Vốn hóa chi phí lãi vay là gì? Hạch toán vốn hóa chi phí lãi vay

Vốn hóa chi phí lãi vay là gì? Tìm hiểu điều kiện vốn hóa chi phí lãi vay (CPLV), trường hợp chi phí lãi vay được vốn hóa, hạch toán chi phí lãi vay được vốn hóa

I. Vốn hóa chi phí lãi vay là gì?

Vốn hóa chi phí lãi vay (CPLV) là việc ghi nhận chi phí lãi vay phát sinh trong quá trình đầu tư xây dựng hoặc sản xuất tài sản dở dang vào giá trị của tài sản đó.

Theo Chuẩn mực kế toán số 16 - Chi phí đi vay, Điều 8 có quy định: 

  • Chi phí đi vay liên quan trực tiếp đến việc đầu tư xây dựng hoặc sản xuất tài sản dở dang được tính vào giá trị của tài sản đó;
  • Các chi phí đi vay được vốn hóa khi doanh nghiệp chắc chắn thu được lợi ích kinh tế trong tương lai do sử dụng tài sản đó và chi phí đi vay có thể xác định một cách đáng tin cậy.

Theo đó, điều kiện vốn hóa chi phí lãi vay là:

  • Khoản CPLV được vốn hóa phải được xác định một cách tin cậy;
  • Việc vốn hóa CPLV chắc chắn thu được lợi ích kinh tế trong tương lai do sử dụng tài sản hình thành từ chi phí đi vay.

II. Các trường hợp vốn hóa chi phí lãi vay

1. Trường hợp 1: Chi phí lãi vay sử dụng cho mục đích đầu tư xây dựng cơ bản

Chi phí đi vay thực thế phát sinh trong quá trình đầu tư xây dựng cơ bản sẽ được vốn hóa vào giá trị đầu tư. Nếu trong giai đoạn đầu tư đó phát sinh cả lãi tiền gửi thì khoản lãi tiền gửi sẽ bù trừ với lãi vay còn lại và ghi giảm giá trị đầu tư.

Ví dụ: 

Công ty của bạn có vay tiền để xây dựng nhà máy thì chi phí lãi vay phát sinh trong giai đoạn xây dựng nhà máy sẽ được ghi nhận vào giá trị của nhà máy. 

Ngoài ra, số tiền đi vay này công ty không dùng hết toàn bộ mà 1 phần công ty đem gửi ngân hàng. Khi đó, lãi tiền gửi ngân hàng sẽ bù trừ với lãi vay. Trường hợp bù hết với số lãi vay kỳ đó thì phần còn lại sẽ ghi nhận giảm giá trị của nhà máy.

2. Trường hợp 2: Chi phí lãi vay sử dụng để sản xuất tài sản dở dang

Tài sản dở dang là tài sản đang trong quá trình xây dựng hay đang trong quá trình sản xuất mà có chu kỳ sản xuất trên 12 tháng. Chi phí lãi vay phát sinh trong thời gian này sẽ được ghi nhận vào nguyên giá của tài sản đó.

Ngoài ra, tương tự như trường hợp 1, nếu trong thời gian này vừa có phát sinh chi phí lãi vay, vừa phát sinh khoản lãi tiền gửi thì chi phí lãi vay sẽ được bù trừ với lãi tiền gửi còn lại và ghi tăng/giảm nguyên giá của tài sản.

III. Cách xác định thời điểm bắt đầu - tạm ngừng - chấm dứt vốn hóa

1. Thời điểm bắt đầu vốn hóa

Bắt đầu vốn hóa chi phí lãi vay khi thỏa mãn tất cả các điều kiện sau:

  • Phát sinh chi phí đi vay;
  • Bắt đầu phát sinh các chi phí cho việc đầu tư xây dựng hoặc sản xuất tài sản dở dang;
  • Các hoạt động cần thiết cho việc đưa tài sản dở dang vào sử dụng hoặc bán đang được tiến hành (bao gồm: hoạt động xây dựng, sản xuất, lắp đặt...).

Ví dụ:

Công ty bạn vay tiền để mua một mảnh đất và xây dựng nhà máy trên mảnh đất đó nhưng chưa tiến hành khởi công xây dựng thì chưa được vốn hóa. 

