Tìm hiểu chi tiết 3 loại tố tụng hiện hành bao gồm: tố tụng dân sự, tố tụng hình sự và tố tụng hành chính; mục đích tố tụng & quy định về các nguyên tắc tố tụng.
Tố tụng là một bộ phận trong pháp luật nhằm đảm bảo các vụ việc, tranh chấp, quan hệ xã hội phát sinh thuộc lĩnh vực dân sự, hình sự, hành chính… được giải quyết một cách công bằng, đúng đắn và tuân thủ quy phạm pháp luật.
Vậy tố tụng có mấy loại? Nguyên tắc của từng loại tố tụng được quy định như thế nào? Cùng Anpha tìm hiểu thông qua bài viết sau đây.
I. Tố tụng là gì?
Tố tụng là thuật ngữ pháp lý dùng để chỉ toàn bộ quá trình, thủ tục mà pháp luật quy định để giải quyết, xử lý vụ việc tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền về các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực dân sự, hình sự và hành chính.
Trong quá trình tố tụng, tùy thuộc vào quan hệ xã hội phát sinh và lĩnh vực cụ thể mà chủ thể tham gia tố tụng có thể khác nhau, tuy nhiên về cơ bản sẽ bao gồm:
- Cơ quan nhà nước có thẩm quyền: Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan cảnh sát điều tra, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự…;
- Các đương sự: nguyên đơn/bị đơn, bị can/bị cáo/người bị hại, người khởi kiện/người bị kiện…
II. Có mấy loại tố tụng? Phân loại tố tụng
Căn cứ theo quy định của pháp luật hiện hành thì có 3 loại tố tụng, cụ thể bao gồm:
1. Tố tụng dân sự
Tố tụng dân sự là toàn bộ các quy phạm pháp luật quy định về trình tự, thủ tục giải quyết các vụ việc dân sự tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Các vụ việc, tranh chấp, quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực dân sự (*) thường xảy ra giữa:
- Các cá nhân với nhau;
- Cá nhân với cơ quan/tổ chức;
- Các cơ quan/tổ chức với nhau.
➧ Mục đích: Bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên trong tranh chấp dân sự nhằm đảm bảo các tranh chấp được giải quyết theo đúng quy định của pháp luật, qua đó góp phần duy trì trật tự xã hội và công lý. |
------
(*) Các tranh chấp phát sinh trong lĩnh vực tố tụng dân sự thường liên quan đến:
2. Tố tụng hình sự
Tố tụng hình sự là tổng hợp các quy phạm pháp luật về cách thức, trình tự giải quyết các vụ án hình sự, bao gồm toàn bộ hoạt động của cơ quan, người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng và cá nhân, cơ quan nhà nước khác có liên quan để giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật về hình sự.
Tố tụng hình sự nhằm xác định sự thật về vụ án, phát hiện, ngăn chặn và phòng ngừa kịp thời tội phạm nhằm bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan, đồng thời đảm bảo rằng người phạm tội bị trừng phạt theo đúng quy định của pháp luật.
➧ Mục đích: Duy trì trật tự, bảo vệ an ninh xã hội, quyền con người và đảm bảo hành vi phạm tội bị trừng phạt thích đáng sau khi xét xử theo quy định pháp luật. |
3. Tố tụng hành chính
Tố tụng hành chính là toàn bộ quá trình, thủ tục pháp luật quy định để giải quyết, xử lý tranh chấp hành chính tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Các vụ việc, tranh chấp, quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh hành chính thường xảy ra giữa:
- Cá nhân hoặc tổ chức với cơ quan hành chính nhà nước;
- Cá nhân với người có thẩm quyền liên quan đến các quyết định/hành vi hành chính.
➧ Mục đích: Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và tổ chức, đảm bảo rằng các cơ quan nhà nước thực thi quyền lực theo đúng quy định của pháp luật. |
Tìm hiểu thêm:
>> Khởi kiện tranh chấp hành chính;
>> Khiếu nại hành chính.
III. Nguyên tắc tố tụng
Trong tố tụng dân sự, pháp luật Việt Nam có quy định một số nguyên tắc chính nhằm đảm bảo quá trình giải quyết tranh chấp diễn ra công bằng, minh bạch và đúng pháp luật, cụ thể như sau:
➧ Nguyên tắc bảo đảm quyền bình đẳng trước pháp luật
Tất cả các cá nhân, tổ chức tham gia tố tụng đều bình đẳng trước pháp luật, bất kể địa vị xã hội, giới tính, dân tộc, tôn giáo…
➧ Nguyên tắc quyền tự định đoạt của đương sự
Đương sự được toàn quyền quyết định việc khởi kiện, yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự. Đồng thời, trong quá trình tố tụng, nguyên đơn, bị đơn và người liên quan có quyền chấm dứt, thay đổi, rút yêu cầu của mình hoặc thỏa thuận với nhau một cách tự nguyện nhưng phải đảm bảo nội dung thỏa thuận không vi phạm đến điều cấm của luật và không trái với đạo đức xã hội.
