Những ai có quyền thành lập công ty, mua cổ phần và góp vốn

Các quy định liên quan đến việc mở công ty, mua và chuyển nhượng vốn, cổ phần khá phức tạp. Tuy vậy, doanh nghiệp buộc phải nắm rõ những điều kiện này để tránh các vi phạm không nên có. Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn nhiều thông tin hữu ích đấy!

Những ai có quyền thành lập công ty

Theo Luật Doanh nghiệp năm 2014, tất cả các cá nhân, tổ chức đều có quyền thành lập doanh nghiệp, ngoại trừ những trường hợp sau:

❖ Đối với cán bộ, công nhân viên chức nhà nước, lực lượng, tổ chức quân đội...:

Cán bộ, công nhân viên chức đang là thành viên hội đồng quản trị, giám đốc, tổng giám đốc, phó giám đốc, kế toán trưởng hoặc các vị trí cấp quản lý khác của doanh nghiệp trực thuộc bộ máy nhà nước, chỉ được phép tham gia góp vốn với tư cách cổ đông.

Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp hoặc các công nhân viên chức quốc phòng trong cơ quan trực thuộc quân đội nhân dân, công an nhân dân Việt Nam, ngoại trừ các cá nhân được ủy quyền quản lý phần vốn góp của nhà nước tại doanh nghiệp.

❖ Đối với cá nhân, công dân Việt Nam:

Cá nhân chưa đủ tuổi thành niên, không đủ hoặc mất năng lực hành vi dân sự.

Người đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án.

Những ai được đứng tên đại diện và quản lý doanh nghiệp theo pháp luật

Người đại diện doanh nghiệp và người quản lý doanh nghiệp là hai khái niệm khác nhau. Trong đó:

  • Người đại diện doanh nghiệp bao gồm người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo ủy quyền, bạn có thể tìm hiểu chi tiết hơn tại đây.

  • Người quản lý doanh nghiệp có thể là chủ doanh nghiệp tư nhân, chủ tịch công ty, chủ tịch hội đồng quản trị, giám đốc, tổng giám đốc hoặc cá nhân có quyền ký kết, thực hiện các giao dịch theo điều lệ của công ty.

Tuy vậy, đối tượng của người quản lý doanh nghiệp và người đại diện pháp luật là giống nhau:

  • Người đại diện pháp luật thường là người quản lý theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2014.

  • Các chức vụ điển hình của người đại diện pháp luật là: Chủ tịch hội đồng thành viên, chủ tịch hội đồng quản trị, chủ tịch công ty, giám đốc, tổng giám đốc… (cá nhân giữ những chức vụ này mặc nhiên được xem là người quản lý doanh nghiệp).

Điều lệ công ty sẽ quy định về số lượng, quyền và nghĩa vụ của người đại diện và quản lý doanh nghiệp theo pháp luật. Tuy nhiên, đối với các trường hợp sau, sẽ không được đứng tên đại diện và quản lý doanh nghiệp:

  • Thành viên, cổ đông tại công ty trong đó nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, vốn góp hoặc cổ phần thì các mối quan hệ liên quan đến thành viên, cổ đông đó như bố/mẹ ruột, bố/mẹ nuôi, vợ chồng, anh/chị/em ruột… không được ủy quyền làm đại diện, người quản lý.

  • Doanh nghiệp có trên 50% cổ phần phổ thông do nhà nước nắm giữ thì chủ tịch hội đồng quản trị không được đồng thời là giám đốc hoặc tổng giám đốc.

Những ai có quyền góp vốn và chuyển nhượng vốn góp

1. Góp vốn

Các đối tượng không được phép tham gia góp vốn bao gồm:

  • Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước góp vốn vào doanh nghiệp để thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;

  • Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, vợ hoặc chồng của những người đó không được góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề mà người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước;

  • Các cán bộ, công nhân viên chức không giữ chức vụ không bị cấm tham gia góp vốn, mua cổ phần.

Hiện nay, pháp luật không có quy định về mức vốn góp tối đa hay tối thiểu, trừ những trường hợp công ty đăng ký ngành nghề kinh doanh có điều kiện quy định mức vốn tối thiểu.

