Tranh chấp đất đai là gì? Các loại tranh chấp đất đai. Thủ tục, quy trình giải quyết tranh chấp đất đai cấp xã. Tải ngay mẫu biên bản hòa giải tranh chấp đất đai.
Hòa giải tranh chấp đất đai là biện pháp giải quyết tranh chấp giữa những người sử dụng đất nhằm hạn chế, chấm dứt các mâu thuẫn và đi đến sự thống nhất ý chí bằng việc các bên tự thỏa thuận hoặc thông qua cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Cùng Kế toán Anpha tìm hiểu quy định cụ thể về quy trình hòa giải tranh chấp đất đai trong bài viết dưới đây.
I. Tranh chấp đất đai là gì?
1. Khái niệm về tranh chấp đất đai
Tranh chấp đất đai là sự mâu thuẫn, xung đột về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa 2 hoặc nhiều bên phát sinh liên quan trong lĩnh vực đất đai.
2. Phân loại tranh chấp đất đai
Có 3 loại tranh chấp đất đai gồm:
- Tranh chấp về quyền sử dụng đất bao gồm:
- Tranh chấp về ranh giới giữa các thửa đất của những người sử dụng đất;
- Tranh chấp đòi lại quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất đã xác lập quyền sở hữu.
- Tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất gồm tranh chấp về mục đích sử dụng đất hoặc phát sinh liên quan đến hợp đồng dân sự về quyền sử dụng đất như:
- Yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu;
- Yêu cầu thực hiện nghĩa vụ;
- Yêu cầu thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng.
- Tranh chấp liên quan đến đất đai bao gồm tranh chấp về thừa kế và chia tài sản là quyền sử dụng đất khi vợ chồng ly hôn.
Tham khảo thêm:
>> Dịch vụ giải quyết tranh chấp đất đai;
>> Dịch vụ giải quyết tranh chấp tài sản thừa kế.
3. Tranh chấp đất đai bắt buộc hòa giải
Căn cứ theo quy định của pháp luật, đối với vụ việc tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất thì việc hòa giải diễn ra tại UBND cấp xã - đây là thủ tục bắt buộc. Biên bản hòa giải là tài liệu bắt buộc phải có để Tòa án hoặc UBND cấp trên xem xét thụ lý, giải quyết.
Các loại tranh chấp đất đai còn lại như: tranh chấp về giao dịch liên quan đến đất đai, thừa kế, chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn... thì hòa giải không phải là thủ tục bắt buộc, các bên tranh chấp vẫn có quyền khởi kiện để đề nghị Tòa án giải quyết.
II. Thẩm quyền hòa giải tranh chấp đất đai
Thẩm quyền hòa giải tranh chấp đất đai trường hợp các bên tranh chấp không tự hòa giải được thuộc về UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp.
Căn cứ theo quy định của Luật Đất đai 2013, trong quá trình tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai, chủ tịch UBND xã phải phối hợp với các tổ chức khác để giải quyết theo trình tự, thủ tục quy định. Các tổ chức khác có thể là:
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Các tổ chức xã hội khác.
Thời hạn thực hiện thủ tục hòa giải tại UBND xã sẽ không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu của 1 hoặc các bên tranh chấp đất đai.
III. Tìm hiểu về mẫu biên bản hòa giải tranh chấp đất đai
Việc hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND xã phải được lập thành biên bản bao gồm các nội dung cơ bản sau:
- Thời gian, địa điểm thực hiện việc hòa giải tranh chấp đất đai;
- Thành phần những người tham dự buổi hòa giải;
- Nội dung tóm tắt tranh chấp bao gồm:
- Nguồn gốc;
- Thời điểm sử dụng đất đang tranh chấp;
- Nguyên nhân phát sinh tranh chấp…
- Ý kiến của hội đồng giải quyết;
- Những nội dung các bên thỏa thuận được hoặc không thỏa thuận được.
