Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm là gì? Có bắt buộc

Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm là gì? Có bắt buộc không? Đối tượng, khi nào cần giấy vệ sinh an toàn thực phẩm & điều kiện cấp giấy phép là gì? Tất cả sẽ được Anpha giải đáp chi tiết tại bài viết này.

Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm là gì?

Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm tên đầy đủ là giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây là giấy phép do cơ quan có thẩm quyền cấp cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống đáp ứng các yêu cầu, điều kiện về an toàn thực phẩm theo quy định.

Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm (giấy chứng nhận VSATTP) còn được mọi người gọi tắt với các tên khác như: giấy phép an toàn thực phẩm, giấy chứng nhận an toàn thực phẩm hay giấy vệ sinh an toàn thực phẩm…

Có bắt buộc phải xin giấy chứng nhận an toàn thực phẩm?

Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm là điều kiện bắt buộc đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Do đó, sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thì hộ kinh doanh, doanh nghiệp và các đơn vị phụ thuộc đăng ký ngành nghề sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống bắt buộc phải làm thủ tục xin giấy phép an toàn thực phẩm.

Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm không chỉ là căn cứ pháp lý để cơ sở kinh doanh thực phẩm chứng minh sản phẩm của mình an toàn, không ảnh hưởng sức khỏe khách hàng mà còn là công cụ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm soát và quản lý về an toàn thực phẩm.

Ngoài ra, giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm còn là điều kiện bắt buộc để doanh nghiệp thực hiện thủ tục công bố sản phẩm, làm hồ sơ xin giấy phép bán buôn rượu hoặc mở siêu thị mini…

Khi nào cần giấy vệ sinh an toàn thực phẩm?

1. Đối tượng được miễn giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm

Theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm thuộc 1 trong 10 trường hợp dưới đây không phải xin giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm:

  1. Cơ sở, hộ kinh doanh sản xuất ban đầu nhỏ lẻ;
  2. Cơ sở, hộ kinh doanh sơ chế nhỏ lẻ;
  3. Cơ sở kinh doanh thực phẩm được bao gói sẵn;
  4. Cơ sở kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ;
  5. Cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống không có địa điểm cố định;
  6. Cơ sở sản xuất, kinh doanh các loại dụng cụ, vật liệu để đóng gói, chứa đựng thực phẩm;
  7. Nhà hàng trong khách sạn;
  8. Bếp ăn tập thể của trường học, công ty, xí nghiệp… chỉ phục vụ nội bộ, không đăng ký ngành nghề kinh doanh thực phẩm (tức là không buôn bán thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống);
  9. Kinh doanh thức ăn đường phố;
  10. Cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có 1 trong các giấy chứng nhận sau:
    • Giấy chứng nhận thực hành sản xuất tốt (Giấy chứng nhận GMP);
    • Giấy chứng nhận hệ thống giúp xác định, đánh giá và kiểm soát các mối nguy đối với an toàn thực phẩm (giấy chứng nhận HACCP);
    • Giấy chứng nhận hệ thống quản lý an toàn thực phẩm (hoặc giấy chứng nhận ISO 22000);
    • Giấy chứng nhận tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (chứng nhận IFS);
    • Giấy chứng nhận tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm (chứng nhận BRC);
    • Giấy chứng nhận hệ thống an toàn thực phẩm (chứng nhận FSSC 22000).

>> Xem thêm: Thủ tục cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm.

2. Đối tượng phải có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm

Ngoại trừ 10 trường hợp được miễn giấy chứng nhận an toàn thực phẩm được quy định tại Điều 12 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP kể trên, tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đều phải có giấy phép an toàn thực phẩm trước khi hoạt động.