2. Thời điểm tạm ngừng vốn hóa

Chi phí lãi vay sẽ tạm ngừng vốn hóa khi quá trình đầu tư xây dựng, sản xuất tài sản dở dang bị gián đoạn, trừ khi sự gián đoạn đó là cần thiết và nằm trong kế hoạch ban đầu. 

Ví dụ:

Đang trong quá trình xây dựng nhưng phát sinh tranh chấp pháp lý, dẫn đến việc xây dựng phải tạm ngừng thì khi đó sẽ phải tạm ngừng vốn hóa. Trong trường hợp này, chi phí lãi vay sẽ được ghi nhận vào chi phí trong kỳ cho đến khi hoạt động xây dựng hoặc sản xuất được tiếp tục.

3. Thời điểm chấm dứt vốn hóa

  • Khi các hoạt động cần thiết cho việc đưa tài sản vào sử dụng hoặc bán thì việc vốn hóa chi phí lãi vay sẽ chấm dứt. Chi phí lãi vay phát sinh sau đó sẽ được ghi nhận ngay vào chi phí trong kỳ;
  • Khi quá trình đầu tư xây dựng, sản xuất tài sản hoàn thành theo từng bộ phận hay từng công trình và mỗi bộ phận/công trình có thể sử dụng được độc lập trong khi vẫn tiếp tục quá trình đầu tư xây dựng/sản xuất cho các bộ phận/công trình khác thì việc vốn hóa các chi phí lãi vay sẽ chấm dứt đối với phần vốn vay của bộ phận/công trình đã hoàn thành.

IV. Hạch toán chi phí lãi vay được vốn hóa

1. Khi phát sinh chi phí lãi vay hạch toán

  • Nợ TK 241 (đối với vốn hóa cho hoạt động đầu tư xây dựng);
  • Nợ TK 627 (đối với vốn hóa cho hoạt động sản xuất tài sản dở dang);
  • Có TK 111, 112 (trả lãi vay định kỳ);
  • TK 242 (trường hợp lãi vay trả trước cho nhiều kỳ);
  • TK 335 (trích trước chi phí lãi vay trong kỳ - nếu chi phí cho vay trả sau).

2. Các khoản thu nhập phát sinh từ đầu tư tạm thời từ khoản vốn vay

Kế toán ghi:

  • Nợ TK 111, 112: Số tiền nhận được;
  • Có TK 241 (đối với vốn hóa cho hoạt động đầu tư xây dựng);
  • Có TK 627 (đối với vốn hóa cho hoạt động sản xuất tài sản dở dang).

3. Chi phí đi vay liên quan đến tài sản dở dang bị gián đoạn bất thường hoặc từ thời điểm chấm dứt vốn hóa

Hạch toán:

  • Nợ TK 635;
  • Có TK 111, 112, 242, 335.

>> Xem thêm: Xác định chi phí lãi vay khi tính thuế TNDN.

V. Câu hỏi thường gặp khi hạch toán vốn hóa chi phí lãi vay

Hỏi: Trường hợp doanh nghiệp vay tiền để mua ô tô về sử dụng ngay thì chi phí lãi vay có được ghi nhận vào giá trị của chiếc ô tô đó hay không? Nếu không được thì chi phí lãi vay này hạch toán như thế nào?

Trả lời: Trường hợp này doanh nghiệp phát sinh lãi vay khi mua sắm tài sản cố định đã hoàn thiện, có thể sử dụng ngay mà không cần qua quá trình lắp đặt, đầu tư xây dựng thì không được vốn hóa vào nguyên giá TSCĐ mà sẽ được ghi nhận ngay vào chi phí trong kỳ.

Kế toán hạch toán:

  • Nợ TK 635: Chi phí tài chính;
  • Có TK 111, 112, 242, 335: Chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ.

Doãn Tuấn - Phòng Kế toán Anpha

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Đánh giá chất lượng bài viết, bạn nhé!

5.0

1 đánh giá
Chọn đánh giá

Gửi đánh giá

BÌNH LUẬN - HỎI ĐÁP

Hãy để lại câu hỏi của bạn, chúng tôi sẽ trả lời TRONG 15 PHÚT

SĐT và email sẽ được ẩn để bảo mật thông tin của bạn GỬI NHANH