Lưu ý:
- Biên bản hòa giải tranh chấp phải có chữ ký của các bên tranh chấp có mặt, chủ tịch Hội đồng hòa giải và các thành viên tham gia khác. Bên cạnh đó, biên bản phải đóng dấu của UBND xã;
- Biên bản hòa giải ngoài việc được gửi cho các bên tranh chấp đất đai còn phải được lưu tại UBND xã nơi có đất tranh chấp.
>> TẢI MIỄN PHÍ: Mẫu biên bản hòa giải tranh chấp đất đai.
IV. Quy trình giải quyết tranh chấp đất đai cấp xã (thủ tục hòa giải tranh chấp)
Trình tự thực hiện hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND xã được quy định cụ thể như sau:
➧ Bước 1: UBND xã thực hiện các công việc sau khi nhận được đơn yêu cầu giải quyết, cụ thể:
- Thẩm tra, xác minh nguyên nhân dẫn đến tranh chấp;
- Thu thập tài liệu chứng minh nguồn gốc, quá trình sử dụng và hiện trạng đất tranh chấp;
- Thành lập hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai;
- Tổ chức buổi hòa giải có sự tham gia của các bên tranh chấp, thành viên hội đồng hòa giải và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (nếu có).
Lưu ý:
Trường hợp một trong các bên tranh chấp vắng mặt lần thứ 2 thì xem như hòa giải không thành.
➧ Bước 2: Tiến hành lập biên bản hòa giải tranh chấp đất đai
Trường hợp lập biên bản hòa giải thành
- Các bên tranh chấp thỏa thuận được phương án giải quyết;
- Trong vòng 10 ngày, kể từ ngày lập biên bản 1 trong các bên thay đổi nội dung đã thống nhất thì phải tổ chức lại cuộc họp. Việc tổ chức họp lại phải lập biên bản hòa giải thành hoặc không thành.
Lưu ý:
Trường hợp hòa giải thành dẫn đến thay đổi hiện trạng về ranh giới/chủ sử dụng đất thì biên bản hòa giải thành phải được gửi đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để giải quyết theo quy định.
Trường hợp lập biên bản hòa giải không thành
Hòa giải không thành hoặc sau khi hòa giải thành mà có sự thay đổi ý kiến thì UBND xã lập biên bản hòa giải không thành. Các bên tranh chấp được hướng dẫn thực hiện thủ tục giải quyết tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác theo quy định.
V. Câu hỏi liên quan đến thủ tục các bước hòa giải tranh chấp đất đai
1. Tranh chấp đất đai nào bắt buộc phải hòa giải?
Căn cứ theo quy định pháp luật, đối với vụ việc tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất thì việc hòa giải tại UBND cấp xã là thủ tục bắt buộc. Biên bản hòa giải là tài liệu bắt buộc phải có để Tòa án hoặc UBND cấp trên xem xét thụ lý, giải quyết.
2. Biên bản hòa giải tranh chấp đất đai phải bao gồm các nội dung nào?
Các nội dung cơ bản của biên bản hòa giải tranh chấp đất đai bao gồm:
- Thời gian, địa điểm thực hiện việc hòa giải tranh chấp đất đai;
- Thành phần những người tham dự buổi hòa giải;
- Nội dung tóm tắt tranh chấp, trong đó bao gồm: nguồn gốc, thời điểm sử dụng đất đang tranh chấp, nguyên nhân phát sinh tranh chấp…;
- Ý kiến của hội đồng giải quyết;
- Những nội dung các bên thỏa thuận được hoặc không thỏa thuận được.
3.Thời hạn hòa giải tranh chấp đất đai là bao lâu?
Thời hạn thực hiện thủ tục hòa giải tại UBND xã là không quá 45 ngày kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu của một hoặc các bên tranh chấp đất đai.
Diễn Trần - Phòng Pháp lý Anpha
BÌNH LUẬN - HỎI ĐÁP
Hãy để lại câu hỏi của bạn, chúng tôi sẽ trả lời TRONG 15 PHÚT