000đ/người/tháng
  • Giảm trừ người phụ thuộc: 3.600.000đ/người/tháng (phải đăng ký người phụ thuộc và không hạn chế số người phụ thuộc)
  • Điều kiện đăng ký người phụ thuộc:
  • Con: dưới 18 tuối, đang theo học tại các bậc đại học, cao đẳng, trung cấp tại Việt Nam hay nước ngoài, không có thu nhập hoặc thu nhập bình quân không quá 1.000.000đ/tháng trong năm.
  • Vợ/chồng, cha, mẹ:

+ Đối với người trong độ tuổi lao động: bị khuyết tật hoặc mất khả năng lao động (phải có giấy chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền cấp), không có thu nhập hoặc thu nhập bình quân không quá 1.000.000đ/tháng trong năm.

+ Đối với người ngoài độ tuổi lao động: không có thu nhập hoặc thu nhập bình quân không quá 1.000.000đ/tháng trong năm.

  • Các khoản đóng bảo hiểm bắt buộc: BHXH, BHYT, BHTN trừ vào lương.
  • Các khoản đóng góp quỹ từ thiện, nhân đạo, khuyến học.

  1. Thuế suất

Áp dụng theo Biểu thuế lũy tiến từng phần được quy đinh tại Phụ lục 01/PL-TNCN theo Thông tư 111/2013/TT-BTC:

Bậc

Thu nhập tính thuế /tháng

Thuế suất

Tính số thuế phải nộp

Cách 1

Cách 2

1

Đến 5 triệu đồng (trđ)

5%

0 trđ + 5% TNTT

5% TNTT

2

Trên 5 trđ đến 10 trđ

10%

0,25 trđ + 10% TNTT trên 5 trđ

10% TNTT – 0,25 trđ

3

Trên 10 trđ đến 18 trđ

15%

0,75 trđ + 15% TNTT trên 10 trđ

15% TNTT – 0,75 trđ

4

Trên 18 trđ đến 32 trđ

20%

1,95 trđ + 20% TNTT trên 18 trđ

20% TNTT – 1,65 trđ

5

Trên 32 trđ đến 52 trđ

25%

4,75 trđ + 25% TNTT trên 32 trđ

25% TNTT – 3,25 trđ

6

Trên 52 trđ đến 80 trđ

30%

9,75 trđ + 30% TNTT trên 52 trđ

30 % TNTT – 5,85 trđ

7

Trên 80 trđ

35%

18,15 trđ + 35% TNTT trên 80 trđ

35% TNTT – 9,85 trđ

Ví dụ: Nhân viên A làm việc tại Công ty Anpha có ký hợp đồng lao động 1 năm. Tháng 07/2018, nhân viên A được trả các khoản thu nhập sau:

  • Lương cơ bản: 12.000.000đ
  • Tiền phụ cấp ăn trưa: 850.000đ
  • Tiền phụ cấp điện thoại: 200.000đ
  • Tiền phụ cấp xăng xe, đi lại: 800.000đ
  • Thưởng công việc: 3.000.000đ
  • Các khoản bảo hiểm phải nộp: 12.000.000đ x 10.5% = 1.260.000đ
  • Không đăng ký người phụ thuộc.

Tổng thu nhập của A = 12.000.000đ + 850.000đ + 200.000đ + 800.000đ + 3.000.000đ = 16.850.000đ

Thu nhập không tính thuế = 730.000đ + 200.000đ = 930.000đ

  • Thu nhập chịu thuế của A = 16.850.000đ – 930.000đ = 15.920.000đ

Các khoản giảm trừ = 9.000.000đ + 1.260.000đ = 10.260.000đ

  • Thu nhập tính thuế của A = 15.920.000đ – 10.260.000đ = 5.660.000đ => phát sinh ở bậc 2
  • Cách 1: Số thuế TNCN nhân viên A phải nộp là:    

250.000đ + 10% x 660.000đ = 316.000đ

  • Cách 2: Số thuế TNCN nhân viên A phải nộp là:  

5.660.000đ x 10% - 250.000đ = 316.000đ

         3.2. Đối với cá nhân cư trú có hợp động lao động dưới 3 tháng hoặc không có hợp đồng lao động

- Các tổ chức, cá nhân chi trả thu nhập từ tiền công, tiền lương cho cá nhân cư trú có ký hợp đồng lao động dưới 3 tháng hoặc không ký hợp đồng lao động có tổng mức chi trả thu nhập từ 2.000.000đ/lần trở lên phải khấu trừ thuế TNCN ở mức 10% trên tổng thu nhập trước khi chi trả cho người lao động.

