Nhà thầu là gì? Điều kiện về Tư Cách Hợp Lệ Của Nhà Thầu

Tìm hiểu khái niệm nhà thầu. Các loại nhà thầu (nhà thầu phụ, nhà thầu phụ đặc biệt, nhà thầu nước ngoài...) là gì? Điều kiện về tư cách hợp lệ của nhà thầu.

Nhà thầu là gì? 

Căn cứ theo Luật Đấu thầu 2023, nhà thầu được giải thích là đối tượng tham dự thầu, đối tượng này có thể là: 

  • Cá nhân;
  • Tổ chức;
  • Sự kết hợp giữa các tổ chức hoặc giữa các cá nhân với nhau theo hình thức liên danh dựa trên cơ sở thỏa thuận liên doanh (*).

Nếu được lựa chọn, nhà thầu sẽ đứng tên dự thầu và trực tiếp ký, thực hiện hợp đồng.

Lưu ý:

(*): Trong trường hợp liên danh, thỏa thuận liên danh phải có quy định rõ trách nhiệm của thành viên đứng đầu liên danh cùng trách nhiệm chung, trách nhiệm riêng của từng thành viên ở trong liên danh đối với toàn bộ phạm vi của gói thầu.

Các loại nhà thầu theo Luật Đấu thầu mới nhất

Theo quy định của Luật Đấu thầu 2023, các loại nhà thầu bao gồm:

  • Nhà thầu phụ;
  • Nhà thầu phụ đặc biệt;
  • Nhà thầu nước ngoài;
  • Nhà thầu trong nước.

Cụ thể từng loại nhà thầu như sau.

➧ Nhà thầu phụ: Được hiểu là tổ chức, cá nhân ký hợp đồng với nhà thầu để tham gia thực hiện các công việc như xây lắp, tư vấn, phi tư vấn, dịch vụ liên quan của gói thầu cung cấp hàng hóa hay công việc thuộc gói thầu hỗn hợp.

➧ Nhà thầu phụ đặc biệt: Chính là nhà thầu phụ thực hiện công việc quan trọng của gói thầu do chính nhà thầu đề xuất trong hồ sơ dự thầu. Hồ sơ được đề xuất trên cơ sở yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm ghi trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.

➧ Nhà thầu nước ngoài: Là tổ chức được thành lập theo pháp luật nước ngoài hoặc cá nhân có quốc tịch nước ngoài tham dự thầu

➧ Nhà thầu trong nước: Là tổ chức được thành lập theo pháp luật của Việt Nam hoặc cá nhân có quốc tịch Việt Nam tham dự thầu.

>> Tham khảo thêm: 14 điểm mới của Luật Đấu thầu 2023.

Điều kiện đảm bảo tư cách hợp lệ của nhà thầu

Tùy thuộc nhà thầu là tổ chức, hộ kinh doanh hay cá nhân mà quy định về các điều kiện cần đáp ứng để đảm bảo tư cách hợp lệ của nhà thầu sẽ khác nhau. Cụ thể:

1. Đối với nhà thầu là tổ chức

Các điều kiện để xác định tư cách hợp lệ của nhà thầu là tổ chức bao gồm: 

  • Phải đáp ứng điều kiện về hạch toán tài chính độc lập;
  • Không thuộc tình trạng đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
  • Bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu theo đúng quy định tại Điều 6 Luật Đấu thầu;
  • Có tên trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia trước khi phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu;
  • Không thuộc vào trường hợp mất khả năng thanh toán theo quy định pháp luật về phá sản;
  • Không thuộc trường hợp đang trong quá trình làm thủ tục giải thể hoặc bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác;
  • Không thuộc đối tượng đang trong thời gian bị cấm tham dự thầu theo quyết định của người có thẩm quyền hay Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (quy định rõ tại Khoản 3 Điều 87 Luật Đấu thầu 2023);
  • Đáp ứng điều kiện về việc có tên trong danh sách ngắn đối với trường hợp đã lựa chọn được danh sách ngắn.

Ngoài ra, tùy trường hợp tổ chức là nhà thầu trong nước hay nhà thầu nước ngoài mà cần đáp ứng thêm các điều kiện khác như:

➧ Đối với nhà thầu trong nước: 

Được biết đến với tư cách là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, đơn vị sự nghiệp công lập hay tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài và có đăng ký thành lập, hoạt động theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam.

➧ Đối với nhà thầu nước ngoài: 

  • Có đăng ký thành lập, hoạt động theo đúng pháp luật nước ngoài;
  • Phải liên danh được với nhà thầu trong nước hoặc có sử dụng nhà thầu phụ trong nước (trừ trường hợp nhà thầu trong nước không có đủ năng lực tham gia vào bất kỳ phần công việc nào của gói thầu).

Tham khảo thêm: 

>> Đăng ký tài khoản trên mạng đấu thầu quốc gia;

>> Cách tra cứu thông tin nhà thầu trên mạng đấu thầu quốc gia.

2. Đối với nhà thầu là hộ kinh doanh

  • Điều kiện tiên quyết là cần có giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh theo quy định của pháp luật;
  • Không thuộc đối tượng đang trong quá trình chấm dứt hoạt động hoặc bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh;
  • Chủ hộ kinh doanh không trong quá trình bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
  • Đáp ứng điều kiện quy định về việc có tên trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia trước khi phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu;
  • Bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu theo đúng pháp luật;
  • Không trong thời gian bị cấm tham dự thầu theo quyết định của người có thẩm quyền;
  • Có tên trong danh sách ngắn đối với trường hợp đã lựa chọn được danh sách ngắn.

3. Đối với nhà thầu là cá nhân

  • Cần đáp ứng điều kiện về mặt năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định pháp luật của nước mà cá nhân đó là công dân;
  • Cần có chứng chỉ chuyên môn phù hợp trong trường hợp pháp luật có quy định;
  • Không thuộc trường hợp đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
  • Không thuộc trường hợp đang trong thời gian bị cấm tham dự thầu theo quyết định của người có thẩm quyền.

Theo đó, khi nhà thầu đáp ứng đầy đủ các điều kiện nêu trên thì sẽ có tư cách hợp lệ và được tham dự thầu với tư cách độc lập hoặc liên danh.

Hoàng Anh - Phòng Pháp lý Anpha

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Đánh giá chất lượng bài viết, bạn nhé!

0.0

Chưa có đánh giá nào
Chọn đánh giá

Gửi đánh giá

BÌNH LUẬN - HỎI ĐÁP

Hãy để lại câu hỏi của bạn, chúng tôi sẽ trả lời TRONG 15 PHÚT

SĐT và email sẽ được ẩn để bảo mật thông tin của bạn GỬI NHANH