➧ Nguyên tắc Tòa án xét xử công khai
Việc xét xử phải được tiến hành công khai, trừ trường hợp đặc biệt liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật cá nhân, gia đình hoặc bí mật kinh doanh theo yêu cầu hợp lý của đương sự.
➧ Nguyên tắc xét xử tập thể và quyết định theo đa số
Các vụ án dân sự được xét xử bởi hội đồng xét xử gồm nhiều thẩm phán hoặc thẩm phán và hội thẩm nhân dân. Quyết định được đưa ra dựa trên nguyên tắc đa số, điều này đảm bảo sự khách quan và chính xác trong phán quyết.
➧ Nguyên tắc đảm bảo quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên
Các bên tham gia tố tụng có quyền tự bào chữa hoặc nhờ luật sư, người đại diện hợp pháp để bảo vệ quyền lợi của mình.
➧ Nguyên tắc hòa giải trong tố tụng dân sự
Trong quá trình tố tụng, Tòa án có trách nhiệm tiến hành hòa giải để các bên có thể tự nguyện thỏa thuận giải quyết tranh chấp.
➧ Nguyên tắc bảo đảm quyền được cung cấp chứng cứ
Các bên đương sự có quyền cung cấp chứng cứ, yêu cầu Tòa án thu thập chứng cứ để chứng minh cho các yêu cầu của mình. Đồng thời, Tòa án cũng có trách nhiệm bảo đảm quyền của các bên trong việc tiếp cận chứng cứ.
➧ Nguyên tắc bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo
Đương sự có quyền khiếu nại, tố cáo những hành vi vi phạm pháp luật tố tụng dân sự của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền. Việc khiếu nại, tố cáo phải được giải quyết kịp thời, đúng pháp luật.
➧ Nguyên tắc đảm bảo sự tham gia của Viện kiểm sát
Viện kiểm sát tham gia vào quá trình tố tụng để giám sát việc tuân thủ pháp luật của các bên và của cơ quan tiến hành tố tụng nhằm bảo vệ lợi ích công cộng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự theo quy định của pháp luật.
Những nguyên tắc tố tụng nêu trên hình thành nền tảng pháp lý cho toàn bộ quá trình tố tụng dân sự, đảm bảo rằng các tranh chấp dân sự được giải quyết một cách công bằng, đúng đắn và tuân thủ pháp luật.
Các nguyên tắc chính trong tố tụng hình sự theo quy định pháp luật bao gồm:
➧ Nguyên tắc bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa
Mọi hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự đều phải tuân thủ đúng pháp luật, bảo đảm quyền lực của nhà nước trong quản lý xã hội theo nguyên tắc của pháp chế xã hội chủ nghĩa.
➧ Nguyên tắc suy đoán vô tội
Một người bị buộc tội được coi là vô tội cho đến khi có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng. Nếu có bất kỳ nghi ngờ hợp lý nào về sự vô tội của người bị buộc tội thì phải giải quyết theo hướng có lợi cho họ.
➧ Nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội
Người bị buộc tội có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người đại diện khác bào chữa cho mình. Các cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm bảo đảm cho người bị buộc tội thực hiện quyền bào chữa trong suốt quá trình tố tụng.
➧ Nguyên tắc đảm bảo quyền bất khả xâm phạm về thân thể
Việc bắt, giam giữ người phải tuân thủ đúng trình tự, thủ tục do pháp luật hình sự quy định. Mọi hành vi xâm phạm thân thể trái pháp luật đều bị nghiêm cấm.
➧ Nguyên tắc tôn trọng và bảo vệ quyền con người
Tố tụng hình sự phải đảm bảo tôn trọng và bảo vệ các quyền cơ bản của con người, bao gồm quyền được sống, quyền tự do, quyền bất khả xâm phạm về thân thể và quyền bình đẳng trước pháp luật đã được quy định trong Hiến pháp và pháp luật.
➧ Nguyên tắc xác định sự thật của vụ án
Cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm điều tra, thu thập chứng cứ để xác định sự thật của vụ án một cách toàn diện, khách quan, không chỉ tìm chứng cứ buộc tội mà còn phải tìm chứng cứ gỡ tội, chứng cứ làm giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho người bị buộc tội.
