Hồ sơ và thủ tục khởi kiện tranh chấp đất đai - Đơn khởi kiện

Điều kiện làm thủ tục khởi kiện tranh chấp đất đai. Quy trình giải quyết tranh chấp đất đai, hòa giải tranh chấp đất đai. Tải mẫu đơn khởi kiện tranh chấp đất đai.

I. Thế nào là tranh chấp đất đai?

1. Khái niệm tranh chấp đất đai 

Tranh chấp đất đai là sự mâu thuẫn, xung đột về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên phát sinh liên quan trong lĩnh vực đất đai. 

2. Các loại tranh chấp đất đai

Tranh chấp đất đai bao gồm 3 dạng chính sau đây: 

➧ Tranh chấp về quyền sử dụng đất:

  • Tranh chấp ranh giới đất đai giữa các thửa đất của những người sử dụng đất;
  • Tranh chấp đòi lại quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất đã xác lập quyền sở hữu.

➧ Tranh chấp về quyền, nghĩa vụ phát sinh trong quá trình sử dụng đất:

Đây là tranh chấp về mục đích sử dụng đất hoặc phát sinh liên quan đến hợp đồng dân sự về quyền sử dụng đất như: yêu cầu tuyên giao dịch dân sự vô hiệu, công nhận hiệu lực hợp đồng, yêu cầu thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng.

➧ Tranh chấp liên quan đến đất đai:

  • Tranh chấp về thừa kế;
  • Tranh chấp về chia tài sản là quyền sử dụng đất khi vợ chồng ly hôn.

Tìm hiểu thêm: 

>> Tranh chấp đất đai là gì;

>> Thủ tục giải quyết tranh chấp về quyền thừa kế đất đai.

II. Điều kiện khởi kiện tranh chấp đất đai

Để khởi kiện tranh chấp đất đai tại Tòa án có thẩm quyền, người khởi kiện cần đảm bảo một số điều kiện nhất định theo quy định của pháp luật như sau:

1. Chủ thể có quyền khởi kiện tranh chấp đất đai

Người khởi kiện phải là cá nhân, tổ chức có quyền và lợi ích hợp pháp liên quan đến quyền sử dụng đất bị xâm phạm.

2. Hòa giải tranh chấp đất đai

Nhà nước khuyến khích các bên thực hiện hòa giải tranh chấp đất đai trước khi khởi kiện. Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai được thực hiện tại UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp.

Lưu ý:

Trường hợp tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất thì thủ tục hòa giải là điều kiện bắt buộc trước khi khởi kiện tại Tòa án.

>> Tham khảo thêm: Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai ở UBND cấp xã.

3. Hồ sơ khởi kiện tranh chấp đất đai hợp lệ

Một trong những điều kiện khởi kiện tranh chấp quyền sử dụng đất là phải có bộ hồ sơ hợp lệ, bao gồm:

  • Đơn khởi kiện;
  • Các tài liệu, chứng cứ liên quan như: giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, biên bản hòa giải (nếu có) hoặc các tài liệu, chứng cứ khác liên quan đến tranh chấp đất đai.

Bạn xem chi tiết hồ sơ tranh chấp đất đai và tải đơn khởi kiện tranh chấp đất đai tại mục III dưới đây.

4. Xác định Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai

Xác định đúng Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định tại mục IV dưới đây. 

III. Hồ sơ khởi kiện tranh chấp đất đai

Danh sách các giấy tờ và tài liệu cần thiết để nộp hồ sơ khởi kiện tranh chấp đất đai tại Tòa án có thẩm quyền bao gồm:

  1. Đơn khởi kiện: Nêu rõ thông tin người khởi kiện, người bị kiện, nội dung tranh chấp, yêu cầu của người khởi kiện và các thông tin liên quan khác theo quy định;
  2. Giấy tờ pháp lý cá nhân của người khởi kiện: CMND/CCCD/hộ chiếu, xác nhận thông tin cư trú…;
  3. Biên bản hòa giải tại UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp (bắt buộc trong trường hợp tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất);
  4. Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất: sổ đỏ/sổ hồng hoặc các giấy tờ khác chứng minh quyền sử dụng đất của người khởi kiện;
  5. Giấy tờ, tài liệu liên quan đến tranh chấp đất đai: tài liệu liên quan đến việc mua bán, chuyển nhượng, thừa kế, cho tặng quyền sử dụng đất (nếu có)...;
  6. Các tài liệu, chứng cứ khác liên quan đến tranh chấp chứng minh quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm.

