Chuyển đổi công ty Việt Nam thành công ty có vốn nước ngoài

Tham khảo chi tiết hồ sơ, thủ tục chuyển đổi công ty Việt Nam thành công ty có vốn đầu tư nước ngoài & các ưu điểm, hạn chế sau khi chuyển đổi tại bài viết này của Anpha. Có đầy đủ mẫu hồ sơ cho doanh nghiệp tham khảo.

Thu hút vốn đầu tư nước ngoài là vấn đề luôn được nhiều công ty, doanh nghiệp lớn, nhỏ quan tâm. Khi doanh nghiệp tiếp nhận vốn đầu tư nước ngoài đồng nghĩa với việc doanh nghiệp chuyển từ 100% vốn Việt Nam thành doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (còn gọi là công ty FDI hay doanh nghiệp FDI). Khi đó, doanh nghiệp Việt Nam phải thực hiện thủ tục tại cơ quan đăng ký kinh doanh để nhà đầu tư nước ngoài có thể góp vốn, mua cổ phần vào doanh nghiệp.

Điều kiện để nhà đầu tư nước ngoài góp vốn vào doanh nghiệp Việt Nam

Nhà đầu tư nước ngoài được quy định cụ thể tại Luật Đầu tư là cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Để có thể góp vốn vào công ty Việt Nam thì nhà đầu tư này phải hoạt động các ngành nghề đã tiếp cận thị trường theo quy định tại Điều 9 Luật Đầu Tư.

Khi nhà đầu tư nước ngoài góp vốn vào doanh nghiệp, công ty Việt Nam có thể xảy ra 2 trường hợp:

  • Trường hợp 1: Công ty Việt Nam chỉ chuyển nhượng 1 phần vốn cho nhà đầu tư nước ngoài;
  • Trường hợp 2: Công ty Việt Nam chuyển nhượng 100% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài.

Thủ tục chuyển đổi công ty Việt Nam thành công ty có vốn đầu tư nước ngoài (FDI)

Quy trình chuyển đổi công ty 100 vốn Việt Nam thành công ty có vốn đầu tư nước ngoài hoặc công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài được thực hiện theo 2 bước sau đây:

Bước 1: Làm thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của công ty Việt Nam

Hồ sơ đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp cho nhà đầu tư nước ngoài gồm có:

  • Giấy ủy quyền của nhà đầu tư;
  • Văn bản đăng ký góp vốn/mua cổ phần/mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài;
  • Văn bản thỏa thuận nguyên tắc về việc mua phần vốn góp/cổ phần;
  • Bản sao dịch thuật, công chứng hộ chiếu của nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân;
  • Bản sao dịch thuật, công chứng/hợp thức hóa lãnh sự giấy phép kinh doanh của nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức;
  • Giấy ủy quyền cho người nộp hồ sơ tại cơ quan đăng ký kinh doanh.

 TẢI MẪU: Hồ sơ đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp cho người nước ngoài.

Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc người được doanh nghiệp ủy quyền thực hiện nộp hồ sơ đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp tại Phòng Đầu tư - Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh/thành phố nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính. 

Trong thời hạn 15 - 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, Phòng Đầu tư sẽ cấp Thông báo về việc đáp ứng đủ điều kiện góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp Việt Nam.

Bước 2: Làm thủ tục chuyển đổi công ty 100% vốn Việt Nam sang công ty có vốn đầu tư nước ngoài

Hồ sơ chuyển đổi công ty Việt Nam sang công ty có vốn đầu tư nước ngoài gồm có:

  • Điều lệ công ty (nếu có);
  • Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp (nếu có);
  • Danh sách thành viên/cổ đông nước ngoài (nếu có);
  • Biên bản họp thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp (nếu có);
  • Quyết định thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp;
  • Hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần vốn góp/cổ phần;
  • Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp;
  • Thông báo về việc đáp ứng đủ điều kiện góp vốn, mua cổ phần;
  • Bản sao /hợp thức hóa lãnh sự hộ chiếu/giấy phép kinh doanh của nhà đầu tư nước ngoài;
  • Bản sao Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/hộ chiếu của người Việt Nam (trường hợp góp vốn chung với người Việt Nam);
  • Văn bản ủy quyền cho người thực hiện thủ tục đăng ký (nếu có).