2. Chuyển nhượng vốn góp

Những đối tượng được phép chuyển nhượng vốn góp bao gồm: Chủ sở hữu, thành viên nắm giữ vốn góp trong công ty.

Những trường hợp được phép chuyển nhượng vốn góp bao gồm: 

  • Trả nợ;

  • Chào bán cho các thành viên khác của công ty trong cùng điều kiện và theo tỷ lệ phần vốn góp. Kể từ ngày chào bán 30 ngày, nếu không có người mua hoặc không mua hết thì thành viên có thể chuyển nhượng cho cá nhân, tổ chức không phải là thành viên;

  • Trường hợp thành viên là cá nhân đã chết thì người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của thành viên đó phải là thành viên của công ty;

  • Trường hợp phần vốn góp của thành viên là cá nhân đã chết mà không có người thừa kế, người thừa kế từ chối nhận thừa kế hoặc bị truất quyền thừa kế thì phần vốn góp đó được giải quyết theo quy định của pháp luật về dân sự;

  • Người góp vốn chịu trách nhiệm hình sự hoặc đang trong thời gian thi hành án.

Đối tượng được quyền nhận vốn góp chuyển nhượng:

  • Thành viên có thể chuyển nhượng phần vốn góp cho công ty mà mình đang nắm giữ vốn, chuyển nhượng cho thành viên khác hoặc người khác, tổ chức khác không phải là thành viên công ty;

  • Trừ những trường hợp pháp luật cấm hoặc hạn chế thì tất cả các tổ chức, cá nhân đều được nhận chuyển nhượng vốn góp.

Lưu ý:

Đối với vốn góp chuyển nhượng, giá trị vốn góp không thay đổi.

Tài sản, vốn đầu tư hợp pháp của doanh nghiệp và chủ sở hữu doanh nghiệp không bị quốc hữu hóa, không bị tịch thu bằng biện pháp hành chính. 

Những ai có quyền mua và chuyển nhượng cổ phần

Đối với mô hình công ty cổ phần, hình thức mua lại cổ phần và chuyển nhượng cổ phần là khác nhau.

1. Mua cổ phần

Mua lại cổ phần là việc cổ đông mua lại cổ phần theo yêu cầu của cổ đông hoặc mua lại cổ phần theo quyết định của công ty (Tham khảo Điều 129, 130 Luật Doanh nghiệp 2014).

Tất cả cá nhân, tổ chức đều được quyền mua cổ phần trừ trường hợp bị pháp luật cấm tại Khoản 3, 4 Điều 18 Luật Doanh nghiệp 2014.

Cán bộ, công nhân viên chức không phải là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan đều có quyền mua cổ phần.

Nếu mua lại cổ phần theo quyết định của công ty, công ty có quyền mua lại không quá 30% tổng số cổ phần phổ thông đã bán, một phần hoặc toàn bộ cổ phần ưu đãi cổ tức đã bán.

Ngoại trừ cổ phần ưu đãi biểu quyết, còn lại các cổ phần phổ thông, cổ phần ưu đãi cổ tức, cổ phần ưu đãi hoàn lại đều được phép mua. Do chỉ có tổ chức được chính phủ uỷ quyền và cổ đông sáng lập được quyền nắm giữ cổ phần ưu đãi biểu quyết và cổ phần ưu đãi biểu quyết được chuyển nhượng (Tham khảo Điều 116 Luật Doanh nghiệp 2014).

2. Chuyển nhượng cổ phần

Chuyển nhượng cổ phần là việc cổ đông chuyển nhượng cổ phần của mình cho cổ đông sáng lập khác hoặc người khác không phải là cổ đông nếu được sự chấp thuận của đại hội đồng cổ đông (Tham khảo Điều 119 Luật Doanh nghiệp 2014);

Điều kiện để cổ đông được phép chuyển nhượng cổ phần:

  • Trong 3 năm đầu, cổ đông sáng lập được quyền chuyển nhượng cổ phần cho cổ đông khác.

