Hướng dẫn tính thuế TNCN chuyển nhượng Vốn Góp, Cổ Phần

Tìm hiểu cách tính thuế thu nhập cá nhân (TNCN) chuyển nhượng vốn góp, cổ phần: Biết xác định thu nhập tính thuế, công thức tính thuế TNCN. Có ví dụ cụ thể.

I. Thế nào là thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng vốn?

Theo Khoản 4 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC và Điều 4 Thông tư 25/2018/TT-BTC, thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng vốn là khoản thu nhập mà cá nhân nhận được từ:

  • Hoạt động chuyển nhượng vốn góp trong công ty TNHH một thành viên, công ty TNHH hai thành viên trở lên, công ty hợp danh, hợp đồng hợp tác kinh doanh, hợp tác xã, quỹ tín dụng, tổ chức khác…;
  • Hoạt động chuyển nhượng cổ phiếu, trái phiếu, tín phiếu, chứng chỉ quỹ và các loại chứng khoán khác theo quy định;
  • Hoạt động chuyển nhượng cổ phần của các cá nhân trong công ty cổ phần theo quy định.

II. Cách tính thuế TNCN từ hoạt động chuyển nhượng vốn góp, cổ phần

1. Cách tính thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động chuyển nhượng vốn góp

1.1. Thu nhập tính thuế TNCN

Thu nhập tính thuế từ hoạt động chuyển nhượng vốn góp được xác định bằng giá chuyển nhượng trừ giá mua của phần vốn góp chuyển nhượng và các chi phí hợp lý liên quan.

Thu nhập tính thuế

=

Giá chuyển nhượng

-

(Giá mua + các chi phí hợp lý liên quan)

Trong đó:

- Giá chuyển nhượng là số tiền cá nhân được nhận căn cứ theo hợp đồng chuyển nhượng vốn góp;

- Giá mua phần vốn góp được chuyển nhượng là trị giá của phần vốn góp tại thời điểm chuyển nhượng. Cụ thể:

  • Đối với vốn góp thành lập doanh nghiệp: trị giá tại thời điểm góp vốn, được xác định trên cơ sở sổ sách kế toán, hóa đơn, chứng từ của doanh nghiệp;
  • Đối với vốn góp bổ sung: trị giá tại thời điểm góp vốn bổ sung, được xác định trên cơ sở sổ sách kế toán, hóa đơn, chứng từ của doanh nghiệp;
  • Đối với vốn mua lại: trị giá tại thời điểm mua lại, được xác định theo hợp đồng mua lại phần vốn góp.

- Các chi phí hợp lý liên quan như chi phí về thủ tục pháp lý, phí & lệ phí nộp ngân sách nhà nước và các chi phí khác có liên quan trực tiếp đến hoạt động chuyển nhượng vốn.

>> Xem thêm: Chuyển nhượng vốn góp, cổ phần có phải kê khai thuế không?.

1.2. Cách tính thuế TNCN

Thời điểm xác định thu nhập tính thuế TNCN từ hoạt động chuyển nhượng vốn góp là thời điểm hợp đồng chuyển nhượng có hiệu lực.
Trường hợp góp vốn bằng vốn góp thì thời điểm xác định thu nhập tính thuế TNCN là thời điểm cá nhân rút vốn, chuyển nhượng vốn.

Công thức tính thuế thu nhập cá nhân:

Thuế TNCN phải nộp

=

Thu nhập tính thuế

x

Thuế suất (20%)

Thuế TNCN từ chuyển nhượng vốn góp áp dụng theo Biểu thuế toàn phần với mức thuế suất 20%.

Ví dụ 1:

Ông A là thành viên góp vốn trong công ty TNHH Abc với giá trị vốn góp là 1.800.000.000đ. Ngày 10/08/2022, ông A ký hợp đồng chuyển nhượng vốn góp của mình cho bà C với giá chuyển nhượng là 2.000.000.000đ và nhận được thanh toán 100% qua tài khoản cá nhân.

- Thời điểm xác định thu nhập tính thuế là tại ngày 10/08/2022 – ngày hợp đồng chuyển nhượng có hiệu lực;

- Thu nhập tính thuế: 2.000.000.000đ – 1.800.000.000đ = 200.000.000đ;

- Thuế TNCN phải nộp: 200.000.000đ x 20% = 40.000.000đ.

➥ Ông A phải nộp thuế TNCN từ hoạt động chuyển nhượng vốn là 40.000.000đ.

Ví dụ 2:

Ông A là thành viên góp vốn trong công ty TNHH Abc với giá trị vốn góp là 1.800.000.000đ. Ngày 10/08/2022, ông A ký hợp đồng chuyển nhượng vốn góp của mình cho bà C với giá chuyển nhượng là 1.800.000.000đ và nhận được thanh toán 100% qua tài khoản cá nhân.

- Thời điểm xác định thu nhập tính thuế là tại ngày 10/08/2022 – ngày hợp đồng chuyển nhượng có hiệu lực;

- Thu nhập tính thuế: 1.800.000.000đ – 1.800.000.000đ = 0đ;

- Thuế TNCN phải nộp: 0đ x 20% = 0đ.

➥ Ông A không phải nộp thuế TNCN từ hoạt động chuyển nhượng vốn này.

2. Cách tính thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động chuyển nhượng cổ phần

2.1. Thu nhập tính thuế TNCN

Thu nhập tính thuế từ hoạt động chuyển nhượng cổ phần được xác định bằng giá chuyển nhượng cổ phần từng lần. Trong đó: Giá chuyển nhượng được xác định theo giá trị trên hợp đồng chuyển nhượng cổ phần hoặc giá trị theo sổ sách kế toán của doanh nghiệp tại thời điểm gần nhất trước thời điểm chuyển nhượng.