➧ Nguyên tắc công khai trong xét xử
Việc xét xử tại Tòa án được tiến hành công khai, trừ khi có lý do đặc biệt như bảo vệ bí mật nhà nước, bí mật cá nhân, bí mật gia đình hoặc vì lợi ích của trẻ vị thành niên.
Những nguyên tắc tố tụng nêu trên hình thành nền tảng của tố tụng hình sự, đảm bảo rằng các quá trình điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án được thực hiện một cách công bằng, khách quan và đúng quy định của pháp luật, đồng thời bảo vệ các quyền cơ bản của con người và công lý trong xã hội.
3. Nguyên tắc tố tụng hành chính
Các nguyên tắc chính trong tố tụng hành chính theo quy định pháp luật bao gồm:
➧ Nguyên tắc bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa
Mọi hoạt động trong quá trình tố tụng hành chính phải tuân thủ đúng pháp luật và đảm bảo thực hiện công bằng, bình đẳng theo quy định của pháp chế xã hội chủ nghĩa.
➧ Nguyên tắc bảo đảm quyền khởi kiện của cá nhân, tổ chức
Cá nhân/tổ chức có quyền khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền khi cho rằng quyết định hay hành vi hành chính của cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền là trái pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
➧ Nguyên tắc đảm bảo quyền bào chữa và bảo vệ quyền lợi hợp pháp
Các bên tham gia tố tụng có quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác (bao gồm cả nhờ luật sư) để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
➧ Nguyên tắc xét xử công khai
Các phiên tòa xét xử hành chính phải được tiến hành công khai, trừ những trường hợp đặc biệt như bảo vệ bí mật nhà nước, bí mật cá nhân hoặc bảo vệ lợi ích của người chưa thành niên theo quy định.
➧ Nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật
Mọi cá nhân/tổ chức đều bình đẳng trước pháp luật, vì vậy mọi hành vi tố tụng hành chính đều phải được thực hiện trên cơ sở bình đẳng, không phân biệt giới tính, dân tộc, tôn giáo, địa vị xã hội…
➧ Nguyên tắc kiểm tra tính hợp pháp của quyết định/hành vi hành chính
Tòa án có trách nhiệm kiểm tra và xác định tính hợp pháp của quyết định/hành vi hành chính bị khởi kiện, đảm bảo rằng các quyết định hoặc hành vi này tuân thủ đúng pháp luật.
➧ Nguyên tắc đối thoại trong tố tụng hành chính
Trong quá trình giải quyết vụ án hành chính, Tòa án có trách nhiệm tạo điều kiện để các đương sự đối thoại về việc giải quyết vụ án.
IV. Các câu hỏi liên quan đến quy định pháp luật về tố tụng
1. Tố tụng là gì?
Tố tụng là thuật ngữ pháp lý dùng để chỉ toàn bộ quá trình, thủ tục mà pháp luật quy định để giải quyết, xử lý vụ việc tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền về các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực dân sự, hình sự và hành chính.
2. Có mấy loại tố tụng?
Căn cứ theo quy định của pháp luật hiện hành, có 3 loại tố tụng bao gồm:
- Tố tụng dân sự;
- Tố tụng hình sự;
- Tố tụng hành chính.
3. Các nguyên tắc của tố tụng dân sự là gì?
Trong tố tụng dân sự, pháp luật Việt Nam quy định một số nguyên tắc chính nhằm đảm bảo quá trình giải quyết tranh chấp diễn ra công bằng, minh bạch và đúng pháp luật, cụ thể bao gồm:
- Nguyên tắc bảo đảm quyền bình đẳng trước pháp luật;
- Nguyên tắc quyền tự định đoạt của đương sự;
- Nguyên tắc Tòa án xét xử công khai;
- Nguyên tắc xét xử tập thể và quyết định theo đa số;
- Nguyên tắc đảm bảo quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên;
- Nguyên tắc bảo đảm quyền được cung cấp chứng cứ;
- Nguyên tắc bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo;
- Nguyên tắc đảm bảo sự tham gia của Viện kiểm sát.
>> Xem chi tiết: Nguyên tắc tố tụng dân sự.
4. Các nguyên tắc của tố tụng hình sự là gì?
Các nguyên tắc chính trong tố tụng hình sự theo quy định pháp luật bao gồm:
- Nguyên tắc bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa;
- Nguyên tắc suy đoán vô tội;
- Nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội;
- Nguyên tắc đảm bảo quyền bất khả xâm phạm về thân thể;
- Nguyên tắc tôn trọng và bảo vệ quyền con người;
- Nguyên tắc xác định sự thật của vụ án;
- Nguyên tắc công khai trong xét xử.
>> Xem chi tiết: Nguyên tắc tố tụng hình sự.
Luật sư Diễn Trần - Phòng Pháp lý Anpha