Ví dụ cụ thể về một số trường hợp cần xin giấy phép an toàn thực phẩm:

  1. Cơ sở sản xuất, chế biến ngũ cốc;
  2. Cơ sở chế biến rau củ quả, thịt và các sản phẩm từ thịt, trứng, sữa tươi…;
  3. Cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu bia, nước giải khát;
  4. Cơ sở kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống như quán ăn, nhà hàng…;
  5. Căng tin, nhà ăn, bếp ăn có đăng ký kinh doanh thực phẩm…

Điều kiện cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm

Cơ sở, doanh nghiệp, hộ kinh doanh sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống được cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm khi đáp ứng đủ 2 điều kiện sau:

  1. Có đăng ký mã ngành kinh doanh thực phẩm trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
  2. Đáp ứng đầy đủ các điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm phù hợp với loại hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Chi tiết mã ngành nghề và điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn như sau:

1. Mã ngành nghề kinh doanh thực phẩm

Dưới đây là một số mã ngành nghề bạn cần đăng ký khi kinh doanh thực phẩm:

  • Mã ngành 4610: Đại lý, đấu giá hàng hóa, môi giới;
  • Mã ngành 4631: Bán buôn gạo, hạt ngũ cốc khác, lúa mì, bột mì;
  • Mã ngành 4632: Bán buôn thực phẩm;
  • Mã ngành 4633: Bán buôn đồ uống;
  • Mã ngành 4723: Bán lẻ đồ uống trong cửa hàng chuyên doanh;
  • Mã ngành 4711: Bán lẻ lương thực, đồ uống, thực phẩm, thuốc lá, thuốc lào chiếm tỷ trọng lớn trong cửa hàng kinh doanh tổng hợp;
  • Mã ngành 5610: Nhà hàng và dịch vụ ăn uống phục vụ lưu động.

Ngoài ra, doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh cá thể có thể đăng ký thêm các ngành nghề về sản xuất, chế biến nếu có hoạt động, ví dụ:

  • Mã ngành 1010: Chế biến, bảo quản thịt và các sản phẩm từ thịt;
  • Mã ngành 1020: Chế biến, bảo quản thuỷ sản và các sản phẩm từ thuỷ sản;
  • Mã ngành 1030: Chế biến và bảo quản rau quả;
  • Mã ngành 1050: Chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa;
  • Mã ngành 1062: Sản xuất tinh bột và các sản phẩm từ tinh bột;
  • Mã ngành 1071: Sản xuất các loại bánh từ bột;
  • Mã ngành 1074: Sản xuất món ăn, thức ăn chế biến sẵn.

2. Điều kiện chung về an toàn vệ sinh thực phẩm

➨ Điều kiện đảm bảo ATTP đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm:

  • Địa điểm sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải có diện tích phù hợp, có khoảng cách an toàn đối với nguồn ô nhiễm, nguồn gây độc hại và các yếu tố gây hại khác;
  • Nguồn nước sử dụng trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm phải đạt quy chuẩn;
  • Có đầy đủ trang thiết bị cần thiết phục vụ cho việc xử lý nguyên liệu, chế biến thực phẩm, đóng gói, bảo quản và vận chuyển các loại thực phẩm của cơ sở;
  • Có đầy đủ các thiết bị, dụng cụ, phương tiện dùng để rửa và khử trùng, nước sát trùng trong sản xuất, chế biến và phòng chống các loại côn trùng, động vật gây hại;
  • Có hệ thống xử lý nước thải, chất thải và phải vận hành thường xuyên theo quy định;
  • Duy trì các điều kiện đảm bảo ATTP và lưu giữ hồ sơ tài liệu, hồ sơ về nguồn gốc, xuất xứ của nguyên liệu, tài liệu về quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm;
  • Chấp hành các quy định về sức khỏe, kiến thức, thực hành đối với người trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

➨ Điều kiện đảm bảo ATTP trong khâu bảo quản thực phẩm:

