Thủ tục thành lập chi nhánh công ty nước ngoài - Tại Việt Nam

Tham khảo chi tiết thủ tục thành lập chi nhánh công ty nước ngoài tại Việt Nam và điều kiện để thương nhân nước ngoài thành lập chi nhánh trong bài viết này của Anpha.

Nhu cầu mở rộng kinh doanh sang các quốc gia khác đang là xu thế của các doanh nghiệp trên toàn cầu. Trong đó, Việt Nam là một nước phát triển đang thu hút rất nhiều nguồn lực cũng như sự quan tâm của các doanh nghiệp trên toàn thế giới. Chính vì vậy bài viết này của Anpha sẽ cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích về thủ tục và các điều kiện cần thiết để thương nhân hay công ty nước ngoài được thành lập chi nhánh tại Việt Nam.

Chi nhánh của thương nhân (công ty) nước ngoài tại Việt Nam là gì?

Trước khi tìm hiểu đến chi nhánh thương nhân nước ngoài tại Việt Nam chúng ta cần hiểu về khái niệm chi nhánh của công ty là gì? 

  • Theo Khoản 1 Điều 44 Luật Doanh nghiệp 2020, chi nhánh được định nghĩa là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp, bao gồm cả chức năng đại diện theo ủy quyền. Ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh phải đúng với ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp;
  • Chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam cũng hoạt động theo hình thức như chi nhánh của công ty trong nước. Chi nhánh của thương nhân nước ngoài được hoạt động và kinh doanh như công ty, có mã số thuế và con dấu riêng, nên có thể ký kết hợp đồng với đối tác và khách hàng. Chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam có thể đăng ký chữ kí số, hóa đơn để hoạt động nếu có nhu cầu;
  • Mỗi thương nhân nước ngoài chỉ được thành lập tối đa 1 chi nhánh trong mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Điều kiện để thành lập chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam

Thương nhân nước ngoài được thành lập chi nhánh tại Việt Nam nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:

  • Thương nhân nước ngoài được thành lập hoặc đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia Điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia hoặc được pháp luật của quốc gia, vùng lãnh thổ đó công nhận;
  • Thương nhân nước ngoài đã hoạt động tối thiểu 5 năm kể từ ngày thành lập hoặc đăng ký;
  • Trong trường hợp giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của thương nhân nước ngoài có ghi nhận thời hạn hoạt động thì thời hạn đó phải còn tối thiểu 1 năm tính từ ngày nộp hồ sơ xin cấp giấy phép thành lập chi nhánh;
  • Nội dung hoạt động của chi nhánh phải phù hợp với cam kết mở của thị trường của Việt Nam trong các Điều ước quốc tế mà trong đó Việt Nam là thành viên và phù hợp với ngành nghề kinh doanh của thương nhân nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam;
  • Trong trường hợp nội dung hoạt động của chi nhánh sai lệch hoặc không phù hợp với cam kết thương nhân nước ngoài không thuộc quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia Điều ước quốc tế mà trong đó Việt Nam là thành viên hoặc của Việt Nam thì việc thành lập chi nhánh tại Việt Nam phải được thông qua sự chấp thuận của Bộ trưởng Bộ quản lý chuyên ngành.

Thủ tục thành lập chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam

1. Hồ sơ xin cấp giấy phép thành lập chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam

Hồ sơ thành lập chi nhánh cho công ty nước ngoài tại Việt Nam gồm có:

  • Đơn đề nghị cấp giấy phép thành lập chi nhánh (theo mẫu MĐ-5 ban hành kèm theo thông tư 11/2016/TT-BCT) được đại diện có thẩm quyền của thương nhân nước ngoài ký;
  • Bản sao hợp lệ giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của thương nhân nước ngoài đã được hợp pháp hóa lãnh sự;
  • Văn bản bổ nhiệm người đứng đầu chi nhánh tại Việt Nam do đại diện có thẩm quyền của thương nhân nước ngoài ký;
  • Bản sao hợp lệ điều lệ hoạt động của chi nhánh;
  • Bản sao hợp lệ CMND/CCCD (nếu là người Việt Nam) hoặc bản sao hợp lệ hộ chiếu (nếu là người nước ngoài) của người đứng đầu chi nhánh;
  • Bản sao hợp lệ báo cáo tài chính đã được kiểm toán trong năm tài chính gần nhất;
  • Hợp đồng thuê văn phòng/địa điểm đặt trụ sở chính nhánh kèm theo các giấy tờ chứng minh địa điểm có thể đủ điều kiện để đặt trụ sở chi nhánh.