2.2. Cách tính thuế TNCN

Thời điểm xác định thu nhập tính thuế TNCN từ hoạt động chuyển nhượng cổ phần là thời điểm hợp đồng chuyển nhượng có hiệu lực, thời điểm cá nhân chuyển nhượng vốn, rút vốn.

Công thức tính thuế thu nhập cá nhân:

Thuế TNCN phải nộp

Giá chuyển nhượng từng lần

x

Thuế suất (0.1%)

Cá nhân chuyển nhượng cổ phần phải tạm nộp thuế TNCN theo thuế suất 0.1% trên giá chuyển nhượng từng lần.

Riêng trường hợp cá nhân nhận cổ tức bằng cổ phiếu nhưng chưa nộp thuế TNCN khi nhận cổ phiếu: khi chuyển nhượng số cổ phiếu được nhận này, cá nhân phải nộp thuế TNCN từ đầu tư vốn và thuế TNCN từ chuyển nhượng cổ phiếu.

Ví dụ 1:

Ông A là cổ đông công ty cổ phần Abc với giá trị cổ phần là 100.000CP x 10.000đ = 1.000.000.000đ. Ngày 10/08/2022, ông A ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần của mình cho bà C với giá chuyển nhượng là 100.000CP x 12.000đ = 1.200.000.000đ và nhận được thanh toán 100% qua tài khoản cá nhân.

- Thời điểm xác định thu nhập tính thuế là tại ngày 10/08/2022 – ngày hợp đồng chuyển nhượng có hiệu lực;

- Thu nhập tính thuế = 100.000CP x 12.000đ = 1.200.000.000đ;

- Thuế TNCN phải nộp = 1.200.000.000đ x 0.1% = 1.200.000đ.

➥ Ông A phải nộp thuế TNCN từ hoạt động chuyển nhượng cổ phần là 1.200.000đ.

Ví dụ 2:

Ông A là cổ đông công ty cổ phần Abc với giá trị cổ phần là 100.000CP x 10.000đ = 1.000.000.000đ. Ngày 31/12/2021, ông A được công ty cổ phần Abc trả cổ tức bằng 2.000CP với mệnh giá 10.000đ. Ngày 10/08/2022, ông A ký hợp đồng chuyển nhượng 2.000CP đã được nhận thay cổ tức cho bà C với giá mệnh giá 12.000đ và nhận được thanh toán 100% qua tài khoản cá nhân.

Trường hợp này ông A phải nộp thuế TNCN từ đầu tư vốn và thuế TNCN từ chuyển nhượng cổ phần.

- Thời điểm xác định thu nhập tính thuế là tại ngày 10/08/2022 – ngày hợp đồng chuyển nhượng có hiệu lực;

- Thu nhập tính thuế từ đầu tư vốn = 2.000CP x 10.000đ = 20.000.000đ;

- Thuế TNCN từ đầu tư vốn = 20.000.000đ x 5% = 1.000.000đ;

- Thu nhập tính thuế từ chuyển nhượng = 2.000CP x 12.000đ = 24.000.000đ;

- Thuế TNCN phải nộp từ chuyển nhượng = 24.000.000đ x 0.1% = 24.000đ.

➥ Ông A phải nộp thuế TNCN từ hoạt động chuyển nhượng cổ phần là 1.024.000đ.

>> Xem thêm: Cách tính thuế TNCN từ tiền lương, tiền công.

III. Một số câu hỏi thường gặp về tính thuế TNCN chuyển vốn góp, cổ phần

1. Công ty cổ phần chuyển nhượng phần vốn góp cho cá nhân giá mua = giá bán có phải nộp thuế TNCN không?

Trường hợp công ty cổ phần thì thu nhập tính thuế TNCN là giá chuyển nhượng được xác định theo hợp đồng chuyển nhượng, không phân biệt cao hơn, thấp hơn hay ngang giá mua. Và nộp thuế TNCN theo công thức: thu nhập tính thuế x 0.1%.


2. Cách tính thuế trên chỉ áp dụng cho cá nhân còn làm ở công ty hay tất cả?

Cách tính thuế trên được áp dụng cho tất cả các cá nhân có phát sinh chuyển nhượng vốn góp, chuyển nhượng cổ phần.


3. Trong công ty TNHH hai thành viên trở lên, các thành viên góp vốn chuyển nhượng vốn góp nội bộ với nhau có phải tính thuế TNCN không?

Có 2 trường hợp:

- Nếu giá chuyển nhượng cao hơn giá mua, phát sinh thu nhập tính thuế thì cá nhân chuyển nhượng phải tính nộp thuế TNCN.

- Nếu chuyển nhượng ngang giá hoặc thấp hơn giá mua, không phát sinh thu nhập tính thuế thì cá nhân chuyển không phải nộp thuế TNCN.


Kim Xuân - Phòng Kế toán Anpha

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Đánh giá chất lượng bài viết, bạn nhé!

0.0

Chưa có đánh giá nào
Chọn đánh giá

Gửi đánh giá

BÌNH LUẬN - HỎI ĐÁP

Hãy để lại câu hỏi của bạn, chúng tôi sẽ trả lời TRONG 15 PHÚT

SĐT và email sẽ được ẩn để bảo mật thông tin của bạn GỬI NHANH