  • Nơi bảo quản và phương tiện bảo quản thực phẩm phải có diện tích đủ rộng, đảm bảo vệ sinh để bảo quản riêng biệt từng loại thực phẩm, có thể xếp dỡ an toàn và chính xác;
  • Nơi bảo quản thực phẩm phải thông thoáng, khô ráo, có thiết bị thông gió, đảm bảo ngăn ngừa được ảnh hưởng của độ ẩm, nhiệt độ và các loại côn trùng, động vật gây hại…;
  • Chấp hành các quy định về bảo quản thực phẩm của đơn vị sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

➨ Điều kiện đảm bảo ATTP trong vận chuyển thực phẩm:

  • Phương tiện vận chuyển thực phẩm phải được chế tạo từ vật liệu không làm ô nhiễm thực phẩm hoặc bao bì thực phẩm, dễ làm sạch;
  • Đảm bảo đáp ứng các điều kiện bảo quản thực phẩm trong suốt quá trình vận chuyển theo hướng dẫn và yêu cầu của đơn vị sản xuất, kinh doanh thực phẩm;
  • Không vận chuyển thực phẩm trên cùng 1 phương tiện với các loại hàng hóa độc hại hoặc vận chuyển chung với các loại thực phẩm có thể gây ô nhiễm chéo ảnh hưởng đến chất lượng thực phẩm.

Ngoài các điều kiện kể trên, tùy thuộc vào hoạt động thực tế, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm còn phải đáp ứng các điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm riêng khác, như:

  • Điều kiện ATTP áp dụng riêng đối với sản xuất thực phẩm tươi sống;
  • Điều kiện ATTP áp dụng riêng đối với cơ sở kinh doanh thực phẩm tươi sống;
  • Điều kiện ATTP áp dụng riêng đối với cơ sở sơ chế, chế biến, kinh doanh thực phẩm đã qua chế biến;
  • Điều kiện ATTP áp dụng riêng đối với sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.

>> Xem chi tiết: Điều kiện cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm - Chi tiết cho từng loại hình sản xuất, kinh doanh.

Như vậy, chỉ khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện kể trên và gửi hồ sơ hợp lệ cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm mới được xem xét cấp giấy phép an toàn vệ sinh thực phẩm.

Quy định về mức xử phạt không có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm

Tùy vào mức độ vi phạm mà cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm không có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm có thể bị xử phạt hành chính từ 20.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng. Cụ thể như sau:

➨ Mức 1: Phạt từ 20.000.000 đồng - 30.000.000 đồng nếu vi phạm 1 trong 2 lỗi sau:

  • Kinh doanh dịch vụ ăn uống nhưng không có giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm;
  • Có giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng giấy phép đã hết hiệu lực (trừ các trường hợp không phải xin giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm).

➨ Mức 2: Phạt từ 30.000.000 đồng - 40.000.000 đồng nếu vi phạm 1 trong 2 lỗi sau:

  • Sản xuất, kinh doanh thực phẩm mà không có giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm;
  • Có giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng giấy phép đã hết hiệu lực (trừ các trường hợp không phải xin giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm).

➨ Mức 3: Phạt từ 40.000.000 đồng - 60.000.000 đồng nếu vi phạm 1 trong 2 lỗi sau:

  • Sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe nhưng không có giấy chứng nhận GMP hoặc giấy chứng nhận GMP đã hết hiệu lực (ngoại trừ trường sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên dây chuyền sản xuất thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu hoặc trường hợp khác theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế);
  • Buôn bán, lưu thông sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe nhập khẩu hoặc sản xuất trong nước đã được cấp giấy xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP hoặc giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm trước ngày 01/07/2019 mà không thực hiện bổ sung giấy chứng nhận GMP trước khi sản xuất.

Sau khi bị xử phạt hành chính, các cơ sở vi phạm lỗi ở mức 2 hoặc mức 3 sẽ bị yêu cầu thu hồi thực phẩm đã sản xuất và phân phối ra thị trường đồng thời bị buộc thay đổi mục đích sử dụng hoặc tái chế hoặc buộc tiêu hủy thực phẩm vi phạm.

