Tách hộ là gì? Quy định và điều kiện Tách Hộ Khẩu cùng nhà

Góc giải đáp: Tách hộ khẩu có lợi ích gì? Điều kiện tách hộ khẩu là gì? Tách hộ khẩu khi chưa có nhà riêng được không? Chủ hộ có quyền cắt hộ khẩu không?

Tách hộ là gì? Tách hộ khẩu là gì?

Tách hộ (tách khẩu, cắt khẩu, tách hộ khẩu) là việc xóa tên trong hộ khẩu thường trú hiện tại và đăng ký tên vào hộ khẩu mới nhưng vẫn sử dụng chung địa chỉ thường trú đó.

Theo quy định của luật tách khẩu mới nhất - Luật Cư trú 2020 có hiệu lực từ ngày 01/07/2021, thủ tục tách hộ khẩu đã bị bãi bỏ và thay thế bằng thủ tục tách hộ. Theo đó, người tách hộ sẽ không được cấp sổ hộ khẩu mới như trước đây mà cơ quan đăng ký cư trú sẽ tự động cập nhật vào cơ sở dữ liệu cư trú thông tin về hộ gia đình tách hộ. 

Lưu ý:

Trường hợp bạn muốn xóa tên khỏi hộ khẩu hiện tại và đăng ký vào hộ khẩu mới có địa chỉ khác hoàn toàn với địa chỉ hiện tại thì không thực hiện tách hộ mà làm thủ tục chuyển khẩu hay đăng ký thường trú. 

Tách hộ khẩu có lợi ích gì? Tách hộ khẩu để giảm tiền điện đúng không?

Có khá nhiều lý do khiến việc tách hộ trở nên cần thiết chẳng hạn như là:

  • Tách hộ khẩu để tách biệt tài sản với các thành viên còn lại trong hộ gia đình;
  • Tách hộ khẩu để giảm tiền điện bằng cách đăng ký được nhiều công tơ điện trong 1 nhà, từ đó giảm mức sử dụng điện lũy tiến theo cách tính giá điện bậc thang;
  • Tách hộ khẩu để tự chủ trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, các giao dịch nhà đất, vay vốn hoặc thực hiện các quyền và nghĩa vụ khác một cách độc lập mà không phụ thuộc vào chủ hộ.

Tuy nhiên, đối với một số gia đình thuộc diện đặc biệt thì khi tách hộ, bạn có thể sẽ không được hưởng các các chính sách hỗ trợ và các khoản trợ cấp xã hội khác như khi còn ở hộ cũ.

Điều kiện để tách hộ khẩu cùng nhà

Để được tách khẩu và đăng ký tại cùng một địa chỉ thường trú hợp pháp, các thành viên trong hộ gia đình cần đáp ứng đủ các điều kiện quan trọng dưới đây:

Có đầy đủ năng lực hành vi dân sự.

Hộ gia đình có nhiều thành viên cùng đăng ký tách khẩu để lập hộ mới thì trong đó phải có ít nhất một người có đầy đủ năng lực hành vi dân sự.

Phải có sự đồng ý của chủ hộ và chủ sở hữu nơi thường trú hợp pháp (ngoại trừ trường hợp người tách hộ là vợ, chồng đã ly hôn mà vẫn được cùng sử dụng chỗ ở hợp pháp đó).

Chỗ ở thường trú của hộ gia đình không thuộc các trường hợp bị pháp luật cấm bao gồm:

  • Thuộc địa điểm, khu vực cấm xây dựng hoặc xâm phạm các khu vực như:
    • Hành lang bảo vệ an ninh quốc phòng, giao thông, thủy lợi, đê điều, năng lượng;
    • Ranh giới bảo vệ công trình hạ tầng kỹ thuật, di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng;
    • Khu vực có cảnh báo về nguy cơ sạt lở, lũ lụt và các khu vực bảo vệ công trình khác theo quy định của pháp luật.
  • Có toàn bộ diện tích nhà ở nằm trên đất lấn chiếm trái phép hoặc được xây dựng trên khu đất không đủ điều kiện xây dựng;
  • Bị cơ quan nhà nước tịch thu;
  • Bị cơ quan nhà nước ra quyết định thu hồi đất và quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư;
  • Là nhà ở bị cơ quan nhà nước ra quyết định phá dỡ;
  • Là nhà ở có một phần hoặc toàn bộ diện tích nhà ở đang bị tranh chấp, khiếu nại về quyền sở hữu, quyền sử dụng nhưng chưa được giải quyết;
  • Phương tiện được sử dụng làm nơi đăng ký thường trú đã bị xóa đăng ký phương tiện hoặc không có giấy chứng nhận về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.