>> TẢI MIỄN PHÍ: Đơn khởi kiện tranh chấp đất đai

IV. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai của Tòa án

Việc giải quyết tranh chấp đất đai thuộc thẩm quyền của Tòa án trong các trường hợp sau đây:

  • Đương sự có các giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật;
  • Đương sự không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, đồng thời không chọn hình thức giải quyết tranh chấp tại UBND có thẩm quyền mà chọn hình thức khởi kiện ra Tòa án.

Tùy thuộc trường hợp tranh chấp đất đai cụ thể mà thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai của Tòa án sẽ khác nhau, được xác định như sau:

  • Tòa án nhân dân (TAND) cấp huyện: Tranh chấp không có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài, không cần phải ủy thác tư pháp;
  • Tòa án nhân dân cấp tỉnh:
    • Tranh chấp có đương sự/tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp; 
    • Các tranh chấp về đất đai có tính chất phức tạp lấy lên từ TAND cấp huyện.

Ngoài ra, căn cứ quy định pháp luật liên quan đến thẩm quyền theo lãnh thổ của Tòa án: 

  • Tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất hoặc kiện đòi lại quyền sử dụng đất: Thuộc thẩm quyền của Tòa án nơi có bất động sản;
  • Tranh chấp các giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất: Thuộc thẩm quyền của Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc.

V. Quy trình thực hiện thủ tục khởi kiện tranh chấp đất đai

Cách khởi kiện tranh chấp đất đai được thực hiện lần lượt theo các bước sau:

➧ Bước 1: Nộp hồ sơ khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền

Người nộp hồ sơ khởi kiện có thể chọn một trong các hình thức theo quy định sau: 

  • Nộp trực tiếp hoặc gửi bưu điện đến TAND có thẩm quyền; 
  • Nộp trực tuyến qua Cổng thông tin của TAND có thẩm quyền (nếu có).

➧ Bước 2: Tòa án gửi thông báo nộp tiền tạm ứng án phí cho người khởi kiện

Sau khi tiếp nhận bộ hồ sơ hợp lệ, Tòa án ra thông báo nộp tiền tạm ứng án phí và gửi cho người khởi kiện.

➧ Bước 3: Nhận thông báo đóng tạm ứng án phí và nộp tạm ứng án phí

Trong vòng 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo, đương sự phải hoàn thành nộp tiền tạm ứng án phí. Sau đó, đương sự nộp lại cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí để Tòa án tiến hành các thủ tục tố tụng khác theo quy định.

➧ Bước 4: Tòa án thụ lý và giải quyết theo thủ tục tố tụng

Sau khi nhận được biên lai thu tiền tạm ứng án phí, Tòa án ra thông báo thụ lý, sau đó giải quyết vụ án theo đúng trình tự thủ tục tố tụng pháp luật quy định.

VI. Các câu hỏi liên quan đến thủ tục tranh chấp đất đai

1. Phân loại các dạng tranh chấp đất đai

Tranh chấp đất đai bao gồm 3 dạng chính: 

  • Tranh chấp về quyền sử dụng đất (ranh giới, kiện đòi tài sản); 
  • Tranh chấp về quyền, nghĩa vụ phát sinh trong quá trình sử dụng đất (giao dịch dân sự liên quan đến quyền sử dụng đất);
  • Tranh chấp liên quan đến đất đai (thừa kế, chia tài sản là quyền sử dụng đất khi vợ chồng ly hôn).

Tham khảo thêm: 

>> Phân loại tranh chấp đất đai;

>> Hướng dẫn giải quyết tranh chấp tài sản thừa kế.

2. Tranh chấp đất đai nào bắt buộc phải hòa giải tại UBND xã trước khi khởi kiện tại Tòa án?

Tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất bắt buộc phải hòa giải tại UBND xã trước khi khởi kiện tại Tòa án.

>> Có thể bạn quan tâm: Dịch vụ giải quyết tranh chấp đất đai - Có luật sư miễn phí tư vấn.

3. Các trường hợp tranh chấp đất đai thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án?

Việc giải quyết tranh chấp đất đai thuộc thẩm quyền của Tòa án trong các trường hợp sau:

  • Đương sự có các giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật;
  • Đương sự không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, đồng thời không chọn hình thức giải quyết tranh chấp tại UBND có thẩm quyền mà chọn hình thức khởi kiện ra Tòa án.

Luật sư Diễn Trần - Phòng Pháp lý Anpha

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Đánh giá chất lượng bài viết, bạn nhé!

0.0

Chưa có đánh giá nào
Chọn đánh giá

Gửi đánh giá

BÌNH LUẬN - HỎI ĐÁP

Hãy để lại câu hỏi của bạn, chúng tôi sẽ trả lời TRONG 15 PHÚT

SĐT và email sẽ được ẩn để bảo mật thông tin của bạn GỬI NHANH