Luật sư tư vấn xử lý 3 tình huống tranh chấp đất đai: tranh chấp chia tài sản thừa kế là quyền sử dụng đất, tranh chấp ranh giới đất & đòi lại quyền sử dụng đất.
Thực tế, tình trạng tranh chấp đất đai diễn ra khá phổ biến và có tính chất ngày càng phức tạp. Tuy nhiên, không phải bên tranh chấp nào cũng trang bị đủ các thông tin cũng như quy định về đến vấn đề này. Dưới đây là một số tình huống tranh chấp đất đai phổ biến mà hotline của Kế toán Anpha thường xuyên nhận được.
I. Giải quyết tranh chấp chia di sản thừa kế là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất
➨ Tình huống tranh chấp chia tài sản thừa kế:
Ông A (cư trú tại quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội) có 2 người con cùng cha khác mẹ là B và C. Anh B là con của ông với người vợ trước, hiện đã lấy vợ và sinh con. Sau khi vợ mất, ông A kết hôn với bà D và có con trai là C, năm nay lên 12 tuổi.
Khi biết mình bị bệnh ung thư khó qua khỏi, ông A đã đến văn phòng công chứng lập di chúc, để lại toàn bộ tài sản là quyền sử dụng đất và căn nhà đang ở cho B (đây là tài sản do ông tạo lập trước khi lấy bà D). Năm 2023 ông A chết. Do có mâu thuẫn từ trước với bà D nên sau khi bố mất, anh B có ý đuổi bà D và con trai của ông A là C ra khỏi nhà.
Bà D đến văn phòng Anpha nhờ tư vấn, giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà.
➨ Tư vấn giải quyết tranh chấp đất đai (tranh chấp quyền thừa kế) từ luật sư của Anpha:
Di chúc do ông A lập tại văn phòng công chứng có hiệu lực pháp luật, tuy nhiên:
- Căn cứ theo Khoản 1 Điều 644 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về các trường hợp người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc, trong đó có bao gồm 2 đối tượng là vợ và con chưa thành niên;
- Hiện C chưa đủ 18 tuổi - thuộc đối tượng chưa thành niên.
Như vậy, mặc dù không được chỉ định là người thừa kế theo di chúc nhưng bà D và con trai là C vẫn được các quyền lợi sau:
- Được xác định là người thừa kế của ông A;
- Được hưởng phần di sản bằng 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật.
Để bảo vệ quyền và lợi ích cho bà D và con trai là C thì cần thỏa thuận, phân tích các quy định pháp luật cho anh B biết rằng: Việc anh B có ý định đuổi mẹ và em trai ra khỏi nhà là sai, bố anh là ông A để lại toàn bộ tài sản cho anh theo di chúc, tuy nhiên bà D và con trai là C vẫn được hưởng phần di sản theo quy định.
Xem chi tiết:
>> Cách khai nhận di sản thừa kế theo pháp luật - Quy định về hàng thừa kế;
>> Thủ tục khởi kiện tranh chấp đất đai;
>> Dịch vụ soạn thảo di chúc thừa kế.
II. Giải quyết tranh chấp đòi lại quyền sử dụng đất
➨ Tình huống tranh chấp quyền sử dụng đất:
Bố mẹ tôi trong quá trình sinh sống có tạo lập được tài sản là một thửa đất với diện tích 200m2 và căn nhà cấp IV xây dựng trên đất có địa chỉ tại huyện T, tỉnh H.
Do điều chuyển công tác theo phân công của đơn vị nơi làm việc, năm 2000 gia đình tôi chuyển đến sinh sống tại tỉnh khác. Tại thời điểm này, thửa đất của gia đình tôi chưa được cấp giấy chứng nhận. Trước khi chuyển đi, chú D là em trai của bố tôi có xin được ở nhờ căn nhà xây dựng trên thửa đất nêu trên. Vì tình cảm gia đình nên bố mẹ tôi đồng ý. Tuy nhiên, sau nhiều năm quay lại thăm nhà, bố mẹ tôi được biết chú D đã lén lút thực hiện thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên mình đối với thửa đất.
Như vậy, bố mẹ tôi phải làm gì để đòi lại thửa đất nêu trên?
➨ Luật sư tư vấn xử lý tình huống tranh chấp đất đai như sau:
Theo thông tin bạn trình bày, nguồn gốc thửa đất tranh chấp là của bố mẹ bạn, tuy nhiên ông D đã lén lút thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi chưa được bố mẹ bạn đồng ý. Do đó, để đòi lại tài sản của mình, bố mẹ bạn có thể thực hiện một trong hai phương án sau:
- Phương án 1: Khởi kiện vụ án hành chính để yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho ông D tại TAND có thẩm quyền;
- Phương án 2: Khởi kiện vụ án dân sự “kiện đòi tài sản”, đồng thời yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho ông D tại TAND có thẩm quyền.
