Cách chuyển lỗ thuế TNDN trên phụ lục 03/2/TNDN theo TT 80

Khi lập quyết toán thuế TNDN, bạn cần làm phụ lục chuyển lỗ. Anpha hướng dẫn bạn cách chuyển lỗ trên phụ lục 03-2/TNDN theo Thông tư 80. Có ví dụ chi tiết.

I. Điều kiện để được chuyển lỗ

  • Doanh nghiệp được chuyển lỗ khi trong kỳ tính thuế phát sinh lãi và số lỗ của các năm trước chưa được chuyển lỗ hoặc là chưa chuyển hết;
  • Số lỗ của kỳ trước được chuyển tối đa bằng số lãi của kỳ hiện tại;
  • Doanh nghiệp thực hiện chuyển lỗ liên tục và tối đa trong vòng 5 năm. Quá thời hạn 5 năm kể từ năm tiếp sau năm phát sinh lỗ mà doanh nghiệp chưa chuyển hết lỗ thì sẽ không được chuyển nữa.

II. Cách chuyển lỗ trên phụ lục 03-2/TNDN (có ví dụ chi tiết)

Mẫu phụ lục 03-2/TNDN chuyển lỗ theo TT 80/2021:

Trong kỳ doanh nghiệp phát sinh lỗ từ hoạt động sản xuất kinh doanh và phát sinh cả lỗ của hoạt động chuyển nhượng bất động sản thì doanh nghiệp phải tách riêng số lỗ của hoạt động sản xuất kinh doanh kê khai ở phần I và lỗ của hoạt động chuyển nhượng bất động sản kê khai ở phần II của phụ lục 03-2/TNDN.

  • Cột (2): Phần mềm tự động cập nhật 5 năm gần nhất được chuyển lỗ của kỳ báo cáo;
  • Cột (3): Điền số lỗ phát sinh của các năm tương ứng ở cột (2) (số lỗ của hoạt động sản xuất kinh doanh của các năm trước lấy ở chỉ tiêu B14 (khi B14 < 0), số lỗ của hoạt động chuyển nhượng bất động sản thì lấy ở chỉ tiêu B15 (khi B15 < 0) trên tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp của các năm trước;
  • Cột (4): Điền tổng số lỗ đã được chuyển trong các kỳ tính thuế trước là tổng số lỗ được chuyển trong kỳ tính thuế này ở phụ lục chuyển lỗ của những năm trước;
  • Cột (5): Điền số lỗ được chuyển trong kỳ tính thuế hiện tại;
    • Trường hợp 1: Tổng số lỗ của kỳ trước nhỏ hơn số lãi của kỳ tính thuế thì số tiền lỗ được chuyển trong kỳ bằng số lỗ phát sinh của các kỳ trước;
    • Trường hợp 2: Tổng số lỗ của kỳ trước lớn hơn số lãi của kỳ này thì doanh nghiệp thực hiện chuyển lỗ dần, số lỗ của kỳ trước được chuyển trong kỳ bằng số tiền lãi phát sinh trong kỳ.
  • Cột (6): Phần mềm tự tính số lỗ chưa chuyển hết và được chuyển sang các kỳ tính thuế sau (6) = (3) - (4) - (5).

1. Trường hợp doanh nghiệp chỉ phát sinh hoạt động sản xuất kinh doanh và không có hoạt động chuyển nhượng bất động sản

Trong trường hợp này thì doanh nghiệp chỉ kê khai chuyển lỗ vào phần I của phụ lục 03-2/TNDN.

  • Khi số lỗ của kỳ trước nhỏ hơn số lãi của kỳ này thì doanh nghiệp thực hiện chuyển lỗ 1 lần và số tiền lỗ được chuyển trong kỳ này bằng với số lỗ phát sinh của kỳ trước;
  • Khi số lỗ của kỳ trước lớn hơn số lãi của kỳ này thì doanh nghiệp thực hiện chuyển lỗ dần, số lỗ của kỳ trước được chuyển bằng số tiền lãi phát sinh trong kỳ này và được chuyển liên tục tối đa trong vòng 5 năm;
  • Nếu doanh nghiệp phát sinh hoạt động kinh doanh được hưởng ưu đãi thuế và hoạt động kinh doanh không được hưởng ưu đãi thuế, trong các kỳ tính thuế trước doanh nghiệp phát sinh lỗ và số lỗ đó vẫn còn trong thời hạn chuyển lỗ thì doanh nghiệp phải chuyển lỗ tương ứng với các hoạt động có thu nhập chịu thuế. Trong trường hợp doanh nghiệp không tách riêng được lỗ của từng hoạt động thì chuyển lỗ vào thu nhập của hoạt động được hưởng ưu đãi thuế trước nếu vẫn còn lỗ thì chuyển tiếp vào thu nhập của hoạt động kinh doanh không được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp.