>> Xem thêm: Các trường hợp bị thu hồi giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm.

-------

Trên đây là những chia sẻ của Anpha về giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Nếu bạn có nhu cầu xin giấy phép VSATTP cho nhà hàng, khách sạn, công ty hay xưởng sản xuất thực phẩm có thể tham khảo ngay dịch vụ của Anpha.

Dịch vụ xin giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm của Anpha:

  • Cung cấp dịch vụ tại cả 3 miền Bắc - Trung - Nam;
  • Thời gian hoàn thành thủ tục chỉ từ 15 ngày làm việc (tùy lĩnh vực và quy mô cơ sở);
  • Miễn phí tư vấn từ A-Z điều kiện, hồ sơ, thủ tục xin giấy phép ATTP;
  • Có nhân viên riêng theo sát hồ sơ, xuống tận cơ sở cùng tiếp đón đoàn thẩm định;
  • Đảm bảo có giấy phép ATTP và bàn giao đúng hạn.

>> Xem chi tiết: Dịch vụ xin giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm.

GỌI NGAY

Một số câu hỏi về giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm

1. Đối tượng nào phải xin giấy phép an toàn vệ sinh thực phẩm?

Ngoại trừ 10 trường hợp được miễn giấy phép an toàn thực phẩm được quy định tại Điều 12 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP, tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đều phải có giấy phép an toàn thực phẩm trước khi hoạt động.

Ví dụ một số cơ sở phải có giấy phép an toàn vệ sinh thực phẩm: cơ sở sản xuất, chế biến ngũ cốc; cơ sở chế biến rau củ quả, thịt và các sản phẩm từ thịt, trứng, sữa tươi…; cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu bia, nước giải khát… 

2. Điều kiện, quy định về cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm là gì?

Cơ sở, doanh nghiệp, hộ kinh doanh sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống được cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm khi đáp ứng đủ 2 điều kiện sau:

  1. Có đăng ký mã ngành kinh doanh thực phẩm trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
  2. Đáp ứng đầy đủ các điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm phù hợp với loại hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

3. Kinh doanh thực phẩm không có giấy vệ sinh an toàn thực phẩm có bị phạt không?

Có. Theo quy định, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không thuộc 10 đối tượng được quy định tại Điều 12 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP thì phải có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm trước khi hoạt động. 

Nếu các cơ sở này kinh doanh thực phẩm mà không có giấy phép an toàn thực phẩm có thể bị phạt từ 20.000.000 đồng - 60.000.000 đồng.

>> Tìm hiểu thêm: Mức xử phạt không có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm.

4. Công ty tôi có mở bếp ăn phục vụ miễn phí cho nhân viên thì có phải xin giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm không?

Trường hợp bếp ăn tập thể của công ty phục vụ đồ ăn trưa miễn phí cho nhân viên, không kinh doanh, buôn bán thực phẩm và công ty cũng không đăng ký mã ngành nghề kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống thì không cần phải có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm.

5. Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm có ý nghĩa gì?

Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm không chỉ là căn cứ pháp lý để cơ sở kinh doanh thực phẩm chứng minh sản phẩm của mình an toàn, đảm bảo sức khỏe đối với khách hàng mà còn là công cụ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm soát và quản lý về an toàn thực phẩm.

Gọi cho chúng tôi theo số 0984 477 711 (Miền Bắc) - 0903 003 779 (Miền Trung) - 0938 268 123 (Miền Nam) để được hỗ trợ.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Đánh giá chất lượng bài viết, bạn nhé!

0.0

Chưa có đánh giá nào
Chọn đánh giá

Gửi đánh giá

BÌNH LUẬN - HỎI ĐÁP

Hãy để lại câu hỏi của bạn, chúng tôi sẽ trả lời TRONG 15 PHÚT

SĐT và email sẽ được ẩn để bảo mật thông tin của bạn GỬI NHANH