Quy định cách chia thừa kế theo pháp luật (chia thừa kế không có di chúc) & chia thừa kế theo di chúc. So sánh thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật.
I. Khái niệm thừa kế là gì?
Thừa kế là một quan hệ pháp luật dân sự mà trong đó, người mất chuyển giao tài sản, các quyền và nghĩa vụ liên quan đến tài sản của mình cho người còn sống. Tài sản được chuyển giao gọi là di sản.
Các chủ thể trong quan hệ thừa kế bao gồm:
- Người để lại di sản: Người trước khi mất có quyền sở hữu đối với di sản và có quyền để lại tài sản đó cho những người còn sống khác;
- Người thừa kế: Là người được nhận di sản của người đã mất để lại. Tài sản sẽ được chuyển cho người thừa kế theo ý chí của người để lại di sản hoặc theo pháp luật.
II. Các hình thức thừa kế theo quy định pháp luật
Dưới đây là 2 hình thức thừa kế theo quy định pháp luật hiện hành:
- Thừa kế theo di chúc;
- Thừa kế theo pháp luật (thừa kế không theo di chúc).
1. Thừa kế theo di chúc là gì?
Thừa kế theo di chúc là việc chuyển dịch tài sản của người đã mất cho người còn sống theo ý chí, sự định đoạt của người đó khi họ còn sống.
Vì di chúc là văn bản thể hiện nội dung ý chí của người để lại di sản nên hình thức chia thừa kế theo di chúc hiện được pháp luật ưu tiên hơn hình thức chia thừa kế theo pháp luật.
Tham khảo thêm:
>> Dịch vụ làm di chúc thừa kế;
>> Thủ tục lập di chúc thừa kế;
>> Thủ tục khai nhận di sản thừa kế theo di chúc.
2. Thừa kế theo pháp luật là gì?
Thừa kế theo pháp luật là hình thức thừa kế được thực hiện theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự do pháp luật quy định.
Việc thừa kế theo pháp luật chỉ được thực hiện trong các trường hợp sau:
- Người đã mất không lập di chúc thừa kế;
- Di chúc của người mất không có hiệu lực;
- Những người thừa kế theo di chúc mất trước hoặc mất cùng thời điểm với người đã mất;
- Cơ quan được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm di chúc bắt đầu có hiệu lực;
- Người được hưởng thừa kế theo di chúc nhưng không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Ngoài ra, quy định về thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với:
- Phần di sản không được định đoạt trong di chúc hoặc được định đoạt trong nội dung phần di chúc bị vô hiệu;
- Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng người đó từ chối nhận di sản hoặc không có quyền hưởng di sản.
>> Tham khảo thêm: Cách khai nhận di sản thừa kế theo pháp luật.
III. Phân biệt thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật (không có di chúc)
1. Điểm giống nhau giữa thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật
Thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật có những điểm giống nhau như sau:
➧ Bản chất pháp lý:
Đều là sự chuyển giao tài sản từ người mất để lại cho người sống theo quy định pháp luật.
➧ Thời điểm mở thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật:
Đều là thời điểm người để lại di sản qua đời.
➧ Điều kiện về người thừa kế:
Để được hưởng quyền thừa kế, người thừa kế cần đảm bảo:
- Phải còn sống vào thời điểm mở thừa kế (đối với người thừa kế là cá nhân);
- Phải được sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế (đối với người thừa kế là thai nhi).
➧ Quyền từ chối nhận di sản:
Người thừa kế theo di chúc hay thừa kế theo pháp luật đều có quyền từ chối nhận di sản nhưng phải lập thành văn bản từ chối. Thủ tục này cần được thực hiện trước thời điểm phân chia di sản.
Lưu ý:
Quy định này không áp dụng đối với trường hợp từ chối nhận di sản nhằm mục đích trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ.
➧ Thời hiệu thừa kế:
- Kể từ thời điểm mở thừa kế, thời hiệu để người thừa kế theo di chúc hoặc thừa kế theo pháp luật yêu cầu chia di sản là 10 năm đối với động sản và 30 năm đối với bất động sản;
- Thời hạn này kết thúc thì di sản sẽ thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó.