Có được đơn phương cắt hộ khẩu? Chủ hộ có quyền cắt hộ khẩu không?

Theo điều kiện tách hộ thì thành viên hộ gia đình được tách hộ khi có sự đồng ý của chủ hộ, chủ sở hữu nơi ở hợp pháp, trừ trường hợp người tách hộ là vợ chồng đã ly hôn mà vẫn được cùng sử dụng nơi ở hợp pháp đó.

Do đó chủ hộ không có quyền tách hộ (cắt hộ khẩu) của thành viên khác trong gia đình nếu người đó không có yêu cầu. Và người yêu cầu tách hộ cũng không được đơn phương tách hộ khẩu mà không có sự đồng ý của chủ hộ trừ trường hợp người tách hộ là vợ chồng đã ly hôn nhưng nơi ở hợp pháp vẫn là tài sản chung của vợ chồng. 

Ví dụ: 

  • Nếu nhà ở là tài sản chung của 2 vợ chồng thì khi ly hôn người vợ được phép đơn phương tách hộ mà không cần có sự đồng ý của chồng; 
  • Nếu nhà ở do mẹ chồng sở hữu và là chủ hộ thì khi ly hôn con dâu không được đơn phương tách hộ nếu mẹ chồng không đồng ý và mẹ chồng cũng không có quyền tách hộ của con dâu nếu con dâu không đồng ý.

Tách sổ hộ khẩu có cần đất không?

Theo như định nghĩa về tách khẩu mà Anpha đã chia sẻ ở trên thì tách khẩu vẫn sử dụng chung nơi thường trú hợp pháp. Và điều kiện để tách hộ khẩu cũng không yêu cầu phải có đất hay nhà riêng.

Do đó nếu đáp ứng đủ các điều kiện về tách khẩu thì bạn có thể tách hộ khẩu khi chưa có nhà riêng hoặc không có đất. Trường hợp bạn có đất hay nhà riêng và muốn chuyển đến đó thì cần làm thủ tục chuyển khẩu (thủ tục đăng ký thường trú).

Quy định về lệ phí tách hộ khẩu

Mức thu lệ phí tách hộ khẩu tùy vào hình thức nộp hồ sơ đăng ký tách hộ, cụ thể:

Mức thu Hình thức nộp hồ sơ
10.000 đồng Nộp trực tiếp tại cơ quan đăng ký cư trú
5.000 đồng Nộp hồ sơ qua Cổng dịch vụ công

Lưu ý:

Miễn phí tách hộ khẩu nếu thuộc các đối tượng sau:

  • Trẻ em từ dưới 16 tuổi;
  • Người cao tuổi từ đủ 60 tuổi trở lên;
  • Người khuyết tật;
  • Người có công với cách mạng và người thân của người có công với cách mạng;
  • Đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng đặc biệt khó khăn;
  • Công dân thường trú tại khu vực biên giới, huyện đảo;
  • Công dân thuộc diện hộ nghèo;
  • Công dân mồ côi cha và mẹ từ đủ 16 - dưới 18 tuổi.

Muốn tách hộ khẩu cần những giấy tờ gì?

1. Giấy tờ tách khẩu

Hiện nay thủ tục tách hộ khá đơn giản, bạn chỉ cần chuẩn bị hồ sơ gồm các giấy tờ cần thiết sau đây:

Trường hợp tách hộ để đăng ký ở cùng một nơi ở hợp pháp

  • Tờ khai thay đổi thông tin cư trú (trong đó ghi rõ ý kiến đồng ý của chủ hộ và chủ sở hữu nơi thường trú, trừ khi đã có văn bản đồng ý riêng).

Trường hợp người tách hộ là vợ, chồng đã ly hôn nhưng vẫn ở chung nơi ở hợp pháp

  • Tờ khai thay đổi thông tin cư trú;
  • Giấy tờ pháp lý chứng minh việc ly hôn và tiếp tục thường trú tại nơi ở hợp pháp đó (nếu người tách hộ là vợ, chồng đã ly hôn nhưng vẫn được cùng sử dụng nơi ở hợp pháp đó).