 TẢI MẪU: Hồ sơ thành lập chi nhánh cho công ty nước ngoài tại Việt Nam.

Lưu ý: 

  • Các giấy tờ, văn bản bằng tiếng nước ngoài phải như hộ chiếu, đăng ký kinh doanh, văn bản bổ nhiệm người đứng đầu chi nhánh… phải được dịch ra tiếng Việt đính kèm bản sao hợp lệ khi nộp;
  • Giấy tờ chứng minh địa điểm đủ điều kiện để đặt trụ sở chi nhánh gồm: Bản photo sổ đỏ (nếu là nhà đất); giấy phép xây dựng/giấy phép đầu tư và giấy chứng nhận đủ điều kiện phòng cháy chữa cháy nếu là tòa nhà văn phòng hoặc tòa nhà phức hợp có chức năng làm văn phòng kinh doanh;
  • Doanh nghiệp nước ngoài có thể thay thế báo cáo tài chính đã được kiểm toán bằng văn bản xác nhận tình hình thực hiện nghĩa vụ tài chính trong năm tài chính gần nhất do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước sở tại nơi thương nhân nước ngoài thành lập cấp, chứng minh thương nhân nước ngoài có hoạt động trong năm tài chính gần nhất.

2. Quy trình thành lập chi nhánh công ty nước ngoài tại Việt Nam

Thủ tục thành lập chi nhánh cho thương nhân nước ngoài tại Việt Nam được thực hiện như sau:

Cơ quan quan tiếp nhận và xử lý hồ sơ: 

Bộ Công thương là đơn vị trực tiếp thực hiện tiếp nhận và xử lý hồ sơ về việc thành lập chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam.

Trình tự và thời gian thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép thành lập chi nhánh:

  • Thương nhân nước ngoài nộp hồ sơ trực tiếp đến Bộ Công thương;
  • Trong thời gian 3 ngày làm việc, Bộ Công thương kiểm tra và yêu cầu bổ sung nếu hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ (lưu ý việc yêu cầu bổ sung hồ sơ chỉ được thực hiện 1 lần trong quá trình giải quyết hồ sơ);
  • Trong thời gian 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đủ bộ hồ sơ hợp lệ, Bộ Công thương cấp giấy phép thành lập chi nhánh cho thương nhân nước ngoài. Trường hợp từ chối cấp phép phải có văn bản nêu rõ lý do từ chối;
  • Trong thời gian 15 ngày kể từ ngày cấp giấy phép, Bộ Công thương sẽ công bố thông tin của chi nhánh lên trang thông tin điện tử của Bộ Công thương.

Đặc biệt:

  • Trường hợp nội dung hoạt động của chi nhánh sai lệch hoặc không phù hợp với cam kết của Việt Nam, hoặc thương nhân nước ngoài không thuộc quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia Điều ước quốc tế mà trong đó Việt Nam là thành viên và trường hợp thành lập chi nhánh chưa được quy định tại văn bản pháp luật chuyên ngành thì Bộ Công thương gửi văn bản lấy ý kiến của Bộ quản lý chuyên ngành trong thời hạn 3 ngày làm việc. 
  • Trong thời gian 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản xin lấy ý kiến của Bộ Công thương, Bộ quản lý chuyên ngành sẽ có văn bản trả lời ý kiến đồng ý hoặc không đồng ý cấp phép thành lập chi nhánh. 
  • Trong thời gian 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản trả lời của Bộ quản lý chuyên ngành, Bộ Công thương cấp giấy phép thành lập chi nhánh cho thương nhân nước ngoài. Trường hợp không được cấp sẽ có văn bản nêu rõ lý do.