2. So sánh điểm khác nhau giữa thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật
2.1. Đối tượng được hưởng quyền thừa kế theo di chúc và quyền thừa kế theo pháp luật
Thừa kế theo di chúc |
Thừa kế theo pháp luật |
- Có thể là cá nhân hoặc tổ chức;
- Người được người mất chỉ định trong nội dung di chúc;
- Bố, mẹ, vợ, chồng, con dưới 18 tuổi;
- Con trên 18 tuổi nhưng không có khả năng lao động.
|
Chia theo hàng thừa kế với thứ tự ưu tiên:
- Hàng thứ nhất: Bao gồm vợ/chồng, bố đẻ, mẹ đẻ, bố nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người để lại di sản;
- Hàng thứ hai: Bao gồm ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột… của người để lại di sản;
- Hàng thứ ba: Bao gồm cụ nội, cụ ngoại của người mất, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột… của người để lại di sản.
|
2.2. Hình thức thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật
Thừa kế theo di chúc |
Thừa kế theo pháp luật |
Di chúc (di chúc miệng hoặc di chúc văn bản). |
Văn bản thỏa thuận hoặc khai nhận phân chia di sản thừa kế giữa những người thừa kế (đã được công chứng). |
2.3. Trường hợp áp dụng
Thừa kế theo di chúc |
Thừa kế theo pháp luật |
Người đã mất lập di chúc thừa kế hợp pháp, có hiệu lực. |
- Người đã mất không lập di chúc hoặc đã lập nhưng di chúc không hợp pháp;
- Người thừa kế theo di chúc là cá nhân mất trước hoặc cùng thời điểm với người lập;
- Người thừa kế theo di chúc là tổ chức không còn tồn tại khi di chúc có hiệu lực;
- Người thừa kế theo di chúc không có quyền hưởng/từ chối nhận di sản thừa kế;
- Phần di sản không được định đoạt trong di chúc hoặc được định đoạt trong nội dung phần di chúc bị vô hiệu;
- Phần di sản có liên quan người được thừa kế theo di chúc nhưng không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
|
>> Tham khảo thêm: Cách lập di chúc hợp pháp.
2.4. Thứ tự ưu tiên áp dụng
Thừa kế theo di chúc |
Thừa kế theo pháp luật |
Thừa kế theo di chúc được ưu tiên áp dụng hơn so với thừa kế theo pháp luật. |
2.5. Quy định về thừa kế thế vị
Thừa kế theo di chúc |
Thừa kế theo pháp luật |
Không có quy định. |
Nếu con của người để lại di sản mất trước hoặc mất cùng thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống, tương tự đối với chắt. |
Ví dụ:
Ông Nguyễn Văn A có 1 người con trai tên Nguyễn Văn B. Người con này đã kết hôn và có 2 con. Ông A và con trai không may bất ngờ qua đời cùng thời điểm và ông không để lại di chúc. Trong trường hợp này, cháu ông A - con trai ông B sẽ được hưởng phần thừa kế của người con trai B đối với di sản của ông A.
2.6. Các vấn đề khác có liên quan
Thừa kế theo di chúc |
Thừa kế theo pháp luật |
Có quy định cụ thể về các vấn đề:
- Người làm chứng di chúc;
- Người được gửi giữ hoặc công bố di chúc…
|
Quy định cụ thể về các vấn đề:
- Quyền thừa kế giữa cha mẹ nuôi, cha mẹ đẻ với con nuôi;
- Việc thừa kế trong trường hợp vợ chồng đã chia tài sản chung…
|
IV. Câu hỏi thường gặp về thừa kế theo di chúc và thừa kế không theo di chúc
1. Thừa kế theo di chúc hay thừa kế theo pháp luật được ưu tiên hơn?
Do di chúc là văn bản thể hiện nội dung ý chí của người để lại di sản nên pháp luật ưu tiên hình thức phân chia di sản thừa kế theo di chúc hơn phân chia di sản thừa kế theo pháp luật.
2. Người thừa kế theo pháp luật có thể là cơ quan, tổ chức như thừa kế theo di chúc không?
Đối tượng được hưởng thừa kế theo pháp luật không bao gồm cơ quan, tổ chức mà chỉ có thể là cá nhân thuộc hàng thừa kế theo quy định.
3. Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong các trường hợp nào?
Việc thừa kế theo pháp luật chỉ được thực hiện trong các trường hợp như sau:
- Người để lại di sản không lập di chúc hoặc di chúc của người để lại di sản không hợp pháp;
- Những người thừa kế theo di chúc mất trước hoặc mất cùng thời điểm với người lập di chúc;
- Cơ quan hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm di chúc có hiệu lực;
- Người được hưởng thừa kế theo di chúc nhưng không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Ngoài ra, quy định về thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với:
- Phần di sản không được định đoạt trong di chúc hoặc được định đoạt trong nội dung phần di chúc bị vô hiệu;
- Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng người đó không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Luật sư Diễn Trần - Phòng Pháp lý Anpha
BÌNH LUẬN - HỎI ĐÁP
Hãy để lại câu hỏi của bạn, chúng tôi sẽ trả lời TRONG 15 PHÚT