Ví dụ:

Năm 2021, công ty A có phát sinh lãi từ hoạt động sản xuất phần mềm được hưởng ưu đãi thuế là 250 triệu đồng, lãi từ hoạt động kinh doanh máy tính không được hưởng ưu đãi thuế là 100 triệu đồng. Kỳ tính thuế năm 2020, công ty lỗ 300 triệu đồng tuy nhiên công ty không tách riêng được khoản lỗ này là của hoạt động nào. Vì vậy, công ty thực hiện chuyển lỗ của năm 2020 vào phần lãi của hoạt động được hưởng ưu đãi thuế trước sau đó sẽ chuyển phần lỗ còn lại vào lãi của hoạt động kinh doanh không được hưởng ưu đãi thuế cụ thể như sau:

  • Năm 2020 lỗ 300 triệu đồng sẽ được chuyển lỗ cho hoạt động hưởng ưu đãi thuế 250 triệu đồng và hoạt động kinh doanh không được hưởng ưu đãi thuế là 50 triệu đồng;
  • Sau khi chuyển lỗ năm 2020 sang thì năm 2021 công ty A phát sinh thu nhập tính thuế là 50 triệu đồng.

➨ Như vậy, doanh nghiệp kê khai trên phụ lục 03-2/TNDN như sau:

2. Trường hợp doanh nghiệp vừa phát sinh hoạt động sản xuất kinh doanh vừa phát sinh hoạt động chuyển nhượng bất động sản

  • Đối với trường hợp này thì doanh nghiệp phải tách riêng phần lỗ của hoạt động sản xuất kinh doanh và lỗ của hoạt động chuyển nhượng bất động sản. Doanh nghiệp kê khai chuyển lỗ của hoạt động kinh doanh vào phần I và kê khai chuyển lỗ của hoạt động chuyển nhượng bất động sản vào phần II của phụ lục 03-2/TNDN.
  • Trong kỳ tính thuế: 
    • Nếu hoạt động chuyển nhượng bất động sản phát sinh lỗ, hoạt động sản xuất kinh doanh phát sinh lãi thì số lỗ của hoạt động chuyển nhượng BĐS sẽ được bù trừ với số lãi của hoạt động sản xuất kinh doanh, sau khi bù trừ mà vẫn còn lỗ thì số lỗ còn lại sẽ được chuyển sang các năm tiếp theo trong thời hạn chuyển lỗ theo quy định;
    • Nếu hoạt động chuyển nhượng BĐS lời và hoạt động sản xuất kinh doanh lỗ thì không được bù trừ lỗ của hoạt động sản xuất kinh doanh với lãi của hoạt động chuyển nhượng BĐS trong kỳ. Trừ khi doanh nghiệp làm thủ tục giải thể và sau khi có quyết định giải thể nếu doanh nghiệp có tài sản cố định là BĐS và chuyển nhượng lại nếu hoạt động chuyển nhượng BĐS này phát sinh lời thì sẽ được bù trừ với lỗ của hoạt động sản xuất kinh doanh trong kỳ và lỗ của các kỳ trước chuyển sang.

Ví dụ:

Công ty B phát sinh lợi nhuận trước thuế của hoạt động sản xuất kinh doanh và hoạt động chuyển nhượng bất động sản từ năm 2015 đến năm 2021 như bảng sau:

2015 2016 2017 2018 2019 2020 2021
Hoạt động sản xuất kinh doanh Lỗ 400 triệu Lời 100 triệu Lỗ 150 triệu Lời 100 triệu Lời 50 triệu Lời 80 triệu Lời 350 triệu
Hoạt động chuyển nhượng BĐS Lỗ 300 triệu Lời 200 triệu Lỗ 100 triệu Lỗ 200 triệu Lời 180 triệu Lời 250 triệu Lỗ 80 triệu

Công ty sẽ thực hiện chuyển lỗ các năm như sau:

  • Năm 2016:
    • Số lỗ năm 2015 của hoạt động kinh doanh được chuyển trong năm 2016 là 100 triệu đồng, số lỗ còn được chuyển sang kỳ sau là 300 triệu đồng. Doanh nghiệp điền lên phụ lục 03-2A (chuyển lỗ từ hoạt động sản xuất kinh doanh) như sau:

  • Số lỗ năm 2015 của hoạt động chuyển nhượng bất động sản được chuyển trong năm 2016 là 200 triệu đồng, số lỗ còn được chuyển sang kỳ sau là 100 triệu đồng. Doanh nghiệp điền lên phụ lục 03-2B (chuyển lỗ từ chuyển quyền sử dụng đất và quyền thuê đất) như sau:

  • Năm 2017: Công ty phát sinh lỗ nên không kê khai chuyển lỗ;
  • Năm 2018:
    • Số lỗ năm 2015 của hoạt động kinh doanh được chuyển trong năm 2018 là 100 triệu đồng. Số lỗ của năm 2015 chưa chuyển hết là 200 triệu đồng, lỗ năm 2017 chưa chuyển là 150 triệu đồng. Doanh nghiệp điền lên phụ lục 03-2A (chuyển lỗ từ hoạt động sản xuất kinh doanh) như sau:

  • Hoạt động chuyển nhượng bất động sản phát sinh lỗ nên không chuyển lỗ.
  • Năm 2019: 
    • Số lỗ năm 2015 của hoạt động kinh doanh được chuyển trong năm 2019 là 50 triệu đồng, số lỗ của năm 2015 chưa chuyển hết là 150 triệu đồng, lỗ năm 2017 chưa chuyển là 150 triệu đồng. Doanh nghiệp điền lên phụ lục 03-2A (chuyển lỗ từ hoạt động sản xuất kinh doanh) như sau:

  • Số lỗ của hoạt động chuyển nhượng bất động sản năm 2015 được chuyển trong năm 2019 là 100 triệu đồng, và năm 2017 là 80 triệu đồng, số lỗ của năm 2015 đã chuyển hết, lỗ của năm 2017 chưa chuyển hết là 20 triệu đồng và lỗ năm 2018 chưa chuyển là 200 triệu đồng. Doanh nghiệp điền lên phụ lục 03-2B (chuyển lỗ từ chuyển quyền sử dụng đất và quyền thuê đất) như sau:

  • Năm 2020:
    • Số lỗ năm 2015 của hoạt động kinh doanh được chuyển trong năm 2020 là 80 triệu đồng, số lỗ của năm 2015 còn lại chưa chuyển hết là 70 triệu đồng sẽ không được chuyển trong năm 2021 nữa vì đã quá thời hạn 5 năm, số lỗ của năm 2017 được chuyển sang kỳ sau là 150 triệu đồng. Doanh nghiệp điền lên phụ lục 03-2A (chuyển lỗ từ hoạt động sản xuất kinh doanh) như sau:

  • Số lỗ của hoạt động chuyển nhượng bất động sản năm 2017 được chuyển trong năm 2020 là 20 triệu đồng, và năm 2018 là 200 triệu đồng, sau khi chuyển hết lỗ của hoạt động chuyển nhượng bất động sản thì công ty còn lời 30 triệu đồng. Năm 2020 công ty phát sinh thu nhập tính thuế của hoạt động chuyển nhượng bất động sản là 30 triệu đồng. Doanh nghiệp điền lên phụ lục 03-2B (chuyển lỗ từ chuyển quyền sử dụng đất và quyền thuê đất) như sau:

  • Năm 2021: Số lỗ năm 2017 của hoạt động kinh doanh được chuyển trong năm 2021 là 150 triệu đồng, sau khi chuyển hết số lỗ của hoạt động sản xuất kinh doanh thì công ty lời 200 triệu đồng và được bù trừ lỗ của hoạt động chuyển nhượng bất động sản 80 triệu đồng nên thu nhập tính thuế năm 2021 của công ty là 120 triệu đồng.

Theo TT 80/2021/TT-BCT thì bắt đầu từ năm 2021 doanh nghiệp kê khai phụ lục chuyển lỗ theo mẫu mới sẽ gộp chung phụ lục 03-2A/TNDN và phụ lục 03-2B/TNDN thành phụ lục 03-2/TNDN, vì vậy năm 2021 doanh nghiệp sẽ kê khai phụ lục chuyển lỗ như sau:

Xem thêm:

>> Cách lập tờ khai quyết toán thuế TNDN mẫu 03/TNDN theo TT 80;

>> Lập phụ lục về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp [3-3A/TNDN]

III. Câu hỏi thường gặp về chuyển lỗ thuế TNDN

1. Số lỗ của doanh nghiệp phát sinh trước khi chuyển đổi loại hình, sáp nhập, hợp nhất thì sau khi chuyển đổi loại hình, sáp nhập, hợp nhất xong thì doanh nghiệp thực hiện chuyển lỗ như thế nào?

Khi doanh nghiệp thực hiện quyết toán với cơ quan thuế tới thời điểm có quyết định chuyển đổi loại hình, sáp nhập hay hợp nhất thì doanh nghiệp theo dõi chi tiết số lỗ phát sinh của từng năm chưa chuyển hết và bù trừ vào thu nhập cùng năm của doanh nghiệp sau khi đã chuyển đổi loại hình, sáp nhập, hợp nhất. Nếu vẫn chưa bù trừ hết số lỗ trong cùng năm thì được tiếp tục chuyển vào thu nhập của các năm tiếp theo tối đa trong vòng 5 năm kể từ năm phát sinh lỗ.


2. Doanh nghiệp chia, tách thành doanh nghiệp khác mà vẫn còn lỗ chưa chuyển hết thì sau khi chia, tách thành số lỗ đó sẽ được phân bổ như thế nào?

Số lỗ của doanh nghiệp trước khi chia, tách thành doanh nghiệp khác nếu vẫn còn trong thời hạn được chuyển lỗ thì số lỗ này sẽ được phân bổ theo tỷ lệ vốn chủ sở hữu cho các doanh nghiệp sau khi chia, tách thành doanh nghiệp khác.


Thảo Phạm - Phòng Kế toán Anpha

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Đánh giá chất lượng bài viết, bạn nhé!

5.0

2 đánh giá
Chọn đánh giá

Gửi đánh giá

BÌNH LUẬN - HỎI ĐÁP

Hãy để lại câu hỏi của bạn, chúng tôi sẽ trả lời TRONG 15 PHÚT

SĐT và email sẽ được ẩn để bảo mật thông tin của bạn GỬI NHANH