>> TẢI MẪU MIỄN PHÍ: Tờ khai thay đổi thông tin cư trú.

2. Cách nộp hồ sơ tách khẩu

Sau khi chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ như Anpha đã hướng dẫn ở trên thì bạn làm thủ tục tách khẩu theo 1 trong 2 cách:

  • Cách 1: Đăng ký tách khẩu trực tiếp tại công an xã/phường nơi thường trú;
  • Cách 2: Đăng ký tách khẩu online trên Cổng dịch vụ công Bộ Công an.

Chi tiết 2 cách tách hộ khẩu trên Anpha có hướng dẫn riêng kèm hình ảnh minh họa trong bài viết:
>> Hồ sơ và thủ tục tách hộ khẩu cùng nhà online - trực tiếp.

Các câu hỏi liên quan đến quy định tách hộ khẩu mới nhất theo Luật Cư trú

1. Tách khẩu là gì?

Tách khẩu (tách hộ, cắt khẩu, tách hộ khẩu) là việc xóa tên trong hộ khẩu thường trú hiện tại và đăng ký tên vào hộ khẩu mới nhưng vẫn sử dụng chung địa chỉ thường trú đó.

>> Xem chi tiết: Tách hộ là gì?

2. Tách hộ khẩu có lợi ích gì?

Việc tách hộ khẩu mang lại 3 lợi ích quan trọng sau:

  • Tách hộ khẩu để tự chủ trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, các giao dịch nhà đất, vay vốn… mà không phụ thuộc vào chủ hộ;
  • Tách hộ khẩu để tách biệt tài sản với các thành viên còn lại trong hộ gia đình;
  • Tách hộ khẩu để giảm tiền điện thông qua việc đăng ký được nhiều công tơ điện trong 1 nhà, từ đó giảm mức sử dụng điện lũy tiến theo cách tính giá điện bậc thang.

>> Xem chi tiết: Tách hộ khẩu có lợi ích gì?

3. Sau khi ly hôn có phải tách khẩu không?

Sau khi ly hôn nếu trên thực tế người vợ/chồng không còn ở tại nhà cũ mà chuyển đi nơi khác thì phải tách khẩu, còn nếu không chuyển đi thì không bắt buộc tách khẩu.

4. Điều kiện để tách hộ khẩu là gì?

4 điều kiện tách khẩu bao gồm:

  1. Có đầy đủ năng lực hành vi dân sự;
  2. Hộ gia đình có nhiều thành viên cùng đăng ký tách khẩu để lập hộ mới thì trong đó phải có ít nhất một người có đầy đủ năng lực hành vi dân sự (để làm chủ hộ);
  3. Phải có sự đồng ý của chủ hộ và chủ sở hữu nơi thường trú hợp pháp (ngoại trừ trường hợp người tách hộ là vợ, chồng đã ly hôn mà vẫn được cùng sử dụng chỗ ở hợp pháp đó);
  4. Chỗ ở thường trú của hộ gia đình không thuộc các trường hợp bị pháp luật cấm.

>> Xem chi tiết: Điều kiện tách hộ khẩu.

5. Chủ hộ có quyền cắt khẩu không?

Không. Chủ hộ không có quyền tách hộ (cắt hộ khẩu) của thành viên khác trong gia đình nếu người đó không có yêu cầu. 

>> Xem chi tiết: Có được đơn phương cắt hộ khẩu? Chủ hộ có quyền cắt hộ khẩu không?

6. Tách khẩu có mất tiền không?

Có. Lệ phí tách khẩu trực tiếp tại cơ quan đăng ký cư trú là 10.000 đồng, tách khẩu online trên Cổng dịch vụ công của Bộ Công an là 5.000 đồng.

>> Xem chi tiết: Quy định về lệ phí tách hộ.

Gọi cho chúng tôi theo số 0984 477 711 (Miền Bắc) - 0903 003 779 (Miền Trung) -  0938 268 123 (Miền Nam) để được hỗ trợ.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Đánh giá chất lượng bài viết, bạn nhé!

0.0

Chưa có đánh giá nào
Chọn đánh giá

Gửi đánh giá

BÌNH LUẬN - HỎI ĐÁP

Hãy để lại câu hỏi của bạn, chúng tôi sẽ trả lời TRONG 15 PHÚT

SĐT và email sẽ được ẩn để bảo mật thông tin của bạn GỬI NHANH