Ví dụ: Nhân viên B ký hợp động lao động thời vụ 2 tháng với Anpha. Mỗi tháng được trả các khoản thu nhập như sau:

  • Tiền lương chính: 4.000.000đ
  • Phụ cấp ăn trưa: 300.000đ
  • Phụ cấp xăng xe: 200.000đ

Thu nhập tính thuế của A = 4.000.000đ + 300.000đ +200.000đ = 4.500.000đ

  • Số tiền thuế TNCN = 4.500.000đ x 10% = 450.000đ
  • Số tiền nhân viên A thực nhận = 4.500.000đ – 450.000đ = 4.050.000đ

  • Khi khấu trừ thuế TNCN: cá nhân có quyền yêu cầu tổ chức chi trả thu nhập cấp chứng từ khấu trừ thuế cho mỗi lần khấu trừ thuế.
  • Nếu cá nhân chỉ có duy nhất thu nhập tại 1 nơi thuộc đối tượng phải khấu trừ thuế nhưng ước tính trong một năm tổng mức thu nhập chịu thuế của cá nhân đó sau khi trừ giảm trừ gia cảnh chưa đến mức phải nộp thuế TNCN (dưới 108.000.000đ/năm) thì cá nhân đó làm Cam kết 02/CK-TNCN (Theo Thông tư 92/2015/TT-BTC) gửi cho tổ chức chi trả thu nhập làm căn cứ tạm thời chưa khấu trừ thuế.(Đính kèm file)
  • Điều kiện làm cam kết 02/CK-TNCN: cá nhân nhận thu nhập bắt buộc phải có mã số thuế tại thời điểm làm cam kết.

          3.3. Đối với cá nhân cư trú có thu nhập từ 2 nơi trở lên

               3.3.1. Cá nhân cư trú có thu nhập từ 2 nơi trở lên đều có ký hợp đồng lao động trên 3 tháng

  • Cá nhân cư trú có thu nhập từ 2 nơi trở lên đều có ký hợp đồng lao động trên 3 tháng thì thuế TNCN được tính theo Biểu thuế luỹ tiến từng phần.
  • Cá nhân có thu nhập từ nhiều nơi thì chỉ được giảm trừ bản thân tại 1 nơi, giảm trừ người phụ thuộc thì đăng ký qua tổ chức chi trả thu nhập muốn tính giảm trừ.

Ví dụ: Nhân viên B ký hợp đồng lao động không thời hạn với Công ty Anpha và hợp đồng lao động thời hạn 1 năm với Công ty Beta.

  • Tại Công ty Anpha: Nhân viên B được trả các khoản thu nhập sau:
  • Lương cơ bản: 12.000.000đ/tháng
  • Phụ cấp ăn trưa: 730.000đ/tháng
  • Phụ cấp điện thoại: 200.000đ/tháng
  • Phụ cấp trang phục: 300.000đ/tháng
  • Thưởng: 2.000.000đ/tháng
  • Các khoản bảo hiểm phải nộp: 12.000.000đ x 10.5% = 1.260.000đ
  • Không đăng ký người phụ thuộc.

Tổng thu nhập = 12.000.000đ + 730.000đ + 200.000đ + 300.000đ + 2.000.000đ = 15.230.000đ

Thu nhập chịu thuế = 15.230.000đ – 730.000đ – 200.000đ – 300.000đ = 14.000.000đ

Thu nhập tính thuế = 14.000.000đ – 9.000.000đ – 1.260.000đ = 3.740.000đ

  • Số tiền thuế phải nộp = 3.740.000đ x 5% = 187.000đ
  • Tại Công ty Beta: Nhân viên B được trả các khoản thu nhập sau:
  • Lương chính : 8.500.000đ/tháng
  • Thưởng: 1.500.000đ
  • Phụ cấp xăng xe, đi lại: 300.000đ
  • Đăng ký 1 người phụ thuộc

