Mức phạt và cách tính tiền phạt chậm nộp thuế - Ví dụ cụ thể

Chi tiết về thời hạn nộp thuế, các mức phạt chậm nộp thuế (lãi chậm nộp thuế) và cách tính tiền chậm nộp thuế GTGT, thuế TNCN, thuế TNDN và thuế môn bài.

I. Quy định về thời hạn nộp thuế

1. Thời hạn nộp thuế môn bài

Thời hạn nộp thuế môn bài chậm nhất là ngày 30/01 của năm phát sinh nghĩa vụ thuế. Trường hợp người nộp thuế mới ra hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc mới thành lập cơ sở sản xuất kinh doanh (được cấp mã số thuế mới, mã số doanh nghiệp mới) thì được miễn lệ phí môn bài trong năm đầu (từ ngày 01/01 đến 31/12).

Trong thời gian được miễn lệ phí môn bài kể trên, nếu tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoặc nhóm cá nhân thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc địa điểm kinh doanh thì chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc địa điểm kinh doanh đó cũng được miễn lệ phí môn bài.

Xem chi tiết: 

>> Thời hạn nộp thuế môn bài;

>> Các trường hợp miễn lệ phí môn bài.

2. Thời hạn nộp thuế thu nhập cá nhân, thuế GTGT, thuế TNDN

Thời hạn nộp thuế chậm nhất là ngày cuối cùng của thời hạn nộp tờ khai thuế tháng, quý, quyết toán thuế.

  • Đối với hồ sơ khai thuế tháng: Thời hạn nộp thuế chậm nhất là ngày thứ 20 tháng kế tiếp của tháng phát sinh nghĩa vụ thuế;
  • Đối với hồ sơ khai thuế quý: Thời hạn nộp chậm nhất là ngày cuối cùng tháng đầu tiên của quý tiếp theo quý phát sinh nghĩa vụ thuế;
  • Đối với hồ sơ khai quyết toán thuế: Thời hạn nộp chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 3 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính.

Trường hợp thời hạn nộp hồ sơ khai thuế, nộp tiền thuế trùng với ngày nghỉ theo quy định thì thời hạn nộp hồ sơ khai thuế và thời hạn nộp tiền thuế được tính là ngày làm việc tiếp theo của ngày nghỉ đó (quy định tại Khoản 5 Điều 148 Bộ luật Dân sự 2015).

II. Quy định về mức phạt chậm nộp thuế

1. Mức phạt chậm nộp tiền thuế theo thời hạn quy định

➨ Thuế nợ phát sinh trước ngày 01/01/2015 nhưng sau ngày 01/07/2016 vẫn chưa nộp

Mức tính phạt chậm nộp, số tiền phạt chậm nộp thuế đối với khoản nợ phát sinh trước ngày 01/01/2015 được quy định như sau:

  • Từ ngày chậm nộp đầu tiên đến ngày thứ 90: Mức tính chậm nộp là 0.05%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp;
  • Từ ngày chậm nộp thứ 91 trở đi: Mức tính chậm nộp là 0.07%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp.

(Quy định tại Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế số 21/2012/QH13).

➨ Thuế nợ phát sinh từ ngày 01/01/2015 đến trước 01/07/2016 nhưng sau ngày 01/07/2016 vẫn chưa nộp

Mức tính tiền phạt chậm nộp thuế đối với khoản tiền thuế nợ phát sinh từ ngày 01/01/2015 đến trước ngày 01/07/2016 là 0.05%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp.

(Quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế số 71/2014/QH13).

➨ Thuế nợ phát sinh từ ngày 01/07/2016

Đối với các khoản tiền thuế nợ phát sinh từ ngày 01/07/2016 trở về sau, số tiền chậm nộp được tính ở mức 0.03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp.

2. Mức phạt đối với trường hợp khai thiếu tiền thuế

Trường hợp người nộp thuế khai thiếu tiền thuế của kỳ thuế phát sinh trước ngày 01/01/2015 nhưng sau ngày 01/01/2015 mới phát hiện ra dưới các hình thức như:

  • Cơ quan nhà nước có thẩm quyền phát hiện qua thanh tra, kiểm tra;
  • Người nộp thuế tự phát hiện.

