Tìm hiểu: Di chúc là gì? Điều kiện để di chúc hợp pháp là gì? Hướng dẫn hồ sơ và trình tự các bước làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế theo di chúc hợp pháp.
I. Di chúc là gì?
Căn cứ theo Điều 624 Bộ luật Dân sự 2015, di chúc thừa kế là văn bản thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.
- Để đảm bảo giá trị pháp lý, di chúc phải bao gồm các nội dung chủ yếu sau:
- Thời gian (ngày, tháng, năm) lập di chúc;
- Thông tin pháp lý (họ tên, nơi cư trú…) của người lập di chúc và đối tượng được hưởng di sản;
- Thông tin di sản để lại và nơi có di sản;
- Các nội dung thể hiện tại di chúc không được trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.
- Phân loại di chúc:
- Di chúc miệng là sự thể hiện ý chí bằng lời nói của người lập di chúc;
- Di chúc bằng văn bản sẽ bao gồm di chúc không có người làm chứng, di chúc có người làm chứng và di chúc có công chứng/chứng thực.
>> Xem chi tiết: Các hình thức di chúc.
II. Các điều kiện để di chúc hợp pháp
Để đảm bảo tính hợp pháp, ngoài việc di chúc phải thoả mãn các điều kiện về nội dung và hình thức tại mục I nêu trên, di chúc còn phải có đầy đủ các điều kiện cụ thể như sau:
- Chủ thể lập di chúc trong tinh thần trạng thái minh mẫn, sáng suốt, không bị lừa dối, đe dọa/cưỡng ép;
- Người lập di chúc từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi thì di chúc bắt buộc phải được lập thành văn bản và phải được cha/mẹ/người giám hộ đồng ý;
- Di chúc của người bị hạn chế về thể chất/không biết chữ bắt buộc phải được lập thành văn bản và có công chứng/chứng thực;
- Đối với di chúc miệng phải có sự chứng kiến của ít nhất 2 người làm chứng và được ghi chép lại, sau đó người làm chứng cùng ký tên/điểm chỉ. Kể từ thời điểm lập, trong thời hạn 5 ngày làm việc, di chúc phải được công chứng/chứng thực theo quy định.
>> Xem chi tiết: Các điều kiện để di chúc hợp pháp.
III. Hồ sơ khai nhận di sản thừa kế theo di chúc
Căn cứ theo quy định pháp luật, hồ sơ cần thiết để khai nhận di sản thừa kế theo di chúc bao gồm các tài liệu theo bảng sau đây.
Hồ sơ khai nhận di sản thừa kế bao gồm:
- Di chúc có giá trị pháp lý;
- Phiếu yêu cầu công chứng văn bản khai nhận di sản thừa kế;
- Giấy tờ pháp lý cá nhân của người được thừa kế (CCCD/hộ chiếu, giấy khai sinh…);
- Giấy chứng tử hoặc tài liệu có giá trị tương đương (xác nhận đã mất của cơ quan có thẩm quyền) của người để lại di sản thừa kế;
- Tài liệu chứng minh về tài sản của người đã mất như:
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ đỏ);
- Giấy chứng nhận đăng ký xe;
- Giấy chứng nhận cổ phần/phần vốn góp;
- Sổ tiết kiệm…
>> TẢI MIỄN PHÍ: Phiếu yêu cầu công chứng văn bản khai nhận di sản thừa kế.
IV. Trình tự, thủ tục khai nhận di sản thừa kế theo di chúc
Khai nhận di sản thừa kế bao gồm các bước sau:
- Bước 1: Chuẩn bị và nộp hồ sơ khai nhận di sản thừa kế theo di chúc tới cơ quan công chứng;
- Bước 2: Cơ quan công chứng tiến hành thụ lý công chứng văn bản khai nhận di sản thừa kế sau khi kiểm tra bộ hồ sơ đầy đủ, phù hợp theo quy định;
- Bước 3: Tổ chức hành nghề công chứng niêm yết việc thụ lý văn bản khai nhận di sản thừa kế trong thời hạn 15 ngày tại trụ sở UBND cấp xã nơi thường trú cuối cùng của người lập di chúc;
- Bước 4: Cơ quan công chứng chứng nhận văn bản khai nhận di sản thừa kế trong trường hợp sau 15 ngày niêm yết nhưng không có nội dung khiếu nại, tố cáo;
- Bước 5: Sau khi công chứng, người thừa kế nhận văn bản khai nhận di sản để thực hiện thủ tục đăng ký sang tên tài sản tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
V. Các câu hỏi thường gặp về thủ tục khai nhận di sản thừa kế theo di chúc
1. Thế nào là di chúc hợp pháp?
Để đảm bảo giá trị pháp lý, di chúc phải bao gồm các nội dung chủ yếu sau:
- Thời gian (ngày, tháng, năm) lập di chúc;
- Thông tin pháp lý (họ tên, nơi cư trú…) của người lập di chúc và cá nhân/tổ chức được hưởng di sản;
- Thông tin di sản để lại và nơi có di sản;
- Các nội dung thể hiện tại di chúc không được trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.
>> Xem chi tiết: Điều kiện để di chúc hợp pháp.
2. Tổ chức nào có thẩm quyền thực hiện thủ tục khai nhận di sản thừa kế theo di chúc?
Các tổ chức hành nghề công chứng bao gồm: phòng công chứng và văn phòng công chứng là cơ quan có thẩm quyền thực hiện thủ tục công chứng văn bản khai nhận di sản thừa kế.
3. Việc thụ lý văn bản khai nhận di sản thừa kế được niêm yết ở đâu?
Việc thụ lý văn bản khai nhận di sản thừa kế được thực hiện tại trụ sở UBND cấp xã nơi thường trú cuối cùng của người để lại di sản trong thời hạn 15 ngày. Trường hợp di sản có bất động sản thì còn phải niêm yết tại UBND xã nơi có đất.
Diễn Trần - Phòng Pháp lý Anpha
Đánh giá chất lượng bài viết, bạn nhé!
BÌNH LUẬN - HỎI ĐÁP
Hãy để lại câu hỏi của bạn, chúng tôi sẽ trả lời TRONG 15 PHÚT