Lưu ý khi thành lập chi nhánh công ty nước ngoài tại Việt Nam

1. Các trường hợp thương nhân nước ngoài không được cấp giấy phép thành lập chi nhánh 

Bộ Công thương không cấp giấy phép thành lập chi nhánh cho thương nhân nước ngoài trong trường hợp sau :

  • Thương nhân nước ngoài không đáp ứng được điều kiện để thành lập chi nhánh;
  • Hồ sơ xin cấp giấy phép không hợp lệ và không bổ sung theo yêu cầu của Bộ Công thương;
  • Thương nhân nước ngoài đề nghị cấp giấy phép thành lập chi nhánh trong thời gian 2 năm kể từ ngày bị thu hồi giấy phép;
  • Việc thành lập chi nhánh cho thương nhân nước ngoài bị hạn chế theo quy định pháp luật vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội và sức khỏe cộng đồng.

2. Những việc cần làm sau khi thành lập chi nhánh công ty nước ngoài tại Việt Nam

  • Khắc con dấu pháp nhân riêng của chi nhánh;
  • Mua chữ ký số, hóa đơn điện tử;
  • Kê khai thuế cho chi nhánh, nộp báo cáo quý, báo cáo tài chính năm theo quy định;
  • Chi nhánh có nghĩa vụ báo cáo và cung cấp tài liệu hoặc giải trình các vấn đề liên quan đến hoạt động của mình theo yêu cầu của Bộ Công thương. Chi nhánh có trách nhiệm gửi báo cáo hoạt động của chi nhánh theo mẫu BC-2 ban hành kèm theo Thông tư 11/2016/TT-BCT ngày 05/07/2016 về hoạt động của mình trong năm trước đó trước ngày 30/01 hàng năm.

3. Thời hạn giấy phép thành lập chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam

  • Giấy phép thành lập chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam có thời hạn tối đa 5 năm nhưng không vượt quá thời hạn còn lại của giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương nếu giấy tờ đó có ghi nhận quy định về thời hạn;
  • Giấy phép thành lập chi nhánh có thể được cấp lại với thời hạn bằng với thời hạn giấy phép đã được cấp trước đó.

4. Quy định về người đứng đầu chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam

  • Người đứng đầu chi nhánh phải chịu trách nhiệm trước thương nhân nước ngoài về hoạt động của mình và chi nhánh trong phạm vi được ủy quyền;
  • Người đứng đầu chi nhánh phải chịu trách nhiệm về các hoạt động của mình nếu thực hiện các hoạt động ngoài phạm vi được ủy quyền;
  • Khi người đứng đầu chi nhánh xuất cảnh khỏi Việt Nam phải làm văn bản ủy quyền cho người khác thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đứng đầu chi nhánh theo pháp luật. Người đứng đầu chi nhánh vẫn phải chịu trách nhiệm thực hiện quyền và nghĩa vụ đã ủy quyền. Ủy quyền phải có sự chấp thuận của thương nhân nước ngoài;
  • Nếu hết thời hạn ủy quyền mà người đứng đầu chi nhánh chưa trở lại Việt Nam và không có ủy quyền khác thì người được ủy quyền có quyền dừng lại hoặc tiếp tục thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đứng đầu chi nhánh như đã ủy quyền cho đến khi người đứng đầu chi nhánh trở lại làm việc hoặc cho đến khi thương nhân nước ngoài bổ nhiệm người khác;
  • Thương nhân nước ngoài phải bổ nhiệm người khác làm người đứng đầu chi nhánh nếu người đứng đầu chi nhánh không quay trở lại Việt Nam quá 30 ngày mà không ủy quyền cho người khác hoặc bị chết, mất tích, tạm giam, kết án tù, hạn chế mất năng lực hành vi dân sự;
  • Người đứng đầu chi nhánh của thương nhân nước ngoài thì không được đảm nhiệm thêm các chức vụ sau:
    + Người đứng đầu văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài khác;
    + Người đứng đầu văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài hiện tại;
    + Người đại diện pháp luật của tổ chức kinh tế thành lập tại Việt Nam.