  • Nếu muốn chuyển nhượng cổ phần cho người không phải cổ đông sáng lập thì phải thực hiện sau 3 năm thành lập (trường hợp đại hội cổ đông đồng ý thì vẫn có thể chuyển nhượng cho người khác bất cứ khi nào mà không cần chờ sau 3 năm).

  • Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết không được chuyển nhượng cổ phần đó cho người khác.

  • Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi cổ tức được chuyển nhượng vốn như cổ phần phổ thông (Tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều 119 và Khoản 1 Điều 126 của Luật Doanh nghiệp 2014).

Điều lệ công ty sẽ quy định việc chuyển nhượng toàn phần hay chuyển nhượng một phần và các quy định này chỉ có hiệu lực khi được nêu rõ trong cổ phiếu của cổ phần tương ứng. Do đó, chuyển nhượng toàn phần hay một phần thuộc quyền của cổ đông đó, ngoại trừ trường hợp bị pháp luật cấm chuyển nhượng hoặc có quy định hạn chế chuyển nhượng cổ phần trong điều lệ.

Những câu hỏi thường gặp về thành lập công ty, mua cổ phần, vốn góp

Tất cả cá nhân, tổ chức đều có quyền thành lập công  ty, ngoài các trường hợp sau: Cán bộ, công nhân viên chức đang giữ chức vụ quản lý của doanh nghiệp nhà nước (những đối tượng này chỉ được tham gia góp vốn với tư cách cổ đông, chứ không được thành lập quản lý doanh nghiệp); Sĩ quan/hạ sĩ quan/quân nhân chuyên nghiệp/công nhân viên chức quốc phòng… (ngoại trừ những cá nhân được nhà nước ủy quyền); Các cá nhân chưa là vị thành niên, không đủ năng lực hành vi dân sự hoặc đang trong thời gian thi hành án/truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tất cả cá nhân, tổ chức đều có quyền mua cổ phần, trừ những trường hợp cấm theo Khoản 3, 4 Điều 18 Luật Doanh nghiệp 2014.

Công ty có quyền mua lại không quá 30% tổng số cổ phần phổ thông đã bán; một phần hoặc toàn bộ cổ phần ưu đãi cổ tức đã bán. Tuy vậy, điều lệ công ty sẽ quy định cụ thể việc chuyển nhượng/mua bán cổ phần một phần hay toàn phần. Đồng thời, các quy định chỉ có hiệu lực khi được nêu rõ trong cổ phiếu của cổ phần tương ứng.

Các loại cổ phần mà cổ đông được quyền chuyển nhượng/mua bán bao gồm: Cổ phần phổ thông, cổ phần ưu đãi cổ tức, cổ phần ưu đãi hoàn lại.

Vốn góp có thể được chuyển nhượng cho cá nhân/tổ chức không phải là thành viên công ty với điều kiện sau 30 ngày chào bán nhưng không bán hết hoặc không có thành viên mua.

Cổ đông được phép chuyển nhượng cổ phần cho người khác không phải là cổ đông trong công ty khi thỏa 1 trong 2 điều kiện sau: Sau 3 năm đầu thành lập hoặc được đại hội đồng cổ đông đồng ý.

Người đại diện doanh nghiệp được hiểu chung là người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo ủy quyền. Người đại diện doanh nghiệp thường là người quản lý doanh nghiệp với các chức danh như: Chủ tịch hội đồng thành viên, chủ tịch hội đồng quản trị, chủ tịch công ty, giám đốc, tổng giám đốc...

Gọi cho chúng tôi theo số 0984 477 711 (Miền Bắc), 0903 003 779 (Miền Trung) hoặc 0938 268 123 (Miền Nam) để được hỗ trợ.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Đánh giá chất lượng bài viết, bạn nhé!

5.0

1 đánh giá
Chọn đánh giá

Gửi đánh giá

BÌNH LUẬN - HỎI ĐÁP

Hãy để lại câu hỏi của bạn, chúng tôi sẽ trả lời TRONG 15 PHÚT

SĐT và email sẽ được ẩn để bảo mật thông tin của bạn GỬI NHANH