Để có căn cứ khởi kiện yêu cầu giải quyết tại Tòa án, bố mẹ bạn cần:
- Thu thập các tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền sử dụng của mình đối với thửa đất;
- Đề nghị văn phòng đăng ký đất đai, UBND cấp xã/huyện nơi có đất cung cấp các tài liệu liên quan đến quá trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên ông D.
Trình tự thực hiện thủ tục khởi kiện tranh chấp đất đai tại TAND có thẩm quyền bao gồm các bước sau đây:
- Bước 1: Chuẩn bị và nộp hồ sơ khởi kiện tranh chấp đất đai tại TAND có thẩm quyền;
- Bước 2: Tòa án ra thông báo nộp tiền tạm ứng án phí nếu hồ sơ hợp lệ theo quy định;
- Bước 3: Nhận thông báo và nộp tạm ứng án phí tại Chi cục Thi hành án;
- Bước 4: Tòa án thụ lý vụ án và giải quyết theo trình tự tố tụng.
Xem chi tiết:
>> Thủ tục khởi kiện tranh chấp đất đai;
>> Dịch vụ giải quyết tranh chấp đất đai - Luật sư sẽ thay bạn hoàn thành 4 bước kể trên và trực tiếp tham gia quá trình tố tụng cũng như các thủ tục pháp lý hiện hành.
GỌI NGAY
III. Giải quyết tranh chấp ranh giới đất đai giữa các thửa đất
➨ Tình huống tranh chấp ranh giới đất đai:
Gia đình ông Minh và bà Lan là hàng xóm, đang có tranh chấp đất đai liên quan đến ranh giới các thửa đất đang sinh sống. Theo yêu cầu của bà Lan, các bên đã tham gia hòa giải tại cơ sở nhiều lần nhưng không thỏa thuận thống nhất được phương án giải quyết tranh chấp. Việc hòa giải không thành tại cơ sở được lập thành biên bản có chữ ký của các bên.
Bà Lan đã tiến hành thủ tục khởi kiện tại TAND có thẩm quyền yêu cầu giải quyết. Tuy nhiên sau khi nhận hồ sơ khởi kiện, Tòa án phản hồi bà Lan vụ việc không được thụ lý và yêu cầu các bên phải thực hiện hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND xã trước khi khởi kiện.
Bà Lan đề nghị cho biết:
- Yêu cầu của TAND như vậy có phù hợp theo quy định pháp luật không?
- Điểm khác nhau giữa việc hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND xã và tại tổ hòa giải cơ sở là gì?
➨ Luật sư tư vấn xử lý tranh chấp đất đai như sau:
Theo quy định của pháp luật hiện hành, việc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở là hình thức được nhà nước khuyến khích các bên thực hiện, trường hợp không hòa giải được thì gửi đơn đến UBND xã nơi có đất đề nghị hòa giải.
Việc hòa giải tranh chấp đất đai ở cơ sở thực hiện dựa trên sự lựa chọn, tự nguyện của các bên tranh chấp. Đây không phải là thủ tục bắt buộc và không phải là điều kiện tiên quyết để được TAND có thẩm quyền thụ lý giải quyết nếu một trong các bên tranh chấp khởi kiện. Theo nội dung quy định tại Luật Hòa giải ở cơ sở, đối với phương thức hòa giải này, các bên có thể lựa chọn hòa giải viên và thống nhất mời thêm người tham gia khác có liên quan, người có uy tín trong làng xóm hoặc dòng họ tham gia hòa giải.
Bên cạnh đó, căn cứ theo quy định của pháp luật, đối với vụ việc tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất thì việc hòa giải tại UBND cấp xã là bắt buộc, biên bản hòa giải tại đây là tài liệu buộc phải có để Tòa án/UBND cấp trên xem xét thụ lý, giải quyết.
Thủ tục, quy trình hòa giải tranh chấp đất đai cấp xã được hướng dẫn tại Luật Đất đai và Nghị định 102/2024/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đất đai của Chính phủ. Ngoài ra, biên bản hòa giải cũng phải đảm bảo đầy đủ điều kiện về nội dung và hình thức theo quy định pháp luật.
Như vậy, theo nội dung quy định trên, bà Lan cần phân biệt rõ việc hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND xã và tại tổ hòa giải cơ sở. Đối với tranh chấp ranh giới đất, nếu việc hòa giải tại tổ chức hòa giải cơ sở chỉ mang tính chất “khuyến khích” thì việc làm thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND xã là một thủ tục bắt buộc trong quá trình giải quyết. Do đó, việc Tòa án từ chối thụ lý hồ sơ khởi kiện của bà Lan là có căn cứ theo quy định pháp luật.
Xem chi tiết:
>> Các hình thức hòa giải tranh chấp đất đai.
>> Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai cấp xã.
> > Các quy định giải quyết tranh chấp đất đai.
Luật sư Diễn Trần - Phòng Pháp lý Anpha
BÌNH LUẬN - HỎI ĐÁP
Hãy để lại câu hỏi của bạn, chúng tôi sẽ trả lời TRONG 15 PHÚT