Một số câu hỏi về thành lập chi nhánh cho công ty nước ngoài tại Việt Nam

1. Điều kiện thành lập chi nhánh công ty nước ngoài tại Việt Nam là gì?

Để được thành lập chi nhánh tại Việt Nam, thương nhân nước ngoài cần đáp ứng các điều kiện sau:

  • Phải là pháp nhân của quốc gia, vùng lãnh thổ cùng tham gia Điều ước quốc tế với Việt Nam;
  • Đã hoạt động tối thiểu 5 năm kể từ ngày thành lập;
  • Nội dung hoạt động của chi nhánh phù hợp với cam kết mở của thị trường của Việt Nam, có ngành nghề kinh doanh phù hợp.

 Tham khảo chi tiết: Điều kiện thành lập chi nhánh công ty nước ngoài tại Việt Nam.


2. Chi nhánh của thương nhân nước ngoài có giống chi nhánh công ty Việt Nam không?

Chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam cũng tương tự như chi nhánh của công ty Việt Nam, có mã số thuế riêng, con dấu riêng, được hoạt động một hoặc một phần ngành nghề của công ty mẹ (đã đăng ký tại Việt Nam), có thể ký kết hợp đồng với đối tác và khách hàng.


3. Thành lập chi nhánh công ty nước ngoài tại Việt Nam ở đâu?

Thương nhân nước ngoài (công ty nước ngoài) nộp hồ sơ thành lập chi nhánh trực tiếp tại Bộ Công thương.


4. Hồ sơ thành lập chi nhánh cho công ty nước ngoài tại Việt Nam gồm những gì?

Thành phần hồ sơ gồm có: Đơn đề nghị cấp giấy phép thành lập chi nhánh; bản sao hợp lệ giấy đăng ký kinh doanh đã được hợp pháp hóa lãnh sự; văn bản bổ nhiệm người đứng đầu chi nhánh tại Việt Nam; bản sao hợp lệ điều lệ hoạt động của chi nhánh; bản sao hợp lệ CMND/CCCD hoặc hộ chiếu của người đứng đầu chi nhánh; bản sao hợp lệ báo cáo tài chính đã được kiểm toán; hợp đồng thuê văn phòng/địa điểm đặt trụ sở chính nhánh.

 Tham khảo chi tiết: Hồ sơ thành lập chi nhánh cho công ty nước ngoài tại Việt Nam.


5. Chi nhánh công ty nước ngoài tại Việt Nam có cần báo cáo tình hình hoạt động không ?

Có. Chi nhánh có trách nhiệm báo cáo hoạt động của chi nhánh và cung cấp tài liệu hoặc giải trình các vấn đề liên quan đến hoạt động của mình trước ngày 30/01 hàng năm theo yêu cầu của Bộ Công thương.


6. Giấy phép thành lập chi nhánh của thương nhân nước ngoài có thời hạn không?

Có. Giấy phép thành lập chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam có thời hạn tối đa 5 năm nhưng không vượt quá thời hạn còn lại của giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương nếu giấy tờ đó có ghi nhận quy định về thời hạn.


7. Giấy phép thành lập chi nhánh của công ty nước ngoài tại Việt Nam có được gia hạn không?

Có. Thương nhân nước ngoài được gia hạn giấy phép thành lập chi nhánh nhưng phải nộp hồ sơ gia hạn giấy phép trong thời hạn tối thiểu 30 ngày trước khi giấy phép hết hạn.


Gọi cho chúng tôi theo số 0984 477 711 (Miền Bắc) - 0903 003 779 (Miền Trung) - 0938 268 123 (Miền Nam) để được hỗ trợ. 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Đánh giá chất lượng bài viết, bạn nhé!

5.0

1 đánh giá
Chọn đánh giá

Gửi đánh giá

BÌNH LUẬN - HỎI ĐÁP

Hãy để lại câu hỏi của bạn, chúng tôi sẽ trả lời TRONG 15 PHÚT

SĐT và email sẽ được ẩn để bảo mật thông tin của bạn GỬI NHANH