Trong trường hợp này, số tiền phạt chậm nộp thuế được tính theo mức là 0.05%/ngày trên tổng số tiền thuế khai thiếu từ ngày phải nộp theo quy định của pháp luật đến ngày nộp đủ tiền thuế khai thiếu vào ngân sách nhà nước.

III. Cách tính tiền phạt chậm nộp thuế - Ví dụ cụ thể

1. Cách tính tiền chậm nộp thuế

➨ Đối với khoản tiền thuế nợ phát sinh trước ngày 01/01/2015

Chậm nộp < 90 ngày

Số tiền phạt = Số tiền thuế chậm nộp x 0.05% x Số ngày chậm nộp

Chậm nộp > 90 ngày

Tiền phạt = Tiền thuế chậm nộp x 0.07% x (Số ngày chậm nộp - 90 ngày)

➨ Đối với khoản tiền thuế nợ phát sinh từ ngày 01/01/2015

Số tiền phạt = Số tiền thuế chậm nộp x 0.05% x Số ngày chậm nộp

➨ Đối với khoản tiền thuế nợ phát sinh từ ngày 01/07/2016 trở đi

Số tiền phạt = Số tiền thuế chậm nộp x 0,03% x Số ngày chậm nộp

Trong đó, số ngày chậm nộp tiền thuế được quy định như sau:

  • Bao gồm cả ngày lễ, ngày nghỉ theo quy định của pháp luật;
  • Được tính từ ngày kế tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn nộp thuế, thời hạn gia hạn nộp thuế hay thời hạn nộp thuế ghi trong thông báo/quyết định xử lý vi phạm pháp luật về thuế của cơ quan thuế hoặc quyết định xử lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đến ngày nộp đủ tiền thuế (bao gồm cả tiền phạt chậm nộp thuế) vào NSNN.

2. Một số ví dụ về trường hợp nộp chậm thuế

Ví dụ 1:

Công ty A có khoản tiền thuế GTGT phải nộp là 50.000.000đ, thời hạn nộp là ngày 20/05/2018 nhưng đến ngày 30/06/2018 công ty A mới thực hiện nộp. Như vậy, công ty A đã nộp thuế GTGT trễ hơn so với thời gian quy định là 41 ngày (tính từ 21/05/2018 đến ngày 30/06/2018).

Số tiền phạt chậm nộp thuế = 50.000.000 x 0.03% x 41 = 615.000 đồng.

Ví dụ 2:

Công ty B có khoản tiền thuế phải nộp là 70.000.000đ, thời hạn nộp là 02/04/2015 nhưng đến ngày 30/07/2016 số tiền này mới được nộp cho cơ quan nhà nước. Trong trường hợp này, công ty B được coi là đã chậm nộp thuế so với thời hạn quy định và số tiền phạt chậm nộp thuế được tính như sau:

  • Từ ngày 02/04/2015 đến 30/06/2016: 
    • Số ngày chậm nộp là 455 ngày;
    • Số tiền phạt chậm nộp thuế = 70.000.000 x 0.05% x 455 = 15.925.000 đồng.
  • Từ ngày 01/07/2016 đến 30/07/2016:
    • Số ngày chậm nộp là 30 ngày;
    • Số tiền phạt chậm nộp thuế = 70.000.000 x 0.03% x 30 = 630.000 đồng.

Như vậy, tổng số tiền phạt chậm nộp thuế của công ty B là: 15.925.000 đồng + 630.000 đồng = 16.555.000 đồng.

(Tham khảo thông tư 156/2013/TT-BTC).

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Đánh giá chất lượng bài viết, bạn nhé!

5.0

1 đánh giá
Chọn đánh giá

Gửi đánh giá

BÌNH LUẬN - HỎI ĐÁP

Hãy để lại câu hỏi của bạn, chúng tôi sẽ trả lời TRONG 15 PHÚT

SĐT và email sẽ được ẩn để bảo mật thông tin của bạn GỬI NHANH