 TẢI MẪU: Hồ sơ chuyển đổi công ty Việt Nam sang công ty có vốn đầu tư nước ngoài.

Người được ủy quyền của doanh nghiệp nộp hồ sơ tại Phòng Đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh/thành phố nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính hoặc có thể nộp online trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới cho doanh nghiệp. Lúc này doanh nghiệp chính thức trở thành doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoặc doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.

Lưu ý:

Công ty Việt Nam sau khi chuyển đổi thành công ty có vốn đầu tư nước ngoài hoặc công ty 100% vốn nước ngoài có thể sẽ không được hoạt động một hoặc một số ngành nghề mà công ty đã đăng ký trước đó. Nguyên nhân là có những ngành nghề yêu cầu doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải đáp ứng điều kiện về tỷ lệ vốn tối thiểu hoặc chưa được cho phép kinh doanh theo biểu cam kết WTO. Vì thế, khi làm thủ tục ở Bước 2 này doanh nghiệp cần phải kiểm tra và điều chỉnh lại phần ngành nghề kinh doanh cho phù hợp với quy định.

Những việc cần làm sau khi chuyển đổi doanh nghiệp Việt Nam thành doanh nghiệp FDI

1. Cập nhật lại thông tin doanh nghiệp nếu thay đổi loại hình công ty.

Trường hợp hợp việc tiếp nhận thêm vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài làm thay đổi loại hình doanh nghiệp (ví dụ như chuyển từ công ty TNHH 1 thành viên thành 2 thành viên, hoặc chuyển đổi công ty TNHH thành công ty cổ phần) thì công ty phải làm những việc sau:

  • Khắc lại con dấu pháp nhân;
  • Làm lại biển hiệu công ty;
  • Cập nhật thông tin công ty trên chữ ký số, hóa đơn điện tử;
  • Cập nhật lại thông tin trên tài khoản thuế điện tử, tài khoản bảo hiểm xã hội;
  • Cập nhật lại thông tin trên các giấy tờ thuộc sở hữu doanh nghiệp (giấy phép con, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…);
  • Thông báo cho khách hàng, đối tác biết về việc đổi tên công ty.

2. Kê khai thuế thu nhập cá nhân sau khi chuyển nhượng

  • Trong vòng 10 ngày sau khi được cơ quan đăng ký kinh doanh cấp giấy phép kinh doanh mới, cổ đông/thành viên chuyển nhượng vốn/cổ phần phải nộp tờ khai thuế thu nhập cá nhân phát sinh do chuyển nhượng vốn tại cơ quan quản lý thuế nơi công ty đặt trụ sở. 
  • Đối với công ty TNHH thì chỉ nộp tờ khai thu nhập cá nhân mà không cần đóng tiền thuế, đối với công ty cổ phần sẽ phát sinh 0,1% tiền thuế trên giá trị chuyển nhượng.

Hồ sơ kê khai thuế thu nhập cá nhân gồm: 

  • Tờ khai thuế TNCN (Mẫu số 04/CNV-TNCN);
  • Hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần vốn góp/cổ phần;
  • Giấy chứng nhận góp vốn;
  • Ngoài ra khi có thay đổi thông tin thành viên, cổ đông, đại diện pháp luật công ty thì doanh nghiệp thông báo thông tin đến ngân hàng và các đối tác kinh doanh được biết.

 TẢI MẪU: Hồ sơ khai thuế thu nhập cá nhân.

Ưu điểm và hạn chế khi chuyển đổi công ty Việt Nam thành công ty có vốn nước ngoài

Về cơ bản, thủ tục chuyển đổi công ty Việt Nam thành công ty có vốn nước ngoài không có nhiều sự khác biệt khi doanh nghiệp Việt Nam chuyển nhượng một phần hoặc chuyển nhượng 100% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, việc thay đổi cơ cấu vốn và việc có thêm sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trong công tác, quản lý điều hành doanh nghiệp sẽ mang lại những ưu điểm và hạn chế sau cho doanh nghiệp. Cụ thể:

Ưu điểm: 

  • Doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài sẽ được lãnh hội những cách thức quản lý tiên tiến từ quốc tế, có thể áp dụng công nghệ hiện đại, khoa học tiến bộ nên có thể sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho doanh nghiệp. Ngoài ra phần vốn đầu tư cũng như nguồn nhân lực cũng được đầu tư tuyệt đối. 
  • Doanh nghiệp vừa có vốn Việt Nam và có vốn nước ngoài sẽ là sự giao thoa văn hóa quản lý doanh nghiệp giữa các quốc gia với nhau, chính vì thế tạo nên bản sắc doanh nghiệp đa dạng hơn. Tạo điều kiện cho việc đưa các hàng hóa dịch vụ của Việt Nam được quảng bá rộng quốc tế đồng thời cũng hội nhập tối đa từ quốc tế vào thị trường Việt Nam.