Tổng thu nhập = 8.500.000đ + 1.500.000đ + 300.000đ = 10.300.000đ

Thu nhập chịu thuế = 10.300.000đ

Thu nhập tính thuế = 10.300.000đ – 3.600.000đ = 6.700.000đ

  • Số tiền thuế phải nộp = 6.700.000đ x 10% - 250.000đ = 420.000đ
  • Tổng số tiền thuế TNCN phải nộp = 187.000đ + 420.000đ = 607.000đ

          3.3.2. Cá nhân cư trú có thu nhập từ 2 nơi trở lên trong đó có nơi ký hợp đồng lao động dưới 3 tháng

- Cá nhân cư trú có thu nhập từ 2 nơi trở lên trong đó có nơi ký hợp đồng lao động dưới 3 tháng (hoặc thu nhập vãng lai) thì:

  • Thu nhập ở nơi ký hợp đồng lao đồng trên 3 tháng sẽ tính theo Biểu thuế luỹ tiến từng phần
  • Thu nhập tại nơi ký hợp đồng lao động dưới 3 tháng với mức thu nhập trên 2.000.000đ/lần thì phải khấu trừ 10% trên tổng thu nhập. Không được làm cam kết 02/CK-TNCN.

Ví dụ: Nhân viên A ký hợp đồng lao động 1 năm với Công ty Anpha và hợp đồng thời vụ 2 tháng với Công ty Beta.

  • Tại Công ty Anpha: Nhân viên A được trả các khoản thu nhập sau:
  • Lương cơ bản: 10.000.000đ/tháng
  • Phụ cấp ăn trưa: 730.000đ/tháng
  • Phụ cấp điện thoại: 200.000đ/tháng
  • Thưởng: 2.000.000đ/tháng
  • Các khoản bảo hiểm phải nộp: 10.000.000đ x 10.5% = 1.050.000đ

Tổng thu nhập = 10.000.000đ + 730.000đ + 200.000đ + 2.000.000đ = 12.930.000đ

Thu nhập chịu thuế = 12.930.000đ – 730.000đ – 200.000đ = 12.000.000đ

Thu nhập tính thuế = 12.000.000đ – 9.000.000đ – 1.050.000đ = 1.950.000đ

  • Số tiền thuế phải nộp = 1.950.000đ x 5% = 97.500đ
  • Tại Công ty Beta: Nhân viên A được trả các khoản thu nhập sau:
  • Lương chính: 6.000.000đ
  • Thưởng: 500.000đ

Thu nhập tính thuế = 6.000.000đ + 500.000đ = 6.500.000đ

  • Số tiền thuế phải nộp = 6.500.000đ x 10% = 650.000đ
  • Tổng số tiền thuế phải nộp = 97.500đ + 650.000đ

         3.4. Đối với cá nhân không cư trú

- Người nước ngoài nếu là cá nhân không cư trú tại Việt Nam thì phải chịu thuế thu nhập cá nhân với thuế suất 20%

Thuế TNCN = Tổng thu nhập tại Việt Nam x Thuế suất 20%

Ví dụ: Ông Peter có thu nhập tại Công ty A như sau:

  • Lương chính: 15.000.000đ
  • Phụ cấp: 5.000.000đ
  • Số tiền thuế phải nộp = (15.000.000đ + 5.000.000đ) x 20% = 4.000.000đ

IV/ Thủ Tục Quyết Toán Thuế Thu Nhập Cá Nhân

  1. Đối với trường hợp cá nhân uỷ quyền cho tổ chức chi trả quyết toán thay
  • Cá nhân chỉ có thu nhập từ tiền công, tiền lương có ký hợp đồng lao động trên 3 tháng tại 1 tổ chức chi trả thu nhập và thực tế đang làm việc tại đó vào thời điểm quyết toán được uỷ quyền quyết toán thuế thay tại tổ chức chi trả đó đối với phần thu nhập do tổ chức đó chi trả.
  • Cá nhân uỷ quyền cho tổ chức chi trả thu nhập quyết toán thay theo mẫu số 02/UQ-QTT-TNCN theo Thông tư 92/2015/TT-BTC.