Hạn chế:

  • Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài đôi khi vì quá khác biệt về văn hóa kinh doanh, sẽ khó tiếp cận được tệp khách hàng truyền thống trong nước. Vì thế mà các doanh nghiệp này cần hòa nhập để thân thiện hơn với người tiêu dùng tại Việt Nam. Ngoài ra, hiện nay vẫn còn hạn chế về ngành nghề kinh doanh đối với các doanh nghiệp này, nên một số lĩnh vực công ty 100% vốn nước ngoài không thể kinh doanh.
  • Khi doanh nghiệp vừa có người Việt Nam vừa có người nước ngoài quản lý thì có thể gây ra những bất đồng về văn hóa quản lý của các quốc gia, ảnh hưởng tới hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Câu hỏi thường gặp khi chuyển đổi công ty Việt Nam thành công ty có vốn nước ngoài

1. Có phải ngành nghề kinh doanh nào của công ty Việt Nam khi chuyển đổi thành công ty có vốn đầu tư nước ngoài cũng được hoạt động không?

Không, có những ngành nghề yêu cầu điều kiện về tỷ lệ vốn tối thiểu hoặc chưa được cho phép theo biểu cam kết WTO. Nên khi chuyển đổi từ công ty 100% vốn Việt Nam sang công ty có vốn đầu tư nước ngoài cũng cần phải kiểm tra và điều chỉnh lại phần ngành nghề kinh doanh.


2. Có mấy trường hợp xảy ra khi chuyển đổi công ty Việt Nam thành công ty có vốn nước ngoài?

Có thể xảy ra 2 trường hợp sau:

  • Một là, công ty Việt Nam chỉ chuyển nhượng 1 phần vốn cho nhà đầu tư nước ngoài;
  • Hai là, công ty Việt Nam chuyển nhượng 100% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài.

3. Có phải nhà đầu tư nước ngoài nào cũng được quyền góp vốn tại công ty Việt Nam không?

Không. Chỉ những nhà đầu tư thuộc các quốc gia và vùng lãnh thổ có tham gia WTO mà Việt Nam là thành viên cam kết mở cửa thị trường mới có quyền tham gia góp vốn tại công ty Việt Nam.


4. Nộp hồ sơ chuyển đổi công ty Việt Nam thành công ty có vốn đầu tư nước ngoài ở đâu?

Doanh nghiệp nộp tại Phòng Đầu tư và Phòng Đăng ký kinh doanh - Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.


5. Quy trình chuyển đổi công ty Việt Nam thành công ty có vốn đầu tư nước ngoài như thế nào?

Thủ tục chuyển đổi công ty Việt Nam thành công ty có vốn nước ngoài gồm 2 bước sau:

  • Bước 1: Làm thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của công ty Việt Nam. Doanh nghiệp nộp hồ sơ trực tiếp tại Phòng Đầu tư - Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh;
  • Bước 2: Làm thủ tục chuyển đổi công ty 100% vốn Việt Nam sang công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Doanh nghiệp nộp hồ sơ tại Phòng Đăng ký kinh doanh - Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh.

Gọi cho chúng tôi theo số 0984 477 711 (Miền Bắc) - 0903 003 779 (Miền Trung) - 0938 268 123 (Miền Nam) để được hỗ trợ.

Nguyễn Trang - Phòng Pháp lý Anpha

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Đánh giá chất lượng bài viết, bạn nhé!

5.0

4 đánh giá
Chọn đánh giá

Gửi đánh giá

BÌNH LUẬN - HỎI ĐÁP

Hãy để lại câu hỏi của bạn, chúng tôi sẽ trả lời TRONG 15 PHÚT

SĐT và email sẽ được ẩn để bảo mật thông tin của bạn GỬI NHANH