  1. Đối với trường hợp cá nhân tự quyết toán thuế
  • Các trường hợp cá nhân phải tự quyết toán thuế với cơ quan thuế:
  • Cá nhân có thu nhập từ tiền công, tiền lương có ký hợp đồng lao động trên 3 tháng tại duy nhất 1 tổ chức chi trả thu nhập nhưng thực tế vào thời điểm quyết toán, cá nhân không còn làm việc tại tổ chức đó.
  • Cá nhân có thu nhập từ tiền công, tiền lương có ký hợp đồng lao động trên 3 tháng từ nhiều nơi.
  • Cá nhân có thu nhập từ tiền công, tiền lương có ký hợp đồng lao động trên 3 tháng tại 1 tổ chức chi trả, đồng thời có thu nhập vãng lai tại nơi khác.
  • Cá nhân chỉ có thu nhập vãng lai đã khấu trừ thuế TNCN với thuế suất 10%.
  • Hồ sơ khai thuế:
  • Tờ khai quyết toán thuế Mẫu sô 02/QTT-TNCN, Phụ lục mẫu số 02-1/BK-QTT-TNCN nếu có đăng ký người phụ thuộc (Theo Thông tư 92/2015/TT-BTC) => Vào phần mềm HTKK => Chọn Quyết toán thuế thu nhập cá nhân => Chọn 02/QTT-TNCN.
  • Các chứng từ chứng minh số thuế đã khấu trừ, đã tạm nộp trong năm - Chứng từ khấu trừ thuế (liên giao cho người nộp thuế), số tiền thuế đã nộp ở nước ngoài (nếu có). Cá nhân cam kết chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin trên các chứng từ đó.
  • Thư xác nhận thu nhập của cá nhân trong năm. (Đính kèm file)
  • Các hoá đơn, chứng từ chứng minh các khoản đóng góp vào quỹ từ thiện, quỹ nhân đạo, khuyến học (nếu có)
  • Trường hợp cá nhân nhận thu nhập từ các tổ chức quốc tế và nhận thu nhập từ nước ngoài phải có tài liệu chứng minh về số tiền đã trả của đơn vị, tổ chức chi trả thu nhập ở nước ngoài.

  1. Nơi nộp hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân

STT

Các trường hợp thu nhập hai nơi

Nơi nộp hồ sơ

1

Hai nơi đều là thu nhập vãng lai (không ký hợp đồng hoặc ký hợp đồng thời hạn < 3 tháng)

Tự quyết toán tại nơi cư trú

2

Hai nơi trong đó 01 nơi là thu nhập vãng lai dưới 10 triệu đồng/tháng đã khấu trừ và không có nhu cầu quyết toán phần thu nhập này, một nơi là thu nhập cố định, ký hợp đồng lao động >3 tháng

Được ủy quyền quyết toán thuế thay

3

Hai nơi trong đó 01 nơi là thu nhập vãng lai trên 10 triệu đồng/tháng đã khấu trừ và không có nhu cầu hoặc có nhu cầu quyết toán phần thu nhập này, một nơi là thu nhập cố định, ký hợp đồng lao động >3 tháng

Tự quyết toán thuế tại nơi cư trú

4

Hai nơi đều là ký hợp đồng lao động dài hạn >3 tháng và hiện đang làm việc ở cả hai nơi tới thời điểm quyết toán

Tự quyết toán thuế tại nơi trả thu nhập mà cá nhân này đăng ký giảm trừ cá nhân + người phụ thuộc

5

Xuất hiện thu nhập ở hai nơi nhưng không phải đồng thời như các trường hợp nghỉ việc tại 1 doanh nghiệp A sau đó chuyển sang doanh nghiệp B làm việc ký hợp đồng dài hạn thì không được coi là thu nhập hai nơi. 

Tự quyết toán thuế tại nơi cư trú

6

Ký hợp đồng vãng lai nhiều lần trong năm với cùng 1 đơn vị trả thu nhập mà tổng thời gian ký hợp đồng từ 3 - dưới 12 tháng

Tự quyết toán thuế tại nơi cư trú

  1. Thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế tncn
  • Hạn nộp là 90 ngày kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm trùng với hạn nộp quyết toán báo cáo tài chính cuối năm của doanh nghiệp.

Kim Xuân, Ngọc Diễn – PKT Anpha

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Đánh giá chất lượng bài viết, bạn nhé!

5.0

10 đánh giá
Chọn đánh giá

Gửi đánh giá

BÌNH LUẬN - HỎI ĐÁP

Hãy để lại câu hỏi của bạn, chúng tôi sẽ trả lời TRONG 15 PHÚT

SĐT và email sẽ được ẩn để bảo mật thông tin của bạn GỬI NHANH